Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dì Tư Xuân và Đồng Kho

 dongkho

Viết theo lời kể của Má, chị em và những gì đã in sâu trong trí nhớ của một cô bé mười-mười một tuổi.

Trước 75, Đồng Kho, một xã của quận Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Tuy. Vì tỉnh Bình Thuận được nhiều người biết đến qua ngành ngư nghiệp lâu đời cũng như thương hiệu nước mắm Phan Thiết và những đồi cát tiếp nối đồi cát long lánh ngập mắt; vì từ bao thế kỷ, tỉnh Bình Thuận được xem là miền đất nối liền Trung phần với Nam phần và giọng người Bình Thuận được phê là Trung không ra Trung, Nam không ra Nam; và vì chữ Bình nên nhiều người hiểu lầm Bình Tuy là một quận của tỉnh Bình Thuận. Nhưng chữ Bình trong tường hợp này không đủ sức bảo bộc cho số phận long đong của tỉnh Bình Tuy.

Từ tháng 10 năm 1956, một phần đất thuộc phía bắc tỉnh Đồng Nai và một phần đất thuộc phía nam tỉnh Bình Thuận như Tánh Linh, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân được xáp nhập lại thành tỉnh Bình Tuy. Theo thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, BìnhTuy thuộc quân khu 3, là một trong hai mươi hai tỉnh của Nam phần. Sau năm 1976, tỉnh Bình Tuy, Bình Thuận và Ninh Thuận được sáp nhập lại thành tỉnh Thuận Hải. Thế là tên Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy chết tức tưởi, nhưng đó là chỉ trên phương diện hành chánh.

Cho đến năm 1991, tỉnh Thuận Hải lại được chia hai: Ninh Thuận và Bình Thuận. Điều đó nghĩa là Ninh Thuận và Bình Thuận được lấy lại tên cũ nhưng Bình Tuy trở thành huyện Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Đức Linh và thị xã La Gi trực thuộc tỉnh Bình Thuận.

***

Tiếng heo eng éc cố vùng vẫy bỗng nhiên rống lên thống thiết, tiếng rống vừa như hoảng hốt vừa như oán hờn khi con dao trên tay chú Hai Dẹo thọc nhanh vô phần cuối cổ họng căng cứng vì khối không khí dồn từ buồng phổi để lấy sức cho thanh quản. Máu phun mạnh vô cái thau dì Năm Hiển đang chờ sẵn. Dì Tư Xuân thảy nắm muối vô thau, quậy nhanh đôi đũa cái. Tiếng rống yếu dần, yếu dần theo màu máu đỏ càng lúc đậm, càng đầy cái thau đang chòng chành muốn lan ra sân đất. Nặng quá, dì Năm Hiển vừa để thau huyết hơi sền sệt xuống thì con heo cũng vừa đuối sức, gục. Hối hả, vừa phụ cạo lông con heo chắc được hơn sáu chục kí lô, đôi mắt dì Tư vừa canh chừng chuyến xe đò từ Tà Bao, lòng khấn thầm cho xe đừng đến.

Đây là con heo Dì Tư Xuân mua từ tháng tám khi nó mới lọt lòng được mươi ngày. Dì Tư Xuân bỏ vốn mua heo con, dì Năm Hiển nuôi ăn. Đến bây giờ, hai mươi bảy tháng chạp, còn ba ngày nữa là năm cùng tháng tận, hai chị em bạn hàng mướn chú Hai Dẹo thọc huyết con heo nuôi góp bao tháng nay. Phần chú Hai Dẹo là bộ lòng nhưng ngoài trái tim vì dì Tư Xuân muốn có món mì vàng xào cải xanh đăng đắng với tim heo cho chồng con vào ngày mai, một trong những món ăn mà chú Tư Xuân ưa thích. Phần thịt mỡ, sườn, mọi thứ, dì Tư Xuân và dì Năm Hiển chia đôi, có mà Tết nhất trong nhà.

Năm nào cũng vậy, từ khi dì Tư Xuân đi buôn chuyến lên Đồng Kho cách quận Tánh Linh chừng năm cây số, từ sau bảy mươi lăm, từ khi mọi chuyện mua bán ngoài chợ đều bị cấm đoán, dì và dì Năm Hiển, chủ tiệm tạp hóa lớn nhất của xã nằm dưới chân núi Ông, hùn hạp nhau nuôi con heo và vài ba cặp gà, chuẩn bị Tết. Dì Tư Xuân bỏ vốn, dì Năm Hiển cho ăn, thả vòng vòng trong vườn, chờ cuối năm.

Bằng cách này, vừa rẻ vừa chắc chắn có miếng thịt miếng thà ba ngày Tết, lại vừa tươi và nhất là dì không cần phải bắt mấy đứa con gái của dì xếp hàng chờ mua thịt hôi thịt cũ của hợp tác xã. Nếu… nếu… dì Tư Xuân kịp đón chuyến xe ông Ba Minh, chuyến xe cuối cùng ra ga Suối Kiết chờ xe lửa về Sài Gòn!

Ngóng cổ ngó chừng ra đường, dì Tư Xuân lắng tai chờ nghe tiếng xe hàng đổ con dốc tuốt đằng trạm y tế. Bốn bao mè, loại bao cát làm hầm chống đạn của lính Cộng Hòa ngày xưa, một giỏ mây lớn gồm đậu xanh, nếp, lá chuối, bánh tráng, măng khô, bốn hộc cốm của dì Năm Hiển cho, chuối khô… mọi thứ sẵn sàng nằm ngoài cổng đặng xe tới là cho lên xe ngay. Còn cái giỏ mây rộng mành này, dì Tư Xuân chia hai, một nửa dành chỗ cho cặp gà buồn bã quay qua quay lại kêu lục cục, cặp vịt mõi chân nằm co một góc, một nửa lót lá chuối, ếm chung quanh đặng có chỗ cho phần thịt dì được chia.

Nếu may mắn thì khuya này về tới nhà, vị chi còn hai ngày nữa là Tết. Lo sắm sửa cho gia đình ăn Tết hiệp với chuyến giao hàng cuối năm như vầy thì sẽ có lợi đủ chuyện! Vừa rẻ vừa khỏi phải lật đật, có thì giờ mà ngâm nếp gói bánh tét, ngâm măng, đi chợ mua bông trái bánh mứt… đủ chuyện hết. Dì Tư Xuân biết, biết rằng trong căn nhà nhỏ ở Thủ Đức, chồng và bảy đứa con ngóng chờ dì từ tối hôm qua.

Hôm kia, ráng đi chuyến hàng cuối năm, chồng dì, chú Tư Xuân cứ hỏi: “Mình kịp về không? Năm nay ráng về sớm. Hay là… thôi, mình ở nhà.” Dì Tư Xuân biết. Bốn năm nay, từ sau bảy mươi lăm, năm nào cũng vậy, cứ mấy ngày cuối năm, dì làm lủ con bảy đứa nhấp nha nhấp nhỏm, chồng dì khuya nào cũng khêu nhỏ ngọn đèn hột vịt bên bình trà đã nguội, ngóng tiếng xe lam xình xịch từ ngoài đầu ngõ.

Chú Tư Xuân xót ruột mà nói vậy chớ chú cũng biết ở nhà sao được mà ở nhà. Tiệm quán từ Tánh Linh ra Tà Bao đang chờ chuyến hàng cuối năm này để có mà bán mấy ngày trước Tết. Rồi thì phần thịt heo, gà, đậu nếp, bánh tráng, măng khô… dì đã dặn trước. Làm gì thì làm, túng thiếu đến đâu dì Tư Xuân cũng ráng lo ba bữa Tết cho đầy đủ và tươm tất . Nhưng… lo thì lo, ráng thì ráng, làm sao bì được với những năm trước bảy lăm, càng không thể so được với những năm còn ở Phan Thiết. Cũng tại mấy ổng hết!

***

Nghĩ thương chồng con bao nhiêu thì dì Tư Xuân càng oán hận mấy-ổng bấy nhiêu. Mà cũng bởi dì “mắc nợ” mấy-ổng. Hồi thời ông Diệm, qua vài chuyến thâu mua lúa trên Tánh Linh, Tà Bao, dì Tư Xuân đâm ra mê miền đất Đồng Kho phì nhiêu nằm dưới chân núi Ông, trên đường từ Tánh Linh ra Tà Bao, một xã đầu tuyến của miền Nam. Vùng đất đã được chính phủ Ngô Đình Diệm khai khẩn trong chương trình dinh điền đưa dân từ vùng giao chiến về vùng bình yên nhưng phải ngưng lại vì sự cản trở của Việt Cộng nên cỏ sậy cao hơn đầu người mọc đầy, trở thành hoang dã. Cách đó khoảng vài kilomet là khu dinh điền đã hoàn tất, người thượng được đưa tập trung về, được cấp nhà, đất rẫy, có trạm y tế, vài ba cảnh sát ấp… nhưng chưa có trường học.

Lúc đầu dì Tư Xuân chỉ muốn khai khẩn mười mẫu. Nghe dì vạch kế hoạch, theo dì lên thăm đất đai, nhìn thấy sự màu mỡ, nhìn thấy tương lai nhiều hứa hẹn, chú Tư Xuân khuyên dì nên xin khai khẩn hai mươi mẫu. Chú biểu:

“Xin hai mươi mẫu hay mười mẫu gì thì cũng một lần xin. Chính sách mở mang dinh điền khuyến khích người dân đi xây cư lập nghiệp những vùng đất mới, xin khai khẩn bao nhiêu, ông phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ cũng cho hết. Sở phí khai khẩn mười mẫu với hai mươi mẫu cũng không chênh lệch bao nhiêu, ngân hàng cho mình mượn đầy đủ, ba năm sau mới bắt đầu trả góp. Một lần làm, một lần công, thôi thì làm luôn một thể. Ông nội lủ nhỏ cũng là người tiên phong khai khẩn ruộng trên Mương Mán, làm nên sự nghiệp. Mình theo bước chân ông.”

Được sự khuyến khích của chồng, cộng thêm bản tính ham kinh doanh, dì Tư Xuân xay hết số lúa dự trữ ở nhà máy xay gạo ngoài Sở Muối, vay nợ ngân hàng Việt Nam Thương Tín, quyết thực hiện mộng ước như cha chồng ngày xưa, mong làm cho chồng, cho con cái rạng mặt. Lên xuống Đồng Kho cả nửa năm trời để chuẩn bị, khi cầm giấy tờ cho phép khai khẩn, dì Tư Xuân mua ngay một căn nhà ở xã Đồng Kho cách khu rừng sắp khai khẩn khoảng mười lăm phút đi bộ, làm nơi đi lại cho gia đình và thợ từ Tánh Linh lên.

Năm ấy, năm 1964, ăn Tết xong, dì Tư Xuân mới dứt khoát giao chuyện nhà chuyện cửa, chuyện con cái cho chú Tư Xuân và người làm. Dì cùng hai người đàn ông thân tín hành trang lên đường. Ngay cả cha dì là ông Giáo Tâm cũng tình nguyện bỏ vườn bỏ tược lên coi ngó giúp thêm. Đồng Kho nằm dưới chân núi Ông, một làng tập trung người thượng từ chính sách dinh điền của chính phủ Ngô Đình Diệm nên số người kinh không quá hai bàn tay cư ngụ tại xã chỉ là nhân viên y tế, cảnh sát và buôn bán tạp hóa trở thành một thiểu số tất nhò, hân hoan đón chào đoàn người phá rừng khai rẫy từ thành phố lên.

Từ ngoài đường lộ, trên đường từ Tà Bao ra Tánh Linh, phía tay mặt, đi vào hướng rừng chừng vài trăm mét, dì Tư Xuân cho thợ xây một căn nhà sàn rộng độ năm mét, dài tám mét, cao khỏi mặt đất gần hai mét, dựng lên giữa rừng cây vông gai cứng nhọn chỉa tua tủa. Phía trên căn nhà sàn vừa là nơi nghỉ ngơi qua đêm của những người thợ chính từ Phan Thiết và Tánh Linh, vừa là kho chứa thức ăn, dụng cụ. Phía dưới là nơi nghỉ trưa, ăn uống của nhóm thợ phá rừng, vừa kinh vừa thượng. Hàng rào tre nhọn cao cả mét bao bọc quanh căn nhà sàn để ngăn chừng thú dữ và cũng là ranh giới giữa rừng thiêng trầm lặng chứa đầy bí hiểm với một thế giới loài người hăng say khai phá thiên nhiên. Khói xám từ đống lửa kế bên nhà sàn cháy ngày đêm vừa để sưởi ấm, vừa đánh tan sương rừng khí độc, vừa dọa dẫm những con thú rừng lân la rình rập.

Những người thanh niên thượng vung đôi cánh tay da nâu đồng cuồn cuộn bắp thịt căng cứng lên quá đầu, chân trái bước tới, hơi nghiêng người về phía phải, hạ con dao lưỡi dài một mét, rộng bằng bàn tay, được mài bén mỗi ngày, lướt xuống. Từng bước đi, từng đám lau sậy cao quá đầu ngã gục, ngã gục. Nhịp chân bước, cánh tay vung cao, lưỡi dao lướt nhanh xuống… đều đặn, hài hòa như cuộn phim ngắn được quay tới quay lui, chỉ khác là hậu cảnh càng lúc càng mở rộng. Cả một vùng đồng trống hiện ra càng lúc càng mênh mông, càng ngút mắt và cánh tay thợ càng hớn hở vung cao.

Hai tháng sau, con đường in dấu mòn xe trâu dẫn từ lộ chính đến cánh đồng giữa rừng vông già hân hoan chào đón hai chiếc xe máy cày màu xanh lá cây đậm hùng hổ tiến vào. Những người thượng đang đấp bờ hoảng hốt cắm phập lưỡi cuốc xuống đất, ngưng tay, giương to mắt theo dõi con thú khổng lồ ngang nhiên lăn đôi bánh xe tiến thẳng xuống phần đất đã sạch lau sậy. Từng mảng, từng mảng đất to không thua gì cái cùi trên lưng người thượng được bới tung, đảo ngược một trăm tám mươi độ, cho phần rễ lau sậy khô xám xoay xuống dưới và phần đất đen vươn mình lên cao hơn, ngạo nghễ soi mình dưới ánh nắng cuối xuân đang ngỡ ngàng trước hoạt cảnh làm rúng động muông thú chung quanh.

Đang là mùa khô nhưng màu đen ẩm ướt từng mảng đất nằm ngổn ngang chống chất phía sau hai chiếc xe máy cày làm phấn khởi những đôi mắt đầy khát vọng. Ông Giáo Tâm, cha của dì Tư Xuân nóng lòng trước chương trình khai khẩn táo bạo của con gái, cũng tình nguyện giao cả ruộng vườn ở Đại Nẫm cho bà Giáo, hành trang lên Đồng Kho làm hậu thuẩn cho con. Say sưa dõi mắt nhìn theo màu xanh chiếc xe máy cày nhấp nhô theo nhịp đất trồi ở cuối chân trời, hai cha con mỗi người một tâm trạng.

Dì Tư Xuân: “Ước chi ba tụi nhỏ có mặt lúc này để chú hãnh diện khấn trình với người cha đang nuốt hận dưới lòng đất sâu vì Việt Cộng đã biến ruộng vườn mút mắt Bàu Cá ở Mương Mán mà ông đã dầy công khai khẩn thành chiến địa của mấy-ổng, rằng, con dâu đang nối nghiệp cha chồng.

Ông Giáo Tâm: “Anh Tư Thăng, anh phù hộ cho con dâu anh, nó đang nối nghiệp anh. Đất đai thì đầy hứa hẹn làm tôi cũng ham không kém gì nó, mà chiến tranh thì đang gần kề làm tôi lo âu vì nghĩ đến số mệnh đứt đoạn ruộng vườn Bàu Cá của anh hồi trước. Cầu mong mấy-ổng để yên cho nó được vài năm, lấy lại vốn. Nói cho cùng, cầu mong cuộc chiến này tìm được một giải pháp hòa bình nhanh chóng để bà con nông dân mình còn có đất mà sống, còn có ruộng vườn mà nương thân.”

***

Thảo, Thi, Thông, Nga và Dân dành nhau leo lên chiếc xe đò vừa ngừng ngay trước nhà, chiếm chỗ ngồi ở băng ghế giữa, trong cùng, theo lời biểu của chú lơ xe. Mỗi đứa một giỏ quần áo và giày dép trước bụng, miệng thì bàn tán, tai thì lắng nghe lời chuyện trò của chú Tư Xuân với chú tài xế, bụng thì nôn nao chờ bánh xe lăn mau.

- Anh ghé nhà ở Đồng Kho mà không có má tụi nhỏ thì gởi các cháu ở nhà dì Mười bán tạp hóa bên kia đường.

- Dạ, anh đừng lo. Chị Tư dặn tui đem xe tận nhà đón tụi nhỏ mà, chiều nay chị Tư chờ tụi nhỏ ở nhà. Tui với chị Tư là chỗ quen biết nhau cũng lâu rồi, chị Tư theo xe tui ra Tánh Linh hoài đó mà. Cha… tui mong bữa nào có dịp ngừng lâu lâu, chạy vô ngó qua đám ruộng của chị. Nghe bà con ngoài Tánh Linh, Tà Bao đồn rầm rang làm tui cũng náo nức muốn coi đất tốt ra sao. Anh lên đó rồi chớ?

- Ờ, cũng hai bận, lên được ngày trước ngày sau là phải lo về. Kẹt tụi nhỏ đi học, kẹt công sở, tôi không phụ gì được má tụi nhỏ hết.

- Thì anh coi nhà coi cửa cho chị Tư an lòng. Hậu cần mà an toàn thì chị Tư mới dốc được hết lòng mà tiến hành. Nghe nói đất tốt lắm hả anh?

- Ờ, đất đen mịn, nắm lên tay bóp là rả ra. Ông ngoại tụi nhỏ cũng mê lắm, ở miết trên đó, có chịu về đâu.

- Được bao nhiêu mẫu, anh?

- Chắc độ trên dưới hai mươi mẫu.

- Quá trời đất! Một tay chị làm hết?

- Ờ, thì tiếng là con nhà nông chớ tôi có biết gì tới chuyện ruộng đất. Thiệt ra thì má tụi nhỏ chuyên nghề mua bán lúa gạo, cũng không biết gì chuyện đất đai. Người này giúp ý, người kia chỉ vẻ, thêm tánh ham làm nên má tụi nhỏ mới cực vậy. Được cái là có ông ngoại tụi nhỏ sát cánh ngày đêm trên đó nên tôi cũng an tâm.

- Nghe bà con từ Tánh Linh tới Hoài Đức kháo nhau, tui cũng ham lắm, tính lần mò thăm coi rồi hỏi thêm.

- Chà, tui cũng mong có người khai khẩn gần đó, đất còn nhiều lắm anh.

- Thấy chị Tư đàn bà mà xông xáo được vậy, tui cũng ham lắm.

- Anh coi hỏi thăm thêm, có gì tôi chỉ anh cách lo giấy tờ.

- Được vậy thì tui mừng lắm, tui chỉ ngại chuyện xin xỏ giấy tờ thôi.

- Không khó khăn gì lắm đâu, chính sách dinh điền của nhà nước mà. Tôi làm giấy tờ một lần rồi nên biết đường đi nước bước, không tốn đồng nào hết, vay tiền ngân hàng cũng dễ.

- Chà, điệu này tui phải ghé ruộng Đồng Kho mới được.

- Ờ, anh ghé mà coi. Đây, gởi anh tiền xe và thêm chút đỉnh đặng nếu anh có ghé Suốt Kiết hay Tánh Linh thì anh cho tụi nhỏ đứa ly nước đá.

Thấy chú phụ lơ giúp Hai Cao, người làm thân tín của gia đình nhét mấy giỏ cá khô, nước mắm dưới băng ghế, chú Tư Xuân hỏi:

- Có nhớ gói xôi theo cho tụi nó ăn dọc đường không Hai Cao?

- Dạ có, chú.

Chị Hai Cao vừa đẩy Thi xích vô để ngồi xuống, vừa trả lời, lòng nôn nao mong cho chú tài xế đề máy, không kém gì tụi kia. Đã từng giúp dì Tư Xuân mua sắm chuẩn bị cho các chuyến lên dinh điền, đã nghe ngóng chú thím bàn tán, nay được chú Tư Xuân cho lên dinh điền với tụi nhỏ để lo cho tuị nó, Hai Cao mừng lắm, nôn nao từ hôm nghe tin dì Tư nhắn về.

***

Đây là khu Dinh Điền do chính phủ Ngô Đình Diệm lập ra để tập trung người Thượng sống rải rác từ các vùng núi rừng quanh núi Ông, giúp họ quen dần với đời sống dân sự. Một lý do không kém quan trọng là sự an ninh mà chính phủ muốn kiểm tra vì tình hình chiến tranh đang bắt đầu giao động.

Trên khu đất rộng lớn bằng phẳng được chia thành từng mảnh nhỏ, thẳng hàng như bàn cờ tướng, mỗi gia đình được chia một khoảng đất, một số tole lợp nhà, dụng cụ làm vườn, thực phẩm cho sáu tháng đầu. Những ngôi nhà sàn được dân bản dựng lên như chỉ để làm vừa lòng người cấp phát, chỉ để tuân theo một cái lệnh với nội dung quá tầm hiểu biết của họ.

Vì vậy tuy vùng đất dưới chân núi Ông trù phú nhưng không thuần hoá được bước chân những người con của rừng núi. Mỗi sáng sớm; những người thượng tiếp tục vào núi, rong ruổi giữa lá xanh, suối mát, lắng nghe từng tiếng động bước chân, cành gẫy, dõi mắt kiếm tìm trong bụi cỏ, cành cây. Để rồi khi nắng chiều dịu mát; họ trở về với cùi măng, cùi trái cây dại, may lắm thì được con con đỏ, con heo rừng. Không thiết tha với vườn tược quanh nhà, không quan tâm chăm nuôi gia súc, mạch sống của họ tiếp tục dựa vào ơn thiên nhiên như cha ông từ bao nhiêu đời.

Dì Tư Xuân mua lại miếng đất có căn nhà mái tole, tường đất của một người kinh từ Vỏ Đắc đến đây lập nghiệp. Cây soài rừng sát lề đường là bóng mát duy nhất cùa khu vườn quanh nhà mà người chủ trước chỉ trồng toàn thơm. Ngoại trừ vài cây ớt xanh lá bên lu nước gần cửa sau, trước sau chỉ trồng thơm. Thân thơm thấp lè tè, không quá ba mươi centimet và màu lá xanh đượm xám bạc nên khu vườn trông tiêu điều như xóm thượng bên kia đường. Hơn nữa, đây chỉ là nơi nghỉ ngơi tạm của gia đình nên không ai rảnh rang chăm sóc vườn tược. Dì Tư Xuân và thợ ăn ở ngày đêm ngoài ruộng cách nhà chừng nửa tiếng đi bộ, năm ba bữa mới về nhà.

Những vật dụng trong nhà đơn giản và chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu ăn ngủ căn bản của con người. Bức tường đất chia nhà ra làm hai: Phòng ngoài gồm cái bàn với ba cái ghế gỗ không lưng dựa và cái băng dài, vừa là bàn ăn vừa để ông Giáo và chú Tư Xuân nhâm nhi ly trà nóng mỗi sáng; bộ ngựa mỏng bốn tấm nhưng không rộng lắm, chỗ ngủ của ông Giáo. Phòng trong, hai bộ ván nằm hai bên tường là nơi ngủ của dì Tư Xuân và thợ khi không lên ruộng.

Cửa sau thông với chái bếp bên hông nhà hướng ra đường lộ, cửa trước hướng về chân núi Ông, mở toang ban ngày, khép hờ ban đêm. Nhà cứ vậy mà bỏ ngõ, cửa then gỗ cài hờ phía ngoài cho gió mưa không tạt vào khi chủ nhà vắng mặt chứ không có mục đích ngăn ngừa trộm vặt vì người thượng thật thà và số người kinh hiếm hoi ở đây cư xử với nhau như bà con.

***

Ba là tiểu đội trưởng cảnh sát xã Đồng Kho, mẹ có quầy tạp hóa nho nhỏ, Nha và Quỳ được gởi học ngoài quận Tánh Linh, nay đang tiêu hao ngày tháng hè bằng ánh mắt thơ thẩn dạo quanh những ngọn cây rừng đã trở thành nhàm chán từ lâu, bằng bước chân không mấy náo nức nếu có việc phải vào xóm thượng, và mong cho ba tháng hè qua nhanh. Tìm khắp xóm làng không thấy bóng dáng con nít người kinh, ba chị em Nha, Quỳ và Nghĩa ăn ngủ an bình với ba má dưới bóng mát cây cát trái như trái sa bu chê nhưng ruột thì có mùi hơi tanh tanh và không chút mùi vị, chạy chơi với nhau giữa con suối sâu tới đầu gối phía sau nhà và con đường đất lộ trước nhà mà con nít có thể nhắm mắt băng qua đường vì mỗi ngày chỉ có vài chuyến xe đò chạy xuyên qua. An bình đến độ ba chị em không có nỗi náo nức của con nít khi mở mắt thức dậy mỗi sang và không mang nỗi tiếc nuối vì ngày qua quá nhanh khi đêm xuống.

Nha, Quỳ và cả Nghĩa, thằng em sáu tuổi theo dõi không chút dấu diếm đám con nít đằng nhà dì Tư Xuân xéo xéo bên kia đường. Tụi nó, cỡ gần chục đứa, chạy ra chạy vô, chỉ đàng này, leo cây nọ, nói nói cười cười, coi như cái xã Đồng Kho này chưa từng có người ở trước khi tụi nó đến, coi bộ có nhiều chuyện để bàn. Và thế là, giấc ngủ đêm nay của ba chị em bị quấy phá, ngày mới đầy náo nức đến nhanh bởi hình ảnh rôn rả của đám con nít coi bộ ngang tuổi mình bên nhà dì Tư Xuân.

Không biết ai làm quen ai trước nhưng chỉ trong vòng vài ngày là đám con nít từ mười hai ba đến sáu tuổi, gồm năm đứa con của dì Tư Xuân cùng với Nha, Quỳ và Nghĩa con của chú Hai-Cảnh-Sát lập thành băng đảng, một băng đảng người kinh duy nhất ở Đồng Kho.

Vắng chủ nhà gà quậy bếp! Dì Tư Xuân và ông Giáo lên ruộng mỗi sáng sớm trước khi đám con thức dậy và về lại nhà khi trời chạng dạng tối vừa kịp bữa cơm chiều nên căn nhà dưới tàn cây soài rừng là tụ điểm của đám con nít dưới sự coi ngó của chị Hai Cao gần hai mươi tuổi nhưng vì là người làm nên không đủ uy quyền để la rày và vì có trái tim quá mềm nên không muốn tọc mạch với dì Tư Xuân hay ông ngoại.

Chiếc xe trâu vẫn còn nguyên lành nhưng không còn dùng nữa được lũ nhỏ trưng dụng vừa như cái cầu tuột, vừa như dụng cụ luyện tập nhún nhảy và đo lường sức mạnh cũng như lòng can đảm.

Cả đám leo lên ngồi ở cuối xe để đầu xe có cái cần ngang dùng để buộc trâu vào, đang nằm ở vị trí thấp sát đất phải dỏng ngược lên cao. Một người can đảm nhất leo từ từ ra phía cần ngang phía trước xe nhúng nhúng. Chưa đủ! Một người nữa leo lần lên tiếp sức. Chưa đủ! Một người nữa leo lần lên. Ba người ra sức nhúng cần ngang trong khi những người kia trong tư thế chuẩn bị. Cái đòn cân bắt đầu nghiêng nghiêng về phía cần ngang đằng trước. Dùng hết sức, nhúng lần nữa. Cần ngang phía trước xe thấp xuống dần trong khi phía sau xe bắt đầu nhích lên. Xuống dần, nhích lên, cho đến khi đám con nít cười rú lên, vừa sợ vừa thích thú khi bị dồn và tuột nhanh xuống cần ngang.

Nhảy xuống, chạy ra phía sau xe trâu, bắt đầu lại. Nỗi hồi hộp, cảm giác teo ruột và là trò chơi thử lòng can đảm, đã gạt hết sự nguy hiểm mà đứa con nít bảy-tám tuổi cũng đủ thông minh để nhận ra, qua một bên.

Trò chơi cứ thế tiếp tục ngày chục bận, ngày qua ngày kia cho đến khi cần ngang giữa hai bánh xe trâu không chịu được nữa, gẫy đôi. Chừng đó, ông Giáo mới biết nhưng không rày mà chỉ phân tích sự nguy hiểm của trò chơi.

Thường thì xóm thượng vắng hoe vì mọi người vô rừng kiếm măng, lượm củi, săn thú… từ sáng sớm. Cả ngày, lũ-trẻ-dư-thì-giờ thả bước chân dọc ngang tìm trái cây rừng, đuổi con tắc kè hay chui xuống nhà sàn tìm lượm những mảnh xương thú rừng rơi rớt để thi nhau trổ tài xem xét, phỏng đoán và tự phong mình là những nhà khảo cổ. Người thượng thường đi từng nhóm, cả già trẻ lẫn lớn nhỏ nên mỗi lần tình cờ gặp nhóm người thượng, cả bọn lấm lét, vừa sờ sợ, vừa tò mò.

Mặc dù mắc cở khi ánh mắt chạm phải những thân hình đàn ông trần trụi chỉ được che đậy bằng tấm vải to bằng bàn tay hay bằng vỏ thân cây chuối, nhưng Thi, Thảo và Nha, ba cô gái ở tuổi sắp mấp mé dậy thì, vẫn len lén tò mò quan sát và câu chuyện Trần Minh Khố Chuối được mang ra tô đậm.

Trong khi đó, những người đàn bà thượng lưng trần ngực phênh phông trước nằng gió với cái xà rong ngắn khi bằng vải, khi bằng lá lợp nhà là đề tài cho hai tên con trai ở tuổi chưa đổi giọng chỉ chỏ với giọng cười nghịch ngợm. Và kết quả của cử chỉ nghịch ngợm khiếm nhã lẫn khinh thường này là dấu vết đỏ ửng của nguyên một bàn tay người đàn bà thượng với tất cả sự giận dữ đập mạnh trên lưng Thông vào buổi chiều bên bờ suối, nơi những người đàn bà thượng thường mang con ra tắm chơi khi trời nhạt nắng.

Từ đó, lòng kính trọng người thượng tăng nhanh nơi đám trẻ người kinh luôn tưởng mình thuộc “tầng lớp” văn minh hơn nên không cần che dấu ánh mắt tò mò tinh nghịch.

Nắng hè buổi trưa ran rát trên đầu khiến lủ trẻ phải tìm bóng mát cây soài rừng, cây cát già để bày trò chơi hay tô vẽ những giấc mơ băng rừng phá động lập giang sơn riêng. Khung cảnh núi Ông sừng sửng đầy huyền bí bên hông xóm cộng với gương mặt sạm nắng những người đàn ông thượng hầu như lúc nào cũng lầm lầm lì lì khiến câu chuyện Vàng và Máu của Thế Lữ được mang ra thường xuyên để tô điểm hình ảnh một kho tàng vĩ đại đang nằm đâu đó giữa rừng cây rậm đen chờ bước chân người khám phá. Thế là, kế hoạch vượt suối băng rừng hình thành từ từ trong đầu đám trẻ thành thị đã bị nhiễm nặng sách truyện phiêu lưu mạo hiểm.

Ngày bỏ ngủ trưa, đêm không ai nhắc nhở lên giường, đám cháu chỉ mong ông ngoại lên võng đu đưa là la cà trên bộ ván chờ nghe chuyện xưa tích cũ. Trong khi những ngón tay dài gầy lần cuốn điếu thuốc lá giọng ông ngoại trầm trầm kể, đủ chuyện. Chuyện học trò nhà quê chân đất áo vải thô học cả năm mà không thuộc mặt chữ nhưng lại xin phép nghỉ học vì phải cưới vợ khiến lủ cháu ngớ mặt thắc mắc. Chuyện cổ tích giải thích tiếng chim kêu hay nghiệp quả thú vật phải mang vì sự lơ đểnh hay tham lam của kiếp trước khiến giấc ngủ lủ cháu mang đầy hình ảnh ngọc hoàng thượng đế chốn cung đình lơ lửng giữa mây trắng trên trời cao. Chuyện rùa thần, chuyện đổi áo long bào, chuyện đóng cọc dưới lòng sông, chi li và mỗi lần kể là mỗi chi tiết mới khiến câu chuyện luôn khoát một lớp áo khác hơn, hấp dẫn hơn.

Nhưng, những đêm câu chuyện tình cờ đi vào thế giới huyền bí thì cả Thảo lẫn Thi và Thông tranh nhau ngồi xoay lưng để ánh mắt không phải chạm với núi Ông đen thâm thẫm qua khung cửa sổ luôn mở rộng.

Giấc ngủ đã mắt chấm dứt bằng tiếng vượn hú chim hót từ ngọn núi Ông luôn có những luồng khí núi bốc lên như những cụm khói từ mái nhà miền quê mùa đông lạnh.

Ngày lang thang bước chân quanh làng xóm cây thưa cỏ dại dưới cái nắng chang chang đang mong cơn mưa đầu mùa. Đêm rợn người lắng nghe tiếp cọp gầm vang lại lúc gần lúc xa nên vội kéo mền phủ đầu cong người như con tôm. Cứ thế, ba tháng hè trôi qua, đều nhịp nhưng đã để lại một dấu ấn vàng son làm đẹp tuổi trẻ an bình và là một gia tài quí báu mà dì Tư Xuân đã tặng các con.

***

Chú Tư Xuân dẫn Thảo và Thông lên dinh điền từ hôm qua, tính ở chơi ba ngày. Tiếng là lên từ thành phố, nhưng vì không biết chút gì chuyện nhà cửa, chú Tư Xuân không mang theo một món gì ngoài cái xách trong đó có vài bộ quần áo cho mình và hai con, không đường không bột, không cá khô nước mắm, những thứ thiếu thốn của người dân miền núi. Biết tánh chồng, dì Tư Xuân để dành hai con rùa đất của dì Năm Hiển từ Tà Bao ghé cho cả tuần nay, định bụng chờ mấy cha con lên thăm như đã hẹn.

Món thịt rùa xào sả ớt, gạo lúa mới vừa thơm ngọt vừa dẻo ráo, cộng thêm nắng núi khí rừng làm nồi cơm lớn không còn một miếng cháy chỉ sau mười phút. Thịt rùa ngọt không thua thịt gà nhưng vị thì hơi hơi nồng nên phải dùng nhiều gia vị làm Thông phải chạy ra lu, nốc cạn thêm một gáo nước lạnh.

Ánh trăng thượng tuần mờ mờ, bóng đêm đang lăm lăm thấp dần làm lưng Thông rờn rợn và khiến Thông liếc nhanh hướng núi Ông đã trở nên đen thẫm choáng cả vùng trời. Thông giật mình đánh thót khi thấy ba bóng đen đang băng qua đám thơm trước nhà. Thông vừa chạy vô nhà, định kể cho ba má biết thì con Ki Ki vễnh tai, gầm gừ, sủa to.

Chú Tư Xuân đang nằm đu đưa trên chiếc võng chuyện trò với dì Tư ngồi têm thêm miếng trầu bên cạnh, vụt đứng dậy, đi nhanh vô nhà trong, trong tư thế dứt khoát như đã dự tính từ lâu. Giơ ngón tay trỏ lên miệng, nhìn Thảo và Thông, chú ra hiệu im lặng. Nhón chân, chú đi thật nhẹ vào nhà trong, chỉ dì Tư rồi chỉ ra cửa.

Hiểu ý, miệng mắng con Ki Ki sủa bậy, dì Tư Xuân chồm người định thổi tắt ngọn đèn hột vịt trên bàn thì có tiếng đập cửa nhè nhẹ, tiếng đàn ông, giọng khe khẻ nhưng nghiêm trọng, như ra lệnh:

- Chị Tư, mở cửa, mau.

Dì Tư Xuân liếc mắt về phía nhà trong, cố kéo dài thì giờ, giả bộ loay hoay tìm vô đôi guốc vông, nói vọng ra:

- Chờ chút!

Bên ngoài không chịu “chờ chút”, cánh cửa khép hờ bật mở tung, ba người bước nhanh vô nhà, khép mau cánh cửa phía sau lưng.

Chú Tư Xuân đã thu chân ngồi yên trên bộ ván ở nhà sau, sát tường đất.

Thảo và Thông đứng lấp ló bên bộ ván bên kia, sau bức tường đất, lóng nghe. Một người trông trẻ hơn hai người kia, ngồi trên bộ ván, quắc tay kêu Thảo và Thông lại gần. Rụt rè, Thảo và Thông bước ra, đứng lớ ngớ giữa bàn và bộ ván. Người đàn ông chỉ bộ ván, ra dấu biểu hai đứa ngồi xuống.

Bộ ván không rộng mấy nên Thảo thấy rõ gương mặt hốc xương do ánh đèn hột vịt chiếu lờ mờ. Sợi dây quai của cái nón vải đậm màu nằm khuất sau lưng như kéo chằn cổ ông này. Thông ngồi xa xa ở đầu bộ ván.

Người đàn ông hỏi Thảo:

- Cháu học lớp mấy?

- Dạ… dạ… lớp đệ lục.

- Trường nào?

- Dạ… trường Bạch Vân.

- Ở Tánh Linh hả?

- Dạ không… dạ ở Phan Thiết.

- Ủa… cháu nghỉ học theo má lên đây hả?

- Dạ

- Vậy cháu lên đây với ai?

- Dạ… dạ…

Chợt nhớ đến ngón tay ra dấu im lặng và ánh mắt lo âu của ba má, Thảo nhanh trí, tiếp:

- Dạ… chị Hai Cao gởi con theo xe đò.

- Ở Phan Thiết, cháu bị lính Mỹ đánh lần nào chưa?

- Dạ chưa.

- Ủa… chưa hả? Lính Mỹ canh gác đầy đường mà.

- Dạ… đâu có… dạ…

Đầu Thảo làm việc nhanh: “Lâu lâu mới thấy xe chỡ lính Mỹ chạy ngang hay xe jeep có vài ba lính Mỹ chạy đâu đó trên đường phố. Chỉ có cảnh sát người mình canh gác chớ đâu phải lính Mỹ.”

Người đàn ông nói tiếp, nói và hỏi như Thảo là người thành phố đầu tiên ông gặp được:

- Mỹ Ngụy nói: “Ba người như chú mà ngồi trên tàu lá chuối cũng không gẫy nổi”, phải không cháu? Tụi nó nói láo đó. Cháu đừng nghe lời tụi Mỹ Ngụy. Mỹ Ngụy ác lắm. Cháu ghét tụi lính Nguỵ, tụi lính Mỹ không?”

Giương tròng mắt to đen nhìn chăm chẳm gương mặt người đàn ông ốm yếu, Thảo lắc lắc mái tóc đen dài vừa chấm vai, rồi lại nhìn về phía má, rồi lại gật đầu. Thảo không hiểu người đàn ông muốn nói gì. Thảo thắc mắc: “ba người ngồi trên tàu lá chuối” chi vậy, ngồi sao được mà ngồi. Mỹ Ngụy là ai vậy? Lính Mỹ là người Mỹ. Còn lính Ngụy là người gì? Chỉ có lính thường người Việt mình thôi. Mình chưa bao giờ thấy hay nghe nói lính mình ác. Còn lính Mỹ, nó cũng đâu có ác, nhưng mình không ưa tụi lính Mỹ cà chớn nghênh nghênh cái bản mặt khi quăng kẹo cao-su cho con nít chạy theo lượm rồi cười ha hả làm cái cục tự-ái-dân-tộc đè ngực mình. Mình không ưa lính Mỹ chớ mình không ghét, mắc mớ gì mà ghét người ta, người ta có bắt giết ai đâu mà mình ghét.”

Định quay hỏi ba thì Thảo lại nhớ ngón tay trỏ ông để trước miệng, đầu ông lắc nhẹ, ông nhìn mình, nhìn Thông, ra dấu im lặng như khi nãy. Giọng người đàn ông nói chuyện với Thảo nghe có vẻ hiền lành, ông vuốt tóc Thảo, vậy mà sao trong lòng Thảo sờ sợ, lo lo. Linh cảm một chuyện ghê hồn đang xảy ra với ba má.

Hai người đàn ông kia đã tháo cây súng đang đeo trên vai, mỗi người ngồi đầu băng ghế, xoay lưng về phía Thảo, đối diện dì Tư Xuân. Nhìn hai cây súng để dựa vào đùi họ, nhìn gương mặt lo âu của má, nghe giọng nói nghiêm trọng phía bàn, Thảo sợ. Thảo biết những người này là ai.

Thảo đã nghe chuyện dượng Mười bị mấy-ổng nửa đêm đến bắt, đem ra sau nhà bắn chết tại chỗ. Thảo đã nghe chuyện chú Hai trưởng ấp bị mấy-ổng nửa đêm đến bắt đi, nằm chết vỡ sọ ở gốc cây keo dọc đường xe lửa. Thảo đã nghe tụi con Hai Que và thằng Ba Tèo kể về một màn kịch do ban văn công thỉnh thoảng về Đại Nẫm diễn cho bà con coi, rằng mấy-ổng xử tử hình ông công an ở gần nhà mình.

Thảo rợn người. Lòng lo lắng và mãi lo ngóng chuyện từ phía bàn khiến Thảo quên trả lời vài ba lần chi đó nên người đàn ông xoay qua bắt chuyện với Thông.

Cùng tâm trạng như chị, Thông cũng trả lời “dạ có” hay “dạ không” làm người đàn ông rảng rang, ngó bâng quơ quanh nhà.

Ánh mắt ông ngừng ở cái áo sơ mi ngắn tay móc ở vách gỗ ngay đầu võng. Ông hỏi Thông:

- Áo này của ai?

Thảo lanh trí, trả lời:

- Dạ… của ông ngoại. Ông ngoại con về Phan Thiết rồi, dạ…

Bên bàn, một tai dì Tư Xuân lắng nghe hai người đàn ông nửa giải thích, nửa ra lệnh, một tai dì lo lắng ngóng nghe lời đối đáp của Thảo và Thông với người đàn ông coi bộ trẻ nhất. Thấy mầm nguy hiểm lố dạng, dì ngắt lời con:

- Thảo, con coi xuống nấu nước làm cho má một bình trà. Thông, xuống phụ chị.

Một người đàn ông ở đằng bàn lên tiếng:

- Thôi chị Tư, tụi tôi đi ngay. Đây là giấy nợ của Ban Kinh Tài.

Dưới bàn, dì Tư Xuân bấu vào đùi để giữ bình tĩnh. Cố giữ ngón tay cho khỏi run, dì ký nhanh, không cần đọc lại vì khi người đàn ông đọc nội dung tờ giấy dì Tư Xuân không đủ tâm trí để hiểu mức độ quan trọng của nội dung. Và dì cũng biết rõ lệnh là lệnh.

Ba người đàn ông đi đã lâu. Chờ cho con Ki-Ki đã chịu vô nhà và nằm yên, dì Tư Xuân đem cây đèn dầu vô bộ ván, nơi chú Tư đang nằm hồi hộp chờ. Đọc qua tờ giấy chứng nhận mua lúa của Ban Kinh Tài huyện Tánh Linh, quân khu 6, chú Tư Xuân thở dài:

- Vậy là xong!

- Mình tính sao? Giọng dì Tư Xuân lo lắng.

- Thì mình coi, cái giấy nợ này chỉ có nước quăng vô thùng rác.

- Mấy-ổng nói là chừng nào hòa bình, Ban Kinh Tài sẽ tính toán trả tiền sòng phẳng.

- Mình tin? Tịch thâu thì nói đại tịch thâu đi, bày đặt mua, bày đặt làm giấy nợ. Mình bị lừa mà không biết. Tôi cũng chủ quan, thấy hồi mình dự định công trình khai phá ruộng thì vùng này an ninh và chưa từng có bước chân mấy-ổng đặt tới. Tôi tưởng mấy-ổng không quan tâm tới chuyện khai khẩn ruộng đất vì công việc làm ăn của mình hoàn toàn lương thiện.

- Thì bởi. Hồi đó, có lần mấy-ổng ghé qua xin gạo, có hứa là cách mạng không gây khó khăn gì cho chuyện khai khẩn ruộng đất.

- Bởi bị lừa là ở chỗ này. Mấy-ổng để mình tự do khai khẩn, tự do cày bừa, tự do gieo lúa, tự do bỏ vốn. Đến mùa gặt, chờ gặt hái xong xuôi, lúa chất sẵn sàng chờ đập thì mấy ổng mới ra mặt thâu mua rồi trả bằng tờ giấy lộn này.

- Tôi than là vì đất quá tốt và mưa nhiều nên lúa lép cũng nhiều nên số lúa thu được không đủ trả nợ vậy mà mấy ổng ra lệnh sẽ thâu mua hai phần ba. Thiệt khổ. Cũng may là mình lánh vô trong nên mấy-ổng không biết mình có mặt ở đây. Nếu không, dám mấy-ổng dắt mình đi luôn.

- Bởi vậy. Tôi làm công chức chứ có phải là công an, cảnh sát hay xã ấp gì, nhưng bụng dạ mấy-ổng biết đâu mà lường.

- Ngày mai mình dẫn hai đứa nhỏ về Phan Thiết liền. Nay mai, không biết chừng nào mấy-ổng ra ruộng thâu mua, tôi sợ mấy-ổng bắt mình. Tôi đàn bà, dễ chống trở với mấy-ổng. Tôi không ngờ mấy-ổng chờ mình vừa gặt xong là đưa lệnh thâu mua liền. Không biết mấy-ổng để lại cho mình bao nhiêu đây.

- Mình coi thu xếp chở phần lúa của mình về Phan Thiết sớm chừng nào hay chừng đó. Ở đây rồi cũng có ngày không tránh làn súng họng bom, dễ gì quân đội để mấy ổng tự do tung hoành.

***

Tiếng khóc từ nhà ông Hai Cảnh Sát đáng thức giấc ngủ vừa chợp mắt vì tiếng chó sủa lúc rân vang gần kề lúc văng vẳng cuối ấp cả đêm, dì Tư Xuân bật ngồi dậy, nghe ngóng. Nhổm người, dì Tư Xuân với tay hất cái chốt lên, đẩy cánh cửa sổ ra phía ngoài.

Nằng ban mai còn quá yếu làm ánh mắt dì Tư Xuân không thể phóng xa hơn cây gòn sừng sửng làm ranh giới giữa nhà dì và khu đất cỏ hoang cao ngang đầu gối đang ngả màu vàng úa quanh phòng y tế. Cửa sổ mở rộng nên tiếng khóc đám con và vợ ông Hai Cảnh Sát xuyên màn sương mai còn dầy đặt, vang mồn một làm tăng nỗi lo sợ của dì khi nghe tiếng chó sủa thật gần đêm qua. Mặc vội cái áo bà ba, quơ chân tìm đôi guốc vông quai nhựa màu nâu đậm, dì Tư Xuân tông cửa chạy ra.

Cổng gỗ trước nhà ông Hai Cảnh Sát mở toang. Thay vì vô nhà, dì Tư Xuân theo tiếng khóc chạy vòng ra vườn sau, hướng con suối, kêu to:

- Mợ Hai… Mợ Hai… có chuyện gì vậy?

Bên bờ suối, sương núi còn luyến lưu cây cỏ nhưng mặt trời thì đang lấp ló phía sau ngọn núi Ông sừng sửng oai nghiêm ban những tia sáng tờ mờ đủ cho Dì Tư Xuân nhận ra bốn thân hình quỳ phủ chụp lên một thân người. Vợ ông Hai Cảnh Sát quay lại, thấy dì Tư Xuân, nức nở kể:

- Mấy ổng bắt ảnh hồi hôm. Nghe tiếng súng nhưng em không dám ra, chờ mấy-ổng đi thiệt xa em mới chạy ra. Ảnh chết tại chỗ chị Tư… ảnh chết tại chỗ chị Tư…

Tiếng “chết” như xác nhận rõ ràng hơn thực trạng từ đây không còn chồng, không còn cha làm bốn mẹ con khóc to hơn. Dì Tư Xuân lại gần.

Xác ông Hai Cảnh Sát nằm xấp, cái quần đùi trễ xuống phơi bày toàn vẹn tấm lưng trần không một vết máu, gương mặt nghiêng một bên, hai tay vẫn còn bám mặt đất. Phụ lật cái xác, dì Tư Xuân giật mình thụt lui, bốn mẹ con rống to trước hình ảnh lồng ngực và phần cổ vỡ toang bê bết máu. Ánh nắng ban mai như cũng cố lách mình xuyên qua ngọn núi Ông oai nghiêm nhưng không đủ sức bảo vệ người cha của bày trẻ thơ, tò mò chiếu những tia nắng tờ mờ trên gương mặt còn mang nét hãi hùng và đôi mắt trừng trừng như muốn cố mang hình ảnh người vợ và ba con nhỏ vào tâm khảm trong trong giờ phút thứ hai mươi lăm của đời mình.

Mơ hồ, Quỳ nhận ra bàn tay thằng Nghĩa nằm trong tay mình, nó kéo Nghĩa sát lại. Hai anh em lui vài bước. Tiếng nấc thỉnh thoảng ức lên từ cuống họng trong khi hai anh em lặng yên theo dõi má và bác Tư Xuân cố kéo tay, kéo chân, sắp xếp cho xác ba nằm được ngay ngắn.

Quỳ đã nín khóc hẳn, nó xoay đầu về phía dãy núi Ông sừng sững đang lộ dần sau màn sương trắng đục. Ánh mắt Quỳ trừng trừng lướt chậm trên sườn núi như cố tìm bóng dáng những người mặc áo bà ba đen, đầu đội nón vải, vai đeo túi vải, tay chỉa khẩu súng dài thúc vào lưng ba nó bắt đi ra khỏi nhà khi ông chậm bước chân nhìn hai anh em nó ngồi co rút trên bộ ván gần bếp. Ánh đèn dầu tờ mờ nhưng đủ để Quỳ nhận ra sự hoảng hốt lẫn buồn bã vô tận trong ánh mắt, trên gương mặt ba.

Đầu óc Quỳ đầy đặc dấu hỏi đỏ đen. Tại sao mấy-ổng bắt ba mình đi mà không cho mặc áo quần? Tại sao mấy-ổng giết ba mình? Từ hồi nhà mình dọn lên đây, ba mình chưa bắt ai, chưa đánh ai chứ đừng nói chi giết người. Cái ấp Đồng Kho này yên tỉnh bấy lâu nay. Người thượng hiền lành, bà con thương nhau nên ba mình và chú Hành, chú Tám tiếng là cảnh sát nhưng súng cất hộc tủ, cả ngày phải lo làm rẫy làm ruộng mới đủ sống. Vậy thì tại sao mấy-ổng bắn ba mình chết?

***

Dần dần, không một chiếc xe đò nào chạy ngang Đồng Kho và Tà Bao, không còn người nào từ Tánh Linh dám thường xuyên lên Đồng Kho hay Tà Bao để đổi cá khô, đường, muối với gùi măng, gùi bắp hay con nai rừng sập bẫy… Người dân ở đây chỉ biết dựa vào thiên nhiên mà sống qua ngày. Nhưng thiên nhiên không thể dâng tặng hết nhựa sống của mình cho bà con vì rừng núi đã bị những người đội mũ tai bèo và mang súng AK chiếm giữ, con sông La Ngà khô nước mùa nắng gắt. Dân tình ai nấy lặng lẽ ngơ ngác, từ xóm thượng vườn tược lơ thơ đến những gia đình người kinh dọc con đường lộ chính.

Dì Tư Xuân cố bám víu, lên xuống vài bận để thăm dó tình hình. Lính quốc gia không còn màng đến Đồng Kho hoang tàn nữa. Năm ba lính Việt Cộng thỉnh thoảng đẩy cửa nhà dân, hôm thì để tìm bữa cơm nóng, hôm thì thâu mua lúa mùa và trả bằng tờ giấy “chứng nhận”…

Chứng kiến cảnh dân nghèo đói bí đường sống, bài hát Anh Đi Chiến Dịch thức dậy trong đầu dì Tư Xuân, nghe thật vừa mỉa mai, vừa nảo lòng: Anh đi chiến dịch xa vời – Lòng thương nhân đạo cứu người lầm than – Thương dân nghèo đồng hoang cỏ cháy – Thấy nỗi đớn đau của kiếp đọa đầy… Dì Tư Xuân than thầm: Đây, dân Đồng Kho lầm than. Đây, ấp Đồng Kho đồng hoang cỏ cháy. Có ai ngó tới, có ai đoái hoài?

***

Dì Tư Xuân nghe lời chồng, bỏ tất cả. Dì bỏ căn nhà tole có vườn thơm bao quanh, với dự định tu bổ tươm tất cho đàn con sáu đứa có nơi mà mặc sức chạy chơi giữa núi rừng thiên nhiên bù trừ những tháng ngày miệt mài sách vở, có chỗ cho chú Tư Xuân nghỉ ngơi thoải mái sau những ngày vừa đi làm vừa thay vợ lo cho con.

Dì bỏ hai mươi mẫu ruộng đất đen mịn, rộng đến độ đám con than mõi chân vì đi hoài mà chưa tới đầu ruộng kia, vừa được khai khẩn, chưa đền bù được một phần nhỏ để an ủi công lao và tiền của dì đã bỏ ra. Dì bỏ giấc mộng mà dì và ông Giáo thường bàn bạc những đêm rảnh rang là sẽ mở trường học cho đồng bào thượng. Bỏ hết.

Dì Tư Xuân tay trắng trở về Phan Thiết. Không những trắng tay mà còn nợ nần chân chất, nợ ngân hàng, nợ em rể, nợ mẹ ruột, nợ mẹ chồng… Không còn một đồng vốn làm ăn, dì Tư Xuân cắn răng nhẫn nhục hợp tác với vài người bạn hàng nhà máy xay lúa mới ra nghề.

Là một người lão làng trong nghề, nông dân vùng quê quanh thị xã Phan Thiết như Ngã Hai, Phú Hội, Đại Nẫm, Lại An… dần dần trở thành mối hàng thân tín và trung thành của dì Tư Xuân. Mỗi năm, nếu cần tiền xoay trở mua phân hay chi tiêu, nông dân mượn trước dì Tư Xuân, đến mùa thì kêu dì lên đong lúa, giá thị trường. Cho nên, năm này qua năm kia, dù mượn trước hay không mượn, cứ đến ngày gặt là bà con nông dân nhắn tin để dì Tư Xuân lên đong lúa.

Càng lão làng, mối lúa của dì Tư Xuân càng đông và những bao lúa cỡ trăm kilo mang dấu hiệu HT đỏ ở góc phải chất cao ngất và chiếm nhiều chỗ trong kho của nhà máy xây lúa thị xã. Lúa mua về chất đó, được xay bán lai rai cả năm cho các sạp gạo ngoài chợ.

Bây giờ không còn vốn, dì Tư Xuân phải hợp tác với người có vốn nhưng không có mối hàng cung cấp lúa. Người ta trẻ, non tay nghề và không có mối hàng nhưng có vốn, trong khi Dì Tư Xuân là tay lão làng trong nghề và nắm hàng trăm mối quanh thị xã Phan Thiết nên tiếng là hợp tác nhưng thực chất là làm công. Làm công cho một người trẻ hơn, non tay nghề hơn mình là một điều nhục nhã nhưng dì Tư phải cắn răng vì dì muốn lủ con sáu đứa của dì được tiếp tục áo lụa quần là, được chạy xe Honda xanh tươi đi học như con người ta.

Nhưng chú Tư Xuân thực tế hơn. Nhìn con đường cơm áo của gia đình đang xuống dốc, khó mà chu cấp cho lủ con sẽ lần lượt vào Sài Gòn để tiếp tục chuyện học hành, chú Tư Xuân xin chuyển vô Sài Gòn, bắt đầu gầy dựng chân đứng mới.

Gia đình phân tán. Thuận, Thảo và đứa con trai út vào Sài Gòn sống với ba. Thi, Thông, Nga và đứa con gái út sanh sau đẻ muộn lo sợ bấu víu nhau trong căn nhà dài thăm thẳm luôn vang rộn tiếng cười đùa nay bỗng dưng trở nên hoang vắng lạ thường trong những ngày dì Tư Xuân phải xa nhà đi hàng chuyến.

Cuối cùng, lủ con ngơ ngác khi nghe ba má báo tin căn nhà thân yêu Phố ba Mươi Căn đã bán. Nhưng bù lại, niềm vui sum họp thì tràn đầy trong căn nhà nền gỗ thật khiêm nhường cạnh bờ sông nồng mùi bùn cơn nước cạn và mênh mông ghe thuyền qua lại cơn nước lớn, bên kia chợ Hòa Bình.

***

Những tưởng Đồng Kho cũng như giấc mộng điền chủ đã trở thành một chương trong quyển sách lịch sử gia đình sau khi gia đình đi vào nếp sống bình an bằng đồng lương công chức và hàng sạp dì Tư Xuân gầy dựng từ từ đang hồi phát triển. Nhưng không, không ai hiểu được sợi dây huyền bí giữa dì Tư Xuân và cánh đồng ngút mắt Đồng Kho. Cuối năm 1973, nghe tin quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chiếm lại Tánh Linh, đời sống ấp Đồng Kho trở nên yên ổn xanh mát và sau một chuyền thăm dò, dì Tư Xuân quyết định trở lại, gạt phắt lời khuyên của chồng.

Khuyên thì khuyên nhưng chú Tư Xuân luôn ủng hộ vợ trong mọi phương án làm ăn nên chú quyết định nhận trọn lương hưu một lần thay vì lãnh mỗi năm. Dì Tư Xuân cầm số tiền hưu của chồng, gom hết vốn liềng, bán hai chiếc xe Honda, mượn thêm tiền ngân hàng, một thân một mình trở lại Đồng Kho.

Kinh tế gia đình đi vào con đường hầm đen tối nhưng chú và dì Tư Xuân nhìn thấy ánh sáng hy vọng nhấp nha bên kia đường hầm nên lủ con vẫn được tiếp tục vô tư nhởn nhơ trong lụa là đàn ca trong lòng Sài Gòn.

Trong vài tháng, bàn tay người đàn bà vừa tròn năm mươi biến cánh đồng hai mươi mẫu qua tám năm ngập cỏ dại thành cánh đồng lúa mát tươi khiến ai ai nhìn thấy cũng khâm phục và ước ao. Đất đã thuần, kinh nghiệm cùng đã dầy nên cánh đồng càng ngày càng nhởn nhơ xanh tươi dưới nắng ấm mưa hòa. Trong khung cảnh bình an giả tạo, những hạt lúa bắt đầu mọng sữa làm ngọn lúa vốn yếu ớt phải cong mình chịu cơn nắng cuối năm.

Cành lúa càng trỉu cong, lòng dì Tư Xuân càng ngập niềm sung sướng vì ước mơ mỗi đứa con có được phòng riêng trong một căn nhà vườn cây phủ bóng mát ở ngoại ô Sài Gòn mà dì đã âm thầm thêu dệt, đang gần tầm tay với. Khi màu xanh hạt lúa đang chuyển mình sang màu vàng tươi, dì Tư Xuân về Sài Gòn thăm coi nhà cửa và chuẩn bị lương thực cùng tiền bạc cho mùa gặt.

Phước Long thất thủ. Việt Cộng mở chiến dịch Tánh Linh – Hoài Đức và Thượng Đức – Quãng Nam. Trong vòng vài ngày, Tánh Linh thất thủ, Đồng Kho lọt vào tay Việt Cộng.

Lòng dì Tư Xuân như bị lửa đốt. Không chờ được nữa vì lúa đang chin vàng, Dì Tư Xuân lên ngã Ba Ông Đồn, băng đường bộ mấy ngày trường, bất chấp hiểm nguy, xuyên qua ranh chiến sự đang nóng bỏng để tìm đường lên Tánh Linh.

Đến nơi thì Việt Cộng vừa gặt hết cánh đồng hai mươi mẫu lúa vàng nặng trỉu. Họ gặt sạch không chừa một cọng lúa. Họ chở lúa đi nơi khác, không bỏ sót một hột.

Thất thơ, Dì Tư Xuân tìm gặp Ban Kinh Tài Quân Khu 6 thì được một tờ giấy chứng nhận với nội dung là “Chính quyền cách mạng và Quân Khu Sáu mượn số lúa hai mươi mẫu này.” Dì Tư Xuân không được trả một đồng, không được chia cho một thúng lúa để gọi là an ủi hay biết ơn.

Mất hết.

Việt Cộng giải phóng Tánh Linh nên có quyền sử dụng tài sản ruộng đất cũng như mùa màng ở Tánh Linh. Đơn giản là vậy! Đương nhiên là vậy!

Ánh sáng bên kia con đường hầm tắt ngủm, đứt đoạn trong khi Thông đang dạy học ở Phước Long bị mất tích cùng ngày Phước Long thất thủ, đến nay cũng không một mảy may dấu vết. Dì Tư Xuân trắng tay trở về Sài Gòn nhưng vẫn không quên mớ măng khô, bao nếp thơm để lo Tết cho chồng con.

Một cái Tết thiếu thằng con trai trưởng, thiếu thốn mọi điều. Để trong đêm khuya khi đàn con đã yên giấc, nước mắt người đàn bà một đời bương bả vì ước mơ cơm thơm áo đẹp cho chồng con hòa lẫn nước mắt người đàn ông một đời luôn là bờ vai vững mạnh cho vợ tìm dựa và là bàn tay vững chãi dìu dắt đàn con. Mặn chát.

***

Mất hết. Không những dì Tư Xuân bắt tay gầy dựng lại từ con không mà là từ con số trừ trong khi tình thế Sài Gòn đang hồi sôi động trước khi thật sự thất thủ. Dầu cho đời sống lâm vào cảnh cơm mắm rau xanh nhưng dì Tư Xuân vẫn ráng giữ người làm trong nhà để con cái tiếp tục được rảnh rang mà học hành, mà nhởn nhơ với bạn bè.

Lần trắng tay này cũng như lần trắng tay trước, dì Tư Xuân chỉ biết khóc trong tay chồng đêm khuya vắng, không bao giờ để lộ sự âu lo cho con cái thấy, không bao giờ phàn nàn hay oán trách khiến con cái phải chịu lay nỗi buồn lo của ba má. Cùng chồng, dì Tư Xuân chăm chút con đường các con đi luôn xanh mát. Dì Tư Xuân dang đôi bàn tay che nắng, dì mở rộng cánh tay che mưa để chú Tư Xuân dẫn dắt đàn con trên con đường hoa thơm cỏ mịn.

Và Đồng Kho? Không, dì Tư Xuân không quên một cách dễ dàng.

Nghe tin chính quyền mới ở Bình Thuận đưa dân lên Tánh Linh mở vùng kinh tế mới và Đồng Kho nay mang tên mới là xã Đoàn Kết được trưng dụng, dì Tư Xuân trở lại. Nhìn cánh đồng hai mươi mẫu của mình được canh tác dưới hình thức hợp tác xã, dì Tư Xuân tự coi như mất hẵn, nhưng niềm hãnh diện thì tràn đầy vì người dân đang sống nương tựa vào mảnh đất đã được tẩm mồ hôi của dì, đã được san bằng vun sới bởi đôi bàn tay của chính dì.

Dì Tư Xuân tìm cách liên lạc với ông kinh tài Bình Thùng để đòi số lúa Việt Cộng đã mượn năm 1974. Ông Bình Thùng, Thùng có nghĩa là thùng đựng lúa vì trong thời chiến tranh ông là kinh tài thu lúa của người dân quận Tánh Linh và Hoài Đức cho Việt Cộng, nay là bí thư huyện Đức Linh, chuyển đơn của dì Tư Xuân lên Ủy Ban tỉnh Thuận Hải. Ủy ban tỉnh Thuận Hải chuyển đơn lên Quân Khu 6. Từ đó, không cơ quan nào còn nghe tới lá đơn đòi nợ của dì Tư Xuân nữa.

Nhưng sợi dây nối Đồng Kho và dì Tư Xuân được kết lại sau chiến tranh. Dì Tư Xuân trở thành người buôn chuyến, cung cấp hàng hóa cho các tiệm tạp hóa dọc đường lộ chính huyện Đức Linh. Và Đồng Kho trở thành quê hương thứ hai của riêng dì Tư Xuân.

***

Theo thời gian, xã Đồng Kho càng lúc càng đông, ruộng đất càng mở rộng và “dì Tư Xuân” vẫn còn được nhắc tới trên miệng ông-nội-bà-ngoại của những thanh niên thiếu nữ đang sinh sống trên mảnh đất giữa chân núi Ông sừng sững và giòng sông La Ngà nước đục phù sa.

Được viết sau khi dì Tư Xuân thảnh thơi giả từ con cháu, theo tiếng gọi của chồng từ cõi vĩnh hằng.

 

Switch mode views: