Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tết Tây nói chuyện ngày đầu năm

christmas-season-russia

Khu trung tâm Matxcơva trang hoàng lộng lẫy để đón chào năm mớiReuters

Hôm nay là ngày 01/01, ngày Tết Dương lịch, hay còn được gọi là Tết Tây, để phân biệt với Tết Âm lịch hay Tết Ta.
Nhưng từ khi nào mà thế giới mới chọn ngày 01/01 là ngày đầu năm ?

Từ năm 46 trước Công Nguyên, hoàng đế La Mã Julius Caesar đã quyết định ngày 1 tháng 1 là ngày đầu năm.

Thời đó, người La Mã dành ngày này cho thần Janus.
Trong tôn giáo và thần thoại La Mã, Janus là vị thần của sự khởi đầu và quá trình chuyển đổi, và do đó là của các cổng, cửa, ô cửa, lối đi…….

Thần Janus thường được mô tả là có hai khuôn mặt, một nhìn tới tương lai và một nhìn về quá khứ. Đó cũng chính là điều mà chúng ta vẫn làm vào đêm giao thừa : vừa nhìn lại một năm đã qua, vừa hướng về năm mới.
Tên của tháng Giêng ( tiếng Pháp là Janvier, tiếng Anh là January ) là xuất phát từ chữ Janus.

Sau nhiều thế kỷ thay đổi liên tục, mãi đến năm 1622, ngày đầu năm mới được ấn định trở lại là ngày 01/01.
Giáo hoàng thời đó đã quyết định như vậy chẳng qua là để cho việc xếp lịch các ngày lễ tôn giáo được đơn giản hơn.

Nhưng tùy theo từng nước, lịch sử của ngày đầu năm chắc là rắc rối hơn nhiều, đâu có đơn giản như thế?
Đúng vậy, theo các nhà sử học thì những người đầu tiên ăn mừng năm mới là dân vùng Babylone vào khoảng thời gian năm 4000 trước Công Nguyên.

Cụ thể là vào cuối tháng 3, họ tổ chức các lễ hội và các nghi thức thanh tẩy, kéo dài tổng cộng đến 10 ngày, để tôn vinh thần Mardouk, thần bảo vệ mùa màng.
 Vào thời cổ đại, Mặt trời là vị thần tối thượng, nên các lễ hội mừng năm mới thường là nhằm tôn vinh vị thần này.

Người Ba Tư thì đã bắt đầu mừng năm mới từ năm 3000 trước Công Nguyên.
Tết của họ có tên là Norouz, có nghĩa là « Ngày mới ».
Thật ra đây là một ngày lễ tôn giáo.

Đến thời Ai Cập cổ đại, ngày đầu năm là ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của mùa lũ sông Nil, khi nước sông Nil tràn ngập các cánh đồng.
Đây là một ngày biểu tượng của sự đổi mới tốt đẹp, vì nước lũ sông Nil mang phù sa mầu mỡ cho mùa màng, tức là đóng vai trò tối quan trọng đối với nền nông nghiệp nước này.

Dĩ nhiên là vì dựa vào mùa lũ sông Nil, cho nên không có ngày đầu năm nào là cố định cả.
Vào thời đó, ngày đầu năm cũng là dịp để người ta cúng các vật phẩm cho người quá cố và cho các vị thần, nhất là thần Rê, thần Mặt Trời, vị thần mà người ta cho là sinh đúng vào ngày đầu năm.

Còn tại Pháp, mãi đến năm 1564, theo quyết định của vua Charles IX, ngày đầu năm mới được chọn là ngày 01/01.

Còn trước đó, ngày đầu năm là cả một mớ bòng bong, mỗi sắc dân, mỗi Giáo hội, mỗi thời, mỗi xứ chọn một ngày khác nhau.
Vào thế kỷ 6 và 7, tại nhiều tỉnh của Pháp, người dân ăn Tết vào ngày 01/03. Thế nhưng, sang đến thời vua Charlemagne, ngày khởi đầu của năm lại là ngày Noel 25/12, rồi sang đến thời các vị vua dòng dõi Capériens ( Kapetinger ), năm mới lại bắt đầu vào….. ngày Lễ Phục Sinh !

Trong khi đó tại Ý, với sự ra đời của nền Cộng Hòa, người La Mã có thói quen phân biệt các năm dựa theo tên của các vị quan chấp chính (consul), vì nhiệm kỳ của các vị quan này là một năm.

Vào năm 153 trước Công Nguyên, ngày nhậm chức của các quan chấp chính, trước đó được ấn định là ngày 01/03, được chuyển thành ngày 01/01.
 Thành ra vào năm 45 trước Công Nguyên, khi Julius Caesar bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư, ông mới quyết định giữ luôn ngày 01/01 là ngày đầu năm và từ đó hình thành lịch Julius.

Lịch này được duy trì cho đến tận thế kỷ 20 ở một số quốc gia và hiện vẫn còn được một số nhà thờ Chính thống giáo Nga và Serbia sử dụng.
Ở nước Nga, lịch sử của ngày đầu năm cũng rắc rối không kém. Người Nga thời cổ xưa ăn Tết suốt từ ngày 25/12 đến ngày 6/1.
Đến khi đạo Thiên Chúa được du nhập vào Nga vào năm 988, nước này mới ăn Tết theo lịch Julius, nhưng chọn ngày đầu năm là 01/03.

Rồi đến khoảng cuối thế kỷ 14, Giáo hội Chính Thống Giáo Nga dời ngày Tết từ tháng 3 sang … tháng 9.
Nước Nga chỉ ăn Tết vào tháng Giêng kể từ năm 1699, vì Sa hoàng Piotr Đại đế muốn theo lịch của châu Âu.

Nhưng lúc đó châu Âu đã chuyển từ lịch Julius sang lịch Gregorius ( lịch do Giáo hoàng Gregorio XIII đưa ra từ năm 1852 để sửa chữa những sai lệch của lịch Julius).

Cho nên, nước Nga ăn Tết trễ hơn khoảng 2 tuần so với châu Âu. Chỉ đến năm 1919, nước Nga mới dứt khoát theo lịch mới của châu Âu.
Nhưng ngày nay, một số dân Nga vẫn ăn Tết hai lần : ngày 01/01 và 13 ngày sau đó.

Ngày Giao thừa theo Dương lịch thường được gọi là ngày Saint – Sylvestre ( tiếng Anh là Saint Sylvester ).
Nhưng Thánh Sylvestre là ai ?

Thánh Sylvestre, tức là giáo hoàng Sylvestrô I, là vị giáo hoàng thứ 33 của giáo hội Công giáo.
Năm sinh của ông không được xác định, nhưng người ta biết là ông mất vào ngày 31 tháng 12 năm 335 và ngày 31/12 cũng là lễ Thánh Sylvestrô.

Niên giám tòa thánh năm 2003 xác định triều đại của ông kéo dài từ ngày 31 tháng 1 năm 314 đến ngày 31 tháng 12 năm 335.
Trong thời giáo hoàng Sylvestrô I, các vương cung thánh đường như Ðền Thánh Gioan Lateran, Ðền Thánh Phêrô trên đồi Vatican, thánh đường Santa Croce ở Jesusalem đã được xây dựng.

Trước đây có văn bản viết rằng hoàng đế Constantinius đã trao thế quyền cho giáo hoàng Sylvestrô I, nhưng sau này Giáo hội Công Giáo nhìn nhận văn bản này không có thật.
Một điều chắc chắn : chính là dưới thời giáo hoàng Sylvestrô I, mà quyền của Giáo hội được thết lập trên toàn đế quốc La Mã.

Có một truyền thuyết cho rằng Constantinus đã bị một bệnh hủi không thể chữa khỏi và chính khi giáo hoàng Sylvestrô I rửa tội ông bằng cách dìm vào trong một bể bơi mà ông đã được chữa khỏi bệnh hủi và vị hoàng đế này hiểu rằng ông phải bảo vệ đức tin Kytô giáo.

Sylvestrô I là một trong những vị giáo hoàng đầu tiên được phong thánh mà không tử vì đạo.
Vào ngày đầu năm thì người ta thường gởi thiệp chúc mừng năm mới cho nhau. Vậy tục lệ này có từ bao giờ ?

Theo các nhà nghiên cứu thì thiệp chúc mừng năm mới có nguồn gốc từ vùng Viễn Đông.
Thời xưa, người ta dùng những tờ giấy lớn làm từ gạo để làm thiệp chúc mừng năm mới và kích thước của tờ thiệp này tùy thuộc vào tầm quan trọng của người nhận thiệp.

Tục lệ gởi thiệp mừng năm mới xuất hiện khá trễ tại Pháp.
 Cho tới tận thế kỷ 17, người ta vẫn đến tận nơi để chúc Tết nhau.
Nhưng đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, làm sao mà đi chúc Tết hết mọi người được ?

Thấy vậy, một số người mới lập ra những dịch vụ. Tức là trả cho họ một món tiền nhỏ, họ sẽ cử một ông, áo quần bảnh bao, mặt mày nghiêm chỉnh, thay mặt ta đến tận nhà để chuyển lời chúc Tết, và nếu chủ vắng nhà thì ghi tên người gởi lên cửa.

Dần dần những ông « áo quần bảnh bao » này mới được thay thế bằng thiệp chúc Tết như ngày nay.
Đầu năm thì người ta thường hạ quyết tâm là năm nay sẽ bỏ thuốc lá, bớt uống rượu, ăn kiêng, sẽ chú tâm học hành…….Nhưng nguồn gốc thói quen này là từ đâu?

Cũng chính là dân thành Babylone thời cổ đại là những người đầu tiên đưa ra những cam kết đầu năm.
 Sau đó, dân La Mã bắt chước theo, đưa ra những lời hứa với thần Janus. Và truyền thống này kéo dài cho đến ngày nay.
Nếu tìm hiểu thì ta sẽ thấy là tại một số nước vào ngày đầu năm, người ta cũng có những tục lệ tương tự như ở Việt Nam vào ngày Tết Ta. Cụ thể đó là những tục lệ nào?

Chẳng hạn tại vùng Savoie của Pháp, vào ngày Tết Tây và trong những ngày tháng Giêng, người ta cũng « lì xì » bánh kẹo và tiền cho trẻ em mỗi khi đi chúc Tết những người trong gia đình.
Ngày đầu năm người ta cũng đi chúc Tết bạn bè. Cũng chính vào những ngày này mà người chủ cũng lì xì tiền cho người làm, cho người gác dan để thưởng công cho họ đã làm lụng vất vả cả năm.

Ở Việt Nam vào những ngày Tết, dù có nghèo cách mấy thì người ta cũng ăn uống « linh đình » với những món truyền thống như thịt kho, bánh chưng, dưa hành, với một niềm ước mong là quanh năm suốt tháng lương thực lúc nào cũng sung túc như vậy.

Ở Ý cũng thế, vào ngày Tết Tây, người ta cũng ăn những món đặc biệt, được cho là sẽ mang lại sự giàu có, sung túc, đó là những món được làm bằng các hạt ngũ cốc hoặc những cái bánh mà bên ngoài có phủ mật ong.

Ở Việt Nam, trước khi có lệnh cấm, có phong tục đốt pháo trong những ngày Tết.
Hà Lan cũng vậy, vào ngày 31/12, người ta đốt pháo bông từ sáng sớm đến tận đêm khuya.
 Đây là ngày duy nhất mà người dân được phép đốt pháo bông thoải mái và pháo bông chỉ được bán trong 3 ngày trước đó.

Cũng giống như ở Việt Nam, tại vùng Canada thuộc Pháp, người dân cũng ăn Tết Tây trong gia đình, những người cùng gia đình, dòng họ tập hợp lại trong những căn nhà cũ của gia đình để đón năm mới.

Người Việt Nam trước ngày Tết bằng mọi giá phải trả hết nợ nần, nếu không thì xui xẻo cả năm.
Người Ba Lan cũng vậy. Trước ngày 31/12, họ cũng cố thanh toán hết các món nợ.

Còn dân Nhật thì không ăn Tết Âm lịch mà chỉ ăn Tết Dương lịch và họ cũng giống như Việt Nam, năm hết Tết đến phải lo trả hết nợ nần và giải quyết hết những việc tồn động trong năm.
Người Tây phương cũng mê tín không thua gì dân Việt Nam, nhất là trong ngày Tết Tây?

Người Tây phương tin rằng khi chuông đồng hồ gõ 12 tiếng thì phải rất cẩn thận với cái « đầu tiên » : Vào thời điểm đó thì phải cố tỏ ra vui vẻ ( để suốt năm lúc nào cũng vui vẻ ), và nhất là đừng nói gở.

Trong cuốn « Sách về những điều mê tín », tác giả Eloise Mozzani cảnh báo rằng để năm mới được tốt đẹp, người đầu tiên nên gặp là một người khác phái ( Trong khi Việt Nam thì rất sợ ra ngõ gặp gái ! ).
Nhưng ngược lại, nếu « bị » một bà chúc năm mới thì xui cả năm ! Cũng vậy, nếu ra đường mà gặp ngay người đầu tiên là một kẻ thù của gia đình thì năm đó coi như tiêu tùng!

Switch mode views: