Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-05-2018

Nan giải tìm lối thoát cho bế tắc Bắc Triều Tiên

Nam Bac Trieutien

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bắt tay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc họp thượng đỉnh tại làng Bàn Môn Điếm, phía Bắc Triều Tiên, ngày 26/05/2018.
The Presidential Blue House /Handout via REUTERS

Cuộc khủng khoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, từ 25 năm qua, chỉ là hàng loạt cơ hội bị bỏ lỡ.
Bức thư báo hủy thượng đỉnh 12/06/2018 của Donald Trump suýt lại nằm trong danh sách này, trước khi tổng thống Mỹ thay đổi ý định.

Trong bài phân tích « Lối thoát nan giải cho bế tắc Triều Tiên » trên Le Monde (30/05/2018), thông tín viên Philippe Pons nhận định chuyện dài « có-không-có » của Washington đang làm suy yếu vị thế của Mỹ trước các nhân tố chính của cuộc khủng hoảng :
Thứ nhất, hai miền Triều Tiên, mà hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ngày 26/05 tại Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự, đã tái khẳng định mong muốn tổ chức thượng đỉnh Kim-Trump ;
Thứ hai, Kim Jong Un thể hiện hình ảnh nhà lãnh đạo biết giữ lời hứa đàm phán ;
Thứ ba, Trung Quốc đánh giá quyết định hủy thượng đỉnh của tổng thống Mỹ là « rất đáng tiếc ».

Phát biểu của cố vấn John Bolton, dù vô tình hay cố ý, cũng đã khiến Bình Nhưỡng tức giận vì không lãnh đạo Bắc Triều Tiên nào muốn chung kết cục như nhà lãnh đạo Kadhafi khi từ bỏ chương trình hạt nhân Libya để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận quốc tế.
Lật đổ chế độ Bình Nhưỡng là nỗi ám ảnh của ông John Bolton, người từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc tấn công Irak và khuyên Bình Nhưỡng nên « rút ra bài học ».

Nhân vật « diều hâu » này từng góp phần phá hoại thỏa thuận Genève 1994 nhằm đóng băng chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử AIEA và, trước khi vào Nhà Trắng, từng ủng hộ tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên.
Một điểm khó khăn khác trong việc tìm ra giải pháp trên bán đảo Triều Tiên là khái niệm mập mờ về « phi hạt nhân hóa ».

Thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye Gwan không chấp nhận đơn phương phi hạt nhân hóa, mà phải cơ cấu lại sự cân bằng trong vùng, đồng nghĩa với việc « phi hạt nhân hóa toàn bán đảo Triều Tiên »(có nghĩa là loại bỏ cả chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ miền Nam).
Nói một cách khác, thượng đỉnh với Mỹ có thể cho phép bắt đầu giai đoạn hòa hoãn giữa hai nước thù nghịch bằng việc tính đến mối bận tâm về an ninh của mỗi bên.

Theo đánh giá của Philippe Pons, 65 năm đối đầu và một thỏa thuận đình chiến giữa hai miền Triều Tiên không thể nào giải quyết được trong khuôn khổ một cuộc họp thượng đỉnh, huống chi lại được chuẩn bị vội vàng.

 Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Richard Nixon và Mao Trạch Động vào năm 1972 được chuẩn bị qua rất nhiều giờ đàm phán giữa hai quan chức Henry Kissinger và Chu Ân Lai. Và phải chờ đến 7 năm sau, quan hệ Trung-Mỹ mới được bình thường hóa.

Thượng đỉnh Kim-Trump có lẽ nên kiềm chế tham vọng hạt nhân Bắc Triều Tiên theo mô hình Iran, nhưng tổng thống Mỹ lại vừa xé thỏa thuận hạt nhân với Iran ký từ năm 2015.
Một khi Washington còn đưa ra điều kiện tiên quyết là Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân « hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được », quá trình đàm phán sẽ bị bế tắc.
Bằng cách tiếp cận ít chính thống các vấn đề, tổng thống Trump có lẽ sẽ khởi đầu một lối thoát cho tình trạng bế tắc chiến lược hiện nay.
 

Trong thời gian đầu, cuộc đàm phán có thể chỉ dừng lại ở mức ý tưởng và các hành động bày tỏ thực tâm của mỗi bên.
Thêm vào đó là việc thiếu thời gian để đào sâu các vấn đề. Tuy nhiên, sự bắt đầu thời kỳ hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên có lẽ đã là một bước lớn.
Nếu không có sự hòa hoãn này, viễn cảnh là lại rơi vào vòng xoáy « sức ép tối đa », với nguy cơ đối đầu để buộc Bình Nhưỡng khuất phục.

Chiến lược này sẽ không có hiệu quả, theo nhận định của Philippe Pons. Và với hiệu quả ít ỏi như hiện nay, sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên và quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh được sưởi ấm lại càng làm phức tạp sự cân bằng.

Dù thượng đỉnh có diễn ra hay không, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vừa tái khẳng định đồng ý đi theo con đường hòa giải Liên Triều.
Thái độ hòa hoãn bề ngoài của Kim Jong Un có thể sẽ làm suy yếu quyết tâm của một số nước trừng phạt Bắc Triều Tiên.

 Trong trường hợp Mỹ lại đổi ý tỏ ra cứng rắn, Trung Quốc, nhân tố không thể thiếu trong việc tái cân bằng địa chiến lược trong vùng, liệu có còn sẵn sàng tiếp tục trừng phạt Bình Nhưỡng hay không, trong khi nước láng giềng đã đi theo còn đường đối thoại, như Bắc Kinh mong muốn ?

Nhà báo của Le Monde kết luận, sau cuộc khủng hoảng vì Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, nếu không tiến về phía trước, tổng thống Trump có nguy cơ khiến cuộc khủng hoảng với Bắc Triều Tiên còn dữ dội hơn.

Trung Quốc : Người Duy Ngô Nhĩ bị ép cải tạo

Sự tồn tại của các trại cải tạo dành cho người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương được nhắc đến lần đầu tiên vào tháng 09/2017 qua đài châu Á tự do phát thanh bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ, sau đó được nhiều cơ quan truyền thông phương Tây đề cập.
Nhật báo Le Monde lược lại nghiên cứu của Adrian Zenz, chuyên gia Đức về chính sách người thiểu số của Trung Quốc, được Jamestown Foundation công bố vào trung tuần tháng Năm.

Nhà nghiên cứu Đức tiết lộ quy mô của mạng lưới trại cải tạo« phi cực đoan »và« huấn cải thông qua giáo dục »được xây dựng từ hơn một năm nay tại vùng tự trị của người Duy Ngô Nhĩ, có gốc Thổ Nhĩ Kỳ và theo Hồi Giáo hệ phái Suni.
Khoảng 68 thông tin mời thầu xây dựng những trại này được ông Zenz thống kê được từ năm 2016 đến 2018, trong đó chính quyền địa phương yêu cầu rõ« lập hệ thống an ninh » với « tường bao, rào chắn, lưới thép, cửa và cửa sổ được gia cố, hệ thống giám sát, chòi canh ».

Nhân viên được tuyển vào làm việc tại các trại, còn được gọi là « trung tâm đào tạo và thu thập kỹ năng », chủ yếu là những người không có chuyên môn, hoặc có kinh nghiệm trong ngành cảnh sát hoặc quân đội.
Về số lượng học viên tại các trại này, nhà nghiên cứu người Đức thống kê có khoảng từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu người (dân số Duy Ngô Nhĩ là 10,5 triệu).

« Huấn cải thông qua giáo dục », tôn chỉ từ thời Mao Trạch Đông, có lịch sử lâu dài, từ các trại « cải tạo lao động », được xóa bỏ năm 2013, đến các đợt« phi cực đoan »dành cho thành viên của phong trào tôn giáo Pháp Luân Công, hay « các lớp nghiên cứu »nơi sư sãi Tây Tạng học « lòng yêu nước ».
Tác giả của công trình nghiên cứu kết luận chính quyền Bắc Kinh sử dụng biện pháp độc đoán và hăm dọa, « việc đưa vào trại cải huấn chính là một lời đe dọa ».
Nhiều gia đình kể lại trường hợp tử vong và bạo lực trong các trại này và thường họ cũng không biết người thân bị đưa đến đâu.

Thương mại : Liên Hiệp Châu Âu bất lực trước Hoa Kỳ ?

Washington sẽ đưa ra quyết định từ nay đến muộn nhất là ngày 01/06/2018 liệu có áp thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập từ châu Âu hay không. Trang nhất và chuyên trang « Kinh Tế »của Le Monde dành đề nói về « Liên Hiệp Châu Âu bất lực trước Hoa Kỳ trong lĩnh vực thương mại »và « châu Âu phó mặc vào Trump ».
Cố tỏ ra cứng rắn với Mỹ khi thông qua danh sách áp thuế đối với 300 mặt hàng Mỹ, nhưng cùng lúc với 28 thành viên thì không phải là chuyện dễ.

Đặc biệt là Đức, quốc gia châu Âu xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ với thặng dư thương mại 54 tỉ euro, lại càng muốn tránh xung đột thương mại vì, theo quan điểm của bộ trưởng Kinh Tế Đức, Liên Hiệp Châu Âu sẽ mất rất nhiều nếu không cải thiện quan hệ song phương với Hoa Kỳ.
« Châu Âu phó mặc vào Trump về mặt thương mại », trong khi chiến lược gây bất ổn thường xuyên của Mỹ, theo Le Monde, thật sự không mang lại hiệu quả.

Thứ nhất, về cuộc đối đầu với Trung Quốc, tổng thống Mỹ dù đạt được cam kết từ phía Bắc Kinh sẽ mua nhiều nông phẩm và năng lượng hơn, nhưng vẫn thấp hơn 10 lần so với số tiền cần thiết để giảm thâm hụt thương mại 375 tỉ đô la với Trung Quốc.
Đặc biệt, sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc lại không đáp ứng những yêu cầu của doanh nghiệp Mỹ về việc Bắc Kinh trợ giá và buộc chuyển giao công nghệ.

Thực ra, chủ nhân Nhà Trắng đang cần Bắc Kinh dỡ bỏ một phần trừng phạt đối với nông phẩm Mỹ để trấn an nông dân vùng Midwest, nơi đông đảo cử tri ủng hộ ông, trước kỳ bầu cử bán phần Quốc Hội.
Tiếp theo, tổng thống Trump cũng gặp khó khăn trong việc tái đàm phán hiệp định NAFTA với Mêhicô và Canada, trong khi ông cũng cần Nghị Viện thông qua thỏa thuận mới trước khi Quốc Hội mới đi vào hoạt động sau cuộc bầu cử tháng 11 tới đây.

Libya bầu cử tổng thống vào tháng 12

Ổn định Libya là chủ đề được Le Figaro, Libération và La Croix đề cập.
Ngày 29/05/2018, tại điện Elysée, các nhà lãnh đạo đối lập chủ chốt tại Libya và cộng đồng quốc tế đã cam kết tổ chức bầu cử lập pháp và tổng thống tại Libya từ nay đến tháng 12/2018.

Le Figaro và Libération trích phát biểu của tổng thống Pháp Macron và đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Libya, Ghassan Salamé, đánh giá« cuộc gặp lịch sử » vì lần đầu tiên cả bốn lãnh đạo đối địch Libya chấp nhận đối thoại tại một điểm.
Tình hình an ninh cũng sẽ được cải thiện để có thể tổ chức các cuộc bầu cử.

Với bài xã luận của La Croix, « ổn định Libya là một thách thức quan trọng đối với người dân nước này »và cũng là « mục tiêu ưu tiên của các nước trong khu vực ».
Lãnh thổ Libya đang bị các tổ chức thánh chiến và băng đảng buôn lậu các loại (vũ khí, ma túy, di dân…) hoành hành.
Tái xây dựng một nhà nước sẽ giúp điều tiết làn sóng nhập cư ở vùng đất này, thường sống trong điều kiện bi thảm.

 Chính làn sóng tị nạn ngày càng thu hút những lá phiếu bầu cho các đảng dân túy tại Ý, Bỉ, Áo, Đức và Pháp.

Pháp cấm điện thoại di động trong trường học

« Phản đối hay ủng hộ điện thoại di động trong trường học » ?
Dự luật của đảng cầm quyền Pháp, Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học, cuối cùng lại được Quốc Hội hướng đến việc để mỗi trường tự ra quyết định nhằm quản lý tốt hơn điện thoại di động.

Là vật dụng không thể thiếu của người lớn, nhưng điện thoại là lại là một vấn đề ở trường cấp 2 và cấp 3, theo đánh giá trong mục « Sự kiện »của La Croix.
Theo thống kê của nhật báo Công Giáo, năm 2016, 93% học sinh từ độ tuổi 12 đến 17 sở hữu điện thoại di động ; 63% học sinh từ 11-14 tuổi có ít nhất một tài khoản trên các mạng xã hội và kênh YouTube là mạng xã hội số 1 của các em từ 13-19 tuổi.

Switch mode views: