Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyện ngày xưa, ngày nay

Gai-ganh-gong

Hôm ấy tôi tình cờ gặp chị bên ngoài một siêu thị, đẩy chiếc xe mua hàng đi nhưng cứ mải nhìn giá cả dán trước mấy quầy trái cây, suýt chút vấp vào chiếc xe của một người phụ nữ đang chậm bước, hình như muốn đứng chờ ai đó. Tôi vội nói ngay lời xin lỗi trong khi người đàn bà nhìn tôi nở nụ cười xã giao và hỏi ngay :

    - Có phải em tên Kim Khánh.

Thì ra chị đang chờ tôi, ngập ngừng tôi gật đầu xác nhận mặc dù trong đầu vẫn chưa nhớ ra chị là ai sao lại biết tên tôi :

    - Xin lỗi, chị là...
    - Chị là chị của Minh Thủy nè.

Tôi reo lên :

    - A! Chị Nguyệt, lâu quá không gặp nên em không nhận ra.
    - Còn chị vẫn nhận ra dù em hồng hào và đầy đặn hơn ngày xưa.
    - Với lại già hơn …..!

Chị và tôi cùng cười sau câu nói ấy, tôi hỏi chị :

    - Chị qua đây bao lâu rồi ?
    - Cũng gần bảy năm rồi em.
    - Em nhớ rồi, năm em ra đi có nghe Thủy nói con gái chị đang được cha bảo lãnh sang Mỹ.
    - Ừ năm đó con bé cũng gần mười bốn tuổi rồi, ban đầu chị không chịu nhưng anh ấy muốn nó sang bên này để đi học. Với lại nhiều bạn thân trong lớp của nó nghỉ học theo cha mẹ đi Mỹ nên nó nôn nao theo và muốn đi. Hồi ấy chị nghe Thủy kể em cũng được đi diện HO hay OH gì đó phải không ?.

Tiếp nối là những chuyện chị kể về đứa em gái một thời tôi quen biết vẫn còn đang ở Saigon. Ngày trước tôi nguyên là kế toán lao động tiền lương còn Thủy là thống kê phân xưởng. Cứ vài ngày là tôi phải đạp xe xuống xưởng lấy số liệu hoặc là Thủy phải mang các con số cần thiết đó lên cho tôi. Công việc chỉ cần mười lăm phút nhưng hai chúng tôi gặp nhau cả buổi để nói chuyện trên trời dưới đất. Thật tình tôi là người nghe nhiều hơn nói vì lúc ấy Thủy đang mang tâm trạng say tình với một anh chàng trong phòng kỹ thuật của xí nghiệp nên cứ muốn trút tâm sự với ai đó mà mình thân thiết và chịu khó nghe kể lể.

Từ ngày ra đi tôi mất liên lạc với Thủy nên không biết những chuyện sau này. Nghe chị nói Thủy và chồng bây giờ đang là chủ một cửa hàng bán kim khí điện máy. Tôi nghĩ cũng phải thôi bởi hồi đó thời bao cấp ai cũng ráng níu giữ chân công nhân viên để chờ đong dăm ký gạo hàng tháng, thế mà Thành Đạt là người yêu của Thủy dám bỏ việc, ra mướn một mái hiên căn nhà gần chợ, ở đó anh chàng đặt cái xe đẩy bán buôn những thứ lặt vặt và kiêm luôn thợ sửa chữa những gì liên quan về điện, bởi vì hắn vốn xuất thân là kỹ sư điện trường Bách Khoa Phú Thọ.

Nhiều lần nghe Thủy than thở chuyện Đạt chán nản với hai ông cán bộ trưởng phó phòng kỹ thuật của hắn, họ cứ đấu đá lẫn nhau trong khi làm việc, hễ trống đánh xuôi kèn lại thổi ngược. Ông kỹ sư 3 tốt nghiệp bên Pháp nghe lời kêu gọi về nước vào bưng biền năm 45, là thành phần con nhà tư sản nên không được vào đảng. Ông kia là gia đình bần nông được ưu tiên cho đi học bên Liên xô mấy năm chỉ là kỹ sư 1, nhờ lý lịch “ trong sạch “ được cho vào đảng và giữ chức trưởng phòng. Lúc nào cũng mang lý luận và nguyên tắc xã hội chủ nghĩa ra ngáng đường ông phó phòng.

Đạt nói hoài “à mình là nhân viên giữa cảnh trên đe, dưới búa thế nào cũng bị bầm giập, mang ra làm vật tế thần. Lại thêm không có công lao gì với “ cách mạng “ để được chiếu cố, khoan hồng nên chỉ có từ “ chết đến bị thương “ nếu chẳng may xảy ra chuyện thất bại thuộc phạm vi kỹ thuật trong các công trình. Nhẹ thì kỷ luật, cảnh cáo đuổi việc ; nếu nặng hơn bị quàng cái lý do “ phá hoại “ cầm chắc là lãnh án tù. Về phía các ông cán bộ chủ chốt chỉ có nhận khiển trách, kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho lần sau mà thôi ! “.

Tôi còn nhớ năm đó, gia đình tôi ở cách thành phố một con sông, do phải chờ phà nên đi làm cứ luôn bị trễ giờ. Lại thêm con đường xuống bến được vá đắp cả đoạn dài bằng đất đỏ thay vì tráng nhựa, do sáng kiến tiết kiệm nên mùa mưa lầy lội khủng kiếp. Ngày nào tôi cũng bị bà trưởng phòng hỏi đùa :” Mày đi làm hay đi bắt cá thế, được mấy con cho xem nào. Sao mày không làm đơn xin một gian trong nhà tập thể bên này. ” Nhờ lời nhắc nhở và tác động vào của bà tôi mới được công đoàn cấp cho một gian phòng nhỏ trong khu tập thể, mọi thứ nằm trong phạm vi hai mươi mét vuông cho cả ăn lẫn ở.

Dọn nhà xong Thủy đạp xe dẫn tôi ghé gian hàng người yêu của mình, mua cái bếp điện hai dây do Đạt lắp ráp về để dùng. Thời điểm này cái bếp chỉ là miếng vỉ đất nung trên có gắn mấy vòng dây lò xo điện đặt trên cái đế bằng gang ba chân. Cắm điện vào, bếp đỏ rực dùng chiên xào, nấu nướng thì được, nhưng khi bắt nồi cơm thường là dưới khê trên sống bởi không giữ được hơi ấm khi tắt đi !

Ngày trước nhà tôi dùng nồi cơm điện, bây giờ thị trường làm gì có để mua, mà nếu còn cái cũ thì đã chạy ra miền Bắc hết rồi. Chỉ còn lại bếp dầu hỏa, than củi, than đá tổ ong nên mỗi lần nhóm bếp khói bay mù mịt cả gian phòng. Chẳng biết ai đã phát minh nhưng khi tôi mua cái bếp của Đạt, nồi cơm nhà tôi không còn cảnh khê sống nữa bởi bếp có hai dây, một dây lớn và một dây nhỏ. Bắt nồi cơm tôi gạt hết hai chốt mở ra, khi cơm sôi tắt bớt sợi lớn, còn lại sợi nhỏ vừa đủ độ nóng ấm hâm nồi cơm đến khi chin hẳn.

Nhớ chuyện cũ tôi ngậm ngùi nghĩ lại ông trời cũng thật trớ trêu, thế mới có những chuyện khiến người ta đổ thừa cho số mạng. Kẻ muốn sang bên này là Minh Thủy chứ không phải chị, nhưng rốt cuộc thì ngược lại, cuối cùng chị chép miệng nói một câu trước khi chúng tôi từ giã nhau :

    - Ai cũng có số hết, giày dép còn có số huống gì con người.

Bây giờ tôi không còn ngạc nhiên khi nghe chị đề cập đến hai chữ “ số mệnh “. Vào những năm đầu mất nước, thời gian ấy nhiều người còn trẻ như tôi được nhà nước nhận vào làm nhân viên tạm tuyển trong ba tháng đầu, lúc ấy cả phòng đang ngồi tán gẫu, một đứa hôm qua không bắt được thăm mua vỏ xe giá cung cấp, buột miệng than :

    - “ …. Cái số tao sao mà xui xẻo ….. “

Tình cờ có ông cán bộ đi ngang nghe câu nói quay lại gắt gỏng :

    - Số má gì ở đây, đi làm cách mạng mà còn tin số mạng hử ?

Cả đám lúc ấy im thin thít, may mà ông ta không bắt làm kiểm điểm để cuối tuần ngồi nghe “ phê và tự phê “ trong buổi họp. Cả bọn chẳng ai muốn đi làm cách mạng như ông ta nói đâu, “ cách cái dạ dày “ thì có, làm công nhân viên nhà nước chỉ để giữ cái hộ khẩu cho gia đình được ở lại thành phố và tháng tháng được mua cung cấp nhu yếu phẩm, với lao động chính mười ba ký, tám ký gạo cho mỗi đầu người ăn theo. Từ lúc ấy, trước những cán bộ gốc hoặc người có “ lý lịch đỏ “ thuộc thành phần “ cực kỳ giác ngộ “ cách mạng, tôi đều tránh nói đến hai chữ số mạng và nhắc đến “ ông trời “ … mặc dù trong lòng đầy ắp niềm tin vào câu nói “ Ông trời không đóng cửa ai bao giờ !”.

Gặp chị nhắc tôi nhớ lại mình đã rời quê hương gần hai chục năm rồi ! Đời sống không cần phải đi ra, đi vào nhìn quanh quất trong nhà xem còn gì có thể mang đem bán chạy gạo cho ngày mai, tôi thấy thời gian như ngắn lại và qua nhanh quá. Ở quê nhà bây giờ thực tế rất nhiều thứ đang xảy ra và đi ngược lại với giáo điều của chủ nghĩa Cộng sản người ta thường nghe trên cửa miệng các cán bộ “ ngày xưa “.

oOo

Tôi biết chị từ hơn bốn mươi năm trước. Giữa năm đầu của thập niên bảy mươi tôi học lớp Đệ Tứ còn chị học Đệ Nhất cùng trường. Cấp lớp tôi học là đàn chị của lớp buổi chiều, với các cấp lớp buổi sáng lại là em út. Năm ấy trường tôi bỗng nhiên thay đổi cách chọn lựa ban đại diện của trường. Những năm trước học sinh tụi tôi ít khi để tâm và biết ai trong ban đại diện học sinh, hầu hết chẳng đứa nào nhớ mặt ai trong những người này. Giống như tất cả các trường trung học thời ấy, trường nào cũng đứng đầu ba vị đại diện lớp sáng, lớp chiều và thủ quỹ. Còn lại là một lô ban bệ kèm theo, nào là học tập, báo chí, văn nghệ, khánh tiết, xã hội v..v... Mỗi ban thường là các chị lớp lớn làm trưởng ban và phó ban là lớp nhỏ. Vào đầu niên học chỉ có trưởng lớp và trưởng ban mỗi lớp đi họp xong về thông báo lại cho biết tên các thành viên trong ban đại diện trường mà thôi.

Năm nay trường lại có sáng kiến cho học sinh bầu ban đại diên bằng cách bỏ phiếu trực tiếp và kín. Giáo sư tại lớp trong giờ bầu cử sẽ đếm phiếu và lập biên bản kết quả gởi tập trung tại văn phòng. Lần đầu tiên trường thực hiện việc này nên tất cả học sinh thấy mình bỗng trở thành “ quan trọng “ trong mắt các ban vận động đại diện cho liên danh. Bích chương tô màu xanh đỏ kèm hình ảnh và thành tích học tập dán đầy các gốc cây trong trường, thành viên trong mỗi liên danh thi nhau gặp gỡ để vận động các bạn học sinh khác trong trường bầu phiếu cho mình, y hệt như các cuộc tranh cử ngoài đời. Bài học công dân giáo dục được áp dụng thực tế ngay trong thời gian còn ngồi ghế nhà trường nên chúng tôi hào hứng tham gia hết lòng.

Hôm công bố kết quả, liên danh của chị thắng phiếu. Sáng thứ hai sau lễ chào quốc kỳ, chị và tất cả thành viên trong ban đại diện đứng sắp hàng trên bục ra mắt học sinh toàn trường trong tiếng vỗ tay vang dậy. Chị đứng chính giữa sau cái micro, giơ cao hai tay chào và chầm chậm hạ xuống trấn tĩnh đám đông yêu cầu yên lặng, cử chỉ này tạo trong mắt tôi một ấn tượng đặc biệt trong lần đầu tiên gặp chị.Tôi quay sang nói với nhỏ bạn :

    - Mi xem chị trưởng ban đại diện có phong cách giống một lãnh tụ không. Ta tin rằng sau này thế nào chị ấy cũng sẽ là một người đứng đầu hoặc là người chỉ huy đám đông.

Qua rồi những bầu bán sôi nổi chúng tôi trở lại quãng thời gian êm đềm thời học sinh gần nửa năm. Mùa đông qua đi rất nhanh nhường hơi hướm ấm áp của mùa xuân, bọn tôi mới vừa thi xong lục cá nguyệt đầu niên học nên thở phào thoải mái. Nhỏ bạn ngồi cạnh rủ tôi :

    - Ra chơi tui với bà qua hội trường xem tập văn nghệ hông, ngồi trong lớp nghe tiếng đàn réo rắt tui nôn nao quá.
    - Ừa, hình như chiều hôm qua nghe nói có mấy anh bên trường Cao Thắng đến giúp lắp đèn màu cho ban văn nghệ chuẩn bị biểu diễn Tết trong hội trường.

Chuông reo, bầy học sinh túa ra khỏi lớp tôi đang lúi húi xếp mấy cuốn tập vào hộc bàn bỗng thấy mũi mình nồng nồng, và nước mắt tự nhiên tuôn ào ạt trong đôi mắt cay xé. Cùng lúc ấy sân trường bỗng trở nên rối loạn nhốn nháo, mọi người đều ùa vào lớp ôm cặp chạy ra, quang cảnh hỗn loạn, có đứa léo nhéo “ bị lựu đạn cay rồi “. Đây là lần đầu tiên tôi biết mùi vị của lựu đạn cay. Trước kia chỉ “ văn kỳ thanh “ nay mới nếm mùi.

Áp mặt vào khung cửa sổ được rào bằng lưới sắt nhìn ra đường bà Huyện Thanh Quan, đối diện chùa Xá Lợi, tôi thấy khói trắng từ bên ngoài theo gió bay vào trường. Đường sá vắng hoe, giữa hai khoảng đường Ngô thời Nhiệm và Phan Thanh Giản dàn trận một đầu là vài thanh niên đang đứng giữa đường, đầu đàng này vài anh Cảnh sát Dã chiến đang chong súng thủ thế trước mấy viên đá đám thanh niên ném vào, thỉnh thoảng họ bắn một trái đạn lăn lông lốc trên đường khói tỏa theo gió bay tạt vào trường tôi. Mấy thanh niên hè nhau bỏ “ mặt trân “ bên này chạy qua phía đường Đoàn thị Điểm vòng quanh trường giống như đang chơi trò cút bắt lúc còn nhỏ. Tôi chẳng thấy có điều gì căng thẳng giữa hai phe trái lại họ có vẻ hào hứng lắm, chọc cho lính cảnh sát đuổi theo mình chơi.

Hầu như tất cả các kiến trúc của các trường trung học ở Saigon xây vào thời Pháp thuộc đều có hơi hướm giống nhau. Bốn dãy nhà gạch nằm trên bốn mặt đường vây quanh kín mít sân trường, mỗi dãy đều có cửa ra vào chỉ mở đúng giờ vào học và ra về. Cổng chính hình vòng cung nằm giữa dãy nhà trên đường Phan Thanh Giản, sau này được lắp thêm khung cửa sắt kéo. Đóng cửa này trường tôi trở thành “ nội bất xuất, ngoại bất nhập “. Đám nữ sinh chỉ biết ôm cặp lòng vòng trong sân vì tất cả các cổng trường đều chưa được lệnh mở ra mặc dù khói của lựu đan cay đã bay hết từ lâu. Thật tình chúng tôi cũng chưa muốn về, hầu hết đều vui như “ Tết “ vì tự nhiên được nghỉ mấy giờ học bởi lúc ấy các giáo sư đều trở về phòng họp. Xem như chúng tôi sẽ nghỉ hết cả buổi học hôm nay rồi.

Hào hứng tôi lao đến đám đông đang tụ tập bên góc sân thể thao, hình như có hai thanh niên không biết làm cách nào đã leo rào vào được trong trường đang bắc hai tay làm loa nói với đám nữ sinh :

    - Tụi tôi từ trường Cao Thắng chạy qua đây rủ mấy chị đi vòng qua các trường khác kêu gọi họ cùng đi biểu tình.

Ai đó kéo ra một cái bàn, có tà áo dài trắng leo lên đứng trên ấy nói gì đó tôi chẳng nghe rõ. Một chị lớn đứng cạnh tôi nói với người bạn đứng bên kia :

    - Nhỏ đứng trên bàn là T. Thanh đó. Ba nó là dân biểu bị truất quyền và bị bắt về tội liên lạc với Việt cộng.

Tôi đi vòng qua phía sau lưng đám học sinh đang đứng lố nhố, thấy một con nhỏ trạc tuổi tôi ngoác miệng nói với vẻ mặt tự hào :

    - Cả buổi chiều hôm qua tôi bận kinh khủng, tôi phải quay truyền đơn để phát cho mấy chị đó, có biết không à..?

Con nhỏ kéo dài câu nói có ý ta đây cũng là một nhân vật quan trọng, mặc dù tờ giấy nó phân phát chỉ là mấy bài hát “ thời thượng “, đang là “ mốt “ của đám học sinh hiện tại.

    - “ Dậy mà đi ! hỡi dậy mà đi, ai chiến thắng không hề chiến bại, ai không khôn nên khôn một lần …..! “

Học sinh nào không biết ít nhất một bài hát của Trịnh công Sơn, Tôn thất Lập hoặc theo phong trào du ca của Nguyễn Đức Quang lúc này là “ quê một cục “. Ít nhất cũng phải thuộc lòng một vài bài dân ca của Phạm Duy để khỏi bị chê “ nhà quê “.

Bà chị tôi từ đâu chạy le te tới kéo tay mắng :

    - Mày ở đâu nãy giờ tao tìm gần chết. Đi về, theo tao đi về.

Đang vui bị cụt hứng tôi cãi :

    - Ở lại chơi xem họ có đi biểu tình không, trường đóng cửa đâu có cho đi ra ngoài

Chị tôi xua tay :

    - Về, về ! Cổng sau Ngô thời Nhiệm mở nãy giờ kìa, đi về không thôi tao mét ba mày muốn đi theo biểu tình cho xem.
    - Em đâu có theo họ, em chỉ muốn đứng nhìn thôi.

Tôi theo bà chị ra về mà lòng luyến tiếc cuộc vui chưa tàn. Ngoái nhìn chung quanh, đường phố vẫn êm ả, xe cộ vẫn trôi chảy theo nhịp bình thường hằng ngày. Hình như chẳng mấy ai quan tâm chuyện mới xảy ra. Tôi chỉ muốn biết có ai đi theo lời xui giục của hai thanh niên kia không ? Nếu có chắc chỉ ham vui giống tôi bởi tuổi thanh xuân với nhiệt huyết sôi sục là kẻ dễ bị sự tác động và lợi dụng nhất. Giống như con gà trống ghi trong bài miêu tả loài vật của Tô Hoài. Con gà vừa lớn đang vỡ giọng tập gáy, thế nhưng không chịu thua những con trống choai của hàng xóm khi nghe tiếng lanh lảnh của chúng mỗi sáng, anh chàng cũng gân cổ gáy theo à.kéc...ke...ke !, …..góp thêm tiếng ồn ào cho cả xóm.

Những đám đông tụ tập lớn hay nhỏ có lẽ chỉ có vài người là thật sự hiểu rõ mục đích và lý tưởng mà họ đang theo, còn lại theo tôi nghĩ chỉ là đa số thích a dua, ham vui theo thời thế.

Về đến gần nhà, chiếc Honda hai chị em vừa rẽ vào con hẻm sau lưng trường P. Ký tôi gặp một bầy học sinh cũng lũ lượt đạp xe tuôn nhau về bằng cổng sau, hình như rất ít người nghe lời kêu gọi tụ tập đi theo đám biểu tình.

Hôm ấy các trường trung học trong thành phố tạm đóng cửa chờ lệnh mới. Tờ báo sáng hôm sau trong góc nơi thường hay đăng tin “ xe cán chó “, có một đoạn nói về cuộc biểu tình vừa qua, điểm thêm vài câu phỏng vấn một nữ giáo sư trường tôi, Cô nói về chuyện hôm qua trong đó có câu :”… Họ bắn lựu đạn cay vào trường toàn là những nữ sinh..!.!“.

Ôi trời ! Tôi không biết có thật là lời cô nói hay do nhà báo tự viết thêm. Chẳng phải một mình tôi biết khói lựu đạn cay phát xuất từ đâu. Trường tôi với dãy lầu cao bao bọc ba bên, bốn bề làm gì có quả lựu đạn nào bắn được vào trường. Mùi khói cay bên đường được gió đưa vào không đầy mười lăm phút là tan vào hư không.

Từ oan khuất nhỏ nhoi của các anh Cảnh sát dã chiến hôm đó bị mang tiếng đàn áp biểu tình tại trường tôi và nhiều oan khuất lớn lao nữa ! Với sự thật bị bẻ cong trái chiều trên mặt trận chiến tranh tâm lý, đã kết liễu chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Sau ngày ba mươi tháng tư bẩy mươi lăm, tất cả sự thật cuối cùng cũng lộ ra ! Nhiều cái tên đọc trên đài phát thanh trong cái gọi là “ Mặt Trận Tổ Quốc thành phố ” xuất hiện, đứng bên cạnh những tên tuổi đảng viên Cộng sản là tên của cô giáo dạy môn Công dân và Sử Địa, cùng tên nữa là bà ni sư người cô thường kể với chúng tôi trong giờ Công dân giáo dục. Một lô, một lốc họ tên các sinh viên, học sinh, nhân sĩ, trí thức những người trước kia kêu gào, phản đối chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chụp mũ có họ liên hệ với Cộng sản để đàn áp và bắt bớ giam cầm họ, bây giờ sự thật đã rõ ràng chuyện họ bị bắt là đúng hay sai. Tất cả được chế độ mới cho hưởng bổng lộc, chức vụ tùy theo công lao “ tham gia cách mạng, chống Mỹ cứu nước “ trong thời gian qua của họ.

oOo

    - Chị Kim Khánh ngày mai em đi cùng anh Thành Đạt xuống Trà Vinh. Em xin nghỉ ốm một tuần.
    - Hả, Thủy bệnh gì mà phải đi xuống dưới ?

Tôi thảng thốt hỏi, Thủy nhìn quanh quất rồi nói nhỏ :

    - Em đi vượt biên, anh Đạt cho hay tối hôm kia, mai em xuống dưới chờ chuyến đi.

Tôi hỏi lại với vẻ nghi ngờ :

    - Thủy nói chơi hay nói thật ?

Với Đạt tôi tin là thật còn Thủy thì tôi không dám tin. Con nhỏ vốn ruột để ngoài da nên chuyện gì trong gia đình cũng kể tôi nghe. Vốn từ lâu tôi đã cảnh giác trước những thành phần “ giác ngộ chế độ “ nên với họ tôi kín như bưng không hề hé lộ suy nghĩ của mình, cho dù nhận xét thấy Thủy là một cô gái thật thà, hiền lành tôi cũng không dám tin. Qua những câu chuyện nghe được từ Thủy, tôi nhận ra chị trưởng ban đại diện ngày nào là chị ruột của Thủy. Một điều quan trọng nữa anh rể Thủy, chồng chị Nguyệt vốn là một sinh viên tham gia cái gọi là chống Mỹ cứu nước và chính quyền đương thời rất nhiệt tình. Thủy nói với vẽ ngưỡng mộ :

    - Trước khi anh Dương và chị Nguyệt đám cưới, anh đặt điều kiện với chị, lấy nhau phải bằng lòng chấp nhận sự hy sinh bởi có thể xa nhau. Mà thiệt vậy đó đám cưới được ít lâu thì anh” thoát ly “ hẳn vào khu.
    - Chị Nguyệt có đi không ?
    - Ba má em không cho vì chị là con gái sợ chị chịu cực không nỗi. Với lại chị không đi vì còn phải thỉnh thoảng tiếp tế mọi thứ cho anh ấy. Thời gian ấy chị về trên nhà sống với ba em, ở đó đi gặp anh dễ hơn ở Saigon. Cũng may độ hơn một năm thì “ giải phóng “. Hai người về thành phố nhận công tác và sinh con Minh Ánh vài năm sau.

Tôi có thắc mắc nhưng không muốn hỏi thêm lý do anh rể Thủy đang là một bí thư chi đoàn vì sao bây giờ lại đang sống bên Mỹ. Một bữa Thủy kể thêm vừa nhận được thư của anh rể nói đã gửi tiền về, Thủy nói giống như thanh minh cho anh rể :

    - Ảnh ấy viết trong thư "Thái Dương bây giờ vẫn là Thái Dương của ngày xưa". Mà ảnh đổi địa chỉ hoài chị ơi, bây giờ nhìn ảnh thấy khác trước không nhận ra vì để râu và để tóc dài nữa. Ảnh nói ở bển đang đi học và sống một mình.

Tôi nhớ dạo trước Thủy kể chị của nó giận anh rể phản bội nên không thèm đọc thư hay nhắc nhở đến anh ấy.Lúc ấy nó nói anh rể gia hạn cho chị suy nghĩ một tháng để đi vượt biên cùng anh nhưng chị không chịu.Qua thời hạn anh ra đi bằng đường vượt biên bán công khai với một người là vợ bé ! ? Đó là lý do mọi thư từ tiền bạc chỉ có nó viết thư trả lời.

Tôi không mấy tin vào nguyên nhân xa nhau của hai người đơn giản như thế, nó ẩn giấu một bí mật đặc biệt nào đó chỉ có người trong cuộc là hiểu rõ !.

Chuyến đi của Thủy và Đạt chỉ thành công có một nửa. Đạt thoát được và Thủy bị bắt lại. Hôm tôi ghé nhà trao cho chị các nhu yếu phẩm cùng xấp vải dùng để may đồng phục khẩu phần của Thủy tôi lãnh giùm. Chị kể là đang nhờ mấy người bạn khi trước cùng tham gia cách mạng với chồng của chị bảo lãnh cho Thủy ra giùm.
Sau khi được về chị sẽ xin cho Thủy vào làm tại cơ quan của một người bạn thân, tôi và Thủy ít gặp nhau kể từ ấy.

Bẵng đi cả năm sau Thủy ghé gian phòng trong nhà tập thể không chỉ để thăm tôi mà còn nhờ một chuyện :

    - Chị Khánh có người bà con nào bên Mỹ không ? Anh Đạt viết thư về nói bây giờ ở đảo khó xin đi định cư lắm ! Phải chờ phỏng vấn, thanh lọc ! Nếu không có thân nhân ở các nước khác bảo lãnh, bị rớt thanh lọc là điều chắc chắn, sẽ phải hồi hương. Bây giờ còn nghe nói đến chuyện “ cưỡng bức hồi hương” nửa kìa.

Nghe vậy tôi băn khoăn xót xa nói :

    - Tội nghiệp cho Đạt quá, chị đâu có thân nhân ở nước ngoài để bảo lãnh giúp cho Đạt !
    - Ảnh nói bên đó bây giờ người ta thanh lọc khó khăn lắm. Phải thuộc diện tị nạn chính trị mới qua ải thanh lọc được! Có người ỏ mấy năm vẫn chưa được phỏng vấn. - Khó dữ vậy sao ? Ở đây cứ nghe tin người này, người kia vượt biên tới đảo là mừng rồi, tưởng sẽ được vào các nước tự do ngay, ai dè..!

Tôi định hỏi Thủy sao không nhờ anh rể của mình đang sống bên Mỹ bảo lãnh giùm cho Đạt ? Nhưng nghĩ lại thấy không nên nói ra !.

Đầu thập niên chín mươi cuối thế kỷ, một tin làm những người có hoàn cảnh giống như gia đình tôi sửng sốt đến độ không tin là sự thật ! Những người đã từng bị tập trung cải tạo trên ba năm được chính phủ Hoa Kỳ tiếp nhận cho cả gia đình đi định cư qua Mỹ, thực là vui còn hơn cả trúng số độc đắc. Mười lăm năm sống trong khốn khó bị phân biệt đối xử, giờ mới thấy đúng là ông trời không đóng cửa ai bao giờ.

Sau khi phỏng vấn và khám sức khỏe, nhân tiện đi mua ít vật dụng ngay trong khu chợ gần nhà chị em Thủy nên tôi rẽ vào thăm họ. Cũng đã lâu chúng tôi không gặp nhau, may mà họ vẫn ở chỗ cũ. Thủy rất mừng khi biết tôi sắp đi Mỹ. Về phần Đạt anh chàng đã xin tự nguyện hồi hương hơn một năm nay rồi. Thủy còn kể chị Nguyệt giờ nói hối tiếc vì khi trước không chịu đi vượt biên cùng chồng.

oOo

Những năm đầu miền Nam bị áp đặt chủ nghĩa xã hội, công nhân viên chúng tôi thỉnh thoảng bị “ lùa “ lên hội trường học tập chính trị. Ngồi nghe các cán bộ lên lớp giảng về “ Ba dòng thác cách mạng..” chúng tôi mặc cho các ông ấy nói, bởi họ rất thích nói nhiều ai cũng ngầm khoe tài hung hồn nên ai cũng “ nói dai, nói dài, nói dại..”. Phía dưới các hàng ghế, sau lưng các bà cán bộ nữ đang hý hoáy đôi tay thoăn thoắt với hai cái que cùng cuộn len đan dở, bọn tôi bày trò giấu dép mấy tên đang lim dim ngủ gật, vài đứa lấy giấy viết giả vờ ghi chép thật ra đang đánh cờ “ ca rô “ với nhau. Táo bạo hơn còn có vài tên giấu bàn tay sau lưng ghế phía trước binh xập xám.

Hồi ấy nghe mãi những bài chính trị tôi chỉ còn nhớ đúng mỗi câu cán bộ nào trước hay sau khi rời bục giảng đều hùng hồn giơ cao tay “ Chủ nghĩa xã hội bách chiến, bách thắng muôn năm ! chúng ta đã đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, chúng ta đã đánh bại tên đế quốc sừng sỏ, tên sen đầm quốc tế v..v...vv. “ hằm bà lằn các khẩu hiệu đọc lên nghe như sấm, làm những người đang có mặt cứ tưởng mình đã trở thành một anh hùng “ vĩ đại “, chuyên chính vô sản cực kỳ từ tiên tổ ba đời !

Ba mươi tám lần của ngày ba mươi tháng tư trôi qua lặng lẽ. Những anh hùng nhân dân, cán bộ từ A về, Rờ, Khu ra bây giờ trở thành giới “ Chuyên chính tư bản “ nhất nước với tài sản ít nhất vài trăm tỉ đô la mỗi người. Thứ tờ giấy ngày đầu người Cộng Sản vào giải phóng đã khinh bỉ và tịch thu của bọn ăn bám bơ thừa, sữa cặn sống ở miền Nam. Họ lùa vào các trại cải tạo tất cả những tên phản quốc ngụy quân ngụy quyền cho chúng chết đói, chết bệnh trong đó để trả giá cái tội đã hợp tác bán nước làm tay sai cho “ Đế quốc Mỹ “ và còn nhiều thứ nữa.

Để học tập và thực hành chủ nghĩa Mác lê Nin, lập lại công bằng xã hội, cần phải cào bằng, triệt tiêu bọn tư bản giàu có bằng cách tịch thu hết tài sản của chúng, xua đuổi chúng lên rừng xuống biển giống như cha mẹ Lạc Long và Âu Cơ của chúng đã dẫn đi từ ngày chúng ra đời. Chỉ còn lại rặt một giống vượn người chuyên chính vô sản xuất thân từ rừng rú với hai bàn tay cũng biến được “ sỏi đá thành cơm “. Tất cả thành quả tạo được trong ba mươi tám năm qua là những hy sinh, công lao vào, vơ vét, về ; mới tạo được những gia tài kếch xù cho bản thân và gia đình trở thành “ tư bản đỏ “ ngày nay.

Chưa hết, để củng cố sức mạnh, giữ vững những thành quả đạt được, cần phải hợp tác với nhân dân Mỹ, đưa con cái, cháu chắt sang học tập tiến bộ kỹ thuật. Mang quân đội nhờ họ huấn luyện, giúp đỡ mua bán các loại vũ khí tối tân hơn để củng cố, bảo vệ chế độ họ đang cầm quyền. Những cán bộ mang quân hàm đỏ chói sang Mỹ học hỏi, thăm viếng người bạn đồng minh phản bội của đám ngụy quân ngụy quyền trước kia. Ngày trước trót đã ngước mặt lên trời nhổ nước bọn khinh bỉ họ thế nào thì bây giờ đưa tay vuốt mặt trải thảm đỏ mời mọc họ mang tiền, tài về hợp tác xây dưng đất nước thế ấy.

Tôi không hỏi chị Nguyệt nguyên nhân nào chị sang bên này sinh sống ? Có thể do con chị bảo lãnh, cũng có thể do vợ chồng chị tái hợp. Tôi tin rằng chị không phải là một cán bộ nằm vùng hay chính kiến của chị thuộc về phe tả. Câu nói ngàn xưa của ông bà để lại có lẽ đúng trong trường hợp của chị :” Thuyền theo lái, gái phải theo chồng “ cả linh hồn lẫn thể xác. Tôi không chỉ gặp một mình chị mà còn gặp rất nhiều người trước cầm súng phía bên kia giờ đang hiện diện ở đây Với tất cả thỏa mãn sung sướng bởi bây giờ họ đã được “ hạ cánh an toàn “. Nhưng cho dù vẻ dáng bên ngoài thay đổi, thân thiện đến thế nào đi nữa câu nói nôm na của người bình dân nói về những người này giống hệt “.. con cà cuống đến khi chết đuôi. vẫn còn cay “ thật chính xác.

Bên cạnh những người đã công khai khoe khoang quân hàm đỏ, với pháp luật xứ người chẳng ai làm gì được họ. Và giữa dòng người vượt biên những năm xưa ấy, đâu ai biết được đã có bao nhiêu người được Công sản Việt Nam cài đặt trên đất Mỹ với cái vỏ bọc là “ tị nạn “. Ở xứ tự do họ giống như những trái mắm được thủy triều đưa đẩy nằm im dưới bãi bùn chờ mọc gốc rễ đâm chồi thành khu rừng mắm lấn dần ra biển. Họ chờ đợi một ngày nào đó, khi thế hệ đối đầu với họ đã già cỗi, mất dần và tuổi trẻ lớn lên ở hải ngoại nguôi ngoai dần hờn oán, chỉ còn lại lòng nhân hậu của người ly hương, khi ấy sẽ dễ dàng nhuộm đỏ tất cả giống như màu cờ họ tôn thờ. Nhưng họ quên một điều, người Việt Nam ngày nay khác với người ngày xưa sau khi học phải bài học xương máu từ người Cộng Sản./.

Switch mode views: