Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02- 09-2017
- Thứ Bảy, 02 tháng Chín năm 2017 17:16
- Tác Giả: Thụy My
Gọng kềm Trung Quốc siết chặt quanh Hồng Kông
Lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong trong xe chở tù nhân, ngày 24/08/2017.
REUTERS/Tyrone Siu
Le Monde Diplomatique tuần này có bài viết nói về « Gọng kềm Trung Quốc siết chặt quanh Hồng Kông ».
Hai thập kỷ sau khi trao trả cho Bắc Kinh, quyền tự trị của Hồng Kông bị giảm bớt, còn trấn áp lại tăng lên. Bằng chứng mới nhất là việc bỏ tù ba lãnh đạo phong trào đòi phổ thông đầu phiếu năm 2014.
Tuy vậy, một phong trào chính trị đòi độc lập bắt đầu ươm mầm trong xã hội.
Tờ báo nhắc lại việc tân trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã nhậm chức trong buổi lễ tưng bừng hôm 01/07/2017, trong một Hồng Kông được giữ an ninh chặt chẽ với 20 đại đội Giải phóng quân đến từ Hoa lục.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu bế mạc đã khẳng định với Hồng Kông, chính ông ta mới là ông chủ : « Tất cả những hoạt động thách thức chính quyền trung ương, sử dụng Hồng Kông làm căn cứ để chống lại Hoa lục là hoàn toàn không thể chấp nhận được ».
Trước đó một tháng, Trương Đức Giang (Zhang Dejiang), nhân vật số 3 trong đảng, đã nhấn mạnh : « Trong bất kỳ trường hợp nào, mức độ tự trị cao của Hồng Kông không thể là cái cớ để chống đối chính quyền trung ương ».
Bắc Kinh đàn áp các lãnh đạo phong trào Cách mạng Dù
Le Monde Diplomatique dẫn lời luật sư nhân quyền Trần Khiết Nghi (Kit Chan), nhận định : « Tình hình hiện nay rất xấu. Hơn nữa, càng lệ thuộc vào đầu tư Trung Quốc thì đầu tư từ các nước khác lại giảm xuống. Với việc đàn áp phong trào ‘‘Cách mạng Dù’’, người ta trở nên sợ hãi ».
Hôm 17/8 vừa qua, ba lãnh đạo phong trào là La Quán Thông (Nathan Law), Chu Vĩnh Khang (Alex Chow), Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã bị tòa phúc thẩm kết án lần lượt 8,7 và 6 tháng tù, và truất quyền công dân 5 năm, chứng tỏ Bắc Kinh ngày càng cứng rắn.
La Quán Thông, chủ tịch đảng Hương Cảng Chúng Chí (Demosisto), dân biểu trẻ tuổi nhất, hồi tháng Sáu đã giải thích, phong trào Cách mạng Dù là bước ngoặt trong cuộc đời anh, đã khiến toàn thế giới chú ý đến Hồng Kông. Anh mong muốn có được một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết năm 2047, khi chế độ đặc biệt dành cho Hồng Kông kết thúc.
La Quán Thông nhấn mạnh : « Cần phải mở rộng ra quốc tế. Đó là lý do khiến Demosisto tăng cường quan hệ trên toàn Đông Nam Á : Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam ».
Hôm 04/07/2017, đã có 110.000 người dân Hồng Kông tập trung lại ở công viên Victoria để tưởng niệm vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn năm 1989. Tuy là con số đáng kể so với dân số chỉ có 7,3 triệu người, nhưng lại thấp nhất kể từ 2008. Đó là do phong trào sinh viên vắng mặt hai năm liên tiếp.
Liên đoàn sinh viên nay chú trọng đến « bản sắc Hồng Kông », cho rằng những sự kiện ở Hoa lục không còn liên quan đến họ.
Từ bản sắc Hồng Kông…
Le Monde Diplomatique nhắc lại làn sóng phản đối chương trình « giáo dục ái quốc» do Bắc Kinh áp đặtnăm 2011, bị lên án là tẩy não.
Hoàng Chi Phong, lúc đó mới 14 tuổi đã thành lập phong trào Học Dân Tư Triều (Scholarism), tung ra bản kiến nghị thu thập được 100.000 chữ ký. Sau một cuộc biểu tình khổng lồ và tám ngày biểu tình ngồi trước trụ sở chính quyền, trưởng đặc khu Lương Chấn Anh đã phải rút lại dự án.
Đọc thêm:Cậu học sinh 15 tuổi thách thức Bắc Kinh về môn học tẩy não
Bản sắc công dân Hồng Kông đã được khơi mào, cả một thế hệ mới tham gia làm chính trị. Ngày càng nhiều người Hồng Kông, chủ yếu là giới trẻ, ủng hộ việc duy trì nét đặc thù và quyền tự trị của đặc khu ; số khác công khai đòi độc lập. Họ muốn tiếp tục có được các quyền tự do hiện tại và Nhà nước pháp quyền, công bằng xã hội.
Theo một cuộc điều tra năm 2015, có đến 40% cư dân tự coi là người Hồng Kông (tỉ lệ này năm 2008 chỉ là 21,8%). Đặc biệt lứa tuổi 18-35 chỉ có 4% tự cho mình là người Trung Quốc. Họ cũng muốn duy trì tiếng Quảng Đông trước ảnh hưởng ngày càng lớn của tiếng quan thoại.
Hơn nữa, áp lực di dân từ Hoa lục (tăng thêm nửa triệu người trong 10 năm qua) và du khách Trung Quốc (chiếm đến 3/4 trong số 56 triệu khách du lịch năm 2016) cũng gây phản ứng chống đối.
Dân Hồng Kông bất mãn trước việc những người từ Hoa lục đã lợi dụng hệ thống phúc lợi xã hội của họ nhất là bệnh viện và trường học (phân nửa số trẻ em sinh năm 2011 và sáu năm sau được vào lớp 1 ở Hồng Kông, là con của các bà mẹ đến từ Hoa lục) ; gây ra nạn khan hàng, đặc biệt là sữa bột ; và có thái độ thiếu văn minh. Bên cạnh đó, việc người giàu Trung Quốc đổ xô qua mua nhà khiến giá địa ốc Hồng Kông vốn đắt đỏ nhất thế giới càng tăng cao.
Tuy nhiên, các phe ủng hộ bản sắc Hồng Kông không thống nhất với nhau. Một số muốn đấu tranh chống « đế quốc » Trung Quốc, đòi quyền tự quyết, nhưng vẫn sẵn sàng liên minh với các phe dân chủ. Đó là trường hợp của Demosisto hay dân biểu Chu Khải Địch (Eddy Chu Hoi Dick).
Cũng như La Quán Thông, ông Chu Khải Địch, người giành được nhiều phiếu nhất trong kỳ bầu cử vừa qua, cho rằng « phải mở rộng chiến trường sang toàn bộ Đông Nam Á ».
… đến một nước « Cộng hòa Hồng Kông » ?
Số khác muốn thành lập nước Cộng hòa Hồng Kông, bằng vũ lực nếu cần thiết. Có thể kể : đảng Thanh Niên Tân Chính (Youngspiration) của Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), Indigenous (tên chữ Hán là Bản Thổ Dân Chủ Tiền Tuyến) của Lương Thiên Kỳ (Edward Leung Tin Kei), Hương Cảng Dân Tộc Đảng của Trần Hạo Thiên (Chan Ho Tin).
Đọc thêm: Hồng Kông: Nhiều ứng viên đòi độc lập đắc cử Quốc hội
Số dân biểu dân chủ vượt mốc 24 người, đủ để cản trở các dự luật do Bắc Kinh áp đặt. Tuy nhiên một số đã bị loại do tuyên thệ không đúng quy định.
Lương Tụng Hằng và Du Huệ Trinh (Yau Waiching) thì giơ cao biểu ngữ « Hồng Kông không phải là Trung Quốc », và đọc « Refucking of China » thay vì « Republic of China ». Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) giương ra chiếc dù vàng, tố cáo vụ thảm sát Thiên An Môn ; Lưu Tiểu Lệ (Lau Siu Lai) khi đọc đã tách rời từng vần khiến văn bản trở nên vô nghĩa.
La Quán Thông phát âm chữ « Republic » (Cộng Hòa) theo giọng điệu nghi vấn, Diêu Tùng Viêm (Yiu Chung Yim) đòi hỏi phổ thông đầu phiếu.
Trong khi chờ đợi kháng án, phe dân chủ chỉ còn lại 20 dân biểu, không còn quyền phủ quyết. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể rộng tay cho thông qua dự luật chống ly khai mà điều 23 Hiến Pháp cho phép hay không ?
Theo Le Monde Diplomatique, chưa chắc bà dám gánh lấy rủi ro. Phe chủ trương độc lập đã có được sự ủng hộ của giai cấp trung lưu, và đang cố gắng chinh phục giới bình dân.
Trung Quốc và cuộc chiến mới về kiến thức với phương Tây
Cũng liên quan đến người khổng lồ châu Á, ông Laurent Bigorgne, giám đốc Viện Montaigne viết trên Le Point« Cuộc chiến mới về kiến thức giữa Trung Quốc và phương Tây ».
Mùa hè này, nhà xuất bản của trường đại học Cambridge đầy uy tín đã nhường bước cho sự kiểm duyệt của Bắc Kinh, và khi bị chỉ trích mới thay đổi ý định. Tác giả kêu gọi các nền dân chủ đấu tranh chống lại những cú đòn áp đặt ý thức hệ của Trung Quốc.
Hôm 18/8, giới đại học sững sờ nghe tin Cambridge University Press (CUP), nhà xuất bản lâu đời nhất thế giới (được thành lập từ năm 1534, thời vua Henri VIII) đã quyết định rút 315 bài viết của tạp chí The China Quarterly khỏi internet Trung Quốc, theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh.
Rất nhiều bài viết trên báo chí quốc tế tố cáo Cambridge đã « bán linh hồn ». Bản kiến nghị trên change.org chỉ trong vài ngày đã thu được trên 1.000 chữ ký, chủ yếu từ châu Á.
Tất cả các cơ quan chính quyền Trung Quốc, từ bộ Giáo Dục đến bộ Ngoại Giao đều từ chối trả lời Reuters. Các chủ đề bị kiểm duyệt tất nhiên là Thiên An Môn, Cách mạng Văn hóa, Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan…Đó chỉ là hành động trước thời điểm Đại hội Đảng 19, hay là thử thách các quan điểm phương Tây ?
Nếu đúng vậy, tác giả cho đây là thách thức to lớn, trong bối cảnh làn sóng dân túy chưa từng thấy lan tràn từ Âu sang Mỹ.
Các trường đại học Trung Quốc đã bị siết chặt từ khi Tập Cận Bình lên ngôi năm 2012. Đó là do nhận định việc Liên Xô sụp đổ là trách nhiệm của giới trí thức, do sinh viên đã khởi động phong trào phản kháng Thiên An Môn 1989, do rút ra bài học « Mùa xuân Ả Rập » trong đó giai cấp trung lưu, nhất là sinh viên đóng vai trò tích cực.
Có thể chờ đợi gì nơi chế độ độc tài đã để cho một giải Nobel hòa bình phải chết đi trong tù, và sau đó quản chế cả người vợ góa ?
Google, Facebook, YouTube, Twitter bị chặn từ nhiều năm qua, và mới đây Apple đã chấp nhận xóa các VPN, tức các ứng dụng vượt tường lửa, ra khỏi Apple Store ở Trung Quốc.
Làm thế nào mà các nhân tố hùng mạnh như Cambridge và Apple lại cam chịu xếp giáp quy hàng ? Tác giả kết luận, châu Âu phải đoàn kết lại để bảo vệ các giá trị dân chủ.
Nước Mỹ tự giam hãm, Trung Quốc tung hoành
Tương tự,tác giả Nicolas Baverez trong bài « Nước Mỹ tự giam hãm » trên Le Point nhận xét, châu Âu chỉ có thể trông cậy vào chính mình, khi ông Donald Trump cô lập hóa Hoa Kỳ, còn Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc ra toàn cầu.
Việc nước Mỹ không tham gia hiệp định TPP đã hủy hoại nỗ lực hạn chế sự thống trị kinh tế của Bắc Kinh tại châu Á, nhường lại mảnh đất màu mỡ này cho dự án khu tự do mậu dịch Trung Quốc.
Khi rút lui khỏi hiệp định khí hậu Paris, ông Trump cũng đã dâng tặng cơ hội tuyệt vời cho các công ty Trung Quốc trong lãnh vực môi trường.
Nhìn chung, tình thế trở nên hết sức thuận lợi cho Tập Cận Bình, nhân lúc nước Mỹ thu mình lại có thể gia tăng bành trướng tại Á châu. Kế hoạch Con đường tơ lụa mới huy động 890 tỉ đô la cho trên 900 dự án tại 64 nước, sẽ giúp xuất khẩu mô hình phát triển và phi dân chủ của Trung Quốc.
Hoa Kỳ tỏ ra bất lực trước việc Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông, tạo thành một bức tường trên biển nhằm đẩy lùi Mỹ ra khỏi Thái Bình Dương.
Washington cũng tê liệt đối với những khiêu khích của Bắc Triều Tiên : giải pháp quân sự tỏ ra bất khả vì sợ Hàn Quốc, Nhật Bản bị trả đũa ; giải pháp ngoại giao thì hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh lợi dụng hồ sơ này để tránh bị Mỹ trừng phạt kinh tế, làm xói mòn sự bảo đảm an ninh và chia rẽ Mỹ với các đồng minh châu Á.
Kết quả thảm hại của ông Trump cho thấy sự tác hại của chủ nghĩa dân túy đối với nền dân chủ.
Đành rằng cùng với Quốc Hội, những định chế của Hoa Kỳ như hệ thống tư pháp và báo chí có thể giúp hạn chế được thiệt hại, nhưng xã hội ngày càng phân cực. Nước Mỹ của Donald Trump đã tự rũ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới, nhường chỗ cho « Giấc mơ Trung Hoa » của ông Tập.
Theo tác giả, châu Âu phải rút ra bài học từ cú sốc mị dân này, và nếu khoanh tay đứng nhìn thì chẳng khác nào làm tăng thêm hậu quả.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05- 09-2017 - 05/09/2017 21:24
- Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un Muốn gì ? - 05/09/2017 20:31
- Bắc Triều Tiên đạt mục tiêu « cường quốc hạt nhân » - 05/09/2017 18:59
- Góp phần giải mã vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 - 04/09/2017 17:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04- 09-2017 - 04/09/2017 17:31
- Thủ tướng Đức muốn Liên Hiệp Châu Âu không kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ - 04/09/2017 17:15
- Thử bom nguyên tử : Kim Jong Un "vỗ mặt" Tập Cận Bình ? - 04/09/2017 17:07
- Iran sắp hoàn thành hệ thống phòng thủ chống tên lửa - 03/09/2017 19:06
- Bắc Triều Tiên thông báo thử thành công bom nhiệt hạch - 03/09/2017 17:31
- Chữa ung thư bằng đông y làm tăng nguy cơ tử vong - 02/09/2017 17:24
Các tin khác
- Biển Đông : Hoa Kỳ muốn tuần tra đều đặn hơn - 02/09/2017 14:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01- 09-2017 - 01/09/2017 23:19
- Paris cảnh báo khả năng tên lửa Bình Nhưỡng - 01/09/2017 20:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31- 08-2017 - 31/08/2017 22:19
- Gián điệp mạng Trung Quốc mở rộng tấn công Việt Nam - 31/08/2017 20:11
- Các nhà đối lập Việt Nam thách thức chính quyền trên Facebook - 31/08/2017 20:04
- Tổng thống Mỹ tới Texas để đánh giá thiệt hại do bão Harvey - 31/08/2017 01:43
- Đôla không còn được xem là ngoại tệ có giá trị bảo đảm - 31/08/2017 01:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30- 08-2017 - 31/08/2017 00:50
- Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ thử thêm nhiều tên lửa - 30/08/2017 17:33