Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ-Iran : Con đường hòa giải còn dài

IRAN-NUCLEAR 2

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T) và đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif gặp nhau tại Vienna trước khi thỏa thuận hạt nhân Iran chính thức có hiệu lực.
REUTERS/Kevin Lamarque

Mặc dù đã đạt thỏa thuận lịch sử về hạt nhân và trao đổi tù nhân, con đường đi đến bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ với Cộng hòa Hồi giáo Iran chắc sẽ còn dài.

Hôm qua, tổng thống Brack Obama đã không ngớt lời ca ngợi « những tiến bộ lịch sử » giữa Washington với Teheran, còn đồng nhiệm Iran Hassan Rohani thì tỏ vẻ vui mừng khi thấy bang giao Mỹ-Iran lật sang « một trang mới ».

Hoa Kỳ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran cách đây 35 năm ngay sau Cách mạng Hồi giáo 1979.

Nhưng mặc dù giữa Washington với Teheran băng nay đã tan, tổng thống Obama hôm qua đã không nói đến khả năng bình thường hóa bang giao với một quốc gia mà chỉ cách đây vài năm còn bị Hoa Kỳ xếp vào « Trục tội ác ».

Cũng không có chuyện Mỹ sẽ thay đổi các liên minh ở Trung Đông, bỏ rơi Israel và các vương quốc vùng Vịnh theo Hồi giáo Sunni để bắt tay với nước Iran Hồi giáo Shia.

Hôm qua, ông Obama đã nhắc lại rằng vẫn còn nhiều « bất đồng sâu sắc » giữa Hoa Kỳ với Iran, đặc biệt là trên các hồ sơ nhân quyền, tên lửa đạn đạo và khủng bố.

Cho tới nay, đối với Mỹ, Iran vẫn nằm trong danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Teheran cũng vừa bị Washington trừng phạt về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo.

Như vậy thì sắp tới đây, quan hệ Mỹ-Iran sẽ như thế nào ?

Hãng tin AFP trích lời một quan chức cao cấp Hoa Kỳ hôm qua nói rằng : « Chúng tôi sẽ xem có cách nào mở rộng hợp tác hay không, hay ít ra là duy trì đối thoại xây dựng về những vấn đề khác ».

Trả lời AFP, ông Joseph Bahout, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Carnegie, cho rằng chính quyền Obama trong thâm tâm vẫn xem Iran là một « đối tác tự nhiên » trong tương lai.

Hơn nữa, cuộc nội chiến Syria đã thúc đẩy Iran và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn, nhất là với việc Teheran đã được mời vào bàn hội nghị quốc tế để tìm giải pháp hòa bình cho Syria.

Theo các chuyên gia, chính quyền Obama hy vọng là có thể « tái cân bằng » chiến lược của Mỹ ở Trung Đông theo hướng nghiêng về phía Iran nhiều hơn, chứ không dựa chủ yếu vào đồng minh Ả Rập Xê Út nữa, để chấm dứt các xung đột không chỉ ở Syria, mà còn ở Yemen và Liban.
Đó là những nơi mà Iran Hồi giáo Shia đối đầu với Ả Rập Xê Út Hồi giáo Sunni.

Nhưng tổng thống Obama sẽ rời khỏi Nhà trắng ngày 20/01/2017, thời gian một năm sẽ không đủ để ông đạt được mục tiêu nói trên.

Theo lời nhà nghiên cứu Joseph Bahout, trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ Obama, Washington và Teheran sẽ cố duy trì mối quan hệ như hiện nay, nhưng bề ngoài sẽ không tỏ ra quá thân thiết, giống như « một cặp tình nhân sống lén lút ».

Tương lai quan hệ Mỹ-Iran như vậy tùy thuộc phần lớn vào kết quả bầu cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ.

Nếu ứng cử viên Dân Chủ giành thắng lợi thì có thể là mối quan hệ này sẽ tiếp tục đi theo hướng hòa giải.
 Còn nếu đảng Cộng Hòa giành được Nhà trắng, thì con đường đi đến bình thường hóa bang giao Mỹ-Iran chắc chắn sẽ còn xa vời hơn.

 Trong những ngày qua, các ứng cử viên Cộng Hòa như Donald Trump hay Ted Cruz đã kịch liệt chỉ trích thỏa thuận giữa Washington với Teheran về trao đổi tù nhân.
Nói chung, các ứng cử viên Cộng Hòa vẫn chủ trương đường lối cứng rắn hơn với Iran.


Switch mode views: