Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bên Bờ Vực


vuc-tham
Hai người lên tới đỉnh núi lúc trời vừa nhá nhem tối. Gã thanh niên vạm vỡ đứng ôm bụng thở dốc, mồ hôi chẩy trên mặt như nước mưa. Người đồng hành, một ông già râu tóc bạc phơ, y phục, dáng vẻ như một đạo sĩ, đứng ung dung ngắm cảnh, nhàn hạ như vừa uống xong một tuần trà.


Gã thanh niên nhìn vách núi dựngđứng, chân núi thăm thẳm, mất hút trong mây mù, nói hổn hển :
- Con sợ thầy thực. Leo núi suốt từ sáng mà không biết mệt. Không biết bao giờcon mới tập luyện được như vậy.

Lão trượng vuốt râu, cả cười:
- Cần nhất là đừng sốt ruột. Phải tập luyện mỗi ngày, nhưng không tìm cách đốt giai đoạn. Một ông tướng nổi danh nói với binh sĩ: hãyđi từ từ, chúng ta gấp lắm đấy.

Khi mệt thì nghỉ. Ta ngủ ở đâyđêm nay.

Gã thanh niên lục trong cái túi cồng kềnh y vẫn đeo sau lưng ra một cái lều vải, lúi húi dựng lều. Ông già không cần lều; vẫn ngủ ngoài trời, lấy cỏ làm nệm, phiến đá làm gối. Sương, gió, nóng lạnh ngoại vật không ảnh hưởng gì tới ông, muỗi không đốt, hay ông không cảm thấy muỗi đốt.

Đằng sau rặng núi trước mặt, mặt trời từ từ lặn. Cả một vùng trời muôn mầu tô rực rỡ núi rừng cây cỏ. Ông già trầm ngâm:
- Hồi trẻ, thầy mất hàng chục năm học vẽ, mơ thành hoạ sĩ; nhưng thấy mình bất lực, không diễn tả nổi cái đẹp của thiên nhiên, cái nhiệm màu của đời sống, thầy bỏ vẽ. Mỗi lần đứng trước cảnh đẹp như thế này, vẫn thấy đôi chút thất vọng.

Gã thanh niên cảm động trước lời tâm sự của ông già; bình thường là một người lạc quan, yêu đời, biết thưởng thức từng giây phút của đời sống. Tưới một bông hoa, tỉa một cành lan, ngắm mấy con cá vàng tung tăng trong bể cá, đọc một trang sách, đón nắng hanh vàng đầu hè hay se se người trước cơn gió lành lạnh cuối thu, mỗi hành động nhỏbé, tầm thường, đối với ông là một nguồn hạnh phúc.

Ông vẫn nói với học trò đừng chạy đuổi, tìm kiếm hạnh phúc; nó ở trong ta, nó ở trước mặt, trong mỗi cử chỉ,trong từng hơi thở. Càng chạy càng mệt, càng đuổi theo càng mất.

Gã thanh niên đốt lửa, sửa soạn bữa ăn tối, đúng ra là để pha trà, vì bữa cơm rất đơn giản: cả hai đều ăn chay trường, đã gói sẵn trong túi vải.

Một con nai ngơ ngác từ trong bụi cây bước ra, giương đôi mắt to, đen láy, nhìn ngọn lửa, nhìn ông già, nhìn gã thanh niên, dò dẫm, rồi đi lại, nằm dưới chân lão trượng.

Ông già vẫn nói con vật, ngay cả những con dữ tợn nhất, nếu nó cảm thấy mình vô hại, cảm thấy cái từ tâm của kẻ đối diện, đương nhiên nó trở thành thân thiện. Và cái từ tâm, nếu chân thực, nó toát ra tự nhiên như một hương thơm, như một hơi thở, ngay cả thú vật cây cỏ cũng cảm nhận được. Cây cỏ không biết, nhưng gã thanh niên đã thấy, nhiều lần, những con cọp, báo, gấu nằm cạnh ông già, ngoan ngoãn như những con mèo con.

Sau bữa cơm thanh đạm, gã thanh niên đưng dậy, vươn vai, đi vài đường quyền.

Ông già nhìn, hài lòng, thấyđường võ của học trò đã điêu luyện, nhất là đã uyển chuyển, không còn cái cứng rắn, cái cố gắng phô diễn sức mạnh của tuổi trẻ. Gã thanh niên, đã biết quên cái bản năng háo thắng, cái bản năng muốn chinh phục, muốn đè bẹp đối phương, y đã quên thân thểmình. Y đã quên cái tôi. Ông vẫn nói đường võ phảiđi nhẹ nhàng, như không muốn xô đẩy không gian chung quanh. Phải biết kính trọng cái quân bình ở trong ta cũng như trong vạn vật.

Gã thanh niên, sau nửa giờ tập luyện, ngồi nghỉ trên bờ vực. Trăng đã lên tới đỉnhđầu, sáng vằng vặc. Núi đồi cây cỏ tràn ngập những trăng là trăng. Sâu dưới chân vực là một con sông uốn éo như con rắn, chan hoà ánh trăng. Một hai chiếc thuyền neo bên bờ sông, nhỏ bé xinh xắn như những chiếc thuyền giấy của trẻ con. Gã thanh niên cất tiếng ngâm:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng vềkịp tối nay

Lão trượng đang nửa tỉnh, nửa thức, ngạc nhiên, hỏi :
- Con biết tiếng Việt?

- Thầy quên con là một chuyên viên về cổ ngữ ?

Ông già cả cười :
- Quả thực, nhiều lúc thầy quên con đã trưởng thành, đã là một học giả có tên tuổi.

Thời gian đi nhanh quá, vùn vụt. Trong đầu ông già, gã học trò vẫn còn là một chú nhỏ chạy lăng quăng trong sân nhà, hay ngủ gà ngủ gật giữa những buổi học kéo dài trong cái nóng nực của trưa hè. Mới như hôm qua, cái buổi sáng người ta trao cho ông một hài nhi còn đỏ hỏn ai đem bỏtrước cổng nhà từ lúc trời còn chập choạng tối.

Một lần trong một thư viện lớn, ông thấy một nhóm sinh viên chúi đầu nghiên cứu, trên bàn cả mộtđống sách dầy cộm mang tên tác giả là người học trò thân yêu của mình. Ông vừa kiêu hãnh,vừa xúc động, vừa bàng hoàng, ý thức rằng đứa học trò nhỏ ngày nay đã dần dần vuột khỏi tay mình, đã thành một học giả có uy tín.
Ông già nói:
- Câu thơ đẹp quá, nhất là trong cái đêm trăng như đêm nay.
Bắt chước học trò, ông lên tiếng ngâm, giọng sang sảng:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay...

Và tiếp :
- Hồi nhỏ, có lần thầy ghé thăm cái thành phố ngày xưa tên là Huế,thăm thôn Vỹ. Nhưng Huế không còn là Huế, thôn Vỹkhông còn là thôn Vỹ của Hàn Mặc Tử. Vườn ai mướt quá xanh như ngọc đã trở thành những cao ốc kệch cỡm, những cơ sở sản xuất giầy dép, siêu thị của người Tàu. Những cô thiếu nữ trong chiếc áo dài lả lướt ngày xưa đã trở thành những bà vợ Tàu ,vợ Đại Hàn. Huế bây giờ mang một cái tên Tàu, giống như những thành phố khác của cái nước ngày xưa gọi là Việt Nam. Nơi mình đang đứng, có lẽ ít ai nhớ ngày xưa gọi là đèo Ải Vân

Gã thanh niên trầm ngâm:
-Trước Hàn Mặc Tử hàng trăm năm, hàng ngàn năm, đã có những người nông dân Việt làm những câu ca dao tuyệtđẹp: Hỡi cô tát nước bênđàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?

Ông già mỉm cười :
-Người nông dân bất cứ nước nào, làm ruộng chỉ mong cho được việc, cho chóng xong. Cái anh nông dân Việt Nam, cực khổ trăm chiều, không được ngày hai bát cơm, anh ta vẫn không quên mình là thi sĩ. Cái thắc mắc của anh ta chắc chắn không có một anh nông dân nào trên thếgiới bận tâm: sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

- Con nghiên cứuđã nhiều, không thấy người nông dân nước nào có cái tâm hồn ấy. Ngoài ca dao, người dân Việt còn một hình thức diễn tả rất tài tình là tục ngữ.

- Nước nào chẳng có tục ngữ. Đó là cái túi khôn của người dân, những quan sát, những nhận xét về đời sống ghi lại từ đời này qua đời kia.

- Tục ngữ Việt có hai điểm đặc biệt: nó đầy hình ảnh và bao giờcũng đầy khôi hài tính. Bao giờcũng là những nhận xét về xã hội hết sức tinh tế,diễn tả bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh: như đỉa phải vôi, theo voi ăn bã mía, nằm chờ sung rụng,ăn cơm nhà vác ngà voi, cá nằm trên thớt, gái ngồi phải cọc, lệnh ông không bằng cồng bà, nắm thằng có tóc ai nắm thằng trọc đầu... Những tác phẩm lớn thường có hai đặc điểm: đầy hình ảnh và khôi hài tính. Ngoài tư tưởng, cố nhiên. Hình ảnh của những nhân vật truyện Kiều: Thoát trông nhờn nhợt mầu da. Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao. Không có văn chương Anh nếu không có cái khôi hài đen. Trong văn chương Pháp, ngay cả ở Proust, nhà văn khó nhai vì rất tỉ mỉ dài dòng, vẫn có cái khôi hài kín đáo khiến Proust là Proust. Những bài hát của Jacques Brel, bên cạnh cái xúc động,bao giờ cũng có cái gì tếu tếu. Thơ không có hình ảnh là vè, văn không có hình ảnh là những bản báo cáo hành chánh, những biên bản của thừa phát lại.

Ông già gật gù :
- Người Pháp nói: lời nói bayđi, hình ảnh lưu lại. Les paroles passent, les images restent.

- Những người làm nghề quảng cáo thương mại, làm marketing đều biết: một cái spot thành công phải có hai điều kiện: hình ảnh đập vào mắt, bám vào óc và một nét khôi hài khiến người ta mỉm cười. Và tất cả, trong một spot dài 30 giây. Những người nông dân Việt nam đã hiểu điều đó trước mọi người. Không có gì gợi hình và tếu hơn cái cảnh một anh đi vác ngà cho con voi để nói đến một người làm chuyện vô bổ, lo chuyện cho thiên hạ, hay cái cảnh một anh nằm dưới gốc sung chờ sung rụng để nói về một người lười biếng. Tất cả tục ngữ Việt nam đều như thế. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, người ta cũng kiếm được một câu nói lên cái cảnh ngộ của mình, những nhận xét, phê phán về người, về vật: cá mè một lứa, cá lớn nuốt cá bé, nó lú chú nó khôn, trứngđòi khôn hơn vịt, theo đóm ăn tàn, ăn cỗ đi trước lội nước đi sau, đánh võ miệng, ếch ngồi đáy giếng, cha ăn mặn con khát nước, con nhà lính tính nhà quan...Chỉ trong vài chữ, cả một nhân sinh quan trong một cuốn phim hoạt họa linh động.

- Ít lời nhiều ý là một đặc tính của Á Đông. Thơ haiku của Nhật...

Gã thanh niên cãi :
- Thơ haiku xúc tích, ít lời nhiều ý, nhưng nghèo về hình ảnh và không có chất khôi hài, không có nét châm biếm. Người Nhật ít cười cợt. Cái khôi hài, cái đầu óc đầy hình ảnh của người bình dân Việt Nam thật hóm hỉnh, thật bất ngờ, thật lý thú. Và thật hữu hiệu. Không có gì hữu hiệu hơn khả năng khôi hài. Những người có tiếng là đào hoađều đồng ý: một người đàn bà mỉm cười là một người đàn bà đã bị chinh phục một nửa.
Ông già lợi dụng cơ hội đềcập một đề tài vẫn lẩn quẩn trong đầu:
- Nói tới đàn bà, thầy vẫn tự hỏi: bao giờ con nghĩ đến chuyện gia thất. Phải nhớ là thời gian qua nhanh.

Gã thanh niên hơi lúng túng:
- Con chưa kiếm ra người hợp ý. Có lẽ con không có cái khiếu làm cho phái đẹp mỉm cười.

Chợt nhận ra vẻ ưu tư của ông già, y trấn an:
- Thầy đừng lo, chuyện phảiđến thế nào cũng đến. Thầy vừa khuyên hãy đi từtừ.

Ông già không ngờ cái thuyếtđi từ từ quay về ngực mình như một cái boomerang, bèn trở lại đề tài bỏ dở, thoải mái hơn là chuyện đàn bà:
- Tại sao một dân tộc như vậy lại biến mất trên bản đồ thế giới?

- Theo con nghĩ, vận mệnh của một dân tộc, cũng như vận mệnh của một cá nhân, không bao giờ là chuyện ngẫu nhiên. Cái may rủi đối với một cá nhân, cái tình cờ của lịch sử đối với một dân tộc là một dữ kiện quan trọng, nhưng không bao giờ là một dữ kiện quyết định. Cái hưng vong của một quốc gia là do dân tộc ấy tạo ra. Không có chuyện tình cờ. Nói theo đức Phật, có cái nhân và cái quả.

Ông già không phải là một học giả, lại ít tìm hiểu về đề tài đang bàn, nhưng ông vẫn nghe nói người Việt Nam có nhiều đức tính: hiếu học, cần mẫn, chịu khó, tháo vát, và, như gã học trò ông vừa nói, dân tộc ấy nhìn đời với nụ cười thường trực trên môi, nụ cười khiến họ chịu đựng nổi trăm ngàn khó khăn, thử thách. Nụ cười ấy chứng tỏ một nhân sinh quan rất quân bình, ít dân tộc nào đạtđươc.

Ông cũng nghe nói đến cái hy sinh vô bờ bến của người mẹ, người vợ Việt Nam, cái chịu đựng gian khổ không giới hạn của người dân Việt. Tại sao dân tộc ấy không có một đời sống mà họ đáng được hưởng? Tại sao dân tộc ấy đi đến chỗ giải thể?

Sương bắt đầu xuống, lạnh hai bờ vai. Gã thanh niên chất thêm củi, nướng một trái bắp non; mùi bắp thơm thoang thoảng trong cái thanh tịnh của đêm trăng. Con nai đã ngủ vùi, đầu gối trên đùi ông già.

Ông già nói, độ lượng:
- Dân tộc nào cũng có cái tốt, cái xấu. Cái tốt cái xấu trộn lẫn nhau, tạo ra cá tính của một cá nhân, một cộng đồng. Phải là thánh nhân mới không có thói xấu. Và không có gì buồn tẻhơn là những ông thánh.

- Có những tính xấu vô hại, có tính xấu đưa đến nạn diệt vong. Cái tính xấu ghê rợn của người Việt là cái thói chia rẽ, đố kịnhau. Mỗi người Việt như tìm thấy cái vui trong cái thất bại của người đồng hương, cảm thấy cái thú trong việc phá phách công cuộc chung. Trong y học, người ta nóiđến trường hợp những người có khuynh hướng tự huỷ,autodestruction, chỉ tìm thấy lẽ sống trong việc tự huỷhoại mình. Không lẽ có một dân tộc có khuynh hướng tựhuỷ? Một nhu cầu tự sát tập thể? Như một đàn cá voi rủ nhau tự sát trên bãi biển? Cái quốc tính lạ kỳ ấy ăn sâu vào mỗi người Việt Nam, ngay cả ở tầng lớp trí thức, nhất là ở tầng lớp trí thức. Học vấn giáo dục không ảnh hưởng gì đến tư cách của họ,như nước đổ đầu vịt (gã thanh niên mỉm cười: nướcđổ đầu vịt là một câu tục ngữ Việt). Một quốc gia làm sao tồn tại được với một giới trí thức bệnh hoạn như vậy.

- Không phải chỉ có người Việt có cái thói phá nhau. Chẳng có người Pháp nào đồng ý với người Pháp nào về một vấn đề gì. Ngay cảngười Do Thái, chính họ tự nhận: cứ có hai người Do Thái ngồi với nhau là có ba ý kiến...

- Bất đồng ý kiến không phải là điều xấu. Tranh luận đưa tới tiến bộ. Người Việt Nam ngồi với nhau không phải để tranh luận, nhưngđể phá nhau. Không một hội đoàn Việt Nam nào tồn tại vài tháng. Không có một nhóm người Việt nào làm ăn với nhau được vài năm. Ngay cả những người có cùng một lý tưởng, thiện chí cùng mình, những người cơm nhà ngà voi, ngồi với nhau ba bẩy hăm mốt ngày là cái bản năng tự huỷ ấy đùng đùng kéo đến. Abdel Nasser nói: tôi rất buồn khi thấy một người Ả Rập nói xấu một người Ả Rập khác.
Nếu ông ta là người Việt Nam, Nasser sẽ phiền muộn dài dài. Đập phá nhau là một môn thể thao quốc gia của người Việt, toàn dân tích cực tham dự và hăng say tập luyện; như basket ball với người Mỹ, football với ngưới Ba Tây, sumo với người Nhật, taekwondo với người Cao Ly.

Ông già chống chế :
- Nhiều sách báo nói đến tính bao dung của người Việt Nam, ngay cả với kẻ thù.

Gã thanh niên gậm trái bắp nướng, ăn ngon lành. Y không mời ông già, biết ông già chỉ ăn một ngày hai lần: giữa trưa và tám giờ tối. Và cứ ba ngày là một ngày không ăn một hạt cơm, «đểcho thân thể nghỉ ngơi.»

- Thầy nói đúng. Đó là một dân tộc rất đại lượng, rất bao dung đối với người ngoại chủng, ngay cả đối với kẻ thù. Nước Việt một ngàn năm nô lệ giặc Tầu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, nhưng khi một ông tướng Tầu chết, họ quên thù oán, lập đền thờ (nghĩa tử là nghĩa tận.) Khi chiến tranh Việt Pháp chấm dứt, họ hết lòng thân thiện với người Pháp, tiếp đón kẻ thù hôm trước như anh em.Không thấy ai đi lùng giết những lính lê dương muốnở lại. Không thấy có người Việt nào hươi đao chém cổ một người lính Mỹ trước máy truyền hình. Không thấy có người Việt nào ngồi hạch tội người Nhật về những tội ác chiến tranh như bên Tàu. Ông tổng thống nước Mỹ, đi tới nước nào cũng bị la ó, phảnđối rầm rộ, không dám thò đầu ra ngoài đường, đến Việt Nam dân chúng hồ hởi đổ ra đường chào đón như đi trảy hội. Cả dân miền Bắc, những người đã lãnh hàng triệu trái bom Mỹ trên đầu, lẫn dân miền Nam, những người đã bị Hoa Kỳ bỏ rơi không thương tiếc.
Ông già mỉm cười, lạc quan :
- Đó là dấu hiệu một triết lý sống rất cao. Vứt bỏ oán thù, Chúa hay Phật cũng không dạy gì khác.

- Phiền một nỗi là những người đại lượng như vậy với người ngoại quốc lạiđối xử với nhau một cách cực kỳ tàn tệ, cực kỳdã man. Cạn tầu ráo máng. (Lại một câu tục ngữ Việt, gã thanh niên lẩm bẩm). Kẻ thắng hành hạ kẻ bại nhưnhững con vật. Tôi nhốt anh để anh khỏi lộn xộn, nhưng tôi hành hạ, nhục mạ anh, không phải vì anh là kẻcựu thù, mà vì anh là chỗ đồng bào, anh em ruột thịt.

Ngọn lửa lách tách nổ, thơm mùi gỗ thông cháy. Gã thanh niên pha một tách trà, đưa mời ông già. Ông già nhấp một ngụm, hơi nhau mày, nói:
- Nhớ bọc gói trà cho kỹ. Cái giống trà ngon nó khó tính lắm. Hơi ẩm một giọt mưa, hơi một ngọn gió là nó giở chứng ngay.

Gã thanh niên không quên câu truyện đang bàn, như đã lâu lắm y mới có dịp đề cập một đề tài vẫn luẩn quẩn trong đầu y:
- Con suy nghĩ hoài, không tìmđược nguyên nhân cái mâu thuẫn lạ kỳ ấy. Tại sao một dân tộc đại lượng như vậy lại thù ghét nhau đến như thế? Tại sao những con cá voi rủ sau tự sát trên bãi biển?

Về những con cá voi, ông giàđành ngọng, nhưng về cái dân tộc kỳ quặc nọ, ông liều một cách giải thích:
- Có lẽ đó là hậu quả của những cuộc chiến tranh triền miên. Chiến tranh huỷ hoại tất cả, huỷ hoại cả tình người. Lại thêm chính sách chia để trị của kẻ thống trị. Biết bao nhiêu dân tộc, dưới những thử thách một trăm lần ít cay nghiệt hơn, đã biến mất trên bản đồ thế giới. Người Tầu, trong một ngàn năm đô hộ, đã tìm mọi cách chia đểtrị. Người Pháp khuyến khích dân Việt hút thuốc phiện, chia nước Việt ra thành ba nước, bày ra một trăm thứngạch trật, phẩm hàm vốn đã cực kỳ nhiêu khê, biến mỗi người Việt thành một ông quan, sẵn sàng căm hờn nhau, sẵn sàng giết nhau vì một cái danh hão, một miếng thịt chia không đều. Bỏ được một tệ trạng đâu phải dễ. Hãy nhìn những nước Hồi giáo với những hủtục truyền lại từ 14 thế kỷ...
Gã thanh niên ngần ngừ: y ít có thói quen cãi lý với ông thầy mà y kính trọng.

Ông già cảm thấy cái ngần ngừcủa gã học trò:
- Nhưng?

- Nhưng người Việt Nam là những người có khả năng thích ứng rất nhanh, những tục lệcũ, nhuộm răng đen, tục đa thê v.v... chỉ vài mươi nămđã biến mất. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn đả kích các tệtrạng xã hội An Nam, cũng chỉ ít năm sau vấn đề họnêu ra không còn là thời sự nữa. Thầy có nhớ cái bài thơ của Nguyễn Bính: Hôm qua em đi tỉnh về. Đợi emở mãi con đê đầu làng...

Cái gì chứ thơ thì không aiđịch nổi ông già .Ông có trí nhớ của thiếu niên 18 tuổi. Ông đọc vanh vách :
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo dài khuy bấm em làm khổtôi
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen?

Gã thanh niên ngắt lời, trong khi ông già còn cao hứng:
- Con cháu ông Nguyễn Bính, chắcđã rất bỡ ngỡ trước cái thời trang lạ kỳ của những người chỉ cách họ một thế hệ. Và nếu con cháu nhà thơ có bồ khăn nhung quần lĩnh rộn ràng, chắc họ cũng khổ tâm lắm, nhưng không phải khổ tâm vì cô bạn quá tân thời mà vì quá quê mùa, cổ hủ. Những người Việt di tản ra nước ngoài chỉ vài năm đã hội nhập với đời sống mới. Họ biết cải tiến rất nhanh, nhưng nhất quyết giữ lại cái quốc tính kia. Cái thói thù ghét nhau, cái thói vọng ngoại đã có từ rất lâu. Đọc sử Việt Nam, không biết bao nhiêu những cuộc huynh đệ tương tàn, mỗi lần chiến trận ngã ngũ, thếnào ở trang sau cũng có cái màn cả bên thua lẫn bên thắng chạy ra nước ngoài cầu cống. Cái anh phó thường dân Việt Nam, không ai hỏi ý kiến anh ta.
Ông già:
- Dù sao dân tộc ấy đã đươngđầu với ngoại xâm hàng ngàn năm, tại sao bị giải thể đầu thế kỷ 21?

- Nước Tầu ngày xưa là một cường quốc thực dân, nhưng trong nước cũng chia năm xẻbẩy, thập loạn sứ quân, khó giữ vĩnh viễn một thuộcđịa. Sang thế kỷ 21, Trung Hoa trở thành một trong hai nước mạnh nhất thế giới, cả về kinh tếlẫn ảnh hưởng chính trị. Một đại cường thống nhất, vươn lên như vũ bão. Hàng hoá Tàu tràn ngập thịtrường, họ làm chủ về mặt kinh tế. Về văn hoá, sách vở Tàu tràn ngập, trên truyền hình quốc gia chỉ có phim ảnh Tầu. Đàn bà, con gái Việt Nam bị gả bán cho người Tàu để tìm đường sống. Nhân công Việt Nam, nổi tiếng là chịu khó và không đòi hỏi gì, đi tha phương cầu thự, làm nô lệ ở những nước phát triển hơn. Trung Quốc cần dầu lửa, cần thị trường, cần nhiên liệu, ngang nhiên chiếm một vài hòn đảo. Không ai phản ứng gì, hay phản ứng đại khái, họ lấn thêm vài cây số biên giới. Dần dần, họ chiếm trọn Việt Nam nhẹ nhàng như trở bàn tay.

-Thế giới không phản ứng gì ?

-Khi Trung Quốc còn là một nước nghèo đói, không ai ho he gì khi họ chiếm Tây Tạng; ai dám lên tiếng khi họ đã trở thành một đại cường?

- Còn người Việt?

- Họ còn mải chơi môn thể thao quốc gia.

Ông già vươn vai, ngả đầu trên phiến đá, nói với gã học trò, ôn tồn như một lời an ủi:
- Khuya rồi. Ráng ngủ một giấc. Mai phải đi sớm. Thiên hạ chờ mìnhđúng ngọ.

Ông già nói xong, nhắm mắt, ngủ, dễ dàng, ngon lành như một hài nhi. Gã thanh niên biết là sáng hôm sau ông sẽ thức dậy đúng sáu giờ. Muốn dậy giờ nào, ông già không cần báo thức. Ông chỉ lẩm nhẩm vài lần trong đầu là sáng hôm sau nhỏm dậy đúng giờ, nhưmột cái máy.

Gã thanh niên nằm thao thức, không ngủ được. Trăng sáng, chan hoà, phí phạm, lai láng ngập đất trời. Y không khỏi nghĩ đến cái anh nông dân thi sĩ. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. Câu thơ đẹp quá. Tâm hồn anh nông dân đẹp quá. Một tâm hồn đẹp như vậy không thểtàn rụi. Cái anh nông dân ấy, từ bốn ngàn năm nay anh ta vẫn sống chết bám lấy đất nước. Y muốn tin rằng cái anh nông dân ấy không biến mất, anh ta vẫn lẩn quẩnđâu đó dưới kia. Một ngày nào, anh ta sẽ trở về, xây dựng lại quê hương rách nát, đi tìm đón về những cô thiếu nữ bị bán ra ngoại quốc, đổ mồ hôi để tưới cho xanh lại ruộng đồng.

Y chợp mắt, mơ màng, tưởng như nghe thấy - lẫn với tiếng dế kêu, tiếng gió xào xạc trên ngọn cây - tiếng bước chân ai từ dưới thung lũng vọng lên. Tiếng chân của một đoàn người rậm rịch lên đường.

Switch mode views: