Hillary Clinton hay Donald Trump, ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ an toàn hơn?
- Thứ Năm, 04 tháng Tám năm 2016 23:55
- Tác Giả: Định Nguyên
Qua thời gian bầu cử sơ bộ, Mỹ đã có hai ứng viên tổng thống: Hillary Clinton (Dân chủ, DC) và Donald Trump (Cộng hoà, CH, GOP).
Việc còn lại là việc của cử tri quyết định ai sẽ là Tổng thống Mỹ trong 4 năm tới. Bài nầy tìm hiểu trong hai người đó, ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ an toàn hơn.
Tôi đã theo dõi đại hội của cả hai đảng, mỗi bên có một sắc thái và nội dung khác nhau.
Phía CH với lời lẽ đằng đằng sát khí mang nặng tinh thần tố cáo và đạp đổ (bà Obama gọi là “ngôn ngữ hận thù”).
Theo ông Trump, tám năm dưới triều đại Barack Obama là một “disaster”(thảm hoạ) trên mọi phương diện từ xã hội, chính trị, kinh tế, quân sự… cho đến Obamacare.
Ông Donald Trump hứa sẽ dẹp bỏ chương trình y tế nầy trong vòng 100 ngày đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Bên cạnh đó, có người lại hô hào “bỏ tù” (locked her up) hoặc “xử bắn” (kill) ứng cử viên tổng thống của Đảng DC Hillary Clinton, một việc chưa hề xẩy ra trong lịch sử bầu cử Mỹ!
Bên DC, tuy hình thức có vẻ rầm rộ màu mè hơn, nhưnng họ không lộ vẻ “hiếu chiến”, không kích động hận thù giữa các thành phần dân tộc mà họ tập chú vào sự hợp tác, đặc biệt là yêu thương (love) và gia đình.
Từ bài diễn văn của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đến diễn văn của cựu Tổng thống Bill Clinton, ứng cử viên Phó Tổng thống Tim Kaine, đương kim Tổng thống Barack Obama…, cuối cùng là diễn văn chấp nhận sự đề cử của đảng của bà Hillary Clinton đều chứa đựng những yếu tố trên.
Họ cũng tố cáo những điều mà họ cho là hoang tưởng và mâu thuẩn từ phía ông Trump nhưng không có tính cách sắt máu, đe doạ “bỏ tù” hay “xử tử” ai.
Dĩ nhiên chính kiến/lập trường của mỗi đảng chỉ có giá trị tương đối, thường thì trong tinh thần “party line”, nghĩa là người CH hoan hô CH, người DC ủng hộ DC.
Nhưng lần nầy có hơi khác, vì nội bộ cả hai đảng đều lủng củng, chưa chắc tất cả người CH bỏ phiếu cho ông Donald Trump; ngược lại, không phải hể ai là DC đều bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton.
Nội bộ của hai đảng.
Tuy được đảng chính thức đề cử làm ứng cử viên tổng thống nhưng một số không nhỏ các nhân vật quan trọng của Đảng CH không ủng hộ ông Trump.
Ví dụ như gia đình của hai cựu Tổng thống Bush (cả Bush cha George H. Bush lẫn Bush con George W. Bush, và dĩ nhiên Jeb Bush, cựu Thống đốc Florida) đều tẩy chay đại hội đảng (CH).
Ngoài thành phần đại gia đình, một số không nhỏ những chính khách từng ở trong chính phủ của ba ông Bush đều quay lưng với ông Trump, tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton.
Ứng cử viên tổng thống của CH năm 2012 Mit Romney, Thống đốc TB. Ohio John Kasich (người trước đây đã tuyên bố “Donald Trump has created a toxic environment”) đều không có mặt.
Trước đây (03-3-16) đài VOA Việt ngữ đưa tin “một nhóm 60 nhà chính sách ngoại giao kỳ cựu của Đảng CH đồng ký tên trong thỉnh nguyện thư phản đối ông Trump, cảnh báo rằng tỷ phú nầy sẽ hành động khiến nước Mỹ kém an toàn và giảm vị thế trên toàn cầu”.
Vì không thể đi ngược lòng dân, Đảng CH phải đề cử ông Trump nhưng nội bộ đảng đã chia rẽ trầm trọng.
TT. Obama nhận xét rằng những gì xẩy ra ở Cleveland (nơi ông Trump được chính thức đề cử) không phải là Đại Hội Đảng CH. Điều nầy phù hợp với nhận định: “Donald Trump has hijacked the Republican Party”!
Đảng DC cũng cũng bệ rạc, chia rẽ không kém. Sự chia rẽ nầy bắt nguồn từ vấn nạn emails!
Trong thời gian bầu cử sơ bộ giữa hai ứng cử viên Hillary Clinton và Bernie Sander, các giới chức của Đảng DC email qua lại (gần cả 20,000.00 emails), vận động ngầm trong đảng ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton. Emails bị tiết lộ, các thành phần ủng hộ ông Bernie Sander (khá đông) bất mãn, tỏ thái độ chống đối đảng.
Khi đại hội đảng đang tiến hành, Đảng CH bị những thành phần chống đối ông Trump (no Trump Group), đa số không phải là người CH, biểu tình chống đối; trong khi Đảng DC bị chính những người DC, thành phần ủng hộ ông Bernie Sander biểu tình phản đối đảng của mình quyết liệt.
Họ cho rằng đảng gian dối, đảng bất công, đảng mất dân chủ… Trước vấn nạn nầy, Chủ tịch Đảng DC Debbie Wasserman Schultz phải từ chức.
Khá khen tinh thần “vì đảng” và cao thượng của ông Bernie Sander. Tuy bị chơi gian, cho “đo ván” nhưng vẫn đăng đàn kêu gọi toàn đảng đoàn kết ủng hộ bà Hillary Clinton đánh bại Donald Trump!
Bernie Sander hơn hẳn Ted Cruz (TNS/CH/TX), vì vợ và cha mẹ bị Trump xúc phạm (Trump cho rằng cha của TNS. Ted Cruz có liên hệ đến việc TT. Kennedy bị ám sát), vì bị Trump loại nên vẫn cay cú, cương quyết không chịu ủng hộ (endorse) gà nhà.
Kỳ bầu cử nầy, hai đảng như hai con gà mắc giây thun. Hai ứng cử viên đại diện chẳng ai xứng tầm.
Bà Hillary Clinton bị Donald Trump gọi là “Crooked” (kẻ gian dối), ông Trump bị những người chống đối gọi là “Clown” (anh hề), chẳng ai đáng để chúng ta “chọn mặt gởi vàng”.
Theo trang Wonblog cho biết dịch vụ kiểm ta dữ kiện Politifact khi đánh giá 203 lời tuyên bố của ông Trump và 226 lời tuyên bố của bà Clinton phát hiện không đến 1/3 các tuyên bố của bà Hillary Clinton là sai tồi tệ, 71% các tuyên bố của ông Trump cũng thế.
Như vậy cả hai đều tệ, chưa cần nói ai tệ hơn ai. (Không những bà Clinton là “crooked” mà Trump cũng vừa “crooked”, vừa “clown”).
Ngoài vấn đề email trong thời gian làm Bộ Trưởng Ngoại Giao (bà ta đã được miễn tố), tôi không ghi nhận được những tuyên bố “sai tồi tệ” của bà Hillary (ai biết xin nêu giùm để bà con cùng tìm hiểu) nhưng tôi lại để ý vài ba điều “quá tồi tệ” từ phía ông Trump.
Không phải tôi “bias”, đơn giản vì ông ta là một “nhân vật gây tranh cãi”, thường tuyên bố bạt mạng ngay từ những ngày đầu xông trận.
Hơn nữa, tôi thường theo dõi truyền thông Mỹ, họ đề cập và dẫn chứng cụ thể “Trump’s problems” hằng ngày nên tôi biết.
“Hillary Clinton is a big liar”, thú thật không thấy truyền thông Mỹ đề cập mà chỉ thấy xuất hiện trên các trang mạng của người Việt với những giọng điệu hằn học thù hận, không thích hợp cho việc tranh luận nên xin miễn bàn.
Xin dẫn một vài trường hợp “láo” nổi bật của ông Donald Trump mà báo chí Mỹ đã đề cập (ghi nguyên văn tiếng Anh):
“On Wednesday, at a news conference in Florida, Trump said he has never met Russia President Vladimir Putin. ‘I never met him. I don’t know who Putin is’. He said. But last November, he claimed that he “got to know Putin very well”!
Trump told ABC News George Stephanopoulos: “I got a letter from NFL (about Presidential debate). (But) The National Football League (NFL) responded: “We did not send a letter”!!!
Ngoài “láo”, vài cây viết gạo cội Mỹ còn đặt vấn đề tâm thần của ứng cử viên tổng thống Donald Trump.
David Brooks viết trên New York Times vào ngày 29 tháng Bảy (2016): “He is a morally untethered, spiritually vacunous man who appears haunted by multiple personality disorder…” (Yahoo’s News ngày 02 tháng 8 năm 2016).
Còn nữa, trong phạm vi một bài báo không thể nêu hết được. Mời quý vị tìm đọc.
Trong diễn văn chấp nhận sự đề cử của đảng, ông Trump đã vẽ ra một nước Mỹ u ám và quá tồi tệ rồi tuyên bố:
“Chỉ một mình tôi mới có thể cải thiện được các điều tồi tệ ấy (I alone can fix it)!
Một tuần sau, trong diễn văn chấp nhận sự đề cử của Đảng DC, bà Clinton đã phản bác quan điểm đó của ông Trump như sau.
Đại ý, bà cho rằng cách đây 240 năm, tại nơi nầy (Philadelphia), các nhà lập quốc của chúng ta đã đặt nền móng cho nền dân chủ của đất nước (soạn thảo và ban hành Hiến Pháp, chính phủ có tam quyền phân lập…), không cho phép một cá nhân nào một mình có quyền quyết định vận mệnh quốc gia mà phải có sự góp ý chung sức của mọi ngành, mọi người.
Hãy tạm gác lại tinh thần phe đảng, quên đi sự ủng hộ theo cảm tính vô điều kiện vì CH hay DC, đừng để ý sự phản bác của bà Clinton, nên bình tâm suy nghĩ về phát biểu đó của ông Trump.
Nó có thực tế và khả thi không? Theo tôi, không thể! Nói như kiểu ông Trump người Việt mình gọi là “nói trạng”, “nói tướng”, “nói dốc” nghĩa là nói cho oai, nói cho có nói chứ không thể làm được.
Tổng thống Mỹ không có quyền hạn tối đa nhất hô vạn ứng bất khả luận bàn như một ông vua ngày xưa.
Ngoài quyền hành pháp của Tổng thống còn có quyền lập pháp của Lưỡng Viện Quốc Hội và quyền tư pháp của các toà án, nhất là Toà Án Tối Cao. Tổng thống không dễ gì thao túng, muốn gì được nấy.
Cứ nhìn ông Obama trong thời gian qua bị Quốc Hội (do CH kiểm soát) trói tay như thế nào thì biết. Hiện nay, sau cái chết của quan toà Antonin Scalia, Toà Án Tối Cao còn thiếu một người.
Nếu theo hiến định, Tổng thống Obama có quyền đề cử một vị điền khuyết vị chánh án vừa qua đời đó. Thế mà Quốc Hội CH không chịu thông qua, ông Obama đành chào thua.
Cũng trong diễn văn nhận sự đề cử của đảng, ông Trump lớn tiếng sẽ bắt buộc những công công ty Mỹ làm ăn ở nước ngoài phải đem về nước để tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ.
Nếu quan điểm nầy thể hiện lòng yêu nước Mỹ, thương dân Mỹ của ông Trump thì từ trước cho đến thời điểm nầy ông ta chưa hề yêu nước Mỹ, chưa hề thương dân Mỹ tí nào cả.
Ông có nhiều công ty hiện vẫn làm ăn ở nước ngoài như công ty sản xuất ties (cravates) tại China, suites tại Mexico, furnitures tại Turkey, picture frames tại India, rượu Volka tại Đức... Nếu ông Trump chưa hề đầu tư ở nước ngoài như thế, ông quả thật là người yêu nước thương dân, lời tuyên bố của ông thật đáng hoan nghênh và trân trọng.
Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Tình yêu nước và thương dân không hề có từ businessman Donald Trump, hiện là ứng viên tổng thống của Đảng CH.
Không lý tình cảm đó chỉ có được khi ông ta làm tổng thống?! (Tội nghiệp Trump, ông đúng là người phi chính trị. Sao không im lặng cho được việc, hoặc âm thầm đem các công ty của mình về nước trước khi đăng đàn tuyên bố vung vít có phải “dễ nghe” hơn không).
Sau khi nhận sự đề cử của đảng, ông Trump lại phạm thêm một sai lầm mà tôi cho là tồi tệ nhất trong số các sai lầm của ông. Ông kêu gọi Nga Sô hãy xâm nhập máy tính của Đảng DC và bà Clinton để tìm cho ra ba chục ngàn emails của bà Clinton đã tẩy xoá.
Ông nói như thế nầy: “Russia, if you are listening, I hope you find the 30,000.00 emails that are missing”!
Là một ứng viên tổng thống, sao ông Trump lại khuyến khích nước ngoài can thiệp vào nội tình của nước mình? Tại sao ông Trump coi Tổng thống Nga Putin là bạn mà bà Clinton là kẻ thù?
Ông không phân biệt được kẻ thù quốc tế và đối thủ chính trị trong nước sao?
Sau kêu gọi trên của ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, tuy không trực tiếp chỉ trích ông Trump nhưng lại tuyên bố:
“Nước Nga là một mối đe doạ toàn cầu. Putin nên đứng ngoài cuộc bầu cử nầy”.
Ngoài ý nghĩa chính trị, sự “cầu viện” của ông Trump còn để lộ một sự tệ hại khác: gián tiếp xác nhận khả năng tin học của Mỹ không bằng Nga?!
Nếu cần thiết, tại sao Đảng CH nói riêng, nước Mỹ nói chung không vận dụng khả năng kỷ thuật cao của mình để tìm ra những emails đã xoá của bà Clinton mà phải nhờ đến “thế lực thù địch”?
Sự cầu viện của ông Trump đã bị các thức giả Mỹ và thế giới phê bình gay gắt, đặc biệt nặng nhất là phê bình của Giáo sư William Inboden (Đại học Texas), từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống George W. Bush, nói rằng:
“Sự đề nghị của ông Trump là một cuộc tấn công vào Hiến pháp, tương đương với tội phản quốc”!
Với chủ trương “co vòi” của Trump, Putin rất khoái và có thể đang ngầm giúp Trump thắng cử. Vụ tiết lộ email thiên vị bà Hillary Clinton trong nội bộ Đảng DC người ta nghi là có bàn tay của Nga sô dính vào (hiện nay Mỹ đang tiến hành điều tra vụ nầy).
Vì thế, ông Trump mới không ngần ngại “mời” Nga sô tiến thêm bước nữa.
Nếu Nga sô tiếp tay, 30,000.00 emails đã xoá của bà Hillary có thể bị tiết lộ, và nếu có điều gì nghiêm trọng trong số 30,000.00 emails nầy thì số phận của bà Clinton coi như sẽ được định đoạt. Còn nội tình nước Mỹ thì sao?
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ xem xét lại vai trò của NATO (North Atlantic Treaty Organization, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương giữa Mỹ và Âu châu để đối đầu với Liên sô), nếu không bắt buộc được các thành viên cùng đóng góp chi phí với Mỹ thì sẽ quay lưng với tổ chức nầy.
Nếu điều nầy xẩy ra, Putin sẽ có một món quà vĩ đại, bất chiến tự nhiên thành, loại trừ được một liên minh quân sự (do Mỹ lãnh đạo) kềm kẹp và giới hạn bước tiến của mình trong gần một thế kỷ qua (từ sau WW II).
Ngoài ra, ông Trump từng gợi ý rằng nếu đắc cử, ông có thể sẵn lòng chấp nhận việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào thảnh thổ của họ (BBC ngày 01 tháng 8 năm 2016).
Như thế, quý vị đừng ngạc nhiên khi biết Putin ngầm ủng hộ Trump đắc cử Tổng thống Mỹ!
Với chủ trương gần như không can thiệp vào những vấn đề của thế giới (Isolationism), ông Trump tuyên bố sẽ rút quân Mỹ đang trú đóng ở Nam Hàn và Nhật Bản về nước, giúp các nước nầy chế tạo bom nguyên tử để tự vệ.
Nếu điều nầy xẩy ra, Trung cộng và Bắc Triều tiên sẽ sung sướng không kém gì Nga sô. Không trách gì có người đã nói:
“Trên thế giới có ba nước nhiệt tình ủng hộ ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đó là Nga sô, Trung cộng và Bắc Triều tiên”!
Sau Thế chiến thứ II, đặc biệt là sau Chiến tranh Triều tiên, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nam Hàn và Nhật Bản là lực cản duy nhất trước mộng bành trướng bá quyền của Trung cộng, trước sự đòi “xoá sổ” Nam Hàn của chế độ độc tài cộng sản Bình Nhưỡng.
Nếu Mỹ không còn NATO, nếu Mỹ rút quân từ Nam Hàn và Nhật Bản về…vị thế nước Mỹ trên thế giới sẽ thay đổi tận gốc rễ.
Mỹ sẽ co cụm và đơn độc, không còn là cường quốc số một, lãnh đạo thế giới nữa, điều mà Nga và Trung cộng đang mơ ước.
Như đã trình bày phần trên, cả hai ứng viên tổng thống của hai đảng kỳ nầy đều tệ hại. Nhưng cử tri không có một sự lựa chọn nào khác.
Giữa hai sự tệ hại, chúng ta nên chọn cái ít tệ hại hơn. Tôi đồng ý với nhiều người cho rằng họ sẽ bầu cho bà Clinton, không phải bà ta xứng đáng, đơn giản là để tránh Donald Trump.
Với tính khí bốc đồng nóng nảy ăn nói bạt mạng; với tư cách không khác gì trẻ con, ưa nhục mạ người nầy nhạo báng người kia; với trình độ chính trị cạn cợt; và với chủ trương tự cô lập nước Mỹ, kích động hận thù dân tộc của ông Trump; nếu ông ta đắc cử tổng thống thì thật là nguy hiểm cho nước Mỹ và ảnh hưởng tai hại cả thế giới.
Là một người ngoài (outsider, chưa hề sinh hoạt chính trị), Donald Trump đã loại được 16 chính trị gia gạo cội của Đảng CH và trở thành “đứa con nôm” không thể không thừa nhận của đảng.
Đảng CH đề cử ông ta làm ứng viên tổng thống là việc chẳng đặng đừng. Ông Trump không phải là sự thể hiện/chủ trương và giá trị truyền thống của Đảng Cộng hoà.
Hiện nay, nội bộ chóp bu của Đảng CH đang lúng túng, chưa biết phải loại Donald Trump bằng cách nào. Ông ta có quá nhiều điều sai trái, phi Cộng hoà, ảnh hưởng tệ hại đến uy tín của đảng.
Sau vụ ông Trump lỗ mãng với gia đình ông bà Khan (người Hồi giáo, di dân từ Pakistan) có con là Humayn Khan, cựu Đại uý lục quân Mỹ đã hy sinh tại chiến trường Iraq, nhiều khuôn mặt lớn của đảng đang ngao ngán và tuyên bố không bỏ phiếu cho Trump, thậm chí có người tuyên bố rời khỏi đảng cho đến khi nào đảng lấy lại được giá trị truyền thống của mình.
Anh em đại gia Koch, túi bạc lớn nhất của Đảng CH (GOP’s biggest moneybags) từng hứa sẽ chi 800 triệu dollar cho kỳ bầu cử nầy, nhưng hiện nay họ tuyên bố không ủng hộ Donald Trump nữa.
Tin mới
- Biển Đông: Trung Quốc sẽ công khai đối đầu Mỹ về bãi Scarborough ? - 16/08/2016 18:09
- Mỹ Và Trung Quốc Nhìn Từ Rio 2016 - 16/08/2016 02:18
- Ðường Trump đi càng ngày càng khó - 12/08/2016 22:19
- Bị Đảng giám sát, Tập Cận Bình không thể nhượng bộ Mỹ - 12/08/2016 17:40
- Cách Mạng Văn Hoá Trung Quốc: Đưa “chất xám” về nông thôn cải tạo - 12/08/2016 17:06
- Thái Lan xích gần Trung Quốc do bị Mỹ lạnh nhạt ? - 11/08/2016 19:09
- Donald Trump : Nỗi sợ bị phe Cộng Hòa bỏ rơi - 11/08/2016 15:00
- Trung Quốc bóp méo thực tế Biển Đông trong giáo dục như thế nào ? - 11/08/2016 14:45
- Trung Quốc vẫn « bơm tiền » mua tăng trưởng trong ngắn hạn - 09/08/2016 15:57
- Trung Quốc độc chiếm Biển Đông để chống Mỹ ? - 08/08/2016 17:11
Các tin khác
- Tổng thống Mỹ: Hiệp định TPP như là một vũ khí chống Trung Quốc - 03/08/2016 17:47
- BIỂN CHẾT - 01/08/2016 00:33
- Ðừng tưởng dễ thắng Trump - 31/07/2016 03:35
- Chiến lược ngoại giao Biển Đông của Mỹ có dấu hiệu thất bại - 28/07/2016 15:28
- Biển Đông : Thắng lợi của Bắc Kinh tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN - 25/07/2016 16:23
- Trump đối đầu với Clinton: cuộc so đấu lịch sử - 21/07/2016 18:40
- Thổ Nhĩ Kỳ : Bí ẩn sau cú đảo chính hụt - 21/07/2016 15:58
- Chung quanh chuyện đạo văn! - 20/07/2016 21:17
- Phán quyết về Biển Đông: Khả năng gây áp lực hạn chế của phương Tây - 20/07/2016 13:16
- Biển Đông : Nước Pháp trong thế dấn thân trở lại - 18/07/2016 15:43