Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-06-2015

Vụ Mỹ nghe lén Tổng thống Pháp: Paris không thể trả đũa

obama hollade

Tổng thống Hollande và tổng thống Obama tại cuộc họp thượng đỉnh G7 tại Đức ngày 08/06/2015.
Reuters

Những tiết lộ về vụ tình báo Mỹ nghe lén ba tổng thống Pháp Hollande, Sarkozy và Chirac dĩ nhiên là đề tài chính trên các nhật báo Pháp số ra ngày hôm nay, 25/06/2015.

Theo các báo Pháp, tuy vụ này gây phẫn nộ dư luận Pháp và toàn bộ chính giới ở Pháp đã đồng loạt lên án hành động này, Paris sẽ không thể trả đũa đồng minh Hoa Kỳ.

Trong bài viết tựa đề « Ngoài phản ứng phẫn nộ, hợp tác vẫn tiếp tục », tờ Le Monde nhận định rằng sự hợp tác rất chặt chẽ giữa các cơ quan tình báo phương Tây làm giới hạn tầm mức của mọi phản ứng từ phía Paris.  

Trước hành động gián điệp của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA, và của cơ quan tương đương của Anh GCHQ, nước Pháp chỉ có thể ra những tuyên bố mang tính nguyên tắc.

Lý do là vì cơ quan GCHQ hợp tác với cơ quan tình báo Pháp DGSE trong lĩnh vực giải mã thông tin. Với cơ quan NSA của Mỹ, sự hợp tác còn lâu đời hơn. Chính NSA đã giúp Paris xây dựng hệ thống giám sát, giúp trang bị vào thập niên 1980, những máy tính cực mạnh như Cray. Hơn nữa, từ cuối năm 2011, cơ quan DGSE của Pháp đã bắt đầu trao đổi các dữ liệu với tình báo Hoa Kỳ.

Cũng theo Le Monde, một mặt Pháp yêu cầu tổng thống Obama cam kết sẽ không nghe lén lãnh đạo các nước đồng minh, mặt khác Paris cũng lo phát triển hơn nữa các phương tiện gián điệp và phản gián của riêng mình để giảm bớt nguy cơ bị xâm nhập hệ thống.

Trong khi đó tờ Libératon, nhật báo thiên tả thì lên án thẳng thừng hành động « xem thường » của Hoa Kỳ đối với các quốc gia đồng minh và đặc biệt là đối với Pháp.
Tờ báo viết : « Khi nghe lén ba tổng thống Pháp trong thời gian ít nhất là 6 năm, bất chấp mọi quy tắc ứng xử giữa các nước bạn, Hoa Kỳ đã đối xử với Pháp như một quốc gia trẻ con. Chính phủ Pháp đã lên giọng đúng lúc, nhưng sẽ đạt được những gì ? Hay chỉ là những lời hứa sẽ hành xử đàng hoàng hơn và những lời giải thích mơ hồ ?

Nước Pháp có chỉ bằng lòng như thế, với lý do là rất cần những thông tin do NSA cung cấp để có thể chống khủng bố một cách hiệu quả ? »

Libération đề nghị Pháp đón nhận và cấp quy chế tỵ nạn cho cựu tư vấn cơ quan NSA Edward Snowden, người đã bị truy đuổi gắt gao từ ba năm qua và có nguy cơ lãnh án tù chung thân ở Mỹ vì đã « dám nói lên sự thật ».Theo tờ báo này, chỉ cần một cử chỉ như vậy là đủ để trừng trị cách hành xử tồi tệ của một đồng minh cao ngạo, đồng thời lấy lại vị thế của một quốc gia quê hương của nhân quyền.

Nhật báo Le Figaro, thiên hữu, thì đề nghị là hai nước nên sửa chữa những thiệt hại chính trị do vụ nghe lén này gây ra, nhằm phục hồi sự tin cậy giữa Washington và Paris.

Xã luận của tờ Le Figaro mở đầu với nhận xét : « Đấy có thể không phải là một điều đáng ngạc nhiên, nhưng dẫu sao thì vụ này cũng gây khó chịu và làm mích lòng.

Hoa Kỳ công khai nghe trộm mọi cuộc đàm thoại, mọi phát biểu ý kiến và mọi kế hoạch của các nhà lãnh đạo Pháp. Họ không che giấu hành động này, bởi vì trạm nghe lén được được ngay trên nóc đại sứ quán Mỹ, nằm giữa điện Elysée và quảng trường Concorde».

Tờ báo cho rằng trước khi xin lỗi, Hoa Kỳ nên giải thích là điều gì đã biện minh cho việc nghe lén ba tổng thống Pháp trong suốt nhiều năm, bất chấp quan hệ giữa các lãnh đạo Pháp với Nhà trắng.

Theo Le Figaro, vì những lợi ích chung về thương mại và chiến lược quá quan trọng, Pháp và Mỹ không thể để cho vụ này dẫn đến khủng hoảng ngoại giao. Nhưng sự tin cậy giữa hai đồng minh đã bị tổn hại rất nhiều.

Tổng thống Obama như vậy là không có thay đổi gì cho với phương pháp của vị tiền nhiệm G.W.Bush. Theo Le Figaro, đó là « một sai lầm chiến lược » của Hoa Kỳ và thêm một thất bại đối với vị tổng thống mà dân Pháp đã rất ủng hộ.

Cũng liên quan đến Hoa Kỳ, nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định về việc Thượng viện Mỹ hôm qua vừa thông qua luật cho tổng thống Obama « quyền đàm phán nhanh » ( fast-track ) các hiệp định tự do mậu dịch như TPP.

Theo tờ báo này, đây là một thắng lợi thật sự đối với ông Obama vì cho tới nay Nhà trắng không thể trông chờ vào sự ủng hộ của các nghị sĩ Dân chủ, mà đa số xem hiệp định TPP là mối đe dọa đối với công ăn việc làm của người lao động Mỹ trong các ngành công nghiệp.

Nhưng Les Echos lưu ý rằng cuộc chiến chưa kết thúc, bởi vì tổng thống Obama còn phải thuyết phục Quốc hội thông qua hiệp định TPP.Một số nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu thuận cho văn bản luật hôm qua đã báo trước tổng thống thuộc phe của họ rằng không chắc là họ sẽ đồng ý với hiệp định TPP.

Thủ tục « đàm phán nhanh » được thông qua hôm qua cũng sẽ được áp dụng cho các cuộc đàm phán về hiệp định tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ với châu Âu TTIP. Nhưng dự án này một lần nữa bị phản đối hôm qua, sau những tiết lộ về vụ tình báo Mỹ nghe lén các tổng thống Pháp.

Các lãnh đạo Mặt trận cánh tả ( cực tả ) và Mặt trận Quốc gia ( cựu hữu ) đã đòi cắt đứt thương lượng về TTIP, trong khi phát ngôn viên chính phủ Pháp thì kêu gọi nên có thái độ chừng mực.

Về mặt xã hội, tờ Le Monde và Le Figaro hôm nay quan tâm đến những thay đổi trong lập trường của Vatican về gia đình. Đối với Le Monde, « Vatican đã có những bước cởi mở dè dặt về gia đình », như tựa của tờ báo.  

Tờ báo đề cập đến Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay, được Tòa Thánh công bố ngày 23/06 vừa qua ở Roma. Tài liệu này dựa trên kết quả tham khảo ý kiến của giáo dân toàn thế giới, trong đó có hai vấn đề vẫn gây tranh cãi gay gắt trong Giáo hội, đó là vấn đề các cặp ly dị tái hôn dân sự được rước lễ và vấn đề người đồng tính.

Cho tới nay, một số người thúc đẩy Giáo hội có thái độ khoan dung hơn với những giáo dân thuộc hai diện nói trên. Nhưng những người khác thì dứt khoát chống lại những thay đổi mà theo họ sẽ trái với giáo lý Công giáo về gia đình và về bí tích hôn phối.

Nhưng tài liệu vừa được công bố dung hòa hai quan điểm đối nghịch nói trên, tức là dự trù cho các cặp ly dị tái hôn được rước lễ ( với một số điều kiện ). Tài liệu cũng đề cập đến các cặp đồng tính với cái nhìn thông cảm hơn, nhưng tái khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân giữa người nam và người nữ và các cặp đồng tính không thể được xem là tương đương với mô hình hôn nhân này.

Về phần tờ Le Figaro thì nhận định rằng, qua tài liệu nói trên, gương mặt của Giáo hội đã thay đổi, vì lần đầu tiên đã có một cách tiếp cận thực dụng hơn và bớt giáo điều hơn về các vấn đề gia đình.

Thật ra, theo Le Figaro, Giáo hội Công giáo nay nhận thấy rằng lý tưởng hôn nhân gắn kết muôn đời nay đã bị lung lay nhiều tại phương Tây và hiện vẫn còn tương đối vững chắc ở các nước phía Nam. Nhưng nếu Giáo hoàng Phanxicô đã thay đổi suy nghĩ, thì tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lại không cấp tiến đến mức đó. Tranh luận tại Roma giữa các giám mục vào tháng 10 tới chắc chắc sẽ rất sôi động.

Trong vài năm nữa, phải chăng các mật khẩu mà chúng ta đang sử dụng sẽ không còn nữa ? Trang Kinh tế của tờ Le Figaro nêu lên viễn cảnh này trong bối cảnh các vụ tấn công tin học xảy ra ngày càng nhiều trên thế giới.  

Tờ báo này cho biết, nhiều công ty nay muốn bỏ các mật khẩu, bì xem là không thuận tiện và thiếu an toàn. Nên biết rằng trong năm 2014, mật khẩu được sử dụng phổ biến nhất trên Internet là « 123456 » ! Làm thế thì chẳng khác gì mở sẳn cửa cho tin tặc vào thăm !

Không chỉ các công ty mà chính phủ các nước cũng đã bắt đầu ý thức điều này. Ngày 09/06 vừa qua, Hoa Kỳ và Anh Quốc là hai quốc gia đầu tiên gia nhập tổ chức Alliance Figo.

Đây là một tổ hợp các công ty tin học hàng đầu của thế giới, được thành lập với nhiệm vụ phát triển các tiêu chuẩn nhận dạng an toàn hơn mật khẩu. Việc các quốc gia gia nhập tổ hợp Alliance Figo cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này trong bối cảnh an ninh mạng không còn chỉ là mối quan ngại của các công ty.

Theo công ty chuyên về an ninh mạng Trustwave, các mật khẩu « yếu » là nguyên nhân của 31% các vụ tấn công tin học. Về phần McAfee, một công ty khác trong lĩnh vực này, thì thẩm định thiệt hại do các vụ tấn công này đối với kinh tế thế giới là 445 tỷ đôla/năm.

Mật khẩu không an toàn là vì các tin tặc có thể sử dụng một chương trình tin học có khả năng thử mọi mật khẩu mà con người có thể nghĩ ra, cho đến khi tìm đúng mật khẩu.

Mật khẩu không thuận tiện là ở chổ chúng ta phải ghi chúng trong đầu. Tuy các chuyên gia vẫn khuyên là mỗi tài khoản nên dùng một mật khẩu khác nhau, nhưng có mấy ai làm theo lời khuyên đó, vì sợ không thể nhớ nổi hàng chục mật khẩu khác nhau.

Trước tình trạng này, theo Le Figaro, nhiều kỹ thuật nhận dạng mới đã được sử dụng để thay thế mật khẩu, chẳng hạn như nhận dạng qua gương mặt, qua giọng nói, qua dấu vân tay và qua tròng mắt. Mật khẩu có lẽ sẽ không biến mất ngay, nhưng trong tương lai không xa chắc chắn là chúng sẽ không tồn tại nữa.


Switch mode views: