Bạc Hy Lai : Từ ngôi cao danh vọng rơi vào thùng rác của lịch sử
- Thứ Ba, 06 tháng Tám năm 2013 16:42
- Tác Giả: Thụy My
Ông Bạc Hy Lai dự khóa họp Quốc Hội ngày 05.03/2012, trước khi bị thất sủng
Reuters
Viện bảo tàng hiện đại thành phố Đại Liên lâu nay vẫn ca ngợi sự cất cánh kinh tế của đô thị này, dưới sự lãnh đạo của cựu Thị trưởng Bạc Hy Lai.
Nhưng nay bảo tàng đã bị loại bỏ tất cả những gì có liên quan đến ngôi sao đã bị rơi rụng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang sắp phải ra tòa vì tội tham nhũng.
Trong những tháng gần đây, những hiện vật trưng bày liên quan đến ông Bạc Hy Lai đã bị gỡ bỏ, thay vào đó là những tác phẩm nghệ thuật Mỹ, các bộ sưu tập ống điếu và tem thế kỷ 20, những bàn đạp để cỡi ngựa của Mông Cổ, và các loại nữ trang cổ nghìn năm tuổi, được trưng bày quanh một khoảng sân ngập nắng.
Cho đến trước khi bị thất sủng một cách bất ngờ và đầy náo động vào năm ngoái, Bạc Hy Lai luôn được giới thiệu tại bảo tàng như kiến trúc sư đại tài cho quá trình phát triển vượt bực của Đại Liên - thành phố cảng công nghiệp quan trọng của vùng Mãn Châu, nổi tiếng với các công xưởng đóng tàu và các tòa nhà kiến trúc phương Tây.
Cũng chính bản thân ông Bạc, khi lãnh đạo thành phố này trong thập niên 90, đã ra lệnh xây dựng Viện bảo tàng hiện đại trên, với chi phí 24 triệu đô la.
Khai trương vào năm 2002, bảo tàng này tập trung cho việc triển lãm các dự án của Thị trưởng, như một đội bóng đá, một liên hoan thời trang quốc tế, hay việc thành lập một đội kỵ mã cảnh sát – theo các chú thích cũ vẫn còn được khắc trên nền nhà bên trong Viện bảo tàng.
Một khách tham quan trước đây đã viết trên trang web du lịch tripadvisor.com, bảo tàng này là một địa điểm tốt để hiểu biết thêm về thành phố Đại Liên trên đường phát triển.
Một người khác viết rằng một trong những hiện vật đáng chú ý nhất ngự trị trong bảo tàng là một tấm thảm sang trọng được các viên chức ngoại quốc tặng cho ông Bạc.
Ngày nay, khách thăm bảo tàng sẽ hoài công tìm kiếm tất cả những dấu vết về những đóng góp của Bạc Hy Lai vào lịch sử thành phố cảng Đại Liên, nơi mà Trung Quốc gần đây đã cho lắp ráp chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên.
Trở thành Bí thư Thành ủy Trùng Khánh trong những năm sau này, Bạc Hy Lai đã bị tước tất cả mọi chức vụ và bị câu lưu vào mùa xuân 2012, sau vụ vợ ông là bà Cốc Khai Lai liên can đến một vụ giết người.
Nay ông đang chờ đợi ra tòa, mà theo tạp chí Tài Kinh, thì Bạc Hy Lai bị cáo buộc đã biển thủ 25 triệu nhân dân tệ (3 triệu euro) vào lúc ông còn lãnh đạo Đại Liên. Đây là một trong những xì-căng-đan ầm ĩ nhất tại Trung Quốc từ sau vụ án « bè lũ bốn tên » năm 1976, ngay sau cái chết của Mao Trạch Đông.
Theo Reuters, Bạc Hy Lai đã hai lần tuyệt thực để phản đối chế độ trong nhà tù. Cũng theo hãng tin Anh, ông Bạc có thể sẽ nhận tội tham nhũng, nhưng phản đối cáo buộc lạm dụng quyền lực.
Với sự sụp đổ đầy kịch tính của nhà lãnh đạo ấn tượng và nhiều tham vọng này, bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc đã bắt đầu xóa đi những huyền thoại xung quanh ông Bạc, và Viện bảo tàng Đại Liên tháo gỡ tất cả những gì liên quan đến Bạc Hy Lai.
Đảng đã hạ bệ một thần tượng được đánh bóng trước kia, làm mờ nhòa toàn bộ những hành động của người ấy dù tốt dù xấu, thậm chí viết lại lịch sử.
Maria Repnikova, một nhà nghiên cứu của trường đại học Oxford chuyên về các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc nhấn mạnh:
« Cái ý tưởng xóa bỏ tất cả, từ nhân vật cho đến những thành tựu của họ trong quá khứ ; dù gây quan ngại cho các nhà quan sát, nhưng trong quá khứ vẫn được sử dụng đối với một số thời kỳ lịch sử ».
Rất nhiều người Trung Quốc không hề biết đến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Không hề có ý niệm gì về hình ảnh đẫm máu của những sinh viên biểu tình hòa bình đòi dân chủ ngã rạp trước họng súng lạnh lùng của quân đội tại quảng trường Thiên An Môn, vì sự kiện này không hề có trong sách giáo khoa.
Viện bảo tàng quốc gia với 200.000 mét vuông diện tích trưng bày không hề nhắc đến, hoặc chỉ nói rất sơ sài, về các thời kỳ « nhạy cảm » như thời kỳ Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hóa.
Được đề bạt làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh năm 2007, nhà lãnh đạo đầy thu hút Bạc Hy Lai đã chuyển đối đại đô thị có 33 triệu dân này thành một khu vực kinh tế thịnh vượng, chú trọng phúc lợi xã hội cho công nhân nghèo, tiến hành một chiến dịch dữ dội chống mafia địa phương, mà theo AFP thì nhân đó cũng trấn áp luôn những người đối lập.
Ông Bạc cũng đã làm sống lại không khí Mao-ít, một nền văn hóa « đỏ », khuyến khích phong trào ca hát những bài hát ái quốc.
Khi đã bị thất sủng, Bạc Hy Lai bị báo chí chính thức bêu xấu vì đã « làm tổn hại nặng nề » đến hình ảnh của Trung Quốc.
Người kế nhiệm của ông khẳng định cái gọi là « mô hình Trùng Khánh » gắn liền với Bạc Hy Lai không hề hiện hữu.
Nhưng những nỗ lực của bộ máy tuyên truyền khó thể xóa được khỏi trí nhớ của cư dân địa phương những kỷ niệm về những năm tháng tốt đẹp dưới thời Bạc Hy Lai, và những tiến bộ mà họ cho rằng nhờ ông Bạc.
Một người dân giấu tên nói với AFP : « Không có Bạc Hy Lai, Đại Liên sẽ không là một thành phố như bây giờ…Ai cũng có mặt tốt mặt xấu, nhưng cần phải xem mặt nào nhiều hơn ».
Một người đàn ông tuổi ngũ tuần cũng góp chuyện : « Nếu ông ấy phạm phải những sai lầm, vâng, thì ông đã sai.
Nhưng cũng không thể vì vậy mà quên hết những việc tốt mà ông đã làm được. Không nên đơn thuần xóa bỏ những mặt tốt của ông ấy ».