Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc mở căn cứ thứ tư tại Nam Cực

Namcuc tauphabangTQ

Tàu phá băng Trung Quốc Tuyết Long (Xue Long), tại Nam Cực, hồi tháng Giêng 2014
REUTERS/Fairfax/Australian Antarctic Division/Handout via Reuter


Theo AFP hôm nay 10/02/2014, Trung Quốc chính thức khai trương cơ sở nghiên cứu khoa học thứ tư tại Nam Cực.
 Sự kiện mới này cho thấy Bắc Kinh đang nhanh chóng khẳng định chỗ đứng của mình trên « lục địa trắng ».

Theo cơ quan quản lý đại dương Trung Quốc, được Tân Hoa Xã trích dẫn, căn cứ khoa học thứ tư của Trung Quốc, mang tên Taishan (Thái Sơn), được một ê kíp 28 người xây dựng trong vòng 53 ngày.

Căn cứ trên độ cao 2.600 mét này sẽ được sử dụng chủ yếu trong mùa hè, từ tháng 12 cho đến tháng 3, khi nhiệt độ trung bình tại chỗ là khoảng -36,6°C.

Trước căn cứ thứ tư nói trên, Trung Quốc đã có ba cơ sở nghiên cứu tại Nam Cực : Changcheng (Trường Thành), Zhongshan (Trung Sơn), Kunlun (Côn Luân). Bắc Kinh dự định xây dựng thêm một cơ sở thứ năm từ đây đến năm 2015. Cơ sở này có kế hoạch vận hành quanh năm.

Trung Quốc đang cố gắng gia tăng nhanh chóng các hoạt động tại Nam Cực, nơi khoảng 30 quốc gia có trạm nghiên cứu.

 Hồi đầu tháng 01/2014, một tàu phá băng của Trung Quốc, trong chuyến khảo sát dài ngày chuẩn bị xây dựng căn cứ nghiên cứu thứ tư, đã tham gia vào cuộc giải cứu một tàu Nga bị mắc kẹt.

 Là quốc gia tiêu thụ năng lượng đứng đầu thế giới, Bắc Kinh muốn nhanh chóng khẳng định vị trí tại một khu vực được coi là rất nhiều tiềm năng dầu khí.

Hiệp ước về Nam Cực, ký kết năm 1959 tại Washington, mà Trung Quốc đã tham gia, cấm khai thác khoáng sản và các hoạt động quân sự ở vùng này cho đến năm 2048.

Hiện tại có khoảng 50 quốc gia phê chuẩn hiệp ước. Theo một thỏa thuận bổ sung có hiệu lực từ năm 1998, Nam Cực trở thành một « khu bảo tồn tự nhiên, chỉ dành cho các nghiên cứu khoa học và hoạt động hòa bình ».

Bên cạnh các đe dọa hiện tại như biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác của con người tác động xấu đến Nam Cực, nhiều quốc gia và giới bảo vệ môi trường trên thế giới lo ngại thỏa thuận bảo tồn Nam Cực hết hạn vào năm 2048, mở ra một thời kỳ cạnh tranh khai thác tài nguyên bừa bãi tại « lục địa trắng ».

Theo các nhà quan sát, cuộc cạnh tranh trên thực tế đã bắt đầu với nhiều hoạt động thăm dò khoáng sản dưới danh nghĩa « khoa học ».



Switch mode views: