Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-08-2018

John McCain, người lính cương trực lạc vào chính trường

usa mc cain -arizona
Thượng nghị sĩ John McCain tại Phoenix, bang Arizona (Hoa Kỳ), ngày 7/04/2015.
REUTERS/Nancy Wiechec

Về thời sự quốc tế, sự kiện được nhiều tờ báo dành các bài viết với nhiều trân trọng, xúc động là thượng nghị sỹ đảng Cộng Hòa Mỹ, John McCain vừa qua đời hôm 25/08 vì bệnh ung thư não, 4 ngày trước khi ông bước vào tuổi 82.

Nhắc đến John McCain, các báo đều đồng thanh gọi ông là « người hùng của chiến tranh Việt Nam », nơi ông đã trải qua hơn 5 năm là tù binh.

Nhật báo Le Figaro chạy tựa bài phóng sự : « McCain, người khẳng khái của Thượng Viện ».

Theo le Figaro thì « John Sidney McCain là một người lính bị lạc vào chính trị ».
Thế nhưng chính trị lại là địa hạt mà ông đã thành công và được trân trọng còn hơn cả quãng đời binh nghiệp khá ngắn ngủi.

Le Figaro nhận xét : « Không có tính kỷ luật và các đức tính của quân nhân – trọng danh dự, tình yêu tổ quốc, trung thành, phẩm giá - thượng nghị sĩ John McCain chắc chắn sẽ không trở thành một trong những trụ cột của Quốc Hội Mỹ từ năm 1983, liên tục tái đắc cử để đại diện cho bang Arizona ».

 Cũng vì tính cách cương trực không khoan nhượng, không thỏa hiệp, mà năm 2008 ông đã không được đảng Cộng Hòa bầu ra ứng cử tổng thống đấu với Barack Obama.
Le Figaro ghi nhận : Trong 6 nhiệm kỳ Quốc Hội, 2 ở Hạ Viện và 4 ở Thượng Viện, John McCain đã có được bộ « sưu tập kẻ thù » không ai bằng.

 Được mệnh danh « thượng nghị sĩ hay nổi khùng », ông từng nổi tiếng vì đã lăng mạ nhiều đồng nghiệp và có lần dùng đến cả sức mạnh cơ bắp trong các cuộc tranh luận về những vấn đề như người nhập cư, quyền phá thai hay quyền tự do mang súng...
Con người khẳng khái này không ngần ngại đoạn tuyệt với gia đình chính trị của mình, chỉ vì những nguyên tắc mà ông theo đuổi bị vi phạm.

Như về hồ sơ Irak, ông McCain là người đầu tiên trong đảng Cộng Hòa phê phán chiến lược của chính quyền Mỹ, khi đó thuộc đảng Cộng Hòa, và ông đấu tranh kịch liệt chống tệ tra tấn tù binh của CIA.

Về nhập cư, ông là người ủng hộ việc hợp thức hóa cho những người nhập cư lậu nhưng đã có công ăn việc làm và tôn trọng pháp luật Mỹ.
Và từ 2 năm nay, ông trở thành một người chống kịch liệt tổng thống Donald Trump trên mọi phương diện.

Trong phần kết bài phóng sự, Le Figaro trích dẫn một đoạn trong cuốn sách cuối cùng của thượng nghị sĩ John McCain The Restless Wave (Con sóng không nghỉ) vừa xuất bản hồi tháng 5 năm nay.

Ông McCain đã vĩnh biệt cuộc sống như thế này :
 « Tôi rất ghét vì phải rời khỏi cuộc đời. Nhưng tôi không có lý do gì để phàn nàn.
Cuộc đời tôi đã là một cuộc phiêu lưu thiêng liêng.
Tôi đã qua nhiều đam mê, thấy bao điều kỳ diệu, đã lao vào chiến tranh và rồi lại góp phần cho hòa bình. Tôi đã có được một chỗ nhỏ bé trong câu chuyện của nước Mỹ và lịch sử của thời đại mình. »

Hạt nhân Bắc Triều Tiên: Donald Trump trở mặt, tổng thống Hàn Quốc lo âu

Chuyển qua thời sự châu Á. Với bài : Hạt nhân Triều Tiên : Washington mất kiên nhẫn, Le Figaro trở lại sự việc cuối tuần qua, tổng thống Donald Trump đột ngột hủy chuyến đi của ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng dự kiến trong tuần này, để tiếp tục thảo luận về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Tờ báo ghi nhận đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ tỏ vẻ không hài lòng về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên kể từ cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong Un giữa tháng 6 vừa rồi.
Trục trặc ngoại giao này lại gây lo ngại đặc biệt cho tổng thống Hà Quốc Moon Jae In, người đã đưa ra nhiều sáng kiến trong thời gian gần đây để cải thiện quan hệ với người anh em thù nghịch miền Bắc và để giải tỏa cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo Le Figaro, rõ ràng là do lo ngại, nên thứ Bảy vừa rồi, chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi ông Mike Pompeo duy trì « đối thoại » với Bình Nhưỡng.
Nếu Donald Trump không thay đổi ý kiến thêm lần nữa, ông Moon Jae In sẽ rơi vào sự lựa chọn lưỡng nan trước Kim Jong Un.

Hoặc ông có thể ra điều kiện tăng cường hợp tác liên Triều với vấn đế giải trừ hạt nhân, điều này có thể phá hỏng các dự định của ông.
Hoặc ông tiếp tục tiếp tục mở cửa không đổi chác ràng buộc gì với Bình Nhưỡng, điều này lại đi ngược lại với chiến lược của Mỹ.

Về phần ông Donald Trump, tổng thống Mỹ đã đi quá nhanh khi hồi tháng 6 tuyên bố đã hết mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Giờ đây ông quay sang đổ lỗi cho Trung Quốc. Nhưng theo Le Figaro, thật khó cho ông Trump khi vừa tuyên chiến thương mại với Bắc Kinh, nhưng lại đòi hỏi họ hỗ trợ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Quân Nga tham chiến giúp chế độ Assad

Chuyển qua nhật báo Le Monde. Trang quốc tế của tờ báo đề cập đến hồ sơ Syria với thông báo đáng chú ý : « Matxcơva đã đưa 63 nghìn lính để bảo vệ chế độ Bachar Al–Assad ».
Le Monde cho hay, gần 3 năm sau khi khởi sự can thiệp quân sự tại Syria, Kremlin đang đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền cho hòa hợp hòa giải, chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Trong khi đó, với sự hậu thuẫn của quân đội Nga, chế độ Bachar Al-Assad đang chuẩn bị cuộc tấn công lớn vào vùng Idlib (Tây bắc Syria), nơi nhiều thường dân và quân nổi dậy bị truy đuổi khắp nước đang dồn về.

Bộ Quốc Phòng Nga vừa có động thái chứng tỏ minh bạch.
Trong một vidéo lần đầu công bố hôm 22/8 vừa rồi trên YouTube, Nga xác nhận từ đầu cuộc can thiệp quân sự hồi tháng 9/2015 đã có hơn 63.000 quân Nga chiến đấu ở chiến trường Syria.

Trong đó có 434 tướng và 25738 sĩ quan. Một con số khác được video nói trên tiết lộ : Không quân Nga đã tiến hành 39.000 cuộc xuất kích và tiêu diệt hơn « 86.000 quân nổi dậy » và phá hủy 121.466 « mục tiêu quân khủng bố ».

Thực tế, từ 3 năm qua, không quân Nga đã huy động một lực lượng lớn tham chiến ở Syria, gồm các máy bay ném bom Su-24, SU-34, trực thăng, máy bay ném bom chiến lược TU-22 và TU-160 cùng nhiều loại chiến đấu cơ đa chức năng như Su-35, Su-57 thế hệ mới nhất.

Hồi tháng Hai năm nay, tướng Vladimir Chamanov, lãnh đạo Ủy ban Quốc Phòng của Quốc Hội Nga, hoan hỉ thông báo quân đội đã cho thử nghiệm « hơn 200 loại vũ khí mới » trên chiến trường Syria, tuy cụ thể không cho biết rõ loại vũ khí nào đã được đem ra thử nghiệm.

Le Monde nhắc lại, hồi tháng 12/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố có 48.000 quân Nga tham chiến ở Syria.
Tám tháng sau, quân số này đã được tăng lên, trong khoảng thời gian đó ông Putin đã có đôi lần thông báo rút quân khỏi chiến trường Syria.

Con số bộ Quốc Phòng Nga vừa tiết lộ chưa phải là đầy đủ, chưa kể đến những cố vấn quân sự, đội quân đánh thuê chuyên nghiệp của tư nhân.
Về thiệt hại nhân mạng, vẫn theo nhật báo Pháp, chính thức thì đã có 92 quân nhân Nga thiệt mạng tại Syria kể từ đầu cuộc can thiệp.

Trên thực tế con số đó có thể còn cao hơn nhiều, nhưng không bao giờ được Matxcơva xác nhận.
Còn những con số khác cũng khá ấn tượng, được công bố trong video nói trên, trong tổng số 86.000 quân nổi dậy bị quân đội Nga khẳng định đã tiêu diệt, có khoảng 4500 chiến binh đến từ Nga hay một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Tuy nhiên, báo chí Nga tránh đề cập đến chủ đề này mà chỉ tập trung vào thắng lợi quân sự, cũng như giờ đây họ đang tập trung tuyên truyền cho chiến dịch nhân đạo và hòa giải cho Syria.

Du khách Trung Quốc, công cụ ngoại giao mới của Bắc Kinh

Báo Le Monde đưa tin, theo số liệu của Viện Thống Kê Quốc Gia Insee vừa công bố, năm 2018 này, số du khách nước ngoài đến Pháp chắc chắn sẽ vượt con số 90 triệu người, phá kỷ lục của năm trước.

Lĩnh vực chiếm 7% tỷ trọng thu nhập quốc dân của nước Pháp này đang có chiều hướng làm ăn phát đạt nhất từ trước tới nay, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi khủng bố, mất an ninh.

Trong đó số du khách Trung Quốc chiếm khoảng 2,3 triệu người. Tiềm năng của du khách Trung Quốc đang rất lớn.
 Cũng như nhiều nước khác, Pháp đang cố gắng tìm kiếm cách thu hút số khách tiềm năng này.

Le Monde dẫn số liệu của Viện Nghiên Cứu Du Lịch Trung Quốc vừa công bố hôm 22/08 cho biết : Trong vòng 6 tháng đầu năm, đã có 71 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, tức là tăng 15% so với năm 2017.

Hiện tại các điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc vẫn là châu Á.
 Trước tiên là đặc khu hành chính Hồng Kông, Macau hay các nước trong vùng như Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Malaysia.

Có điểm đáng chú ý là Bắc Kinh đã nhìn thấy du khách của họ như là một thứ vũ khí ngoại giao lợi hại.
Le Monde nhắc lại là từ tháng Ba đến tháng 11/2017, Trung Quốc đã cấm đưa du khách đến Hàn Quốc để đáp trả quyết định của Seoul cho triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ.
Vụ này đã gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho ngành du lịch Hàn Quốc.

Le Monde kết luận : Du lịch rõ ràng đã trở thành tấm gương phản ánh các ưu tiên và tham vọng địa chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trang nhất báo Pháp :

Lướt qua trang nhất các báo Pháp hôm nay thấy chủ chủ yếu là chuyện nội tình nước Pháp.
Le Monde trang nhất : Du lịch: Vì sao Pháp phá kỷ lục. Le Figaro thì « Lo ngại bùng phát về bạo lực » trong xã hội Pháp.

Libération mổ xẻ phân tích một điều tra xã hội do Viavoice thực hiện cho thấy 66% dân Pháp cho rằng chính phủ đã không hành động đủ để chống tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

Trong khi đó nhật báo Công giáo La Croix thì quan tâm đến vấn đề di dân tị nạn với hàng tựa trang nhất : «  Người Rohingyas, không thể quay về », nhân 1 năm sau cuộc chạy nạn ồ ạt của gần một triệu người sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo để tránh các vụ đàn áp của quân đội Miến Điện…

Dù vẫn phải sống trong các trại tạm bợ bên biên giới Bangladesh, nhưng cơ hội họ trở về Miến Điện ngày càng mất dần do thái độ của chính quyền Miến Điện, cũng như không còn mấy ai muốn trở về.
 

Switch mode views: