Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-01-2018

Kinh tế Anh sẽ phải trả giá đắt cho Brexit

britain-eu Kinhte
Người biểu tình Anh phản đối Brexit trước Nghị Viện tại Luân Đôn, ngày 16/01/2018.
REUTERS/Hannah McKay

Một tài liệu mật liên quan đến Brexit, lưu hành nội bộ chính phủ Anh, bị trang Buzzfeed tiết lộ ngày 29/01/2018 khiến công luận giật mình về tác động thật sự của việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos, thông tin này còn có nguy cơ tác động mạnh mẽ hơn bao giờ hết đến thủ tướng Theresa May trong các cuộc đàm phán với Bruxelles cũng như trên trường chính trị Anh.

Tài liệu được bộ chuyên trách về Brexit thảo vào tháng Giêng thẩm định nền kinh tế Anh sẽ mất từ 2% đến 8% tăng trưởng trong vòng 15 năm tới.

Hậu quả của Brexit sẽ tác động đến mọi lĩnh vực, mọi vùng trên khắp nước.
 Nền kinh tế Anh sẽ xấu đi, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, bất kể kết quả đàm phán về quan hệ hậu Brexit với Bruxelles ra sao.

Ba giả thuyết được thẩm định trong tài liệu của bộ Brexit. Trước hết, trong trường hợp đạt được thỏa thuận tự do thương mại toàn diện với Bruxelles, Liên Hiệp Anh có thể bị mất 5 điểm tăng trưởng trong vòng 15 năm.

Nếu «không có thỏa thuận » nào, tăng trưởng của Anh sẽ bị mất 8 điểm trong cùng thời điểm.
Cuối cùng, nếu Anh Quốc tiếp tục thâm nhập được thị trường chung châu Âu, ví dụ với tư cách là một thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu, thì nước này cũng chỉ có thể giới hạn được phần nào mất mát, và tăng trưởng giảm 2 điểm.

Dĩ nhiên, Anh Quốc có thể ký được các hiệp định tự do thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc, nhưng tăng trưởng có được từ những thỏa thuận này vẫn không bù được mất mát liên quan đến việc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Cụ thể, vẫn theo đánh giá của tài liệu mật trên, một thỏa thuận với Washington mang lại thêm 0,2% cho tăng trưởng, và các thỏa thuận thương mại khác là khoảng 0,4%.

Brexit tác động đến mọi lĩnh vực, mọi vùng của Anh

Vẫn theo Les Echos, tài liệu trên còn nêu rõ mọi vùng của Anh đều bị tác động, bắt đầu từ vùng Đông Bắc, vùng Birmingham và Bắc Ai Len.
Mọi lĩnh vực kinh tế cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, hóa học, may mặc, sản xuất thực phẩm, chế tạo ô tô và phân phối.
Mỗi ngành nông nghiệp có thể không bị tác động trong trường hợp « không có thỏa thuận ».
Ngoài ra, khu Tài chính City có thể cũng chịu thiệt hại nặng nề nếu như mất cửa thâm nhập thị trường chung châu Âu.

Được soạn thảo để lưu hành nội bộ và đưa cho mỗi bộ trưởng xem vào tuần này, sau đó được thu lại để tránh bị rò rỉ, tài liệu trên còn có mục đích chuẩn bị cho cuộc họp vào thứ Tư tới, quy tụ các thành viên chính phủ quan tâm đến Brexit, để giúp đỡ nhóm làm việc của thủ tướng Theresa May xác định một tầm nhìn chung về thời kỳ hậu Brexit.

Theo nghiên cứu của tài liệu lưu hành nội bộ này, tác động của Brexit được dự báo không nghiêm trọng bằng những điểm được nêu trong văn bản do bộ Tài Chính soạn thảo trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016.

Tuy nhiên, việc rò rỉ thông tin lại xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với chính phủ và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, hiện đã rất gay gắt, trong nội các và đảng bảo thủ.
Phe đối lập có thể tận dụng cơ hội này để yêu cầu chính phủ công bố toàn bộ nội dung bản nghiên cứu tác động của Brexit đến nền kinh tế Anh.

Kinh tế Pháp tăng trưởng trở lại

Năm 2017, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Pháp tăng 1,9% và là năm có sức tăng trưởng mạnh nhất kể từ 2011, theo thống kê của Viện Insee ngày 30/01/2018.
Sự kiện này được hầu hết các nhật báo đăng trên trang nhất.
« Tăng trưởng Pháp cao nhất từ 6 năm qua » là hàng tựa trên trang nhất của Le Monde.

Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Insee, kết quả đạt được là nhờ đầu tư của các doanh nghiệp (tăng 4,3% trong năm 2017 so với 3,4% năm 2016), cũng như đầu tư của các hộ gia đình, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản (tăng 5,1% cao gấp hai lần so với năm 2016).
Trang nhất của La Croix là hình ảnh lá cờ Pháp xuất hiện cuối đường hầm tối tăm với hàng tựa : « Khủng hoảng kinh tế, đã đến cuối đường hầm ? ».

Tuy nhiên, theo nhật báo Công giáo, hậu quả của cuộc khủng hoảng vẫn còn đó, cụ thể là tỉ lệ thất nghiệp và tình trạng nợ vẫn cao.

Với nhật báo kinh tế Les Echos, « Lời hứa tăng trưởng đã tìm lại được ».
Tờ báo phân tích ba lĩnh vực tác động đến tăng trưởng của Pháp : đầu tư của lĩnh vực tư nhân, số lượng doanh nghiệp mới được thành lập tăng cao nhất từ năm 2010 và hiệu quả của khu vực đồng euro.

Thế giới giầu gần gấp đôi trong vòng 20 năm

Vẫn về kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos, trích bản báo cáo mới nhất của Ngân Hàng Thế Giới, cho biết : « Thế giới giầu gần gấp đôi trong vòng 20 năm ».

Không chỉ dựa trên GDP của 141 quốc gia được nghiên cứu, mức độ giầu có của một nước còn được căn cứ vào quá trình sản sinh vốn (máy móc, trang thiết bị…), vốn nhân lực (trình độ đào tạo của người lao động…), vốn tự nhiên (rừng, hầm mỏ, đất canh tác…) và tài sản ròng ở nước ngoài.
Theo tính toán của Ngân Hàng Thế Giới, sự giầu có của những nước này, vượt từ 690.000 tỉ đô la lên đến 1.143.000 tỉ đô la (tăng khoảng 66%) từ năm 1995 đến năm 2014.

Trong thời gian này, hơn 20 quốc gia có thu nhập thấp đã trở thành những nước có thu nhập trung bình.
Ngoài ra, kết quả đạt được còn nhờ vào sự phát triển tuyệt vời của châu Á, đặc biệt là của Trung Quốc và Ấn Độ. Ngược lại, khu vực châu Phi Nam Sahara vẫn là nơi có nhiều nước có thu nhập thấp.

Chính sách nhập cư của ông Trump chia rẽ cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ

Trở lại đề xuất của tổng thống Donald Trump vê việc cấp quốc tịch cho 1,8 triệu Dreamers theo cha mẹ đến Mỹ từ nhỏ, đổi lại việc Quốc Hội thông qua ngân sách xây bức tường biên giới với Mêhicô, nhà báo Gilles Paris trên tờ Le Monde đánh giá đây là « Cú đánh cược rủi ro của Trump về nhập cư » vì dự án này chia rẽ cả nội bộ phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ.

Đối với ông Donald Trump, thành công của chính sách cải cách nhập cư phụ thuộc vào « bốn trụ cột » : tăng cường biên giới với Mêhicô bằng bức tường ngăn cách hai nước, hợp thức hóa giấy tờ cho những người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ từ nhỏ, hạn chế đoàn tụ gia đình và ngừng cấp thẻ thường trú thông qua hệ thống rút thăm ưu tiên đa dạng văn hóa.

Với một số nghị sĩ Dân Chủ, tổng thống Mỹ « cuối cùng cũng công nhận rằng những Dreamers phải được phép ở lại đây và trở thành công dân ».
Trên thực tế, 4,8 triệu người này có thể được trao quốc tịch Mỹ trong vòng 10 năm.
 Riêng trang cực hữu Breitbart News đã chỉ trích gay gắt tổng thống Trump, gọi ông là « Ngài Ân xá ».

Ngoài ra, nhiều chính trị gia bảo thủ phản đối đề xuất của ông chủ Nhà Trắng thì lấy làm tiếc là việc hạn chế đoàn tụ gia đình không hủy được ngay lập tức số lượng 4 triệu đơn đang được xem xét.

Syria : Vòng đàm phán Sotchi thất bại

Sau vòng đàm phán thứ 9 về tình hình Syria tại Vienna do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, đến lượt Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức đàm phán riêng giữa các bên tham chiến tại Syria ở thành phố Sotchi, bên bờ Biển Đen.

Tuy nhiên, theo nhật báo La Croix, « Nga đã thất bại trong việc biến hóa thành công quân sự tại Syria» vì cuộc họp đã không đưa đến bất kỳ tiến triển nào do các phe đối lập chính với chế độ Damas, cũng như đại diện phương Tây vắng bóng.

Tuy nhiên, gặp gỡ Sotchi lại là một « bài tập» truyền thông tốt để điện Kremlin bày tỏ nguyện vọng xây dựng hòa bình, đặc biệt là tô bóng hình ảnh tổng thống Putin, trong bối cảnh chỉ chưa đầy hai tháng nữa, cử tri Nga sẽ bầu tổng thống mới.

Le Figaro phản ánh « sự lộn xộn trong cuộc họp về Syria tại Sotchi», bắt đầu từ tranh cãi về quốc kỳ, tiếp theo là nhiều thành viên tham dự bỏ ngang cuộc họp và tiếng la ó nhắm vào ngoại trưởng Nga.
Với Le Figaro, hội nghị Sotchi cũng chẳng mang lại thêm kết quả gì so với hội nghị trước đó do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Lực lượng Quân đội Syria tự do : Từ chống Assad đến ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ

Trên chiến trường Syria, nhật báo Le Monde đề cập đến vai trò mới trong cuộc nội chiến của lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) : « Từ cuộc chiến chống Assad đến lực lượng dân quân ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ ».

Bị suy yếu sau khi các tổ chức thánh chiến chiếm ưu thế và để mất Đông Aleppo vào tay lực lượng thân tổng thống Assad vào cuối năm 2016, lực lượng nổi dậy ôn hòa này đã hoạt động trở lại khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào khu vực Afrin, nằm dưới sự kiểm soát của người Kurdistan, tây bắc Syria.

Vừa mới đây còn chống chế độ Assad, các lượng lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ (Sultan Mourad và Faylaq Al Sham) của Quân đội Syria Tự do giờ đóng vai trò trợ thủ cho lực lượng Ankara.

Ankara, giờ hiện là một đồng minh của Matxcơva trên chiến trường Syria, muốn biến Quân đội Syria Tự do thành một đội quân đối trọng với Lực lượng Dân Chủ Syria (FDS) của người Kurdistan, do lực lượng YPG đứng đầu và luôn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Theo nhận định của Le Monde, nếu như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vây hãm được thành phố Afrin và được quân nổi dậy FSA hỗ trợ đắc lực, thì các cuộc bạo động có thể lan rộng ở bờ đông dòng sông Euphrate, hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của FDS, nhưng phần đông dân cư lại là các bộ tộc Ả Rập.

 Chuyên gia phân tích người Syria, Hassan Hassan lên tiếng cảnh báo nguy cơ một « cuộc nội chiến » mới.
Vậy là sẽ có thêm một cuộc xung đột sắc tộc vào thảm kịch đang xảy ra tại Syria hiện nay.

210 người thân cận của tổng thống Nga trong danh sách đen của Mỹ

Khoảng 210 nhân vật người Nga bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách đen trong bản « Kremlin Report » của bộ Tài Chính Mỹ, công bố tối 29/01/2018.

Le Monde đưa tin « Washington lập một danh sách người thân Putin nhưng không trừng phạt họ ».
Tương tự Les Echos nhận định « Washinton đe dọa tất cả những người thân cận của Putin ».

Trong bài báo « Washington liệt vào danh sách vòng thân cận của Putin », Libération cho biết danh sách gồm nhiều nhân vật được cho là thân cận với tổng thống Nga, nhiều quan chức cao cấp hoặc các tỉ phú có ảnh hưởng đến chính trị : phát ngôn viên điện Kremlin, các bộ trưởng Văn Hóa, Ngoại Giao, các phát ngôn viên của

Thượng Viện và Hạ Viện... hoặc lãnh đạo các tập đoàn nhà nước Gazprom và Rosneft, cùng với 96 tỉ phú có ảnh hưởng đến đời sống chính trị Nga.

Switch mode views: