Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam bắt đầu xét xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

vietnam-security

Ông Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát áp giải đến phiên tòa xét xử tại Hà Nội, ngày 08/01/2018.
VNA/Doan Tan via REUTERS

Đúng như đã loan báo, phiên tòa xét xử vụ án gọi là « cố ý làm trái » và « tham nhũng » gây lỗ nghiêm trọng tại tập đoàn dầu khí Nhà Nước Việt Nam PetroVietnam đã mở ra tại Hà Nội vào ngày 08/01/2018.

Trong số 22 bị cáo, nổi bật nhất là ông Đinh La Thăng, cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, và ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị PetroVietnam, nguyên là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Trong số hai cựu lãnh đạo cao cấp bị truy tố, giới quan sát chú ý đặc biệt đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật đã từng trốn qua Đức, trước khi xuất hiện trở lại tại Việt Nam, một sự kiện đã gây căng thẳng trong bang giao Việt-Đức.
Trong phiên tòa mở ra ngày 08/01, ông Thanh còn bị buộc tội « tham ô tài sản », một tội danh có thể dẫn đến án tử hình.

Từ Thành Phố Hồ Chí Minh, Frédéric Noir, thông tín viên RFI, đã điểm lại các diễn biến liên qua đến ông Trịnh Xuân Thanh:

« Vụ việc chẳng khác gì một tiểu thuyết gián điệp, và là nguyên do một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Đức và Việt Nam.
Sự kiện ông Trịnh Xuân Thanh bị những người có võ trang bắt cóc hồi tháng 7/2017 tại một công viên ở Berlin đã làm dấy lên phản ứng phẫn nộ từ phía Đức.

Trong khi Berlin khẳng định rằng họ không một chút nghi ngờ gì về sự can dự của các cơ quan tình báo Việt Nam vào vụ bắt cóc, thì phía Việt Nam đã phủ nhận mọi liên can.
Vài ngày sau vụ bắt cóc, cựu nhân vật quyền chức này đã xuất hiện trên đài truyền hình Nhà Nước Việt Nam, để củng cố lập luận của chính quyền Hà Nội về việc ông đã tự nguyện hồi hương.
Một số quan sát viên tuy nhiên lại xem đấy là những lời thú nhận bị ép buộc.

Cho đến năm 2013, ông Trịnh Xuân Thanh đã đứng đầu một đại tập đoàn dầu khí quốc doanh, và ông phải ra tòa hôm nay cùng với một cựu lãnh đạo khác của tập đoàn đó, cũng như một cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nếu hai người này chỉ phải đối mặt với bản án 20 năm tù về tội quản lý kém cỏi, riêng ông Trịnh Xuân Thanh có thể bị kết án tử hình, vì còn bị truy tố thêm về tội tham ô công quỹ.

Trong những năm gần đây, chính quyền Cộng Sản tại Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch « bàn tay sạch », và không ngần ngại trừng phạt nặng nề những lãnh đạo bị quy tội tham nhũng.
Tuy nhiên, đằng sau chiến dịch thanh trừng đó, nhiều người nhìn thấy bàn tay của lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, có vẻ như là tiếp tục tấn công vào những người bị ông coi là đồng minh của đối thủ lớn của ông là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. »

Theo chính quyền Việt Nam, phiên tòa dự kiến kéo dài hai tuần lễ, cho đến hôm 21/1/2018.
Báo chí Việt Nam ngày 08/01 đã loan tin rộng rãi về phiên tòa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, báo chí ngoại quốc không được vào dự.

Switch mode views: