Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mùa Xuân đen

muaxuanden bia
Dòng thác người thoát đi từ Cao Nguyên bức tử, từng đợt bỏ xác theo từng tấc đường oan nghiệt mùa xuân 1975. Lớp lớp người lính miền Nam súng trên tay mở đường, dân theo lính ra đi., một người lính mấy chục người dân nối đuôi theo sau. Những AK, những B40 bắn xả vào đoàn người, những chiếc xe, từ xe tăng đến xe đò, dầy đặc người, người rụng xuống như sung khi bị B40 của Bắc quân nả trúng. Người lính miền Nam bắn trả, người lính miền Nam gục chết theo đường, người dân miền Nam gục chết theo lính. Những viên đạn oan nghiệt của Bắc quân đeo đuổi đoàn người chạy loạn và khựng lại tại Sông Ba.

Người ta không biết bao nhiêu người đã chết dọc theo quốc lộ 14 rồi liên tỉnh lộ 7B. Rất nhiều, không ai biết ai đã chết, không ai xem căn cước người dân ngã xuống, không ai xem thẻ bài người lính ngã xuống dọc đường miên man, mê loạn… Những cái lệnh bỏ Cao Nguyên quái đản đưa đến một cuộc rút quân “không sách vở”, và trong đó có những cái chết anh dũng, có những hy sinh anh dũng mà người nằm xuống không cần ghi tên….Họ, những người lính miền Nam, những người lính Lôi Hổ… đã đem thân mở đường máu cho dân chạy giặc “Giặc từ miền Bắc vô đây, bàn tay thấm máu anh em!” Lời hát đã hiện thực.

Chưa bao giờ trong cuộc chiến, người ta thấy người dân kinh sợ Bắc quân phải bỏ chạy và chết thảm dọc dường như ngày tận thế. Có những cái chết mà người dân đã chết trên lưng người lính. Họ đã dìu nhau đi, họ đã cõng nhau đi, và họ đã cùng nhau nhận những tràng AK ngã xuống, họ đã cùng chết một chỗ. Những dòng máu đổ theo vệ đường di tản rút quân nối nhau từng đoạn, máu của người dân miền Nam, máu của người lính miền Nam, chan hòa, đậm đặc, khô cứng dưới trời Cao Nguyên. Bị bỏ lại sau lưng, dòng người cứ cuồn cuộn đổ về phía trước, ngơ ngác, bàng hoàng, mắt không khô lệ …

Bên này bờ sông Ba, quân cũng như dân, hết toán này sang toán khác, băng mình qua con nước chảy. Hắn chần chừ nhìn dòng nước chảy xiết, rồi đi dọc ngược theo bờ sông Ba, dừng lại bên một chiếc xe ieep lùn với hai chiếc cần câu cột quặt về phía trước, hai bánh trước dừng lại sát bờ nước. Đứng trầm ngâm trên xe là Thiếu Tá Nguyễn Bá Nguyệt, đơn vị trưởng 103 Pháo binh 175 ly nòng dài. Không biết ông đang suy nghĩ gì giữa âm thanh chát chúa của hàng loạt AK đâu đó vọng lại. Quanh xe ông là những người lính thuộc quyền. Họ không qua sông vì ông chưa quyết định qua sông. Họ không muốn bỏ ông thầy, người đơn vị trưởng sống chết của họ . Hắn chen giữa những người lính, những người lính thấy hắn là một sĩ quan mang phù hiệu pháo binh cùng tiểu đoàn nên lách ra. Hắn đến gần ông đưa tay chào và hỏi:
- Thiếu tá quyết định ra sao?
- Tụi mày cứ qua sông! Dìu nhau qua sông nhanh lên! Còn tao… Tao sẽ tính sau!

Giọng ông chắc và tĩnh. Ông vẫn quen gọi đàn em và lính ông cái kiểu “mày tao” thân mật như thế. Ông trả lời hắn, và đồng thời lời ông cũng là lệnh. Ông ngước nhìn đồi núi xung quanh, nhìn mấy đứa con qua sông. Hắn chào ông rồi đi dọc theo bờ sông để tìm chỗ vượt. Hắn đứng lại bên bờ nước nhìn về chiếc xejeep của Thiếu Tá Nguyệt như muốn từ giã ông một lần cuối. Bóng ông sừng sững trong trời chiều ảm đạm.

Bỗng hắn thấy ông đưa tay lên, mũi súng ngắn phòng thân của ông dí thẳng vào đầu. Một tiếng nổ, người ông đổ xuống khung kính xe Jeep. Thế là hết ! ông đã hy sinh. Tiếng súng Bắc quân nghe thật gần. Hắn lao mình vào dòng nước. Tiếng AK như đuổi theo dòng nước chảy.
Hắn qua khỏi sông Ba tối 13 tháng 3 năm 1975. Hắn vượt núi rừng hướng về Củng Sơn, quần áo tả tơi. Trưa hôm sau, lên tới đỉnh đồi, miệng khô khốc, hắn dựa lưng vào một gốc cây nghỉ mệt. Hắn muốn thiếp đi, nhưng tiếng súng địch như gần lại, như theo chân hắn. Hắn lửng thửng đứng dậy tiếp tục xuống núi và mơ dưới chân núi là một dòng suối nước trong vắt. Những vục nước hiện trong trí, trong mắt hắn, giục hắn đổ dốc nhanh hơn.
Đến nơi, trước mắt hắn chỉ là một dòng suối cạn, vương vải những đồ đạc, áo quần, những bi đông không còn một giọt nước của lớp người đi trước bỏ lại. Hắn lại trèo lên một sườn đồi khác, rồi lại mơ ước bên kia chân đồi là một dòng suối. Gần đó, một chiến xa bốc cháy. Người lính mũ đen nằm úp mặt bên cạnh xe, máu tươm trên mặt cỏ.

Hắn lại gần đỡ anh dậy.
Người lính thều thào:
- Tôi bị đạn vào ruột rất nặng! Tôi sẽ chết tại đây? Nếu anh về được Tuy Hòa nhờ nhắn… .

Người lính thều thào rồi tắt thở trước khi nói lời sau cùng. Anh là ai? Gia đình anh là ai? Hắn đặt người lính mũ đen xuống, vuốt mắt anh và chạy tiếp. Lên lưng chừng đồi, một quảng trống và bằng có bóng cây, hắn ngã lưng nằm dài xuống cỏ, bóng mát không che lấp nỗi cô đơn tuyệt vọng của hắn. Hắn nhìn những đám mây qua bầu trời. Đám mây thênh thang, bay về phương Nam. Hắn nghĩ đến Sài Gòn. Sài Gòn vời vợi trong cơn mơ. Hắn muốn thành mây, nhưng thực tại chôn chân hắn trên đất, chôn chân hắn trong hiểm nghèo, trong thân phận của một bại binh tháo chạy.

Hơi gió núi làm hắn tỉnh người. Hắn bỗng nhớ hai bông mai còn trên bâu áo trận, vai áo còn phù hiệu binh chủng. Hai cái này có thể giết hắn như chơi nếu hắn bất ngờ gặp VC. Hắn lột bộ đồ trận nhét vào bụi rậm và lôi ra trong bọc vải một bộ quần áo cũ, mặc vào. Cuộc đời binh nghiệp của hắn gói trọn trong bụi rậm. Hắn không buồn. Đúng ra, hắn không còn cảm giác để tiếc nuối. Khi hắn dợm đứng lên và đi tiếp, một người hạ sĩ quan quân y trên vai còn nguyên phù hiệu, không rõ đơn vị, bỗng xuất hiện tiến về phía hắn, hai tay dính đầy máu.
- Anh bị thương phải không?
- Không? Tôi vừa sanh cho một chị ở cuối dốc. Trời ơi! Còn cái cảnh nào đoạn trường hơn? Người đàn bà phải sinh con trong cảnh chạy loạn sống chết này. Tôi đã thay cô

Mụ để làm tất cả cái gì tôi có thể làm được. Tôi đã bọc đứa bé trong cái áo của mẹ nó, và để hai mẹ con dưới gốc cây. Tôi không hiểu làm sao hai mẹ con có thể về tới Củng Sơn hay Phú Bổn. Làm sao người mẹ bất hạnh này trèo non, vượt suối làm sao cô ta biết đường đi xuyên rừng, đói khát! .Tôi phải đi, không ở lại giúp gì hơn. Dường như VC sẽ có mặt nơi đây. Thôi tụi mình đi cho có bạn!

Hắn và người bạn đồng hành đổ nhanh qua một khu rừng thưa và lần mò xuống núi. Bóng chiều theo chân, màn đêm dần dà phủ chụp không gian. Những người chạy loạn vẫn còn nghe tiếng đạn réo xé từng mảnh âm thanh tịch mịch.

Thoai thoải trên sườn đồi, có những toán người rách rưới, phờ phạc đi về hướng mặt trời mọc. Người đàn ông tay dìu vợ tay dắt một đám con nhỏ. Vạt áo trước bụng người đàn bà đẫm ướt máu. Không biết chị bị trúng đạn từ bao giờ. Tiếng súng AK càng gần, người đàn ông càng kéo vợ chạy nhanh hơn. Mấy đứa con theo mẹ như đàn gà, và nó không ..biết là mẹ nó đã kiệt sức. Đến một gốc cây có bóng mát, người đàn bà giật tay chồng và thều thào:
- Em không thể sống! Anh bỏ em lại đây! Đem mấy đứa con thoát khỏi chỗ này ! Trời ơi t Anh ơi !
- Làm sao anh và các con bỏ em lại đây cho đành!
- Anh không thể đem xác em về Tuy Hòa được ? Phải cứu các con, Em không còn sức! Em không còn máu! Em không còn hơi thở! Để em xuống? Dựa em vào gốc cây! Chạy nhanh đi!

Người đàn ông như hiểu được những lời cuối cùng của vợ mình. Nàng sắp từ giã cõi đời. Anh bó tay tuyệt vọng. Anh không làm gì được để cứu vợ. Anh thương vợ đứt ruột, nhưng anh đầu hàng trước định mệnh nghiệt ngã. Người đàn bà nhắp miệng thều thào:
- Sao anh không dắt con chạy đi! Vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt các con !

Hai dòng nước mắt chị tuôn ra. Chị còn thoi thóp nhưng yếu dần. Người đàn ông gọi mấy đứa con lại quì trước mẹ.
- Lạy mẹ đi con!

Và anh, nước mắt đầm đìa, cùng với mấy đứa con quỳ sụp xuống lạy mấy lạy trước hình hài bất động của người đàn bà. Tiếng súng AK nghe đâu đó rất gần. Người đàn ông gạt lệ, nhìn vợ lần chót rồi ôm con chạy xuyên rừng, lúp xúp ba đứa trẻ chạy theo sau rồi khuất dần trong rừng xanh…
Anh là ai? Chị là ai? Những người lính miền Nam bỏ xác bên đường Cao Nguyên di tản là ai? Nào ai đếm được bao nhiêu sinh linh đã ngậm hờn trong rừng sâu núi thẳm, dọc quốc lộ 14, dọc liên tỉnh lộ 7B … của những ngày giữa tháng Tư 1975 oan nghiệt.
Viết những dòng này 27 năm sau mà người viết vẫn không kềm được những nghẹn ngào, đau xót đến hai khóe mắt cứ muốn ứa ra những giọt lệ không cầm…

Switch mode views: