Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-12-2014

Pháp lo ngại trước làn sóng đầu tư Trung Quốc

AIRPORTS-TOULOUSE
Chính phủ Pháp mở cửa cho vốn đầu tư Trung Quốc vào sân bay Toulouse-Blagnac.
REUTERS/Regis Duvigna


Trong thời buổi khó khăn, Pháp đang rất cần đầu tư nước ngoài để vực dậy nền kinh tế. Thế nhưng, hình ảnh « bành trướng » mà Trung Quốc đã tạo ra trên trường quốc tế đã khiến cho đầu tư kinh tế của nước này đôi khi cũng bị nghi ngờ.

Đó là tình trạng của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Pháp. Nhân việc một tập đoàn của Trung Quốc mua lại một phần sân bay Toulouse của Pháp, báo chí Pháp hôm nay nhìn lại đầu tư của Trung Quốc trên đất Pháp.

Đầu tư gây tranh cãi

Nhật báo Les Echos đăng bài : « Sân bay Toulouse : Tranh cãi về cái được, mất thật sự của việc Trung Quốc mua lại cổ phần ».

Tờ báo nhắc lại việc chính phủ Pháp vừa bán lại cho tập đoàn Symbiose của Trung Quốc 49,9% cổ phần của sân bay Toulouse-Blagnac, nằm gần tập đoàn sản xuất máy bay Airbus tại thành phố Toulouse miền nam nước Pháp. Symbiose đã bỏ ra 308 triệu euro, tức cao hơn các đối thủ khác tới 20%.

Việc mua bán cổ phần bình thường này đã làm dấy lên sự chia rẽ tại Pháp, bởi nhiều người tỏ ra lo ngại trước « một Trung Quốc đi chinh phục », người khác thì thấy tốt cho kinh tế Pháp trong giai đoạn khó khăn này. Chẳng hạn như thị trưởng thành phố Blagnac đặt câu hỏi : «Tại sao không bán cho những nhà đầu tư địa phương ? ».

Thị trưởng thành phố Toulouse thì lấy làm hoan hỉ về vụ việc, nhưng cũng thừa nhận là : «Cần một chiến dịch giải thích rộng rãi mới có thể đẩy lùi được những chỉ trích ».

Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, ông Emmanuel Macron cho rằng, việc mua bán này là bình thường bởi vì : thật vô lý khi mà Trung Quốc mua nhiều máy bay của Pháp lại không được đầu tư vào sân bay Pháp.

Trang mạng tiếng Pháp của Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI cho biết thêm, ông Bộ trưởng bị chỉ trích gay gắt về vụ việc, và có dân biểu địa phương còn cho rằng đó là « một sự phản bội » lại quyền lợi của người Pháp.

RFI cũng nhìn rộng ra khi cho rằng, sự việc tại sân bay Toulouse có thể sẽ là tiền đề cho nhiều sân bay khác ở Pháp bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu tư Trung Quốc tại Pháp tới mức nào ?

Đi vào chi tiết thực trạng đầu tư Trung Quốc trên đất Pháp, nhật báo Le Monde đăng dòng tựa khá thu hút : « Cú tăng tốc của Trung Quốc tại Pháp».

Tờ báo nhắc lại, thời gian qua, quan hệ kinh tế giữa Pháp và Trung Quốc không ngừng được củng cố. Hồi năm ngoái, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Pháp François Hollande đã đạt được cam kết mở cửa thị trường của nước này, đổi lại ông cũng cam kết sẽ tháo gỡ « tất cả chướng ngại, tất cả rào cản» cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Le Monde cho biết, theo thống kê năm 2013, thì có khoảng 200 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trên đất Pháp, sử dụng khoảng 15.000 lao động. Đầu tư của Trung Quốc trải dài trong nhiều lĩnh vực từ công nghiệp đến thực phẩm.

Theo một chuyên gia kinh tế của Pháp, thì hiện tại có 250 doanh nghiệp Trung Quốc tại Pháp.

Còn theo Ngân hàng Trung ương Pháp, thì đầu tư trực tiếp đến từ Trung Quốc (kể cả Hồng Kông) trên đất Pháp hiện ở mức 4,2 tỉ euro. Con số này quả thật là « khiêm tốn » bởi nó chiếm có 0,9% tổng đầu tư nước ngoài tại Pháp.

Thế nhưng, điều đáng chú ý, theo chuyên gia kinh tế nói trên, đó là tốc độ tăng quá nhanh chóng của dòng đầu tư Trung Quốc ở Pháp. Tờ báo đưa ra một con số mang tính báo động : vào năm 2012, đầu tư của Trung Quốc ở Pháp đã tăng gấp 16 lần số với năm 2005.

Làn sóng đầu tư này bắt đầu dâng cao kể từ năm 2010 : trong giai đoạn 2010-2012, dòng đầu tư này tăng 336%.

Bầu cử Nhật Bản : Shinzo Abe, được ăn cả ngã về không

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định giải tán Quốc hội và sẽ tiến hành cho bầu cử vào Chủ nhật tới trong bối cảnh chính sách Abenomics đang tỏ ra thiếu hiệu quả. Nhật báo Libération nhìn về hồ sơ này qua bài viết : « Abenomics : người Nhật tấn công Thủ tướng dữ dội ».

Tờ báo lược lại chính sách cải tổ kinh tế do Thủ tướng Abe đề xướng, thường được gọi là Abenomics. Chính sách này dựa trên ba trụ cột : ngân sách, tiền tệ và cải tổ cấu trúc. Chính sách này đã tỏ ra thiếu hiệu quả khi mà số liệu thống kê vừa qua cho thấy kinh tế Nhật lại rơi vào suy thoái, tình trạng giảm phát vẫn tiếp diễn trầm trọng, nợ công hiện ở mức kỷ lục thế giới : 245% GDP.

Tờ báo cho biết, có hơn 80% người Nhật cảm thấy Abenomics không giúp cho họ cải thiện cuộc sống. Tình hình đến mức mà Thủ tướng Abe đã phải giải tán Quốc hội và cho bầu cử trước thời hạn trong toan tính là đảng của ông sẽ dành chiến thắng và có thể nắm quyền trong một thời gian nữa.

Khi quyết định giải tán Quốc hội, ông Abe đã tuyên bố : « Nếu liên minh của tôi không giành được đa số trong lần bầu cử tới, điều đó cho thấy Abenomics bị người dân bác bỏ, và tôi sẽ từ chức ». Đồng thời với quyết định giải tán Quốc hội đó, ông Abe cũng thông báo dời việc tăng thuế tiêu dùng đến tháng 4/2017 thay vì như dự kiến là có hiệu lực vào tháng 10/2015. Đó có thể xem là một cố gắng lấy lòng dân của Thủ tướng Abe.

Tiên đoán cho lần bầu cử vào Chủ nhật tới, Libération dẫn lời chuyên gia cho rằng, phe ông Abe sẽ chiến thắng, bởi vì hiện tại dù Abenomics có bị chỉ trích thế nào, thì trên chính trường Nhật Bản, chưa có một đảng phái nào đưa ra được chính sách phục hồi kinh tế có hệ thống để có thể thay thế cho Abenomics.

Thế giới và 10 thách thức năm 2015

Trên phạm vi thế giới, năm 2014 chứng kiến quá nhiều cuộc khủng hoảng và bất ổn ở hầu hết mọi nơi. Thế thì năm 2015 sẽ như thế nào ?

Nhật báo Les Echos đăng bài tổng hợp ý kiến nhà báo và chuyên gia với dòng tựa đáng chú ý : « Mười thách thức năm 2015 của cộng đồng quốc tế ».

Thách thức trước tiên đó là các nước mới nổi cần tìm ra những nhà lãnh đạo phù hợp với tình hình mới, tức là phải có tinh thần dấn thân, có trách nhiệm, có tâm huyết phát triển đất nước, phải là người có thể huy động, gắn kết tạo được niềm tin cho mọi người.

Thách thức thứ hai thuộc về lĩnh vực y tế : Thế giới có đủ sức để tận diệt Ebola hay không ? Dịch bệnh này hiện tại đã làm thiệt mạng hơn 6.000 người và lây nhiễm hơn 16.000 người. Thế nhưng, nỗ lực vừa qua của cộng đồng quốc tế cho thấy con người đã phản ứng không đủ nhanh và thiếu tính tập thể.

Dịch bệnh vì thế đã vượt ra khỏi những khu vực truyền thống như rừng núi để lan đến thành thị, đã vượt ra khỏi ranh giới của Châu Phi. Trong khi đó thì các nước có liên quan thiếu phương tiện tài chính, và đặc biệt là chưa đủ « quyết tâm chính trị ». Bởi thế cuộc chiến chống Ebola cần phải được tiến hành một cách đa phương và tập thể.

Kế đến là hồ sơ khí hậu. Tờ báo dẫn lời chuyên gia tỏ ra sốt ruột và lo ngại cho Hội nghị về biến đối khí hậu vào năm 2015 tại Paris. Dù rằng, hai nước gây ô nhiễm nhất hành tinh là Mỹ và Trung Quốc đã đạt được cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, dù rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng cam kết hạn chế khí thải CO2, thế nhưng mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ ở mức 2°C rất khó thực hiện bởi nó đòi hỏi phải làm sao cho các chính sách phát triển kinh tế tương thích với mục đích này.

Liên quan đến Hoa Kỳ, tờ báo dẫn lời chuyên gia bàn về cái khó hiện tại của chính quyền Obama trong chính sách ngoại giao : chấp nhận thế cô lập để không phải tham chiến ở nước ngoài ; hay là tiếp tục theo đuổi giấc mơ làm « sen đầm thế giới », tức mang quân đi can thiệp ở những nơi thấy cần thiết .

Vấn đề này đặt ra trong bối cánh Mỹ không thành công ở nhiều mặt trận, chiến lược sử dụng máy bay không người lái không kích các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã thiếu hiệu quả.

Trong khi đó thì vấn đề kinh tế và nhiều vấn đề khác trong nước đang làm đau đầu nhà cầm quyền. Chi phí quốc phòng quá lớn sẽ làm đau đầu các ông chủ Nhà Trắng trong tương lai : chi phí quốc phòng của Mỹ chiếm trên 40% trên toàn thế giới .

Liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu, tờ báo dẫn lời chuyên gia tập trung vào khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung euro (eurozone). Tăng trưởng khu vực này vẫn đang ì ạch, tình hình chưa có dấu hiệu lạc quan, lãi suất ngân hàng vẫn cao, nợ công vẫn chồng chất.

Trong bối cảnh đó, thì chính sách thắt chặt chi tiêu công mà khu vực này đeo đuổi cần được thay thế bằng một chính sách khác để kích thích tăng trưởng. Tờ báo cho rằng, trong tình hình hiện nay, « sự cẩn thận không phải là e dè mà phải là sự can đảm dám nghĩ dám làm».

Một hồ sơ đáng chú khác của năm 2015 là vấn đề Ukraina và quan hệ giữa Nga và EU. Tờ báo dẫn lời chuyên gia nhấn mạnh tình trạng chia rẽ của các nước EU về hồ sơ Ukraina : có nước thì tỏ ra quá cứng rắn với Nga, có nước thì muốn đối thoại.

Các nước Châu Âu, theo tác giả, cần hiểu rằng, để giải quyết hồ sơ Ukraina cần có hai yếu tố chính. Thứ nhất, đó là tự thân chính phủ Kiev phải xây dựng được một chính quyền ổn định, đủ mạnh, dân chủ và hiệu quả ; thứ hai, đó là các nước Châu Âu phải có tiếng nói chung và phải làm sao đạt được « mối hợp tác có đi có lại » với Nga.

Khủng bố cũng sẽ là một thách thức của năm 2015, bởi đến hiện tại, làn sóng khủng bố vẫn lan tràn với một tốc độ nhanh chóng trên phạm vi thế giới. Các phương tiện Internet của thời đại kỹ thuật số đã giúp cho các tổ chức khủng bố mộ binh và tìm được nguồn ủng hộ tài chính.

Trong bối cảnh đó, Les Echos dẫn lời chuyên gia cho rằng : «Giải pháp quân sự là cần thiết nhưng chưa đủ, bởi vì cái cần đạt đến đó chính là tái lập được hòa bình ». Tác giả kêu gọi có các nước có cách tiếp cận hồ sơ khủng bộ toàn diện hơn, tức trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục đến tư pháp…

Một hồ sơ được quan tâm trong năm 2015 nữa, đó là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga. Khủng hoảng Ukraina và các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, từ kinh tế cho tới quân sự.

Thế nhưng mối quan hệ này là không bền vững bởi vì quan hệ đối tác giữa hai bên có vẻ không cân đối. Nền kinh tế Nga còn nhiều thua thiệt so với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là mối quan hệ giữa một bên là cường quốc xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu và một bên là một cường quốc có nguồn tài chính dồi dào và khát năng lượng.

Bởi vậy, có một điều chắc chắn là : trong cuộc chơi này, EU bị thua thiệt, các thị trường đã mất ở Nga khó lòng tìm lại được, việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế dĩ nhiên có hại cho các nước phương Tây vốn là đối tác thương mại lớn của Nga.

Công cuộc chống tham nhũng tại Trung Quốc cũng nằm trong 10 hồ sơ đáng quan tâm năm 2015 của Les Echos. Tờ báo đặt câu hỏi : Không biết cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ đi tới đâu ?

Tờ báo nhấn mạnh đến quyết tâm chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Từ khi ông này lên nắm quyền đến này, chiến dịch diệt « ruồi » và « cọp » của ông đã thu được nhiều kết quả được dư luận đánh giá cao : 56 quan chức thuộc hàng « cọp » và 18000 quan chức địa phương thuộc hàng « ruồi » đã bị điều tra hoặc truy tố.

Mục tiêu tiếp theo sẽ là gì ? Tờ báo dẫn lời chuyên gia cho rằng đó sẽ là quân đội Trung Quốc. Thế nhưng, tác giả cũng cảnh báo là công cuộc này của ông Tập là « một cuộc chiến đầy rủi ro » bởi nó đụng chạm đến nhiều « nhóm lợi ích» và « bất khả xâm phạm ».

Hồ sơ nổi cộm cuối thứ mười của năm 2015 liên quan đến lĩnh vực dầu hỏa. Tờ báo dẫn lời chuyên gia nhìn về việc giá dầu sụt giảm quá mạnh trong thời gian qua. Nạn nhân chính là những nước lệ thuộc vào xuất khẩu dầu và hầu như ước định ngân sách dựa trên giá dầu như : các nước Vùng Vịnh, Iran, Irak, Venezuela, Nga, Kazakhstan hay Nigeria. Thế nhưng « kẻ thua hôm nay có thể là kẻ thắng của ngày mai ».

Tác giả cho rằng, những nước sản xuất dầu lớn, nếu đủ sức vượt qua được giai đoạn khó khăn này, sẽ thu được nhiều lợi ích sau khi giá dầu bình ổn trở lại.

Facebook : Đối thủ đáng gờm của Google

Cuối cùng là một thông tin đáng chú ý dành cho những tín đồ của video mạng được đăng tải trên Les Echos với dòng tựa : « Facebook che khuất Youtube trên thị trường video ».

Facebook đã, đang và sẽ gặm nhấm dần thị trường video mạng trước đối thủ Youtube. Theo thống kê, thì cách đây vài tuần, số lượt xem video trên Facebook bằng laptop đã vượt Youtube.

Hiện tại, mỗi tháng có đến 1 tỉ video được xem thông qua trang Facebook. Đây là con số tăng phi mã : tăng 50% trong vòng từ tháng Ba đến tháng Bảy năm 2014. Les Echos cho biết thêm, sự thành công này của Facebook là nhờ vào tính năng Autoplay của trang mạng này.

Với Autoplay trên trang Facebook, người ta không cần phải bấm nút Play để vận hành đoạn video cần xem như trên Youtube, mà chỉ cần lướt chuột ngang video là lập tức video bắt đầu chạy.

Để thu hút mọi người, Facebook còn mời các hãng truyền thông, các danh hài hay những nhà sản xuất phim nổi tiếng đưa video của họ lên Facebook.

Trailer của phim hành động của Mỹ « Fast and Furious » trên trang Facebook đã thu hút được 100 triệu lượt xem chỉ trong vòng có 48 giờ, trong khi đó con số này của Youtube chỉ có 18 triệu. Hay như một đoạn video của một danh hài Pháp đăng trên Facebook cũng đã thu hút được đến 10 triệu lượt xem.

Switch mode views: