Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lương sĩ quan tàu ngầm Việt Nam cả ngàn đô la


CAM RANH (NV) - Thủ tướng CSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng, đang có những ưu đãi đặc biệt cho các sĩ quan và binh lính phục vụ trong lực lượng tàu ngầm, thuộc quân chủng Hải Quân, với tiền lương cả vài ngàn đô la.

Trên báo mạng Soha.vn, Chuẩn Ðô Ðốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư lệnh quân chủng Hải Quân cho hay: “Thủ tướng chính phủ đã có nghị định ban hành chế độ chính sách cho lực lượng đặc biệt này với nhiều ưu đãi về lương, phụ cấp, nhà ở, tuổi phục vụ... Hải quân đang bắt đầu triển khai xây dựng nhà công vụ cho tất cả sĩ quan Hải Quân đang tại ngũ - một kiểu “thành phố quân sự” để anh em yên tâm chuyện gia đình mà lo tập trung huấn luyện chiến đấu.”
Tau-Ngam-Hanoi



Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam mang tên Hà Nội tại quân cảng Cam Ranh. (Hình: Getty Images)

 

Vẫn theo lời ông Nguyễn Văn Ninh, “Chế độ lương mới cho sĩ quan và chiến sĩ tàu ngầm cũng đã có. Theo tôi, mức lương 35 triệu đồng ($1,750) cho một trung úy và 55 triệu đồng ($2,750) cho một đại tá phục vụ dưới tàu ngầm (gấp hơn hai lần so với lương chuẩn đô đốc của tôi) đủ cho một sĩ quan yên tâm lo cho một gia đình nhỏ để phục vụ quân đội và quân chủng lâu dài.”

Cũng theo báo mạng Soha.vn, các nhà lãnh đạo của Bộ Quốc Phòng và binh chủng Hải Quân tin rằng với sự đãi ngộ ưu ái nêu trên, thủy thủ tàu ngầm của họ sẵn sàng chiến đấu hết mình để bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam.

Vẫn theo 'Soha.vn' dẫn thông báo của nhà nước Việt Nam cam kết “hết sức ưu ái” trong chế độ dinh dưỡng, cũng như tiền lương cho lực lượng thủy thủ đoàn tinh nhuệ của họ, ngoài các biện pháp đào tạo bài bản nêu trên.

Một thông báo của Bộ Quốc Phòng Việt Nam cho biết, đã “bốn lần tăng tiền ăn của học viên tàu ngầm Hải Quân, từ 58,000 đồng một ngày lên 81,000 đồng,” tức khoảng từ 3 đến 4 đô la.

Các thủy thủ còn được sử dụng loại thực phẩm được chế tạo dưới dạng viên nén để “hoàn thiện khẩu phần,” có thể nhai, ngậm để chống oxyt hóa, chống căng thẳng và mệt mỏi.

Ðêm 19 tháng 3, 2014, chiếc tàu ngầm thứ hai của Việt Nam mang tên Kilo HQ183 được chiếc tàu vận tải khổng lồ của Hòa Lan “cõng” từ Nga về đến vịnh Cam Ranh.

Chiếc này cùng với chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải Quân Việt Nam về đến Việt Nam trước đó khoảng 3 tháng, mang tên Kilo Hà Nội cùng được giao nhiệm vụ “góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.”

Ðây là kết quả từ việc ký kết hợp đồng trị giá 2.1 tỉ đô la giữa Việt Nam và Nga, hợp đồng mua sắm vũ khí lớn nhất của Việt Nam từ sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975.

Ðây cũng là hợp đồng mở đầu chương trình hiện đại hóa Không Quân và Hải Quân Việt Nam.
Theo hợp đồng này, Nga cung cấp 6 chiếc tàu ngầm Kilo, xây bãi đậu và huấn luyện, đào tạo thủy thủ cho Việt Nam tại vịnh Cam Ranh.

Từ trước đó, Việt Nam đã mở cuộc tuyển mộ và huấn luyện các tân binh thủy thủ tàu ngầm tại học viện kỹ thuật quân sự ở trong nước trong thời gian một năm.

Sau một đợt sàng lọc cẩn thận theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sức khỏe cũng như về lý lịch gia đình và “phẩm chất chính trị,” các tân binh được đưa sang Nga tham dự khóa huấn luyện kéo dài một năm rưỡi nữa.

Báo mạng Soha.vn cho biết, các thủy thủ tàu ngầm không chỉ được huấn luyện phương cách vận hành con tàu dưới độ sâu 300m, mà còn được huấn luyện kỹ thuật và chiến thuật tác chiến trên biển.

Liên tiếp hai khóa huấn luyện lần lượt bế mạc vào cuối năm 2012 và tháng 11, 2013 vừa qua cho ra đời một loạt tân thủy thủ “thế hệ tàu ngầm.”

Người ta ước lượng rằng, mỗi tàu ngầm cần tới 52 thủy thủ cho một cuộc hành trình có thể kéo dài đến 45 ngày.

 Tại buổi lễ thượng cờ tàu ngầm Kilo Hà Nội năm 2013, Ðô Ðốc Nguyễn Văn Hiến, tư lệnh Hải Quân Việt Nam căn dặn các thủy thủ tàu ngầm “không được để mất hoặc rơi vào tay quân thù lá cờ tổ quốc và cờ hải quân của họ.” (PL)

Switch mode views: