Sihanoukville, thuộc địa Trung Quốc ?
- Thứ Năm, 05 tháng Bảy năm 2018 22:51
- Tác Giả: Thụy My
Lối vào một sân bay do tập đoàn Trung Quốc Union Development Group xây dựng ở Koh Kong, Cam Bốt, từ đây có thể đi thẳng đến các bãi biển Sihanoukville.
REUTERS/Samrang Pring
Vài chữ Hán và những số điện thoại hiện lên trên các tòa nhà và khu đất trống ở Sihanoukville, với các lời rao mua bán.
Thành phố cảng Cam Bốt bên bờ vịnh Thái Lan, theo nhận xét của Le Monde Diplomatique, từ vài tháng qua đã trở thành vùng đất hứa cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trên quảng trường Độc Lập, hai tòa nhà đang xây dựng của phức hợp Blue Bay cao đến 38 tầng, đè bẹp tất cả quang cảnh xung quanh.
Tại phòng giao dịch, các brochure (tài liệu quảng cáo) để sẵn được in bằng Hoa ngữ và tiếng Anh.
Cô nữ nhân viên, trước ma-két dự án, giới thiệu :
« Chúng tôi đã bán hết toàn bộ các căn hộ trong tòa tháp thứ nhất, và 65% của tòa tháp thứ hai.
Khách hàng chúng tôi là người Trung Quốc, Cam Bốt và Singapore ».
Trên bãi biển, sẽ có một hồ bơi và các bungalow dạng nhà sàn. Trên đất liền, một casino và một trung tâm thương mại.
Có đến 1.450 căn hộ sẽ được giao vào năm 2019 với giá từ 2.500 đến 3.500 đô la một mét vuông, với những cơ sở dịch vụ sang trọng chưa từng thấy tại thành phố này.
Ông Paul H., một nhân viên môi giới địa ốc cho biết : « Người Trung Quốc rất mê những địa điểm như thế này. Các khách hàng của tôi săn lùng những khu đất, chủ yếu là phải nhìn ra biển.
Các chủ đất Cam Bốt sẵn sàng trục xuất những người đang ở thuê hiện nay để thu được khoản tiền thuê lớn hơn ».
Từ khi ông Tập Cận Bình đến thăm Cam Bốt hồi tháng 10/2016, số lượng du khách từ Hoa lục không ngừng tăng lên trên toàn quốc, đến cuối năm 2017 là khoảng 1,2 triệu khách (tăng 46%).
Mỗi tuần có một chuyến bay nối liền Sihanoukville với Macao và bảy thành phố khác của Trung Quốc, ngoài ra chính quyền Phnom Penh sắp sửa cấp thêm khoảng 30 giấy phép bay khác.
Các nhà đầu tư làm cho người ta phấn khởi hay lo ngại ? Đó là tùy theo người đối thoại với bạn là ai.
Kheng, một người lái xe tuk-tuk mỉa mai : « Các sở hữu chủ rất vui vì họ bán hoặc cho thuê với giá do họ đưa ra ».
Ngược lại, đại đa số người dân Cam Bốt không thể đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội như vậy.
Bãi biển bình dân Ochheuteal được những người có túi tiền eo hẹp ưa thích, là một ví dụ điển hình.
Những tiệm ăn mà người ta có thể ngồi trên mái tôn hay ngay trên bãi cát để vừa ăn uống vừa ngắm biển, đã biến mất không còn dấu vết.
Thay vào đó, một khách sạn năm sao và một casino sẽ xuất hiện. Đó là công trình của một công ty liên doanh giữa Royal Group - một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Cam Bốt, do một người thân của thủ tướng Hun Sen làm chủ - và một đối tác Trung Quốc.
Cơn sốt đầu tư này khiến dân thành phố bức xúc.
Một công ty du lịch địa phương cho biết :
« Người Trung Quốc có mạng lưới riêng của họ. Những du khách vừa đến nơi là được đưa thẳng đến các khách sạn kiêm sòng bạc, và lưu trú ở đó ».
Pheap, một công nhân xây dựng trẻ nhận xét :
« Chúng tôi chẳng được lợi lộc gì từ lượng du khách người Hoa đông đảo, ngoài việc vật giá tăng lên ».
Đọc thêm: Cam Bốt: Vỡ đập do Trung Quốc xây, 4 công nhân mất tích
Trên 10.000 người lao động Trung Quốc – gồm các nhân viên casino, và đa số là công nhân xây dựng – sẽ đến làm việc tại đây.
Khó thể biết được số lượng chính xác. Hồi tháng Giêng vừa qua, trong một báo cáo cho Bộ Nội vụ, được tờ Phnom Penh Post tiết lộ, chính thống đốc Sihanoukville đã cảnh báo chính phủ về một số biến tướng.
Có thể kể : sự gia tăng các hoạt động tội phạm của bọn mafia, tác động tiêu cực của việc giá nhà tăng phi mã đối với vật giá địa phương, không có lợi ích nào từ các hoạt động kinh tế do người Trung Quốc kiểm soát và chỉ nhằm phục vụ người Trung Quốc.
Với viện trợ tiền mặt chiếm 1/3 trong tổng số 732 triệu đô la mà Phnom Penh nhận được năm 2016, người láng giềng khổng lồ phương Bắc đã trở thành đối tác kinh tế chủ chốt, qua mặt Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Hiệp Châu Âu.
Trao đổi thương mại song phương năm ngoái đạt 5 tỉ đô la, và sẽ tăng lên 6 tỉ đô la từ nay đến năm 2020, theo cam kết của hai chính phủ.
Các cơ sở hạ tầng được Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ dự án « Con đường tơ lụa mới » mọc lên khắp nơi.
Trên 2.700 kilomet đường bộ đã được cải tạo – theo Bộ Công chánh ; một xa lộ nối liền Phnom Penh với Sihanoukville, một cảng nước sâu tại Kampot và một sân bay rộng mênh mông ở phía nam thủ đô đã được chính thức lên kế hoạch.
Chưa kể các đập thủy điện đang được xây dựng, hay các dự án dọc theo dòng sông Mêkông.
Chính quyền Cam Bốt còn nhờ Bộ Công An Trung Quốc hỗ trợ để đấu tranh chống « khủng bố » và tội phạm mạng.
Đọc thêm: Cam Bốt lại đòi ASEAN không nêu vấn đề Biển Đông
Chỉ trong vài năm, Cam Bốt đã trở thành con tốt đắc lực nhất của Bắc Kinh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Cho đến nỗi năm 2012 và sau đó là năm 2016, Cam Bốt đã chận lại bản dự thảo tuyên bố chung của ASEAN phản đối thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, và việc quân sự hóa các đảo nhỏ mà Trung Quốc tranh giành với Việt Nam, Philippines.
Ảnh hưởng của Trung Quốc từ giữa thập niên 90 bắt đầu mạnh mẽ hơn, ngày càng tăng thêm với việc phương Tây chỉ trích Cam Bốt không tôn trọng nhân quyền.
Tháng Ba năm nay, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Cam Bốt « để bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích », cũng như việc tổ chức bầu cử vào tháng Bảy.
Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt thương mại nếu phe đối lập không được tham gia tranh cử.
Từ đầu tháng Năm, Ủy ban Châu Âu loan báo có thể sẽ tổ chức điều trần về sáng kiến Tout Sauf les Armes (Tất cả đều có thể, trừ vũ khí - TSA), theo đó Liên Hiệp Châu Âu miễn thuế hải quan cho đại đa số mặt hàng của 48 quốc gia kém phát triển nhất – điều hết sức quan trọng đối với hàng dệt may của Cam Bốt. Hiện giờ thì chưa có biện pháp nào được dự kiến.
Đọc thêm: Biển Đông : Vương Nghị ca ngợi Cam Bốt ủng hộ Trung Quốc
Dù sao đi nữa, thủ tướng Cam Bốt cũng chẳng quan tâm đến một phương Tây hay « giảng moral », nhắc nhở rằng trong thập niên 80, phương Tây vẫn làm ngơ cho phe Khmer Đỏ chễm chệ tại Liên Hiệp Quốc.
Và hồi tháng Hai, ông Hun Sen còn nhấn mạnh : « Các đại diện Trung Quốc tôn trọng tôi, đối xử với tôi như ngang hàng ».
Còn về việc Bắc Kinh ủng hộ phe Khmer Đỏ (từ 1975 đến 1979) hay xâm lược Việt Nam năm 1979, đối với Hun Sen chỉ là những chi tiết của một lịch sử mà ông ta không muốn quay lui lại.
Ngày nay, hai đối tác Trung Quốc – Cam Bốt đều vui vẻ trước mối quan hệ « đôi bên cùng có lợi ». Và như ông Sok Eysan, phát ngôn viên đảng Nhân Dân Cam Bốt cầm quyền đã tuyên bố, Trung Quốc hoạt động rất tốt với chế độ độc đảng. Thế thì tại sao Cam Bốt lại không thể như vậy ?
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-07-2018 - 09/07/2018 19:21
- Sạt lở đồng bằng Cửu Long: Kịch bản không hồi kết - 09/07/2018 19:07
- Ngoại trưởng Mỹ nêu trường hợp Will Nguyen với Việt Nam - 09/07/2018 12:44
- Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố duy trì cấm vận Bình Nhưỡng - 08/07/2018 18:51
- Triều Tiên tuyên bố đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ là 'vô cùng đáng tiếc' - 07/07/2018 23:58
- Bồ Đào Nha : Lisboa gia nhập hội ''100'' thành phố đắt nhất - 07/07/2018 17:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-07-2018 - 07/07/2018 14:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-07-2018 - 06/07/2018 21:28
- Việt Nam tham gia RIMPAC: Ý nghĩa chiến lược lớn hơn tập trận - 06/07/2018 16:15
- Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu - 06/07/2018 16:03
Các tin khác
- Cam Bốt : Giấc mộng vương triều của thủ tướng Hun Sen - 05/07/2018 21:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-07-2018 - 05/07/2018 14:55
- Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tới Bắc Triều Tiên bàn cụ thể giải trừ hạt nhân. - 05/07/2018 14:42
- Tướng Lương Xuân Việt làm tư lệnh Lục Quân Mỹ tại Nhật - 04/07/2018 18:01
- Nước Nga, người Nga mùa World Cup 2018 - 04/07/2018 17:15
- Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak bị truy tố - 04/07/2018 16:32
- Donald Trump gây áp lực lên các đồng minh NATO - 04/07/2018 15:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-07-2018 - 04/07/2018 15:31
- Trung Quốc cải tổ quân đội để mở rộng sức mạnh trên biển - 04/07/2018 14:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03 -07-2018 - 03/07/2018 16:40