Kinh tế Xanh : Giới đầu tư gây áp lực với G20
- Thứ Tư, 31 tháng Tám năm 2016 18:43
- Tác Giả: Trọng Thành
Hơn 8 tháng kể từ thỏa thuận lịch sử về khí hậu tại Paris, việc thực thi các cam kết dường như diễn ra chậm hơn so với mong đợi.
Cho đến nay, mới chỉ có 23 quốc gia với tổng lượng khí thải 1% toàn cầu đã ký thỏa thuận (1). Ngày 24/08/2016, một nhóm 130 nhà đầu tư lớn – quản lý tổng cộng hơn 13.000 tỷ đô la cổ phiếu - gửi thư ngỏ đến G20, các nước công nghiệp hàng đầu thế giới, để ký kết thỏa thuận trong năm nay, và có các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển sang nền kinh tế Xanh.
Câu hỏi tạp chí Xã hội của RFI tuần này đặt ra là : Vì sao đông đảo các nhà đầu tư gây áp lực và ý nghĩa của hành động này ?
Thư ngỏ của nhóm bao gồm nhiều quỹ hưu trí, quỹ quốc gia và công ty bảo hiểm lớn khằng định : Càng sớm tham gia vào tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế, các đầu tư sẽ càng “được hưởng một độ an toàn cao hơn” trước các rủi ro do biến đổi khí hậu và “như vậy sẽ có nhiều khả năng hơn để thúc đẩy việc phát triển các giải pháp (cho một nền kinh tế) các-bon thấp và không các-bon” trong tương lai.
Đối với 130 nhà đầu tư ký vào thư ngỏ, một công việc quan trọng hàng đầu phải làm là xác định sớm “thuế các-bon”, biện pháp cho phép huy động nhanh chóng được nguồn tài chính ở quy mô đủ lớn, tương xứng với các thách thức do khí hậu bất ổn.
Dần dần loại bỏ việc trợ giá cho các năng lượng hóa thạch là một biện pháp khác.
Quá trình trái đất bị hâm nóng đang làm đảo lộn các triển vọng đầu tư.
Đặt cược vào các loại năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên rủi ro. Kể từ năm ngoái, bắt đầu có hiện tượng các nhà đầu tư lớn rút hoàn toàn vốn khỏi ngành than.
Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo và các công nghệ thải ít CO2 đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, các vận động đổi hướng đầu tư, chuyển đổi qua nền kinh tế không các-bon đã chưa được đa số các quốc gia thực sự khuyến khích.
Bức thư ngỏ gửi đến G20 trước hết có mục tiêu kêu gọi nhóm các nước - chiếm hơn 90% trọng lượng kinh tế toàn cầu - thực thi vai trò quyết định của mình đối với vận mệnh của hành tinh (2).
Thảo ra lá thư ngỏ nói trên, các nhà đầu tư chắc chắn hiểu rõ hai vấn đề lớn hiện nay. Một mặt, những rủi ro của năng lượng hóa thạch ngày càng được ghi nhận là rất lớn, nhưng lại không thực sự được chú ý, mặt khác năng lượng tái tạo đang có bước đột phá, nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại.
Năng lượng hóa thạch : Rủi ro cực lớn, nhưng ít được chú ý
Trong thời gian gần đây, xuất hiện một loạt các thông tin đầy báo động về những hệ quả hết sức lớn của biến đổi khí hậu với việc trái đất nóng lên đối với giới đầu tư.
Lần đầu tiên một khảo sát chỉ ra việc trái đất nóng lên gây thiệt hại lớn cho cổ phiếu.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change (ngày 04/04/2016), nếu trái đất nóng lên quá 2,5°C, 2.500 tỷ đô la cổ phiếu bị đe dọa. Nhiệt độ tăng cao có thể gây thiệt hại tới 24.000 tỷ đô la.
Trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu riêng ở các nước đang phát triển, theo một báo cáo của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) (công bố đầu tháng 5/2016), sẽ phải tốn từ 140 đến 300 tỷ đô la/năm từ đây đến 2030, và từ 280 đến 500 tỷ đô la đến 2050.
Các con số được điều chỉnh tăng gấp bốn đến năm lần so với các dự báo trước. Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh là đầu tư tài chính quốc tế trong lĩnh vực này sẽ phải tăng từ 6 đến 13 lần so với hiện nay.
Về phần năng suất lao động, một báo cáo cuối tháng 4/2016 của Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), việc trái đất nóng lên hơn 2°C sẽ làm thiệt hại hơn 2000 tỷ đô la/năm, cùng với việc 10% số giờ làm việc bị sụt giảm, đặc biệt tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Trời càng nóng, thiệt hại càng cao, từ 2030 trở đi, thiệt hại lên tới 3.200 tỷ. Đấy là chưa kể các thiệt hại do ảnh hưởng vô cùng lớn và khó lường đến sức khỏe của người lao động.
Hồi năm ngoái Quỹ Tiền Tệ Thế Giới IMF cũng điều chỉnh mức trợ giá cho các loại năng lượng hóa thạch, lên đến 5.500 tỷ đô la/năm, so với ước tính 1.900 tỷ năm 2014, với việc đưa thêm vào giá này các ảnh hưởng của việc sử dụng năng lượng hóa thạch đến môi trường và sức khỏe con người.
Những số liệu nói trên thông thường dễ khiến người ta lo ngại và đắn đo hơn nhiều khi quyết định đầu tư vào các năng lượng hóa thạch, nguồn gốc của các rủi ro rất lớn.
Thế nhưng giới bảo hiểm trên thế giới dường như lại rất thờ ơ trước nguy cơ nhãn tiền này.
Một phân tích mới đây về bảo hiểm doanh nghiệp (Asset Owners Disclosure Project) cho biết, bản thân gần 90% công ty bảo hiểm được điều tra cũng không có các hành động thực sự để bảo vệ túi tiền của mình (hay “rổ tài sản” của mình), trước các nguy cơ của biến đổi khí hậu.
Chỉ có 1% các công ty này là chấp nhận « đánh giá rủi ro » của « các tài sản có mối quan hệ mật thiết với khí thải » (stranded assets), như các nhà máy điện than, hay các công ty khai thác dầu.
Trong lĩnh vực này, nhìn chung các công ty bảo hiểm châu Á và Bắc Mỹ đang tụt lại sau trong xu thế này so với các doanh nghiệp bảo hiểm châu Âu.
Theo một báo cáo năm 2015 của Carbon Tracker Intiative/Sáng kiến đánh giá các-bon, thì ngành bảo hiểm Mỹ - đặc biệt đầu tư nhiều vào các công ty gắn liền với rủi ro khí thải – có thể bị thiệt hại ước tính tới 2.000 tỷ đô la vào thời điểm 2035.
Năng lượng xanh ngày càng hiệu quả, nhưng chưa đủ mạnh
Trong lúc năng lượng hóa thạch đi liền với rủi ro và hậu quả nhãn tiền, nhiều nhà đầu tư thức thời nhìn thấy ở năng lượng tái tạo một cơ hội mới.
Ông Pascal Canfin, giám đốc WWF/Quỹ Thế giới vì Thiên Nhiên tại Pháp, nhận xét (3) :
« Hiện nay, giá thành các loại hình năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể so với hồi thượng đỉnh COP15 tại Đan Mạch 2009.
Năm ngoái, 80% công suất điện mới được lắp đặt trên thế giới là trên cơ sở năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt…
Năm trước 2014 tỉ lệ này là 60%. Năm 2013 là 50%. Có thể nói là các nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã phải mất nhiều thập niên để vượt qua cái ngưỡng 50% này.
Nhưng chỉ trong vòng 3 năm, đã vọt từ 50% lên 80%. Chúng ta thấy rõ ràng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ của các giải pháp trong lĩnh vực này ».
Đầu tư cho các năng lượng tái tạo không chỉ là lối thoát cho môi trường, mà cũng là một lĩnh vực hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận.
Theo một số liệu công bố hồi tháng 6/2016 (REN21), lần đầu tiên trong lịch sử các nước đang phát triển vượt các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh, với tổng số vốn đầu tư là 285,9 tỷ đô la năm 2015 (155,9 tỷ so với 130 tỷ), so với 273 tỷ năm 2014.
Riêng Trung Quốc chiếm hơn một phần ba. Tiểu quốc châu Phi Mauritanie, gần 4 triệu dân, là nước đầu tư nhiều nhất cho năng lượng tái tạo, nếu tính theo đầu người.
Giá của các năng lượng tái tạo nhanh chóng hạ xuống mức rất thấp. Đơn cử trường hợp của nước Chili mới đây, điện mặt trời và gió xuống thấp ở mức kỷ lục với khoảng 30 đô la MW/giờ.
Nhưng nhà hoạt động môi trường Pascal Canfin vẫn rất lo ngại :
« Tuy nhiên, đà tiến này cần phải tiếp tục, nếu không muốn bị thua trong cuộc chạy đua hết sức khó khăn này. Chỉ còn ‘‘ít phút’’ nữa là chúng ta phải tới đích trước khi Trái đất nóng lên vượt quá tầm kiểm soát.
Tháng bảy vừa qua đã là tháng nóng chưa từng có trong lịch sử từ thời công nghiệp hóa.
Chúng ta biết là hiện tại chúng ta vẫn đang trên bờ vực thẳm. Chưa có dấu hiệu gì là chúng ta đã giành thế thắng trong cuộc đua nước rút này, cho dù các giải pháp đều đã có ».
Minh bạch rủi ro tài chính : Cơ sở để chuyển đổi êm thấm sang kinh tế Xanh
Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của quá trình chuyển đổi đầy khó khăn, bức thư ngỏ của 130 nhà đầu tư hàng đầu thế giới đặc biệt lưu ý đến việc giới tài chính cần một khuôn khổ định chế được chính quyền các nước bảo đảm để thoái vốn một cách từ từ khỏi lĩnh vực năng lượng hóa thạch và để vững tin đầu tư vào kinh tế Xanh (nội dung thứ 5 của bức thư ngỏ).
Trả lời báo kinh tế Pháp L'Agence économique et financière (Agefi), ông Christian Thimann, giám đốc chiến lược tập đoàn AXA (một trong các nhà đầu tư ký tên vào bức thư ngỏ) và giải thích ý nghĩa của Nhóm làm việc về Minh bạch thông tin tài chính liên quan đến khí hậu của G20 (Task Force on Climate-related Financial Disclosure/TCFD), mà ông là phó chủ tịch :
“Điều chúng tôi muốn tránh là một cú sốc. Chúng tôi muốn tránh một cú sốc lớn cho các nhà đầu tư, vì không dự đoán trước được các biến đổi khí hậu, không dự tính được quá trình chuyển tiếp sang một nền kinh tế cac-bon thấp.
Mục tiêu của chúng tôi là giúp cho việc hoạch định các mục tiêu kinh doanh dài hạn phù hợp với các cam kết đã được COP 21 thông qua.
Tránh các bất ngờ trong những định hướng trung hạn và dài hạn, giúp các nhà đầu tư hiện nay có được các quyết định đúng…
Đối tượng nhắm đến đầu tiên của chúng tôi là các doanh nghiệp lớn. Nhưng chúng tôi cũng hướng đến tất cả các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực, bởi vì tất cả đều có trách nhiệm đối với quá trình chuyển đổi này.
Biến đổi khí hậu là một quá trình rất dài, chúng ta cũng biết có những thay đổi mang tính cấu trúc trong công nghiệp chẳng hạn hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp.
Mục tiêu của chúng tôi là dự kiến trước sự thay đổi một cách chính xác nhất, để giúp cho các doanh nghiệp chuyển hướng…
Tránh để tình trạng xảy ra là trong mười, hoặc mười lăm năm nữa, có các doanh nghiệp tuyên bố chưa từng nghĩ đến điều này, chưa từng chuẩn bị cho việc này. Hậu quả là, sẽ có những cổ phiếu không còn giá trị gì.
Để tránh điều đó, cần phải nghĩ đến việc cung cấp thông tin ngay từ bây giờ”.
Việc tổng hợp và minh bạch thông tin về rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu đã được làm ở một số nơi, nhưng ông Christian Thimann nhấn mạnh lý do vì sao việc này lại quan trọng đối với G20 :
"Nhiều doanh nghiệp đã làm. Hiện tại cũng có nhiều quy định trong lĩnh vực này. Hiện tại, ở châu Âu chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, đây không chắc đã là cũng một nỗ lực, cùng một tiêu chuẩn như với các nước khác.
Việc này cần phải được xử lý ở cấp độ G20. G20 ở tầm cỡ toàn cầu có thể mang lại tính thống nhất trong lĩnh vực này, bởi các thách thức khí hậu cũng mang tính toàn cầu”.
Đồng thuận về khí hậu của cộng đồng quốc tế tại thượng đỉnh Paris là một bước ngoặt lịch sử, mở ra một cơ hội chưa từng thấy cho việc hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất, đặc biệt với việc các triển vọng hợp tác hết sức đa dạng giữa các quốc gia, các doanh nghiệp, các định chế quốc tế, xã hội dân sự…
Triển vọng hợp tác trước hết dựa trên ý thức về tính cần thiết, về lợi ích thiết thân của việc chuyển đổi sang kinh tế Xanh ở mỗi đối tác.
Để đi tới được một nền kinh tế không khí thải, nhằm giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C, thậm chí ở mức tăng 1,5°C, những thách thức là vô cùng lớn.
Theo nhiều chuyên gia, nguy cơ thất bại là hết sức cao trong bối cảnh một bộ phận lớn giới đầu tư vẫn bám vào các loại hình năng lượng cổ điển gây ô nhiễm.
Bức thư ngỏ của nhóm 130 nhà đầu tư hàng đầu gửi đến G20 một lần nữa hối thúc các cường quốc kinh tế nỗ lực hơn, đặc biệt trong việc minh bạch rủi ro tài chín - một cơ sở quan trọng cho tiến trình chuyển đổi êm thấm sang kinh tế Xanh.
---
(1) Để có hiệu lực thỏa thuận phải được ít nhất 55 nước với tổng khí thải 55% kí kết.
(2) Theo các nhà quan sát, tuần lễ này mang tính đặc biệt quan trọng đối với thỏa thuận toàn cầu về khí hậu COP 21. Ngày Chủ nhật mùng 04/09 thượng đỉnh của G20 sẽ khai mạc tại Hàng Châu (Hangzhou), Trung Quốc, trong bối cảnh lần đầu tiên vấn đề khí hậu có thể trở thành một chủ đề trọng tâm của câu lạc bộ các cường quốc kinh tế.
(3) Nói chuyện với chương trình Goodplanet, ngày 18/08/2016.
Related news items:
Tin mới
- Bắc Kinh dựa trên G20 để tô điểm lại hình ảnh bị hoen ố vì Biển Đông - 02/09/2016 17:10
- Chuyến bay thương mại đầu tiên từ Mỹ đáp xuống Cuba - 01/09/2016 19:28
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-09-2016 - 01/09/2016 19:21
- Mỹ: Donald Trump ra kế hoạch trấn áp nhập cư trái phép - 01/09/2016 19:04
- Tổng thống Mỹ Obama công du châu Á lần cuối - 01/09/2016 15:07
- Phòng Thương Mại Châu Âu tại Trung Quốc đòi Bắc Kinh mở cửa đầu tư - 01/09/2016 15:00
- Chuyên gia Mỹ : "Trung Quốc trỗi dậy không mang dấu hiệu hòa bình" - 01/09/2016 14:53
- Canada muốn gia nhập Ngân hàng AIIB của Trung Quốc - 01/09/2016 14:35
- Mỹ đạt mục tiêu đón nhận 10,000 người Syria tị nạn - 31/08/2016 22:35
- Daech thừa nhận phát ngôn viên của tổ chức này tử trận - 31/08/2016 19:11
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-08-2016 - 31/08/2016 18:09
- Hoà đàm sắc tộc : Aung San Suu Kyi hứa lập Nhà nước liên bang - 31/08/2016 17:42
- Trung Quốc đẩy châu Á-Thái Bình Dương chạy đua trang bị tầu ngầm - 31/08/2016 17:14
- Mỹ - Ấn ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng - 31/08/2016 16:51
- Robot hóa : Mối nguy cận kề của công nhân bậc thấp - 30/08/2016 23:11
- Pháp đòi dừng đàm phán về hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương - 30/08/2016 22:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-08-2016 - 30/08/2016 22:10
- Giải mật hồ sơ CIA: Mọi can dự của Mỹ ở Việt Nam đều có ‘yếu tố’ Trung Quốc - 30/08/2016 15:43
- Việt Nam nêu khả năng xét lại quy tắc đồng thuận trong ASEAN - 30/08/2016 14:00
- Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến ông Mark Zuckerberg, người sáng tạo Facebook - 30/08/2016 01:39