Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-07-2015

Hy Lạp thua cả, Châu Âu dù ngã cũng không hẳn về không
GREECE- tien euro


Đồng 1 euro với hình con cú Hy Lạp.
REUTERS/Kai Pfaffenbach

Những bất trắc hậu trưng cầu dân ý tại Hy Lạp trong 48 giờ sắp đến; Châu Âu có nên lo ngại chiến thắng của phe nói « không » và vì sao Trung Quốc vừa lo vừa mừng; Mạng lưới khủng bố Hồi giáo tại Pháp bắt rễ như thế nào, đâu là giải pháp;  Sau hai năm thụ động, Anh Quốc chuẩn bị ra tay tại Syria.

 Trên đây là một số chủ đề nóng trên báo chí Pháp ngày 03/07/2015.

Hai ngày trước cuộc trưng cầu dân ý quyết định vận mệnh Hy Lạp và Châu Âu, tương lai bất định của khối sử dụng đồng tiền chung euro càng in đậm trên các nhật báo Pháp.

 Les Echos cho rằng câu hỏi ý dân bề ngoài rất đơn giản : « Quý vị có đồng ý với những đề nghị của các chủ nợ ngày 25/06 hay không ? ».
Trong thực tế, câu hỏi này rất phức tạp. Cử tri Hy Lạp thì nghĩ rằng họ phải cho ý kiến về chính sách khắc khổ, về quyết tâm làm thành viên vùng euro.

Còn công dân Châu Âu thì cho rằng đây là một cuộc trắc nghiệm, Hy Lạp trả lời « không » đồng nghĩa với « chia tay ».
Nói cách khác kịch bản « Hy Lạp ra đi » gần như không tránh khỏi.

Với nhãn quan chính trị, Le Monde nhận định : Trục Pháp-Đức bị đặt trước thử thách.
Trong khi Tổng thống François Hollande và đảng Xã hội Pháp muốn tận nhân lực cứu Hy Lạp để cứu cả châu Âu thì thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định không chơi với Alexis Tsipras.

Le Figaro phân tích thêm : Thế cờ Hy Lạp gây tranh cãi trong giới chính trị và giới chuyên gia, tùy theo xu hướng chính trị của mỗi cá nhân.

Tổng thống Pháp lo âu cho Hy Lạp vì ra khỏi vùng euro là đi vào nơi « vô định ».
Thủ tướng Đức thực tâm không muốn Hy Lạp ra đi vì chuyện này sẽ làm lung lay đến tận nền tảng tinh thần của « dự án Châu Âu ».
Nhãn quan « thực tiễn » này đã bị phe « đạo lý » trong nội bộ Đức do Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble đại diện lấn lướt: ai không tôn trọng luật chơi thì ra đi.

Hai khôi nguyên Nobel kinh tế Paul Krugman và Joseph Stigliz chủ trương Hy Lạp nói « không » trong khi nhà kinh tế Nouriel Roubini, người dự báo khủng hoảng tài chính 2008 hai năm trước khi vụ này xảy ra, kêu gọi giúp đỡ Hy Lạp « hạ cánh » nhẹ nhàng.

Trong bài bình luận « được ăn cả ngã về không » nhật báo cánh hữu của Pháp cho rằng « Hy Lạp chưa bao giờ có chỗ đứng trong vùng đồng tiền chung, gia nhập vùng euro do quyết định thiếu sáng suốt của các định chế tài chính và các cường quốc ».

 Trong 14 năm qua, Hy Lạp không tôn trọng luật chơi chung của thành viên vùng đồn tiền chung : chính phủ phải quyết tâm cân bằng ngân sách, dân chúng phải đóng thuế .
Thủ tướng Tsipras không theo nguyên tắc này thì quyết định tùy vào cử tri Hy Lạp.

Khác với nhật báo Công giáo La Croix lo ngại « xáo trộn sâu rộng » sau ngày 05/07 , Le Figaro kết luận theo câu chuyện ngụ ngôn « Tái ông thất mã » : Nếu là dân Hy Lạp thì đương nhiên phải lo nếu phải giã từ đồng euro.
Nhưng thủ tướng của họ có lý do sâu xa để vẫn khẳng định không muốn bỏ vùng euro : bỏ là chết từ kinh tế đến tài chính.

Nhưng các nước còn lại không nên lo sợ mất Hy Lạp, vì trong cái rủi có cái may : lên đường trở lại với ý thức trách nhiệm.

Nhật báo cánh tả Libération lo ngại cho tình hình kinh tế Hy Lạp và nhất là số phận dân nghèo nếu ra khỏi vùng euro.
Tuy người dân cảm tình với liên minh cánh tả nhưng các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy đa số gắn bó với đồng euro.
Trong bối cảnh tình hình ngoại biên của Liên Hiệp Châu Âu bất ổn, Libération kêu gọi đừng bỏ rơi Hy Lạp.

Không đưa ra giải pháp, nhật báo Cộng sản L’Humanité lên án « những bạo chúa » tài chính gây áp lực hành lang ở Bruxelles đang thi hành « tội ác » thúc ép người dân Hy Lạp từ hy sinh này đến hy sinh khác.
L’Humanité xem giải pháp trưng cầu dân ý là một quyết định can đảm : trong một chế độ dân chủ, chính phủ do dân bầu không cần phải hỏi ý kiến của các « quan lại » ở Bruxelles.

Trung Quốc sợ Hy Lạp rời bến euro

Trong khi công luận Châu Âu nửa lo nửa hy vọng thì chính quyền Trung Quốc vừa lo vừa suy tính khai thác mọi tình huống. Hy Lạp là trung điểm của chiến lược « con đường tơ lụa thế kỷ 21 » của Tập Cận Bình, nhằm bành trướng ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc ra khắp thế giới.

Hy Lạp, với hải cảng Pyreas là đầu cầu để Trung Quốc gia tăng buôn bán với Châu Âu.
 Nếu Châu Âu khủng hoảng thì Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng vì trong chiến lược quyền lực mềm, Bắc Kinh đã đầu tư và cho vay rất nhiều tại châu lục này.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, Bắc Kinh cũng có những suy tính « đểu cáng ».
Nếu Hy Lạp tách ra vùng euro thì tình trạng khủng hoảng kinh tế và tài chính sẽ biến Hy Lạp thành con mồi béo bở cho các công ty Trung Quốc.

Ngay tại Pháp, Trung Quốc qua chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ký hơn 50 hợp đồng trị giá 20 tỷ euro, cho phép doanh nhân Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng xuống miền nam nước Pháp.
'' Một ngân hàng Trung Quốc cho các xí nghiệp trung và nhỏ ở vùng Midi-Pyrénées vay 1 tỷ euro ", tựa của Les Echos.

Trong khi đó, cũng theo tin của Les Echos, các đại tập đoàn siêu thị của Tây phương đầu tư tại Trung Quốc « dở sống dở chết » vì phong trào mua sắm trên mạng.
 Hơn 40% người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng phương tiện này, cao hơn Mỹ đến 4 lần.
 Theo một kết quả nghiên cứu, 60% các tập đoàn quốc tế bị giảm thị phần tại Hoa lục trong khi các doanh nghiệp Trung Hoa phất lên như diều gặp gió.

Phản ứng của Anh Pháp trước đe dọa của Hồi giáo võ trang

Trong bối cảnh xảy ra hai vụ thảm sát tại Pháp và Tunisia, Libération dành 5 trang cho phóng sự, điều tra và phỏng vấn các chuyên gia cũng như nhân chứng để tìm hiểu vì sao các tổ chức khủng bố có thể « hoạt động, tuyển mộ » một cách dễ dàng tại Pháp.

Theo nhật báo, tất cả các mạng lưới này đều do các giáo sĩ đạo Hồi người Algéri « đan dệt » bằng lời truyền giáo cực đoan từ ba thập niên nay.
Sau lưng khoảng một chục giáo sĩ « ác thần » này còn có một nhân vật điều phối để từ từ nhồi sọ giới thanh niên Hồi giáo.
Điều đáng ngại là các nhân vật này ít khi bị bắt.

Sau khủng bố 11/09/2001 tại Mỹ, và các cuộc can thiệp tại Irak và Afghanistan, các « ổ Algéri » này được phát triển mạnh và lan ra các nhóm khủng bố ở Châu Phi.
Theo Libération, một trong những nhược điểm của an ninh Pháp là do hệ quả của chương trình cải cách… an ninh tình báo năm 2008 : kết hợp các ngành phản gián và an ninh nội chính thành Tổng nha tình báo quốc nội.

Đông đảo nhân viên an ninh phải thay đổi nhiệm sở và mất dấu nhiều đối tượng mà họ theo dõi từ nhiều năm.
Nhận ra khuyết điểm này, giải pháp của đương kim Bộ trưởng Nội vụ, mới được tiết lộ, là thành lập bộ tham mưu chống khủng bố do chính bộ trưởng trực tiếp điều hợp.

Anh Quốc sắp ra tay tại Syria ?

Không hẹn mà nên, thông tín viên của Le Figaro và đồng nghiệp của La Croix từ Luân Đôn đều gởi bài gần như cùng tựa : Anh Quốc gặp đại tang, sau vụ khủng bố tại Tunisie;  Luân Đôn suy tính tấn công vào Syria.
Bị chỉ trích thụ động trước làn sóng khủng bố tại Châu Phi, chính phủ Cameron có lý do để không can thiệp.

Theo Le Figaro, dự án đánh vào Syria năm 2013 đã bị Quốc hội Anh ngăn chận vào giờ phút chót.
Năm 2014, được Quốc hội bật đèn xanh nhưng không quân Anh chỉ can thiệp vào Irak , khoảng 1000 phi vụ, vì có lời yêu cầu của chính phủ Bagdad.
Trên không phận Syria, máy bay Anh chỉ thám thính trợ giúp cho lực lượng « đối lập ôn hòa » chống chính quyền Damas.

Thế nhưng, tình hình thay đổi. Nguy cơ khủng bố chuẩn bị tấn công quyền lợi Anh đã được phát hiện cách nay một tuần.

Mục tiêu tấn công là các trung tâm du lịch có du khách người Anh mà nhất là lãnh thổ Anh cũng bị đe dọa.
Vấn đề là Thủ tướng Cameron e dè phe đối lập lại cản trở giải pháp quân sự tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria...

Theo Le Figaro, David Cameron tìm cách chứng minh ông không thụ động nhưng nếu chưa hội đủ điều kiện thì ông sẽ không ra tay : sớm lắm là phải chờ đến tháng 9, sau mùa nghỉ hè...

Việt Nam : Mỹ là người bạn mới?

Tạp chí chính trị Herodote số 157 vừa ra mắt . Le Monde trong bài điểm sách giới thiệu đến bạn độc quốc gia ở « Đông dương » qua tập họp những bài phân tích từ chính trị , địa chính trị, ngoại giao, kinh tế, vai trò của cộng đồng Việt Nam hải ngoại , cho đến tình hình năng lượng và đô thị hóa …

Một số bài viết trong tạp chí Herodote, quý ba năm 2015, nhắc lại trận chiến biên giới 1979 với Trung Quốc.

 Theo tác giả Christopher Goscha, đại học Québec, chính tại bán đảo Đông dương này mà chủ nghĩa cộng sản sụp đổ khi Nga và Việt Nam xung đột với Trung Quốc và Cam Bốt.
Bị thảm bại trên bộ , Đặng Tiểu Bình đã biết nghiềm ngẫm nhu cầu canh tân hải quân xứng tầm tham vọng.
Hệ quả là Bắc Kinh làm dấy lên tại Việt Nam mối lo ngại đời đời trước âm mưu thôn tính của láng giềng phương bắc.


Switch mode views: