Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-05-2014
- Thứ Bảy, 17 tháng Năm năm 2014 22:17
- Tác Giả: Lê Vy
Bắc Kinh phủ bóng vũ lực trên Biển Đông
về Biển Đông : Trung Quốc đừng đụng vào Việt Nam (Reuters)
Reuters
Say sưa trên đà lớn mạnh, Trung Quốc đeo đuổi tham vọng biển đảo, đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông, gây sứt mẻ mối quan hệ với các nước láng giềng.
Những sự cố gần đây với Việt Nam và cả với Philippines cho thấy Trung Quốc ngày càng tự tin hơn về chính mình và sẵn sàng áp đặt luật lệ riêng của mình tại thực địa để đòi hỏi, yêu sách.
Một số truyền thông chính thức của Trung Quốc không ngần ngại kêu gọi Bắc Kinh dùng vũ lực để bảo vệ lợi ích của mình nếu cần. Đó là nội dung của bài viết trên Le Figaro có tựa đề: « Bắc Kinh phủ bóng vũ lực trên biển Đông »
Theo nhật báo Le Figaro, Trung Quốc đã bỏ ngoài tai những cảnh báo của Washington về vụ hạ đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hoa Kỳ cho đây là một hành động « khiêu khích ». Cũng chính hành động đặt giàn khoan trái phép này đã gây phẫn nộ trong người dân Việt Nam, để rồi từ đó dẫn đến làn sóng bạo lực nhằm vào Trung Quốc, vừa diễn ra trong trong hai ngày 13 và 14/5 vừa qua, gây thiệt hại cả về người và vật chất.
Le Figaro nhận thấy, trong sự kiện này Washington nghi ngờ Trung Quốc đang nối gót chiến thuật của Nga tại Ukraina/ Đơn phương hành động để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho mình.
Tờ Le Figaro nhắc lại, Trung Quốc còn tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, Brunei, Malaysia và cả với Đài Loan. Đối với Hà Nội và Manila, Bắc Kinh tỏ thái độ hung hăng hơn.
Hoàn Cầu thời báo, tờ báo chính thức của chính quyền Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh không loại trừ dùng vũ lực trước thái độ của Việt Nam và Philippines mà Trung Quốc gọi là « khiêu khích ».
Trung Quốc cho rằng, Việt Nam và Philippines đã « xem thường » sự kiên định của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền của mình.
Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn lên án Việt Nam và Philippines là « không biết mình là ai, vẫn còn sống trong ảo tưởng sẽ dùng áp lực đẩy lùi được Trung Quốc ».
Theo nhận định của Le Figaro : Trung Quốc có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh hơn nhiều so với Việt Nam. Thế nhưng, khi Trung Quốc có ý đồ dùng vũ lực với Việt Nam thì cũng cần nhớ lại kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, khi đó Bắc Kinh muốn cho Việt Nam một bài học nhưng cuối cùng lại thất bại. Trong lịch sử cả Pháp, Mỹ cũng đã không lay chuyển được ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Le Figaro dẫn lời của một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nhận định : Việc đặt giàn khoan của Trung Quốc là một hình thức yêu sách chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp vũ lực và đe dọa. Đồng thời, vẫn theo quan chức này, hành động của Trung Quốc làm căng thẳng mối quan hệ Trung-Mỹ vì đặt ra các vấn đề về khả năng làm việc chung của hai quốc gia này tại Châu Á. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn giữ thái độ cố chấp. Với họ sự bột phát căng thẳng này là để cản trở chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ.
Bầu cử Ấn Độ : Modi, thủ tướng tương lai, nhân vật gây nhiều tranh cãi
Sự kiện Ấn Độ đã lựa chọn đảng của những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindou và tính cách của thủ tướng tương lai của Ấn Độ được các báo Pháp quan tâm nhiều. Trang nhất nhật báo Le Figaro đăng chân dung ông Narendra Modi chấp tay như đang cầu nguyện kèm dòng tựa : « Chiến thắng lịch sử ».
Theo tờ báo, Đảng BJP của ông Modi thắng lớn. Đây là lần đầu tiên từ kể 30 năm nay, một chính đảng Ấn Độ đạt được kỷ lục với đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Thông tín viên tờ báo giải thích, với chiến thắng này, Ấn Độ chấm dứt chế độ liên minh giữa các đảng cầm quyền, cản trở tiến trình cải cách.
Narendra Modi là một nhà vô địch gây nhiều tranh cãi trong tầng lớp trung lưu. Tại Ấn Độ, người ta yêu chuộng ông hoặc là người ta ghét ông.
Qua bài viết trên tờ Libération đề tựa: « Modi, người hindou theo dân tộc chủ nghĩa thôi miên cả Ấn Độ », tác giả phác họa lại chân dung của thủ tướng tương lai Ấn Độ. 63 tuổi, thuộc đảng Đảng dân tộc chủ nghĩa BJP, ông Modi là người của dân chúng, bước lên đài vinh quang nhờ vào những nỗ lực và thiện chí của mình, trái ngược với đối thủ của ông là ông Rahul Gandhi, người kế vị uy tín của triều đại Nehru-Gandhi.
Ông Modi không sinh trưởng trong một gia đình chính trị mà trong một gia đình thuộc giai cấp bình dân hindou. Bài báo thuật lại, gia đình ông bán trà nên mỗi sáng trước khi đi học, ông Modi phải dậy sớm để giúp cha phục vụ trà cho khách đi tàu. Thời thiếu niên, ông đã sớm giác ngộ và đi theo phong trào chủ nghĩa dân tộc cực hữu.
Bên cạnh đó, tờ Le Monde đặt câu hỏi, liệu khi ông Modi lên nắm chính quyền có gây ra xáo động trong mối quan hệ giữa các tôn giáo ?
Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, ông Modi sẽ phải rất thận trọng trong vấn đề này.
Ukraina bị chia rẽ
Các nhật báo Pháp vẫn tiếp tục bình luận về tình hình tại Ukraina mà nổi bật là bài phóng sự trên tờ La Croix mang tựa : « Ukraina bị chia rẽ ».
Thông tín viên báo La Croix tại Kiev, Odessa và Sloviansk cho biết, đằng sau cuộc đối đầu giữa chính quyền trung ương Kiev với thành phần ly khai thân Nga, cuộc khủng hoảng Ukraina đã chia rẽ mối quan hệ hàng xóm, gia đình, hủy hoại tình bạn.
Tờ báo trích nhiều dẫn chứng rất phong phú, chẳng hạn như chuyện một bà mẹ không nói chuyện với con trai mình nữa từ ngày anh ta gia nhập cuộc đấu tranh trên quảng trường Maidan.
Cuộc cách mạng Maidan đã tạo ra hố sâu ngăn cách giữa những người từng gắn bó phần lớn đời mình với Liên Bang Xô Viết với một thế hệ lớn lên trong đất nước Ukraina độc lập.
Theo một công dân tại Odessa cho biết, người ta không muốn nói chuyện với nhau nữa. Xung quanh anh, những người thân Nga sẵn sàng đấm vào mặt những người Châu Âu qua đường, vì họ bị cáo buộc là tuyên truyền lòng hận thù tại Ukraina.
Một ví dụ khác là mối quan hệ một cặp vợ chồng đã trở nên lạnh nhạt từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Kiev. Khi cuộc khủng hoảng càng nghiêm trọng thì đối thoại giữa họ càng trở nên bạo lực.
Thanh niên Pháp và tình dục
Tạp chí L’Express ra tuần này dành một hồ sơ lớn xung quanh chuyện tình dục của thanh niên Pháp. Đó là một nhu cầu bình thường nhưng lại là một chủ đề kiêng kỵ khó nói giữa con cái với cha mẹ.
Tạp chí tiến hành một cuộc điều tra trên một thế hệ luôn tìm hiểu, học hỏi những vấn đề này trên các trang mạng khiêu dâm, học cách tán tỉnh qua các trang mạng xã hội, trang kết bạn.
Theo tạp chí, 32,6% nam giới và 23,5% nữ giới cho biết đã có mối quan hệ tình dục lần đầu trước 15 tuổi. Đây là thế hệ lớn lên với các trang mạng xã hội và các công cụ kỹ thuật số, dễ dàng truy cập các trang khiêu dâm. Đương nhiên là trong một số gia đình, yếu tố tôn giáo cũng kiềm hãm phần nào nhu cầu thể xác của thanh niên nhưng có một điều thể hiện đặc tính của thanh niên ngày nay là thể xác đi trước trái tim.
Còn trong quan niệm hôn nhân, trước đây, người ta vẫn nghĩ rằng chỉ được kết hôn với người khác giới. Thế nhưng, từ khi đạo luật cho phép hôn nhân đồng tính được áp dụng tại Pháp, thanh niên cảm thấy mình có sự lựa chọn trong việc kết hôn với người cùng khái hay khác phái.
Theo một thăm dò của Viện nghiên cứu Ifop-CAM4, 20% nữ giới Pháp và 11% nam giới Pháp cho biết đã từng bị người của cả hai phái quyến rũ tình dục vào năm 2013. Con số này đã tăng so với năm 2006. Còn về những người đã từng quan hệ tình dục với người đồng giới, tỷ lệ này là 5,7% vào năm 2006 và lên đến 10% vào năm 2013 đối với phái nữ. Còn đối với phái nam là 3,8% vào năm 2006 và tăng đến 11% vào năm 2013.
Đồng euro : đề tài tranh luận trong kỳ bầu cử Châu Âu
Trong bối cảnh bầu cử Châu Âu, tạp chí Le Nouvel Observateur dành hồ sơ lớn cho chủ đề đang gây nhiều tranh luận là đồng tiền chung euro trong xã hội Pháp. Tạp chí đặt câu hỏi : liệu đồng euro có phải là nguồn gốc của những khó khăn kinh tế Pháp ?
Trên chính trường Pháp, một số chính khách ủng hộ gia nhập vào Liên hiệp Châu Âu và sử dụng đồng tiền chung euro, còn một số phản đối và muốn rút nước Pháp ra khỏi Châu Âu và trở lại dùng đồng franc.
Về tranh luận quanh đồng euro, tạp chí Le Nouvel Observateur phỏng vấn kinh tế gia Bernard Maris. Tình trạng của Pháp sẽ không khá gì hơn khi ra khỏi khu vực đồng euro nhưng theo ông cần phải có cuộc tranh luận nghiêm túc về việc quản lý đồng tiền chung Châu Âu. Cần hạ giá đồng euro đi 30% so với đồng đô la để cho công nghiệp Pháp và Ý có lợi thế cạnh tranh.
Còn theo nhận định của Alexandre Saubot, một chủ doanh nghiệp, hạ giá đồng euro là một trò nguy hiểm. Theo ông, chắc chắn là hạ giá đồng euro sẽ giúp Châu Âu cạnh tranh với Hoa Kỳ. Thế nhưng, thậm chí đồng euro hạ giá 10% thì cũng không mang lại lợi nhuận hoàn toàn cho Châu Âu bởi vì giá thành năng lượng, nguyên vật liệu và các sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ tăng vì mua vào bằng đồng đô la.
Đại học Pháp : tuyển sinh theo kiểu rút thăm
Trên hồ sơ giáo dục, tạp chí Le Nouvel Observateur cho biết, các trường đại học Pháp hiện đang hạn chế đầu vào đại học. Những ứng cử viên trúng tuyển được chọn bằng cách rút thăm.
Từ nay đến 10/06, học sinh trung học phải xếp nguyện vọng theo học trên cổng APB. Những ai muốn tăng cơ hội được nhận vào đại học theo đúng chuyên ngành mong muốn cần phải xếp vào nguyện vọng một, xếp trên các nguyện vọng khác như để vào học lớp dự bị để vào trường lớn hay trung học chuyên nghiệp.
Trước đây, được nhận vào đại học là khá dễ vì có nhiều chỗ và cũng không qua thi tuyển. Những thí sinh rớt các nguyện vọng vào các trường có qua tuyển chọn đều có thể quay lại trường đại học và gần như là chắc chắn được nhận. Thế nhưng bây giờ thì khác, số chỗ trong trường đại học không còn nhiều để đón tất cả mọi người.
Tin mới
- Lần đầu tiên một Hồng y Hàn Quốc thăm Bắc Triều Tiên - 21/05/2014 19:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-05-2014 - 21/05/2014 18:30
- Thủ tướng Việt Nam tuyên bố công khai : Trung Quốc đe dọa hòa bình - 21/05/2014 18:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-05-2014 - 20/05/2014 20:40
- Tổng thống Nga công du Trung Quốc tìm kiếm đồng minh - 20/05/2014 20:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-05-2014 - 19/05/2014 20:46
- Gián điệp mạng: Mỹ khởi tố nhiều quân nhân Trung Quốc - 19/05/2014 20:29
- Trung Quốc sơ tán thêm 4.000 người, gia tăng sức ép lên Việt Nam - 19/05/2014 18:57
- Việt Nam : Chính quyền cấm biểu tình phản đối Trung Quốc - 18/05/2014 22:22
- Giàn khoan HD-981 : Mỹ có thể giúp đỡ Việt Nam như thế nào ? - 17/05/2014 22:43
Các tin khác
- Biểu tình đòi sửa đổi Hiến pháp - 17/05/2014 21:50
- Giàn khoan HD 981 : Trung Quốc cử gần 130 tàu đến bảo vệ - 17/05/2014 20:58
- Hoa Kỳ đe dọa làm ‘kiệt quệ’ kinh tế Nga - 17/05/2014 02:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-05-2014 - 16/05/2014 22:54
- Đưa giàn khoan xuống Hoàng Sa, Trung Quốc tìm cách điểm vào yếu huyệt của Việt Nam - 16/05/2014 22:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-05-2014 - 16/05/2014 04:08
- Tổng thống Obama đề cử tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - 15/05/2014 23:54
- Sức mạnh Cầu Nguyện cuả cuộc biểu dương Công Giáo tại Harvard trước sự kiện Lễ Đen - 15/05/2014 04:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-05-2014 - 14/05/2014 22:53
- Biểu tình chống Trung Quốc : Phong trào lan rộng - 14/05/2014 22:42