Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-03-2013
- Thứ Sáu, 15 tháng Ba năm 2013 21:45
- Tác Giả: Mai Vân
Trung Quốc : Đánh giá về 100 ngày cầm quyền của Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và một đại biểu dân tộc thiểu số ; bên phải là tân thủ tướng Lý Khắc Cường, Quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 14/03/2013.
REUTERS/Jason Lee
Bài báo của thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh, Arnaud de La Grange mang tựa đề có phần kỳ bí : « Sau 100 ngày của Tập Cận Bình ».
Bắt đầu với nhận xét là ở Trung Quốc, người ta cho rằng một lãnh đạo mới phải đốt lên 3 ngọn lửa để xác lập quyền uy của mình, bài viết nêu câu hỏi :
Tập Cận Bình vừa được chính thức bầu vào chiếc ghế chủ tịch Trung Quốc hôm thứ Năm, sẽ chọn "những ngọn lửa nào" để phát lệnh thực hiện một "cuộc khởi hành mới" ?
Theo tờ báo, vào lúc "100 ngày" đầu tiên của Tập Cận Bình trong chức vụ lãnh đạo đảng Cộng sản đã trôi qua, các nhà phân tích đang cố tìm hiểu những bước đầu tiên của ông. Cảm nhận chung, theo Le Figaro, là khá thuận lợi.
Trau chuốt hình ảnh, củng cố quyền lực
Trước tiên về mặt hình thức, chủ nhân mới của nền kinh tế thứ hai thế giới đã trau chuốt hình ảnh một con người bình dị, cởi mở và gần gụi với người chung quanh mình hơn là người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Người ta đã thấy ông đến viếng thăm những làng mạc nghèo, ăn uống ở căng tin cùng với lính.
Những cảnh tiếp cận người dân như nói trên đã được trực tiếp truyền trên các blog và các phương tiện truyền thông nhà nước. Dân cư mạng cũng đã náo nức với một "fan-club" được cho là đã hình thành một cách tự phát trên các trang web Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình cũng cố gắng dần dần tạo ra cảm giác là (ông) rất hữu hiệu : Ông đã rút ngắn các bài diễn văn, tổ chức lại các bộ, và ngay cả Ban Thường vụ Bộ Chính trị bị siết lại, từ 9 rút lại còn 7 thành viên.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhìn thấy là dù bề ngoài dễ chiụ, nhưng Tập Cận Bình vẫn củng cố thế đứng của ông trong guồng máy và uy thế của ông còn hơn cả Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình đã được nhanh chóng đề cử đứng đầu Quân ủy Trung ương, trong lúc ông Hồ Cẩm Đào đã phải mất hai năm mới vào được vị trí này, sau khi được bầu làm lãnh đạo Trung Quốc.
Le Figaro cũng nhắc lại chuyến đi miền nam Trung Quốc của ông Tập Cận Bình trước đây - cũng như Đặng Tiểu Bình vào năm 1992 - để thúc đẩy cải tổ.
Ông Tập Cận Bình đã khéo léo sử dụng biểu tượng : Trong bài diễn văn, ông đã nêu bật sự cần thiết củng cố Nhà nước pháp quyền, ông cũng gợi lên việc hủy bỏ - hay ít ra là cải tổ lại - hệ thống "lao cải".
Ngưòi ta còn ghi nhận thái độ minh bạch hơn trên vấn đề môi trường, trong lúc mà ô nhiễm đang trở nên một vấn đề nóng bỏng ở Trung Quốc.
Nhưng Le Figaro đánh giá là có một điểm làm cho người ta lo ngại :
Nhật Bản cũng như các láng giềng Đông Nam Á là không biết ông Tập Cận Bình muốn làm gì khi nói đền sự "phục hưng" của Trung Quốc.
Không nên ảo tưởng về cải tổ lớn lao tại Trung Quốc
Trước mắt, theo Le Figaro, vấn đề lớn đối với ông Tập Cận Bình, như ông đã nêu lên trong bài diễn văn nhậm chức lãnh đạo Đảng, là vấn đề chống tham nhũng. Đây là một vấn đề không ai chối cãi, và báo chí Trung Quốc đã nêu lên một số kết quả.
Riêng về chỉ thị đối với cán bộ Đảng không được xa hoa thì theo bộ Thương mại, trong dịp Tết vừa qua, dịp tiêu xài truyền thống, doanh thu các nhà hàng sang trọng ở Bắc Kinh đã giảm từ 30% đến 40%.
Nhìn vào thời gian tới, tác giả bài báo đánh giá là hơi ảo tưởng khi chờ đợi nơi Tập Cận Bình những cải tổ lớn lao, ngoạn mục trong thời hạn ngắn.
Ông sẽ đi một cách rất cẩn thận, ít ra là trong 5 năm đầu.
Mối lo "ổn định" vẫn còn đấy và nhiều dấu hiệu cho thấy ý chí duy trì sự tiếp tục đường lối, như việc giữ lại thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho dù nhân vật này đến tuổi về hưu.
Vả lại, theo Le Figaro, những thay đổi thực sự chỉ có thể diễn ra khi đụng đến chế độ.
Bài báo còn nhắc lại là trong thời gian đầu của thời kỳ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, cũng đã xuất hiện niềm hy vọng cải tổ to lớn ở Trung Quốc, nhưng 10 năm sau, trên bình diện chính trị cũng như xã hội, người ta đã nói đến "một thập niên bị đánh mất".
Giáo hoàng Phanxicô : Biểu tượng cho sức vươn lên của phương Nam
Sự kiện Tổng giám mục Buenos Aires được bầu làm tân Giáo hoàng vẫn chưa rời khỏi các trang báo Pháp ngày 15/03/2013.
Nếu Libération dành ảnh và tít lớn trang nhất cho Syria, nói đến hai năm tội ác của Assad, hay Les Echos chú ý đến sức mua của người về hưu bị giảm sụt, thì các báo khác từ Le Monde, La Croix, cho đến tờ Le Figaro, L’Humanité đều đăng ảnh và chạy tựa trên trang nhất về tân Giáo hoàng Phanxicô.
Ngoại trừ La Croix - trong hàng tựa lớn - chú ý đến « ngày đầu tiên của Giáo hoàng Phanxicô », nhìn chung các báo đều nhấn mạnh trên yếu tố Ngài xuất thân từ Tân Lục địa (tức châu Mỹ) và mang đến nhiều hy vọng cho một sự đổi mới của Giáo hội Công giáo.
Le Monde, bên cạnh bức ảnh trang nhất, chạy hàng tựa : « Đức Giáo hoàng của những chân trời mới », và xem người Nam Mỹ đầu tiên lãnh đạo Giáo hội là « hiện thân của một sự chuyển hóa sâu sắc của Công giáo ».
Trong bài xã luận, nhật báo Pháp ghi nhận :
« Trong một ngàn năm gần đây, chưa bao giờ, Giáo hội Công giáo được một người không phải là người châu Âu hướng dẫn.
Đối với châu Âu, lại có thêm một thế độc quyền bị phá vỡ. Sức vươn lên của phương Nam quả là dấu ấn trong thời đại ngày nay.
Người kế nhiệm Giáo hoàng Benedicto XVI là hiện thân của thế giới tân hưng, của các quốc gia đang đi đầu trong vấn đề phát triển, bình đẳng và quản trị nhà nước ».
Le Figaro cũng theo dõi những bước đi đầu tiên của tân Giáo hoàng Phanxicô và thấy rằng Ngài đã « nhắc nhở Giáo hội » trở lại với những quy tắc truyền thống của mình nhân thánh lễ đầu tiên trong tư cách Giáo hoàng mà Ngài cử hành hôm qua tại nhà nguyện Sixtine ở Roma :
« Trước những người đã bầu ông, tân Giáo hoàng đã phát biểu không cần cầm giấy đọc, với sự tự do và uy quyền của một kẻ chăn chiên »
Bình luận gia của Le Figaro không ngần ngại cho là tân Giáo hoàng Phanxicô đã gợi lại tính cách của cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị.
Đặc điểm xuất thân từ châu Mỹ và phương Nam của Giáo hoàng Phanxicô vẫn được báo Pháp bình luận rộng rãi.
Nếu tờ báo Cộng sản L’Humanité cho là tân lãnh đạo Vatican đang « trước thử thách của một thế giới mới », thì nhật báo Công giáo La Croix cho là « kết quả bầu cho đánh dấu việc trọng tâm của đạo Công giáo đang chuyển dịch xuống phía nam, với các vấn đề đặc thù liên quan đến công bằng xã hội ».
Ô nhiễm nguyên nhân gây bệnh ở châu Âu
Trong lãnh vực y tế, Le Monde hôm nay đã chú ý đến báo cáo về tình hình y tế châu Âu năm 2012, vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) công bố hôm 13 tháng 3, nhấn mạnh vai trò của các yếu tố môi trường đối với sức khỏe con người.
Dưới tựa đề « Ô nhiễm ngày càng trở thành nguyên nhân gây bệnh tại châu Âu », tờ báo ghi nhận là Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra các tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, tình trạng thiếu tiếp cận với các dịch vụ y tế và các yếu tố môi trường.
Về tác động của các yếu tố môi trường đối với sức khỏe người dân châu Âu, theo Le Monde, OMS đã phải công nhận là ô nhiễm có thể chịu trách nhiệm trong khoảng từ 13% đến 20% gánh nặng bệnh tật ở châu Âu.
Theo bác sĩ Claudia Stein, giám đốc Văn phòng khu vực châu Âu của OMS chịu trách nhiệm về bản báo cáo : « Ô nhiễm không khí ở châu Âu làm mất bình quân tám tháng tuổi thọ, nhưng có thể làm mất đi đến hai năm tại một số nước ».
Theo OMS, hiện tượng này đặc biệt rõ rệt tại các thành phố và sẽ tăng lên vì tỷ lệ đô thị hóa dự kiến sẽ tăng từ 70% hiện nay lên 80% vào thời điểm 2045-2050.
Tai nạn xe cộ : Hung thần thứ tám trên thế giới
Tờ Le Monde cũng như La Croix hôm nay còn lưu ý đến báo cáo vừa công bố của Tồ chức Y tế Thế giới về nạn nhân trong các tai nạn lưu thông : Tai nạn trên đường xá hiện là nguyên nhân thứ 8 gây tử vong trên thế giới.
La Croix đã dành gần nguyên một trang để cảnh báo về sự kiện : Theo số liệu của OMS, đã có hơn 1,24 triệu người trên hành tinh chết do tai nạn lưu thông vào năm 2010.
Hiện nay thì chỉ có 7% người trên thế giới là được luật pháp bảo vệ về 5 nguyên nhân lớn gây tai nạn. Nếu không có biện pháp khắt khe hơn thì đường lộ sẽ trở thành nguyên nhân thứ năm gây tử vong trên thế giới vào năm 2030.
Theo ước tính của OMS, số tử vong do tai nạn lưu thông sẽ lên tới 1,9 triệu trường hợp vào năm 2020. Hiện nay mục tiêu đề ra là thế nào giảm số tử vong xuống ngưỡng 1 triệu / hàng năm.
La Croix nhắc lại 5 nguyên nhân chính gây tử vong trong tai nạn lưu thông : là chạy quá nhanh, chạy lúc say rượu, không thắt dây an toàn, không đội mũ an toàn, và không có thiết bị an toàn cho trẻ em đi cùng xe.
Hiện nay thì chỉ có 35 quốc gia là có thông qua các đạo luật bảo đảm an toàn trong những năm 2008 - 2011, nhưng chỉ có 27 quốc gia, 7% dân số thế giới, là có luật lệ đầy đủ.
Tuy nhiên, La Croix cho là bên cạnh luật lệ còn phải có chiến dịch vận động, và kiểm tra của cảnh sát.
Theo La Croix, chỉ có 1/4 quốc gia có luật là bắt buộc công dân mình chấp hành nghiêm chỉnh luật buộc mang thắt dây an toàn.
Theo La Croix, báo cáo của OMS cũng nêu bật một số tiến bộ đáng kể như chiến dịch tại tỉnh Afyonkarahisar, Thổ Nhĩ Kỳ, vận động được người dân thắt dây an toàn, từ 10% chấp hành, đã tăng lên 50%.
OMS cũng nhắc đến tiến bộ ở Việt Nam trong việc buộc đội mũ an toàn.
Theo La Croix, hiện nay 88 quốc gia từ năm 2007 đã hạn chế được tai nạn chết người, nhưng 87 quốc gia khác thì số tai nạn lại tăng lên.
Số người chết cao nhất tại các quốc gia thuộc diện có thu nhập trung bình, chiếm 72% dân số thế giới nhưng tập trung đến 80% người chết.
Nếu tại các quốc gia giàu tỷ lệ tử vong trung bình là 8,7/100 000 thì tại các quốc gia thu nhập trung bình, mức này là 20/100 000.
Tính riêng từng nước, tại Malaysia tỷ lệ lên đến 25/100 000 và Thái Lan 35/100 000.
Lý do : Các quốc gia thu nhập trung bình là những nơi mà số lượng xe hơi, xe gắn máy tăng nhanh chóng.
Related news items:
Tin mới
- Bình Nhưỡng: Vũ khí hạt nhân không phải là hàng trao đổi với Mỹ - 17/03/2013 22:05
- Các khóa học tiếng Hoa nở rộ tại Mỹ với sự hỗ trợ của Bắc Kinh - 17/03/2013 20:37
- Xương người trong vườn: Lời khai vợ Bí thư xã - 16/03/2013 22:20
- Đức Giáo Hoàng hô hào 'Một Giáo hội cho người nghèo' - 16/03/2013 21:54
- Bình Nhưỡng hăm dọa, Washington triển khai lá chắn - 16/03/2013 18:27
- Gần 330 triệu vụ phá thai ở Trung Quốc trong 40 năm qua - 16/03/2013 18:00
- Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do cho luật sư Lê Quốc Quân - 16/03/2013 17:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-03-2013 - 16/03/2013 17:36
- Quốc hội Miến Điện chấp thuận xét lại bản hiến pháp độc đoán - 16/03/2013 17:22
- Nghị Sĩ John McCain: CSVN vẫn áp chế người dân - 15/03/2013 21:54
Các tin khác
- Đức Phanxicô: không thay đổi mà thay đổi thật nhiều - 15/03/2013 19:54
- Tân Giáo hoàng bỏ tiền túi trả tiền khách sạn - 15/03/2013 19:39
- Đức Thánh cha lấy tước hiệu là Phanxicô, chứ không phải là Phanxicô I - 15/03/2013 19:24
- Tổng thống Đài Loan muốn dự lễ đăng quang tân Giáo hoàng Phanxicô - 15/03/2013 16:55
- Bắc Triều Tiên báo động bị Mỹ và Hàn Quốc tấn công hệ thống internet - 15/03/2013 16:44
- Việt Nam chỉ trích quốc tế trao giải cho các blogger Việt Nam - 15/03/2013 16:23
- Lễ đăng quang của Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô - 14/03/2013 23:40
- Tân Giáo hoàng sẽ nhìn về hướng nào? - 14/03/2013 21:26
- Tân Giáo hoàng có bằng thạc sĩ hóa học trước khi di tu - 14/03/2013 21:08
- TQ hoàn tất thủ tục đổi ghế lãnh đạo - 14/03/2013 20:43