Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-10-2017

Mỹ : Vụ ám sát Kennedy vĩnh viễn trong vòng bí mật?

Kennedy

Cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy trong một bức ảnh không đề ngày tháng.
REUTERS/JFK Presidential Library and Museum

Hôm qua, 26/10/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý cho giải mật hơn 2.800 tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về vụ ám sát tổng thống J.F. Kennedy, cách nay hơn nửa thế kỷ. Liberation đặt câu hỏi : « 22/11/1963 : Bí mật về vụ Kennedy thực sự được vùi sâu chôn chặt ? »

Năm 1992, các nghị sĩ Mỹ đã thông qua một văn bản luật bắt buộc giải mật và không được kiểm duyệt các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về vụ ám sát tổng thống Kennedy.

Một phần tư thế kỷ sau, không ai ngờ rằng người chịu trách nhiệm làm việc này lại là tổng thống Donald Trump, người rất ham mê thuyết âm mưu và trong chiến dịch vận động tranh cử, ông đã thường xuyên nhắc đến vụ này.
Hôm thứ Tư, 25/10, trên đường tới Dallas, nơi Kennedy bị ám sát, chủ nhân Nhà Trắng, gửi tin trên Twitter, tỏ ra rất phấn khích về việc công bố tài liệu.

Theo giới chuyên gia và sử gia, những tài liệu được công bố này có thể đặt CIA và FBI vào tình thế khó xử.

Trên tờ The Guardian, nhà báo Philip Shenon, tác giả của một cuốn sách nói về vụ ám sát Kennedy cho rằng, nhiều tài liệu sẽ cho thấy khối lượng thông tin khổng lồ mà CIA và FBI thu thập được về Oswald (kẻ bị cáo buộc là thủ phạm chính), trong nhiều tháng và nhiều năm trước khi xẩy ra vụ ám sát.

Từ trước tới nay, nhiều tổng thống Mỹ đã không cho giải mật một số tài liệu, vì có nguy cơ gây tổn hại đến các hoạt động quân sự, tình báo và giữ gìn trật tự hoặc trong việc thực hiện chính sách đối ngoại, nhưng theo Libération, khi làm việc này, tổng thống Donald Trump có một lô gích suy nghĩ khác : Ông không tin vào cơ quan tình báo Mỹ.

Theo nhà sử học Mỹ Michael Beschloss, viết trên tờ New York Times, rằng trong tất cả các vị tổng thống của nước Mỹ từ năm 1963 đến nay, Donald Trump là người ít quan tâm nhất đến việc bảo vệ CIA và FBI, không cho giải mật một số tài liệu nhậy cảm vì ông rất bực tức hai cơ quan này.
Cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 làm cho ông Trump khó chịu.

Ông đã nhiều lần chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ. Một số cộng sự thân cận của ông còn đi xa hơn, tố cáo sự tồn tại một Nhà nước chìm, hàm ý nói đến cái gọi là liên minh bí mật giữa các nhân viên CIA, FBI và bộ Quốc Phòng, hòng gây khó khăn, phá hỏng nhiệm kỳ của ông Trump.
Thậm chí, hồi tháng Bẩy/2017, con trai ông Trump còn viết trên Twitter rằng Nhà nước chìm là có thật, bất hợp pháp và đe dọa an ninh quốc gia.

Ngoài việc nghi ngờ, chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ, tổng thống Trump và một số người thân còn bị ám ảnh bởi thuyết âm mưu, « vun vén » duy trì các giả thuyết về cái chết của Kennedy.
Trong lúc tranh cử tổng thống, ông Trump còn tố cáo cha của thượng nghị sĩ Ted Cruz có liên quan đến hung thủ Oswald.
Cố vấn của Trump, ông Roger Stone, vào năm 2013, đã đăng một cuốn sách tố cáo phó tổng thống Lyndon Johnson đã chỉ đạo, sắp xếp vụ ám sát Kennedy.

Tài liệu về cuộc điều tra vụ ám sát Kennedy bao gồm hơn 5 triệu trang và hiện chỉ còn 1% trong số này vẫn chờ được giải mật và từ ba năm qua, số tài liệu mật cuối cùng này đang được chụp lại và số hóa để đăng trên internet khi được phép.

99% các tài liệu đã được công bố nhưng các câu hỏi về vụ ám sát Kennedy vẫn chưa được giải đáp. Vậy phải chăng « bí mật về vụ Kennedy thực sự được vùi sâu chôn chặt ? ».
Cùng chủ đề này, báo Libération còn có bài « Ba phát súng và có bao nhiều giả thuyết mù mờ ? », nêu ra các câu hỏi không lời giải đáp : Phải chăng Lee Harvey Oswald là thủ phạm ?

Chỉ có một mình Oswald bắn tổng thống Kennedy hay còn ai khác ? Có ba hay bốn phát đạn bắn về hướng Kennedy ?
 Bởi vì thống đốc Texas John Connally ngồi cùng xe tổng thống và bị thương.
Liệu có ai đứng đằng sau Oswald hay không ? Tại sao Jack Ruby, chủ một hộp đêm, có quan hệ với mafia và gần gũi với một số cảnh sát, lại bắn chết Oswald ?

Theo Libération, hơn 50 năm sau vụ ám sát, không có một nhân chứng khả tín nào, không một nhà điều tra nào đưa ra được một tài liệu, một sự việc có thể kiểm chứng… và có thể tuyên bố rõ ràng « tôi có bằng chứng », hoặc « tôi đã ở đó » hoặc «tôi biết ».

 Nói tóm lại, vẫn chỉ có kết luận chính thức của cuộc điều tra, theo đó, tổng thống Kennedy bị bắn chết bởi một cựu thủy thủ hơi tâm thần và hành động một mình.
Hung thủ sau đó bị một chủ hộp đêm mắc bệnh hoang tưởng bắn chết.

Khủng hoảng Catalyna - Tây Ban Nha

Tại châu Âu, chủ đề nóng bỏng nhất vẫn là cuộc đọ sức giữa vùng tự trị đòi độc lập Catalunya và chính quyền Tây Ban Nha cũng được báo chí Pháp quan tâm.

Le Monde cho biết : « Trước nguy cơ ly khai, người Catalunya bị chia rẽ » bởi vì tại Quốc Hội Catalunya, đa số các dân biểu muốn tuyên bố độc lập, thành lập một nước cộng hòa, nhưng phe ôn hòa phản đối.

Hôm nay, 27/10, Thượng viện Tây Ban Nha xem xét việc cho phép áp dụng điều 155 trong Hiến Pháp, sau khi chủ tịch vùng Catalunya, ông Carles Puigdemont không chấp nhận giải tán và cho bầu cử trước thời hạn Quốc Hội Catalunya.

Do vậy, theo Le Figaro, « Catalunya hướng tới việc bị giám hộ sau những hy vọng về một thỏa hiệp ».
Cùng theo hướng này, Les Echos nhận định « Những hy vọng đạt được một thỏa thuận vào giờ chót trở nên xa vời tại Barcelona ». Còn Liberation nhận định, « bến dừng sắp tới của con tàu Catalunya là giám hộ »

Châu Á nhiều tỷ phú hơn Mỹ

Đó là bài viết trên Les Echos. Theo nghiên cứu của UBS và PricewaterhouseCooper, tổng tài sản của các nhà tỷ phú trên thế giới trong năm 2016, đã tăng từ 5.100 tỷ đô la lên thành 6.000 tỷ.
Lần đầu tiên, châu Á có số tỷ phú nhiều hơn Hoa Kỳ. Cụ thể 637 người, còn Hoa Kỳ là 563, trong khi châu Âu chỉ có 342 tỷ phú.

Tuy vậy, Mỹ vẫn là nơi mà các tỷ phú có số tài sản lớn nhất. 563 siêu tỷ phú Mỹ có 2800 tỷ đô la.
Các tỷ phú châu Á có 2000 tỷ và châu Âu chỉ vào khoảng 1200 tỷ.

Định nghĩa lại « Cách mạng công nghiệp »

Để thư giãn cuối tuần, báo Le Monde, trong phụ trương Kinh tế và Doanh nghiệp có bài « « Cách mạng công nghiệp - lịch sử một câu chuyện được kể lại quá trôi chảy », tóm tắt cuộc tranh luận của giới sử học nhân hội thảo « Cuộc hẹn gặp với lịch sử », lần thứ 20, được tổ chức tại Blois, ngày 07/10/2017, với chủ đề Eureka : phát minh, phát hiện và sáng tạo.

Một trong những chủ đề thú vị là nêu câu hỏi về nội dung của khái niệm « cách mạng công nghiệp ».
Cho đến nay, luận điểm vẫn thường được nêu ra là quá trình công nghiệp hóa sản xuất, đặc biệt là sản xuất vải sợi, nẩy sinh ở Anh vào cuối thế kỷ 18, rồi sau đó lan tỏa ra toàn châu Âu vào thế kỷ 19, nhờ có phát minh và sử dụng máy hơi nước, làm cho nông dân và thợ thủ công rời bỏ làng mạc, công xưởng để trở thành người làm công ăn lương trong các nhà máy khổng lồ ở thành thị.

Thế nhưng, theo bà Liliane Hilaire-Perez, đại học Paris 7- Diderot, thì cụm từ « cách mạng công nghiệp » xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1830, trong các bài viết của kinh tế gia Pháp Jean-Baptiste Say, khi ông đề cập đến cuộc đấu tranh giành các quyền tự do chính trị của Cách mạng Tư sản Dân quyền Pháp (1789) và các tiến bộ kỹ thuật cho phép mang lại sự phong phú về các phương tiện sản xuất cũng như việc giới doanh nhân và kỹ sư sử dụng các công cụ này.

Mục đích của kinh tế gia Pháp là phản đối ý định của giới địa chủ trong Chế Độ Cũ (xã hội trước Cách mạng 1789) muốn xóa bỏ các thành quả đạt được của cuộc Cách mạng. Lập luận so sánh này được sử dụng lại tại Anh Quốc trong cuộc đấu tranh của những người theo trường phái tự do chống lại giới độc quyền sở hữu đất đai. Và chỉ đến cuối thế kỷ 19, sử gia Anh Arnold Toynbee mới biến lập luận này thành một khái niệm lịch sử.

Tuy nhiên, theo báo Le Monde, từ khoảng ba chục năm qua, giới sử gia mới thực sự quan tâm đến cuộc sống vật chất và kinh tế trong giai đoạn trước thời kỳ được gọi là « cách mạng công nghiệp ».

Theo bà Catherine Lanoe, đại học Orléans, thì từ cuối thế kỷ 16, việc tiêu thụ các sản phẩm được chế biến đã tăng mạnh, về khối lượng và chủng loại, cao hơn cả các nhu cầu cơ bản, ngay cả trong các hộ gia đình có mức sống khiêm tốn. Sự bùng nổ nhu cầu nói trên đã tạo ra sức bật cho nền kinh tế các nước phương Tây.

Do vậy, nếu việc khai thác các nguồn tài nguyên của một vùng lãnh thổ nhằm nâng cao mức sản xuất, nhờ có các phát minh kỹ thuật và cách thức quản lý, được gọi là hoạt động công nghiệp, thì nền công nghiệp này vẫn luôn luôn tồn tại ở nông thôn cũng như thành thị, từ thời Trung Cổ tại Ý cũng như vào thế kỷ 18 tại Anh.

Ngược lại, nếu định nghĩa « công nghiệp hóa » là việc một bộ phận giới chủ và các nhà đầu tư chiếm đoạt một phần lớn giá trị kinh tế do sản xuất tạo ra, thì tiến trình « công nghiệp hóa » này xuất hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ 19.

Cuộc đại khủng hoảng trong các năm từ 1875-1890 đã làm cho hàng triệu nông dân và thợ thủ công khuynh gia bại sản, buộc họ phải đi làm trong các nhà máy thuộc các doanh nghiệp của một nhóm nhỏ độc quyền quản lý nền sản xuất.

Như vậy, theo giới chuyên gia, khái niệm « cách mạng công nghiệp » không nhằm chỉ hệ quả của phát minh kỹ thuật, mà muốn nói tới sự thay đổi trong các quan hệ xã hội.

Trang nhất báo Pháp

Le Monde đề cập đến việc bầu chủ tịch đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa.
Le Figaro quan tâm đến vụ xét xử Abdelkader Merah và mối hận thù thánh chiến được nuôi dưỡng trong gia đình bị cáo. Abdelkader là anh của Mohamed Merah.

Tháng 3/2012, Mohamed Merah đã giết hại 7 người, trước khi bị cảnh sát bắn chết.
Còn Libération chú ý đến việc giải mật các tài liệu liên quan đến vụ ám sát tổng thống Mỹ Kennedy : « JFK, hết bí mật ».

Switch mode views: