Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ngôi Sao Mới: Ted Cruz

Ted Cruz
Cuộc chạy đua làm đại diện cho hai chính đảng ra tranh cử tổng thống sắp bước vào giai đoạn chính với cuộc bầu sơ bộ đầu tiên sẽ được tổ chức tại Iowa ngày 1 tháng Hai năm 2016.

Cột báo này sẽ lần lượt điểm mặt mấy ứng viên quan trọng nhất, có hy vọng đắc cử nhiều nhất, kể từ số này. Không nhất thiết mỗi tuần vì có thể sẽ có biến cố quan trọng, cần bàn hơn.
Dĩ nhiên chỉ bàn về phiá Cộng Hòa thôi, vì bên Dân Chủ rốt cuộc cũng chỉ là màn độc diễn của bà Hillary thôi.

Cột báo này đã bàn về ông tỷ phú Donald Trump quá nhiều rồi. Bây giờ ta sẽ bắt đầu với ứng viên Ted Cruz.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas sanh năm 1970, 45 tuổi, tại Canada, bố là mục sư Tin Lành, di dân Canada gốc Cuba và mẹ Mỹ.
Ông có song tịch, nhưng mới đây đã từ bỏ quốc tịch Canada để giữ quốc tịch Mỹ thôi. Đắc cử nghị sĩ cuối năm 2012 trong cơn sóng thần Tea Party.
Trước đó là luật sư tư, sau khi đã làm chức tương đương với công tố viên Texas trong 5 năm (2003-2008).

Xin mở ngoặc về vấn đề nơi sanh của ông Cruz. Một dân biểu DC đã dọa sẽ thưa ông Cruz ra toà nếu ông ra tranh cử tổng thống vì ông không sanh tại Mỹ, không được ra tranh cử tổng thống.

 Thực tế, đây là vấn đề không có gì rõ ràng. Hiến Pháp quy định muốn ra tranh cử tổng thống phải là “natural-born citizen” (dịch bừa là “công dân tự nhiên”). Có người hiểu đây là phải sanh ra trên lãnh thổ Mỹ, có người hiểu là phải có bố hay mẹ là công dân Mỹ.
Ông Cruz khi ra đời đã mạc nhiên là công dân Mỹ ngay vì mẹ là Mỹ. Các ứng viên tổng thống McCain sanh ra tại Panama và Romney tại Mexico, nhưng bố mẹ đều là Mỹ.

Ông Cruz là người đầu tiên công bố ra tranh cử tổng thống. Khi đó, hậu thuẫn ở mức dưới 5%, được coi như tuyệt đối... vô vọng.

Sau nửa năm tranh cử, trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, ông đã nổi lên như ngôi sao có nhiều hy vọng đại diện đảng CH nhất. Có thể nhiều hy vọng hơn cả cái ông đang đứng đầu bên CH là tỷ phú Donald Trump.

Những thăm dò mới nhất cho thấy ông Cruz đã được hậu thuẫn của 31% cử tri CH tại Iowa, vượt qua mức 21% của ông Trump.
Con số này cực kỳ quan trọng. Một ứng viên đại thắng tại Iowa, nhất là thắng được cái ông ồn ào Trump, sẽ được truyền thông thổi lên mây xanh, và từ đó sẵn trớn sẽ được lợi thế rất lớn.

Sau Iowa là tiểu bang New Hampshire, có lẽ ít thân thiện với ông Cruz hơn. Hiện nay ông đang xếp hạng ba hay tư tại đây.
Nhưng sau New Hampshire sẽ là một chuỗi tiểu bang phiá nam, cực kỳ bảo thủ, cũng là thành đồng của khối Tea Party: South Carolina, Alabama, Arkansas, Georgia, Tennessee, và... Texas, là tiểu bang nhà.

Ông Cruz có rất nhiều hy vọng tại tất cả những tiểu bang này. Nếu ông thắng trọn gói này, thì coi như khó ai có thể hạ ông nổi nữa.
Tiếng vang của những chiến thắng này sẽ dội qua tất cả các tiểu bang còn lại tuy chướng ngại còn không ít.

Hiện nay, các chuyên gia nhìn thấy ba ứng viên CH coi như sáng giá nhất là các ông Trump, Cruz và Marco Rubio.

Bác sĩ Ben Carson cách đây vài tháng đã leo lên hạng nhì sau ông Trump, nhưng đã tuột dốc rất nhanh, xuống hạng tư, và sau cuộc tranh luận thứ ba 16/12 vừa qua, có thể sẽ tiếp tục tuột tiếp vì chứng tỏ sự hiểu biết về chính trị quốc tế quá yếu.

TNS Cruz có thể nói là ứng viên bảo thủ cực đoan nhất trong tất cả nhóm gần hai chục ứng viên tổng thống của đảng CH.

Con cưng của khối Tea Party và, quan trọng hơn nữa, của khối Thiên Chúa giáo cực đoan.
Cả hai khối đều rất năng động trong các sinh họat chính trị gần đây, vì chống TT Obama mạnh nhất, cũng như vì không ưa các chính khách chuyên nghiệp cổ điển.
Một thăm dò cho thấy trong khối Tin Lành bảo thủ cực đoan nhất, hơn 70% ủng hộ ông Cruz.

Cả ba ông đang dẫn đầu đều có khối cử tri khác biệt.

Cử tri của ông Trump đa số là giới thợ thuyền lao động da trắng, là giới cử tri truyền thống của đảng DC, nhưng lại đang bỏ DC hàng loạt vì chính sách kinh tế của TT Obama đã khiến họ gặp khó khăn lớn trong công ăn việc làm, cũng như họ bực mình vì phải đóng thuế cho TT Obama mang số người lãnh trợ cấp lên đến mức cao nhất lịch sử Mỹ.
Đây cũng là khối cử tri chống di dân và chống dân tỵ nạn mạnh, không phải vì kỳ thị màu da hay kỳ thị tôn giáo, mà chỉ vì di dân và dân tỵ nạn là khối dân đe dọa trực tiếp đến việc làm của họ.

Khối cử tri thứ hai của ông Trump là thanh niên và trung niên miền quê, tỉnh nhỏ, ít học. Đây là khối dân có khuynh hướng kỳ thị nặng nhất, rất mê nghe ông Trump sỉ vả dân da đen, da nâu, da vàng, cũng như ủng hộ hết mình chủ trương trục xuất hết di dân lậu Nam Mỹ, cấm cửa dân tỵ nạn Trung Đông.
Ông Trump sỉ vả những dân này bị truyền thông chỉ trích, nhưng mỗi lần sỉ vả là lại kích thích khối cử tri này và hậu thuẫn lại tăng.

Nhưng khối cử tri quan trọng nhất của ông Trump là những người chống TT Obama mạnh nhất, chống vì Obamacare gây thiệt hại cho họ, chống vì thấy nước Mỹ càng ngày càng suy yếu, lãnh đạo từ phiá sau, cả bạn lẫn địch đều coi thường, muốn phục hồi lại hình ảnh đại cường.

Cử tri của ông Trump có tập trung lớn ở vùng kỹ nghệ quanh Đại Hồ và miền trung và tây nước Mỹ, là những tiểu bang sẽ bầu sau đợt bầu tháng Ba của các tiểu bang miền nam.
Trong giai đoạn này, TNS Cruz sẽ phải chạy đua khá găng với ông Trump.

TNS Marco Rubio cũng đang nổi lên như ứng viên đứng hạng ba, hơn xa “ông thầy” Jeb Bush của ông. Bảo thủ không kém ông Cruz, cũng đắc cử theo phong trào Tea Party năm 2010, trước TNS Cruz hai năm.
Ta sẽ bàn đến ông Rubio trong một bài khác. Ngay bây giờ chỉ cần biết cử tri của ông Rubio là khối bảo thủ trí thức, hay thượng lưu, gần với guồng máy lãnh đạo đảng, tương đối ôn hoà. Họ ủng hộ ông Rubio vì coi ông này như có đường lối ít mỵ dân nhất, nghiêm chỉnh nhất mặc dù ông Rubio tương đối trẻ nhất.
Những tiểu bang với những thành phố lớn như Nữu Ước, Cali, Massachusetts, và Florida sẽ là đất của ông Rubio.

Chiến lược tranh cử của ông Cruz rất đặc biệt. Ông tập trung mọi nỗ lực vào khối cử tri cơ bản, tức là khối da trắng, Thiên Chúa giáo cực đoan, bảo thủ hạng nặng.
Ông không chủ trương mở cửa câu cử tri độc lập hay ôn hoà. Theo ông, hai ông McCain và Romney đã có sách lược tranh cử ôn hoà để câu cử tri ôn hoà và độc lập.
Cả hai ông này đều thất bại vì câu chẳng được ai trong khi gây bất mãn trong khối da trắng bảo thủ, gần như phản bội họ, khiến cả triệu người này nằm nhà không chịu đi bầu, đưa đến hai lần chiến thắng của TT Obama.
Do đó, ông Cruz muốn tìm đủ cách lôi mấy ông bảo thủ này ra khỏi nhà để đi bầu cho ông. Và cách duy nhất là đừng làm cho họ thất vọng qua một chính sách bảo thủ nửa chừng xuân.

Ở đây, ta để ý thấy ông Cruz từ trước đến nay vẫn tránh không chỉ trích ông Trump vì sợ làm mất lòng các cử tri của ông Trump.
Hiển nhiên, ông Cruz hy vọng ông Trump sẽ rớt đài và ông Cruz sẽ thu lượm các cử tri của ông Trump.

Đối với ông Rubio, ông Cruz không ngần ngại tấn công thẳng thừng vì ông biết rõ các cử tri của ông Rubio sẽ không bao giờ bầu cho ông. Tiêu biểu cho “guồng máy cầm quyền“ –establishment- hiện hữu là ông Bob Dole, cựu Phó TT và cựu ứng viên TT, và ông McCain, cựu ứng viên TT.
Ông Dole tuyên bố nếu ông Cruz đắc cử đại diện cho CH, ông sẽ không đi bầu, trong khi ông McCain thì cho ông Cruz là khùng –wacko-.

Quan điểm của ông Ted Cruz là bảo thủ tuyệt đối, gồm những điểm chính sau:

- Chủ trương một chính sách đối ngoại cực kỳ gân guốc, chống việc Nga bành trướng tại Âu Châu và Trung Đông, cản Trung Cộng lấn chiếm Biển Đông;
- Phát động cuộc chiến chống khủng bố một cách mạnh bạo, trải thảm bom trên đầu ISIS, nhưng chấp nhận cho TT Assad giữ ghế TT Syria để giúp diệt trừ ISIS;
- Đối nội, không chấp nhận cho di dân lậu gốc Nam Mỹ được vào dân Mỹ; không cho dân tỵ nạn Syria vào định cư, tìm cách định cư dân tỵ nạn Hồi tại các xứ Hồi, nhưng chấp nhận dân tỵ nạn Thiên Chuá giáo đang bị ISIS lùng giết;
- Giảm thiểu tối đa vai trò của Nhà Nước, đóng cửa Bộ Giáo Dục và sở thuế IRS, thiết lập thuế lợi tức đồng nhất ở mức 10% và tăng thuế bán hàng –sales tax- lên mức 19%;
- Tuyệt đối chống hôn nhân đồng tính, bằng mọi giá thu hồi Obamacare, bác bỏ mọi biện pháp cấm bán súng;
- Đối với cuộc chiến chống khủng bố, phải công khai nhìn nhận khủng bố là các nhóm Hồi giáo cuồng tín, tức là phải dám trực diện và nói lên chữ “Hồi giáo”, phải dốc toàn lực truy diệt chứ không thể đánh nửa chừng như TT Obama, nhưng không chấp nhận cho cơ quan NSA nghe lén và theo dõi quy mô tất cả dân Mỹ mà phải tôn trọng quyền tự do cá nhân của dân Mỹ.

Những quan điểm trên, có nhiều điểm bị chỉ trích khá nặng, quan trọng nhất là:

- Chính sách thuế khoá không thực tế chút nào. Thuế suất đồng nhất 10% cho tất cả mọi người sẽ không thể nào được đa số dân Mỹ chấp nhận cho dù rất hợp lý trên phương diện thuần túy kinh tế.
Khó mà ông Cruz có thể ra giải thích cho anh lái taxi là anh sẽ phải đóng thuế ngang tỷ lệ của ông Bill Gates cho dù ông Gates đóng tiền gấp cả trăm lần anh lái taxi.
- Quan điểm về di dân lậu của ông Cruz cũng chao đảo, trước đây sẵn sàng chấp nhận cho họ có đường nhập tịch hợp pháp, bây giờ, trong không khí chạy đua cùng ông Trump thì đã đổi giọng không chấp nhận cho họ được hợp thức hóa.
Quan điểm này sẽ không thu hút phiếu của dân gốc Nam Mỹ. Phải ghi nhận thêm, hai ông Cruz và Rubio là gốc Cuba, khác xa với dân gốc Nam Mỹ, phần lớn là dân gốc Mễ; hai bên không ưa nhau.

Dân gốc Cuba phần lớn là tỵ nạn chính trị trốn cộng sản, trong khi dân gốc Nam Mỹ là di dân kinh tế đi kiếm job.

Nhìn vào những quan điểm trên, ta thấy ông cao bồi Texas Cruz còn cao bồi hơn ông cao bồi Texas Bush con nhiều.
Quan điểm của ông Cruz rất gần với quan điểm của ông Trump, khác biệt chỉ là ở điểm ông Cruz ăn nói ôn hoà hơn ông Trump, không có chửi bới lung tung.
 Trên điểm này, ông Cruz gần như đã có một sự “lột xác”.

 Khi còn là thượng nghị sĩ, ông nổi tiếng là người hăng tiết vịt nhất, đụng chạm tứ phiá, sỉ vả tất cả thiên hạ, kể cả việc tố lãnh tụ khối đa số CH, ông McConnell, là chuyên gia nói láo.

Năm 2013, vừa chân ướt chân ráo bước vào Thượng Viện, ông đã đóng vai trò chủ chốt trong việc gây bế tắc ngân sách, đưa đến việc Nhà Nước bị đóng cửa mất mấy ngày.
Bây giờ, đứng cạnh ông Trump, ông Cruz lại trở thành tương đối ôn hoà!

Nhìn vào các thăm dò mới nhất có hai điểm thật đáng chú ý:
- Ba ứng viên hàng đầu, Trump, Cruz và Rubio, hay bốn ứng viên nếu kể cả ông Carson, đều là thành phần cực hữu. Có nghiã là cử tri CH nói riêng và dân Mỹ nói chung có thể là bất mãn với chính sách cấp tiến của TT Obama, cũng có thể bực mình và lo sợ nạn khủng bố, đã rẽ mạnh qua phiá hữu.

Hai vụ tấn công của khủng bố Tại Paris và San Bernardino đã tăng cường sức hấp dẫn của các ứng viên mạnh tay.
Nói cách khác, ISIS đã bẻ cong thêm hướng đi của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, qua phiá hữu.

- Trong bốn ứng viên hàng đầu đó, thì đã có hai ông di dân gốc Cuba và một ông đen; đủ đánh tan huyền thọai mà đảng DC vẫn nhai đi nhai lại là đảng CH là đảng của mấy cụ da trắng kỳ thị.

Nhìn vào cuộc bầu cử tháng Mười Một tới, không ai thắc mắc việc bà Hillary sẽ đại diện cho DC, ngoại trừ trường hợp rất đặc biệt là bà bị FBI truy tố đã vi phạm luật một cách nghiêm trọng trong vụ sử dụng email cá nhân để trao đổi những tin bí mật an ninh quốc gia và bị đưa ra tòa.

 Đây là việc khó xẩy ra vì chắc chắn FBI sẽ bị áp lực chính trị rất lớn, từ phiá chính quyền Obama, từ phiá đảng DC, và từ phiá dư luận để không thể lấy quyết định này, cho dù bà Hillary phạm luật nặng thật.

Đương kim Giám Đốc FBI trước đây là một dân biểu CH, được TT Obama bổ nhiệm và mau mắn được cả hai phe CH và DC phê chuẩn vì ông này, tuy là thuộc đảng CH, nhưng đã từng công khai chống TT Bush khi ông còn làm Thứ Trưởng Tư Pháp của Bush. Tức là một người được coi như có tinh thần độc lập lớn.

Trả lời một câu hỏi của báo chí liên quan đến cuộc điều tra về bà Hillary, ông trả lời ông “không có trách nhiệm phải thông báo cho chính quyền Obama tiến trình của cuộc điều tra, và cuộc điều tra hiện nay chẳng bị ràng buộc bởi cuộc tranh cử tổng thống gì hết”.

Dù vậy, Giám đốc FBI sẽ rất khó lấy quyết định vì sẽ bị cái áo cựu dân biểu CH của ông cản trở.
Ông truy tố bà Hillary, bảo đảm phe cấp tiến sẽ nhao nhao tố ông đang giúp CH, bất kể bà Hillary tội tầy trời hay không.

Cứ coi như bất cứ ứng viên CH nào ra tranh cử cũng sẽ phải đối đầu với bà Hillary.
Cứ giả dụ như ông Cruz sẽ thắng tại Iowa và thắng luôn trong CH, như vậy ông có hy vọng vào Nhà Trắng không?

Trước hết, phải nói ngay ban lãnh đạo và các vị tai to mặt lớn đảng CH không ủng hộ ông Cruz và ông Trump. Họ cho là những ông này quá khích, là chính khách thời cơ, mỵ dân, không phản ánh tư tưởng của đảng CH. Và cố tìm cách nhận chìm hai ông này.

Tin đáng buồn hơn là hy vọng thắng cử của ông Cruz, hay bất cứ ông bà CH nào khác, rất ư là... mong manh. Không phải là 100% không thể thắng, nhưng coi như phải có phép lạ mới chiếm được cái ghế tổng thống.

Lý do quan trọng nhất không phải là cá nhân bà Hillary. Bà này dù muốn hay không cũng không phải là ứng viên lý tưởng của dân Mỹ nói chung, vì là bà lão đã có quá nhiều hành trang, đa số dân Mỹ cho là bà không chân thật, mánh mung, không tin tưởng được.

Đa số dân Mỹ có lẽ sẽ bịt mũi để bỏ phiếu cho bà. Họ sẽ bầu cho bà chỉ vì đảng CH có lẽ đã đi quá xa về phiá hữu.
Các ứng viên nổi bật nhất của CH đều thuộc thành phần cực hữu trong khi tuyệt đại đa số dân Mỹ có lập trường tương đối ôn hòa hơn nhiều. Phải nói là trung hữu chứ không phải cực hữu.

Ta có thể nhìn vào bài học của Mặt Trận Quốc Gia cực hữu của Pháp: thành công lớn nhờ phản ứng nhất thời của quần chúng chống khủng bố, nhưng vẫn chưa đủ để thắng cử vì đại đa số dân Pháp vẫn không chấp nhận cực đoan cho dù là tả hay hữu.

Thất bại một lần nữa, đó là cái giá mà CH sẽ phải trả nếu đi quá xa về phiá hữu, ủng hộ những ông Cruz hay Trump, gạt bỏ những ứng viên có khả năng và có hy vọng hạ được bà Hillary như các ông Jeb Bush, Chris Christie, John Kasich,...(20-12-15)
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. . Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

TB: Trả lời một quý độc giả hỏi về mâu thuẫn tại sao các chính quyền Tây Phương không nhìn thấy di dân Hồi không muốn hội nhập, chỉ muốn nhận trợ cấp, thì làm sao giải quyết nhu cầu nhân lực.

Thật ra, không phải di dân nào cũng ngồi nhà ăn trợ cấp không đi làm, mà đa số cũng có đi làm sau những năm đầu sống bằng trợ cấp, giúp được phần nào nạn thiếu nhân công, nhất là nhân công mức thấp mà dân bản xứ, càng ngày càng sung túc, có ăn học, không muốn làm.
Quan trọng hơn, nhìn vào đường xa, việc nhận dân tỵ nạn sẽ giúp giải quyết nạn dân số không đủ để nuôi dưỡng kinh tế.
Một anh di dân, lấy vợ sẽ có khoảng nửa tá con, rồi đến thế hệ thứ ba gồm dâu rể, cháu nội ngoại thì cũng thành 50 nhân mạng, 100.000 người thành 5 triệu người, ít ra cũng sẽ có 4 triệu người đi làm.

Trong khi dân bản xứ chỉ có một hai con, qua ba thế hệ, 100.000 người chỉ đẻ ra khoảng 1 triệu người, trong đó 7-800.000 đi làm là tối đa. Đây là những con số mà các chính phủ Đức hay Pháp đang cân nhắc.

Tình trạng trợ cấp cho di dân Âu Châu cũng giống như bên Mỹ. Trong số gần 700.000 di dân Hồi được nhận vào Mỹ trong những năm 2008-2013, cho đến nay hơn 90% vẫn còn sống bằng phiếu thực phẩm, và gần 70% vẫn nhận tiền mặt hàng tuần.

 Mỹ không có nhu cầu nhân lực kinh tế như Âu Châu, nhưng chính quyền DC Obama có chính sách di dân rất rộng rãi với dân Hồi.
Khoảng 80% dân Mỹ gốc Hồi bỏ phiếu cho đảng DC.
Vũ Linh

Switch mode views: