Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc gấp 3 lần xuất cảng


HÀ NỘI (NV) - Tuy quan hệ Việt-Trung căng thẳng chưa từng thấy nhưng trong tám tháng qua, kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, trong tám tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam là 27 tỉ Mỹ kim. Bộ này dự đoán, năm nay, Việt Nam sẽ chi 40 tỉ Mỹ kim để nhập hàng hóa Trung Quốc.

quanhe-viettrung
Xe vận tải vẫn nườm nượp chở hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam. (Hình: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn)

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất cảng hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ bằng một phần ba kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc.

Nói cách khác, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Mức nhập siêu trong tám tháng qua là 17.2 tỉ Mỹ kim.

 Mỗi tháng, mức nhập siêu hàng hóa Trung Quốc trung bình là 2.16 tỉ Mỹ kim.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ 2004, song trong quan hệ thương mại Việt-Trung, Việt Nam luôn lãnh phần thua thiệt.

Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu Mỹ kim hồi 2001, thành 16 tỷ Mỹ kim vào năm 2012.

Từ 2010 đến nay, kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc chiếm từ 25%-28% tổng kim ngạch nhập cảng hàng hóa của Việt Nam. Trong số này, 60% là hàng hóa trung gian, 20% là máy móc thiết bị và 20% còn lại là hàng tiêu dùng.

Hàng hóa trung gian của Trung Quốc mà Việt Nam nhập cảng không phải chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc đặt tại Việt Nam, mà còn là nguồn nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng giúp các doanh nghiệp của Việt Nam duy trì hoạt động.

Cũng vì vậy, nếu Trung Quốc ngưng xuất cảng những nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu đó, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ tê liệt.
 Kinh tế Việt Nam sẽ suy sụp, bởi đã bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc.

Ðó cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia liên tục bày tỏ sự lo ngại rằng, Trung Quốc có thể dùng việc cắt đứt quan hệ kinh tế-thương mại để gây áp lực chính trị với chính quyền Việt Nam.

Bên cạnh những cảnh báo về khả năng kinh tế suy sụp do lệ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu của Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cảnh báo thêm về hiểm họa tiềm ẩn do phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc khi có quá nhiều dự án, công trình tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ Trung Quốc.

Tuy công nghệ Trung Quốc nổi tiếng vì lạc hậu, hoạt động không ổn định, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu nên sức cạnh cạnh tranh của sản phẩm thấp, chưa kể còn gây ô nhiễm môi trường, hủy diệt môi sinh, tuy nhiên phần lớn dự án, công trình như nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân bón, bauxite,... các dự án hạ tầng liên quan cảng, đường sắt trên cao,... tại Việt Nam vẫn được giao cho các nhà thầu Trung Quốc thực hiện bằng công nghệ Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam còn tỏ ra đặc biệt lo ngại khi hàng loạt công trình rất quan trọng về năng lượng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện do Trung Quốc đầu tư và đảm nhận.

Nếu việc thực hiện các công trình này không thể tiến hành bình thường, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các chương trình phát triển và việc trì hoãn hoàn thành các công trình đó còn gây thêm tốn kém cho ngân sách vốn đã kiệt quệ. (G.Ð)

Switch mode views: