Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-07-2018
- Thứ Năm, 12 tháng Bảy năm 2018 14:44
- Tác Giả: Thùy Dương
Chiến tranh thương mại : « Kho vũ khí » của Trung Quốc để trả đũa Donald Trump
Quảng cáo hàng hóa Mỹ tại trung tâm thương mại Thẩm Khuyến (Shenzhen), Trung Quốc (Ảnh chụp ngày 08/07/2018)
REUTERS/Bobby Yip
Để đáp trả các quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh cần tìm các loại « vũ khí » khác thay vì chỉ tăng thuế trên hàng nhập từ Mỹ vì lượng hàng hóa Trung Quốc nhập của Mỹ chỉ có tổng giá trị 130 tỉ đô la/năm, ít hơn 4 lần so với 506 tỉ đô la hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc.
Thêm vào đó, không ngoại trừ việc tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng thuế nhập khẩu trên toàn bộ sản phẩm của Trung Quốc.
Trong bài viết có tiêu đề « Kho vũ khí đạn dược của Bắc Kinh để chuẩn bị phản công Trump », thông tín viên báo La Croix Frédéric Schaeffer tại Bắc Kinh cho biết ngày 19/06, chính quyền Trung Quốc đã dự kiến kết hợp các biện pháp về « chất » và « lượng ».
Biện pháp đầu tiên trong số năm biện pháp mà thông tín viên báo La Croix nói tới là Bắc Kinh sẽ tìm cách gây rắc rối cho các chi nhánh công ty Mỹ tại Trung Quốc thông qua việc tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn, môi trường, kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính, thậm chí là tổ chức các chiến dịch tẩy chay.
Trung Quốc đã chơi lá bài « lòng yêu nước kinh tế ». Bị người dân Trung Quốc tẩy chay và bị chính quyền Trung Quốc « hành » vềthủ tục hành chính, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc năm ngoái đã phải đóng cửa 3/4 số cửa hàng, siêu thị tại Trung Quốc.
Biện pháp thứ hai là tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh của Mỹ.
Các chuyên gia phân tích của Deutsche Bank nhấn mạnh là Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu và các nước khác để bù đắp thiệt hại do cuộc chiến thương mại gây ra.
Còn các nhà phân tích của công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes dự báo Trung Quốc sẽ tìm cách ký thêm các thỏa thuận tự do mậu dịch và đối tác chiến lược với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và khối ASEAN.
Biện pháp thứ ba là hạn chế số du khách và du học sinh Trung Quốc tại Mỹ.
Hiện khách du lịch và du học sinh Trung Quốc chi tới 30 tỉ đô la cho các chuyến thăm và sinh hoạt, học tập tại xứ cờ hoa.
Năm ngoái, 350.000 du học sinh Trung Quốc chiếm 1/3 lượng du học sinh nước ngoài tại Hoa Kỳ.
Trung Quốc từng áp dụng biện pháp tương tự để trả đũa Hàn Quốc : Bắc Kinh đã ra lệnh ra các công ty lữ hành tẩy chay Hàn Quốc.
Du khách Trung Quốc sang Hàn Quốc đã giảm hơn 40% trong nhiều tháng, khiến doanh thu của cửa hàng miễn thuế của Hàn Quốc sụt giảm mạnh.
Biện pháp thứ tư là Bắc Kinh tăng cường can thiệp để tăng giá đồng nhân dân tệ nếu thấy đồng tiền của mình có nguy cơ bị giảm giá.
Và cuối cùng, Bắc Kinh sẽ bán trái phiếu kho bạc Mỹ 1.000 tỉ đô la mà Trung Quốc nắm trong tay được coi là « thứ vũ khí lợi hại » để Bắc Kinh đối phó với Donald Trump.
Nhưng làm việc đó cũng có nghĩa là « gậy ông đập lưng ông », Bắc Kinh tự bắn vào chân mình vì việc Bắc Kinh bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ khiến giá trị tài sản của Trung Quốc giảm, nhất là khiến tỉ giá đồng đô la hạ so với đồng nhân dân tệ.
Vì thế, công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes cho rằng Bắc Kinh chỉ dọa suông chứ không bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ.
Còn theo Deutsche Bank, đó là thứ vũ khí ít có khả năng được Trung Quốc sử dụng nhất.
Châu Âu : Học cách hành động mà không có Mỹ
Chuyển sang châu Âu, Le Monde đánh giá tuần lễ này là tuần của mọi nguy hiểm.
Bắt đầu từ thứ Tư 11/07 tại Bruxelles, nơi diễn ra thượng đỉnh NATO trong không khí căng thẳng.
Sau thượng đỉnh, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức sang thăm Anh Quốc, đất nước ngày càng chao đảo vì Brexit.
Ngày 16/07, ông Trump sẽ sang Helsinki gặp gỡ đồng nhiệm Nga Vladimir Putin.
Hai nguyên thủ có chung ít nhất một mong muốn là chia rẽ châu Âu.
Cũng trong hai ngày 16-17/07, các lãnh đạo châu Âu và Trung Quốc sẽ thảo luận để tìm cách liên minh trong một thế giới đầy bấp bênh.
Tác giả bài viết « Hành động mà không có Mỹ », nhà báo Sylvie Kauffmann hài hước nhận xét, may mắn là tại trận chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới 2018, châu Âu không phải cạnh tranh với Mỹ, cũng không phải đấu đá với Trung Quốc và Nga.
Nhưng liệu đây là tuần lễ của mọi nguy hiểm hay là của mọi khả năng tiềm ẩn ?
Đối với châu Âu, nói thế nào cũng đúng, cũng giống như chúng ta có thể nói cốc nước mới đầy một nửa hay cốc nước đã vơi một nửa.
Một thực tế mới đang hiển hiện : « gã khổng lồ » Hoa Kỳ không còn là bạn của châu Âu.
Chẳng hạn, bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo Washington đang tìm cách « chia rẽ Pháp và Đức » - hai đầu tàu của Liên Hiệp. Kinh tế gia Jacques Attali khẳng định là đối với Mỹ, châu Âu không còn là đồng minh mà là « con mồi », « mảnh đất màu mỡ cho những gã thợ săn Hoa Kỳ ».
Trong khi đó, ông Philipp Hildebrand, chủ một ngân hàng Thụy Sĩ tố cáo Washington là « nguồn gây bất ổn » …
Ông Jean-Dominique Senard, chủ tập đoàn Michelin, một trong 40 doanh nghiệp lớn nhất Pháp, cho rằng châu Âu phải vững vàng để đối chọi với hai mối họa mang tên Hoa Kỳ và Trung Quốc :
Hoa Kỳ có quyền lực chính trị và tư pháp vuợt ra ngoài lãnh thổ Mỹ và đang tìm cách chỉ đạo cả các doanh nghiệp châu Âu ; còn Trung Quốc, với chủ nghĩa tư bản Nhà nước và các phương tiện mạnh nhất phục vụ Nhà nước, lại không có dân chủ như châu Âu.
Nhiều chuyên gia chia sẻ quan điểm giờ không phải là lúc « lập lại trật tự đã có », mà là thời điểm phải « tạo ra một trật tự mới » và « thiết lập các thỏa thuận đa phương mới ».
Châu Âu được kêu gọi hành động vì Liên Hiệp đang đứng trước « một trang giấy trắng » : tại Hoa Kỳ, không ai có khả năng dự đoán chính sách của ông Trump trong tương lai.
Kinh tế gia, chiến lược gia của Pháp, ông Jean Pisani-Ferry, lấy làm tiếc là trước âm mưu của Trung Quốc, thay vì đoàn kết với châu Âu, Hoa Kỳ lại tấn công Liên Hiệp. Điều đó có nghĩa là tổng thống Mỹ ghét châu Âu, ông Trump coi Liên Hiệp là kẻ cắp, kẻ lợi dụng nên muốn vô hiệu hóa châu Âu.
Để kết luận bài viết, tác giả Kauffmann trích dẫn ông Pascal Lamy, cựu giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới là Mỹ không muốn liên kết với châu Âu để chống Trung Quốc nhưng Liên Hiệp sẽ hợp sức với Trung Quốc để chống Hoa Kỳ, đồng thời vẫn liên minh với Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
« Phương án B » của châu Âu là « học cách hành động mà không cần Hoa Kỳ ». Nhưng châu Âu vẫn phải « mở to mắt » đề phòng Trung Quốc, nước phát triển phồn thịnh nhờ hệ thống kiểu phương Tây và biết cách tận dụng châu Âu để phát triển nhưng lại không theo các giá trị của Âu châu.
Kho ứng dụng App Store của Apple biến đổi ngành công nghiệp smarphone
Trong lĩnh vực công nghệ, ngày 10/07 vùa qua là tròn 10 năm kho ứng dụng App Store của Apple chào đời.
Báo Le Figaro nhận định : « Trong vòng 10 năm, kho ứng dụng App Store của Apple đã làm đảo lộn ngành công nghiệp điện thoại di động » và cách thức chúng ta sử dụng điện thoại di động.
Ra đời vào năm 2008, một năm sau khi iPhone xuất hiện, kho ứng dụng App Store đã được coi là một cuộc cách mạng làm giàu cho Apple và được các đối thủ công nghệ điện thoại di động khác « bắt chước ».
Ngay khi mới được tung ra thị trường, App Store đã có 500 ứng dụng do các đối tác của Apple sản xuất.
Nói cách khác, vào thời điểm đó, các ứng dụng đã có từ trước, chỉ có kho ứng dụng App Store là khái niệm mới.
Với App Store, Apple đã mở ra kỷ nguyên điện thoại di động mới và thống lĩnh thị trường ứng dụng trên mạng internet (66% doanh thu từ các ứng dụng trên toàn thế giới).
Từ năm 2010 đến năm 2017, cư dân mạng toàn cầu đã chi tới 130 tỉ đô la cho App Store.
Phó giám đốc Marketting của Apple khẳng định sau 10 năm tồn tại, App Store đã vượt qua mọi kỳ vọng của hãng.
Và theo dự báo của Apple, doanh thu của App Store chỉ riêng trong năm 2022 sẽ đạt 75,7 tỉ đô la, tăng 80% so với năm 2017.
Hiện nay, kho App Store có tới 2 triệu ứng dụng. Tại Pháp, mỗi người dùng iPhone sử dụng trung bình 39 ứng dụng/tháng.
Cách mạng trong ngành may mặc, thách thức cho các nước châu Á
Vẫn liên quan tới công nghiệp, báo Le Figaro gọi « cuộc cách mạng trong ngành may mặc là một thách thức cho các nước phía nam ».
Trong nhiều năm, câu hỏi thường được đặt ra là quần áo quý vị mặc được sản xuất tại đâu và do ai may ? Song bây giờ, một câu hỏi khác được đặt ra nhiều hơn là quần áo quý vị mặc được sản xuất như thế nào và bằng cái gì.
Nhiều người có thể không biết quần áo chúng ta mặc hiện là sản phẩm của một ngành công nghiệp mũi nhọn : trí thông minh nhân tạo và công nghệ robot.
Đến 70% hàng may mặc được gia công tại các nước đang phát triển, nhất là ở châu Á. Nhân công ngành dệt may và da giày chủ yếu là người nghèo.
Trí thông minh nhân tạo và công nghệ robot mang lại cuộc cách mạng về năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm nhưng mặt trái của cuộc cách mạng này là hàng triệu người lao động mất việc làm, gây ra thảm họa tại nhiều nước châu Á.
Trang nhất các báo Pháp
Chiến thắng của « những chú gà trống Gaulois » trước « những con quỷ đỏ » vẫn là đề tài được nhiều tờ báo đưa lên trang nhất.
Le Monde chạy tựa « Nước Pháp tự thưởng cho mình những giờ phút hạnh phúc ».
Chiến thắng của đội tuyển Pháp trước những người hàng xóm Bỉ đã được người dân ở khắp mọi miền hân hoan đón mừng, gợi nhớ lại hương vị chiến thắng tại World Cup 1998.
Báo Le Figaro cũng hân hoan vì « Hai mươi năm sau, nước Pháp lại được cuốn theo dòng những con sóng xanh ».
Không khí sôi động và những cảm xúc ngập tràn trên đường phố khiến người Pháp nhớ lại những giây phút vỡ òa sung sướng trong mùa World Cup 1998.
Còn Libération giải mã thắng lợi của tuyển Pháp qua hàng tựa :
« Đội tuyển Pháp : hệ thống của Dédé ».
Huấn luyện Didier Deschamps đã biết cách biến một nhóm cầu thủ trẻ ít có thói quen chơi với nhau thành một đội tuyển có tinh thần kỷ luật, hăng hái tấn công, có khả năng thích nghi với chiến thuật của ông và lọt được vào chung kết World Cup 2018.
Khác với Le Monde và Libération, báo kinh tế Les Echos quan tâm tới tổng thống Mỹ Donald Trump qua hàng tựa « Trung Quốc và NATO : gánh nặng mới của Donald Trump. »
Washington lại tiến một bước mới trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, trong khi đó tổng thống Mỹ ra sức thúc giục các nước đồng minh NATO tăng ngân sách quốc phòng.
Trong khi đó, báo công giáo La Croix quan tâm tới PMA - biện pháp hỗtrợ sinh sản bằng y học qua hàng tựa : « PMA - sự lựa chọn sẽ mang tính chính trị ».
Tham chính viện Pháp gióng hồi chuông báo động về các hậu quả của việc sử dụng rộng rãi biện pháp hỗtrợ sinh sản bằng y học.
Tham chính viện Pháp cũng phản đối phương pháp trợ tử.
Tin mới
- Bộ Quốc Phòng Mỹ : Trung Quốc do thám tập trận RIMPAC - 14/07/2018 14:08
- Quốc Khánh Pháp 2018 : Nhật Bản và Singapore, khách mời danh dự - 14/07/2018 13:39
- Danh sách 100 thiên tài đương đại gọi tên tiến sĩ gốc Việt - 14/07/2018 01:18
- Tổng thống Mỹ mạnh mẽ tấn công chính sách Brexit của thủ tướng Anh - 14/07/2018 00:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-07-2018 - 13/07/2018 22:04
- Donald Trump đăng thư cảm ơn của Kim Jong Un - 13/07/2018 18:47
- Mỹ-Triều : Sức ép Bình Nhưỡng - gọng kềm Washington, ai lợi thế hơn ? - 13/07/2018 01:33
- An ninh châu Âu : Món hàng « mặc cả » Trump dành cho Putin? - 12/07/2018 22:58
- Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông : Nước thứ ba có thể can thiệp ? - 12/07/2018 22:49
- Tổng thống Mỹ viếng thăm Anh Quốc trong bầu không khí bất thuận lợi - 12/07/2018 20:49
Các tin khác
- Quân Mỹ sẽ ở lại Hàn Quốc, dù bán đảo Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân - 12/07/2018 14:19
- Thượng đỉnh NATO : Tổng thống Mỹ tố cáo Đức bị Nga chi phối - 11/07/2018 21:08
- NATO : Lợi hại chiến thuật của tổng thống Mỹ hù dọa đồng minh. - 11/07/2018 19:05
- Mỹ dọa tăng thêm thuế với 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc - 11/07/2018 18:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-07-2018 - 11/07/2018 17:02
- Chuyến thăm Anh Quốc của TT Trump khác những vị tiền nhiệm? - 10/07/2018 20:20
- Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương - 10/07/2018 19:22
- Tối Cao Pháp Viện Mỹ : Trump bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ Kavanaugh - 10/07/2018 15:15
- Trí thức Pháp : Bóng đá không hẳn là « tha hóa » - 10/07/2018 14:03
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-07-2018 - 10/07/2018 13:52