Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vụ án tại Ferguson : Tư pháp Mỹ nhẹ tay, dân nổi loạn


MISSOURI-Ferguson
Bạo động tại Ferguson trong đêm 24/11/2014.
REUTERS/Stephen Lam

Tối ngày 24/11/2014, một phiên tòa tại Mỹ ra phán quyết không truy tố viên cảnh sát đã bắn chết Michael Brown, một thanh niên da đen 18 tuổi, cách nay ba tháng.
Sau phút sững sờ, phán quyết nói trên khiến dân cư Ferguson nổi giận.

Ferguson sôi sục. Hơn mười chung cư bị đốt, cảnh sát trưởng của khu Saint Louis, John Belmar, vừa cho biết tại một cuộc họp báo.

 29 người biểu tình bị bắt, nhưng không có ai thiệt mạng trong các bạo động làm rung chuyển thị trấn nhỏ của tiểu bang Missouri, vẫn theo cảnh sát trưởng khu phố nói trên.

Tối qua, trước trụ sở cảnh sát Ferguson, hàng nghìn người tập hợp trong yên lặng để theo dõi phán quyết của phiên tòa qua điện thoại cầm tay.
 Viên công tố của khu Saint Louis, Mc Cullogh, giải thích lý do vì sao bồi thẩm đoàn không truy tố viên cảnh sát đã bắn chết Michael Brown.

Đầu tháng 8/2014, người thanh niên da đen đã bị giết bởi sáu viên đạn, ngay giữa ban ngày, trong khi anh không hề mang súng.
 Biến cố nói trên làm bùng phát nhiều bạo động tại Ferguson.

Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio, có mặt tại chỗ, cho hay, khi phán quyết được đưa ra, các cư dân Ferguson đã bàng hoàng đến nửa phút, trước khi cơn giận bùng nổ.
Mẹ của Michael Brown nghẹn ngào không nói ra lời. Bà chỉ kịp kêu gọi bình tĩnh và sụp xuống.

Dường như không ai tin được vào quyết định nói trên, cho dù tất cả đều cho thấy, đặc biệt qua các tin tức rò rỉ trong quá trình tòa nghị án, rằng Darren Wilson chắc chắn sẽ không bị truy tố.

Theo các nhà quan sát, cư dân Ferguson hết sức sững sỡ, bởi lẽ họ không thể hiểu nổi ba tháng tranh luận lại có thể dẫn đến phán quyết này.
 Viên công tố thụ lý vụ án đã không tuân thủ các thủ tục tố tụng thông thường. Hơn 30 người đã ra làm chứng, nhưng vô ích.

Nhiều luật gia có mặt tại Ferguson ghi nhận viên công tố đã tìm mọi cách để làm nhiễu thông tin và hướng 12 bồi thẩm viên đi theo quan điểm của mình.

Ngay sau phán quyết, Tổng thống Obama yêu cầu những người tập hợp trên đường phố tại Ferguson, tuần hành trong ôn hòa, và cảnh sát có thái độ « kiềm chế ».
Barack Obama khẳng định ông đứng về phía « cha mẹ của Michael Brown để kêu gọi tất cả những ai phản đối quyết định này hãy thể hiện một cách ôn hòa ».

Ông Cornell William Brooks, Chủ tịch Hiệp hội liên bang NACCP, tổ chức vận động hậu trường lớn nhất của người Mỹ gốc Châu Phi, nhận định :
« Thanh niên chúng ta không nên nhìn vụ việc này như một bất công mang tính đơn lẻ, mà cần thấy ở đó một hành động gây hấn chống lại cả một thế hệ ».

Chủ tịch Hiệp hội liên bang NACCP dẫn ra con số một phần ba người Mỹ gốc Phi phải ở tù một lần trong đời, một phần tư bị cảnh sát bạo hành hàng tháng, theo thăm dò của Viện Gallup, và người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị cảnh sát bắn chết nhiều hơn 20 lần so với người khác.

Ông nhấn mạnh « cả một thế hệ trẻ hiện nay hiểu thực trạng này và họ sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh ».


Switch mode views: