Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mâu thuẫn giữa hệ phái Hồi Giáo Sunni và Shiite ở Trung Đông

 


CAIRO, Ai Cập (AP) – Ở Trung Đông căng thẳng giữa hai hệ phái Hồi Giáo chính, Sunni và Shiite ngày càng khốc liệt, đến độ người ta không còn lạ gì khi thấy đầy dẫy những biếm họa, lời miệt thị, chỉ trích lẫn nhau.

ISLAM-Shiite


Một giáo chủ phái Shiite cầu nguyện tại đền thánh Ali Akbar ở Bắc Tehran, Iran. (Hình: AP/Vahid Salemi)

 

Người Shiite được miêu tả như là 'ác độc, có tham vọng cầm quyền, gây băng hoại cho Hồi Giáo;' trong khi người Sunni được xem như là 'những kẻ áp bức quá khích và không khoan nhượng.'

Do cuộc nội chiến ở Syria mà lòng thù hận giữa đôi bên trong thế giới Ả Rập trở nên lan nhanh như một cơn dịch.

Hôm Chủ Nhật, bốn người Shiite tại một ngôi làng nằm ở phía Tây Cairo bị người Sunni đánh chết, trong một cuộc xung đột hệ phái bất thường ở Ai Cập.

Các giáo chủ bảo thủ của đôi bên ở trong vùng không những vậy lại còn châm thêm dầu vào lửa, cho rằng xung đột là cần thiết hầu duy trì sự tồn vong của giáo phái mình.

Quan điểm của quần chúng cũng phức tạp không kém. Một số cho phía đối phương là sai lầm về phương diện chính trị hoặc niềm tin tôn giáo.

Những người khác xem sự phân hóa này hoàn toàn có tính cách chính trị phục vụ cho mục tiêu bất chấp đạo lý.

Một số cho rằng bên đối phương nuôi dưỡng ngọn lửa sợ hãi tiêu cực đến mức ngoài mức kiểm soát.

Trong khi có người ao ước được trở lại thời gian chỉ mới cách đây một hai thập niên, khi sự dị biệt được xem như không mấy quan trọng và các giáo phái hòa hợp với nhau hơn, ngay cả người của đôi bên có thể lấy nhau vui vẻ.

Trong khi một số chỉ nuôi hận thù vì những tranh chấp có từ sau khi Đấng Tiên Tri Muhammad qua đời vào thế kỷ thứ bảy.

Căn nguyên của sự mâu thuẫn

Sự chia rẽ giữa Shiite và Sunni bắt nguồn từ câu hỏi, ai sẽ thừa kế việc dìu dắt Hồi Giáo sau khi Đấng Muhammad qua đời vào năm 632.

Phía Shiite nói rằng, người anh em họ và cũng là con rể của Ali là kẻ thừa kế đúng đắn nhất nhưng bị bên Sunni lừa gạt, khi quyền cai trị lọt vào tay những người tên Abu Bakr, Omar và Othman, và sau cùng là Ali, bốn người được mệnh danh là bốn “Rightfully Guided Caliphs.”

Sunni chiếm đa số trong thế giới Hồi Giáo.

 Ở Trung Đông, Shiite chiếm số đông ở Iran, Iraq và Bahrain, cộng thêm những cộng đồng quan trọng ở Lebanon, Yemen, Syria, Saudi Arabia, Kuwait và các nới khác trong Vùng Vịnh.

Tuy đôi bên đều xem kinh Koran là lời của Thượng Đế nhưng có sự khác biệt về tín lý và đường lối thực hành.

Một số không đáng kể như người Shiite cầu nguyện với cả hai tay đều để bên thân mình, trong khi Sunni để hai tay trước ngực hoặc ngang bụng.

Những khác biệt quan trọng khác như, Shiite tin rằng Ali và những hậu duệ, gọi là Imam, không những được quyền thừa kế Muhammad đúng đắn nhất, mà còn sở hữu một trí tuệ tôn giáo đặc biệt nữa.

Đa số người Shiite tin rằng có tất cả 12 'imam,' mà phần lớn “tuẫn đạo” do bàn tay của người Sunni, và người thứ 12 bị mất tích, rồi một ngày nào đó đã trở lại và phục hồi công lý.

 Bên Sunni tố cáo Shiite đã nâng Ali lên ngang hàng với Muhammad một cách sai lạc.

Những tranh cãi gay gắt từ thời sơ khai của Hồi Giáo ấy đến nay vẫn còn vang vọng.

Mâu thuẫn hiện nay trong các nước Hồi Giáo ở Trung Đông

Tại Iraq, nếu chiến tranh ở Syria gây thêm thù hận giáo phái trong khu vực, thì cuộc chiến tranh ở Iraq đóng một vai trò giảm thiểu lớn lao.

Sau cuộc xâm nhập lật đổ Saddam Hussein do Hoa Kỳ dẫn đầu vào năm 2003, người Shiite chiếm đa số bị áp bức từ bấy lâu, nay thấy có cơ hội lên nắm quyền cai trị và người Sunni thấy mình đến lượt bị đàn áp lại.

Kết quả là một trận chiến giáo phái khốc liệt kéo dài cho đến năm 2008.

Trong cuộc nội chiến từ năm 1975 đến 1990 ở Lebanon, giao tranh chính yếu xảy ra giữa người Cơ Đốc với người Hồi Giáo.

 Nhưng trong thập niên qua, sự phân hóa nguy hiểm nhất lại xảy ra giữa người của hai phái Shiite với Sunni.

Người Shiite chiếm khoảng một phần ba dân số ở Lebanon, là thành phần nghèo kém, đứng sau cả người Cơ Đốc và Sunni, mà mỗi nhóm này cũng chiếm một phần ba dân số.

Nỗi oán thù của người Shiite giúp cho sự trỗi dậy của lực lượng du kích Hezbollah, dựa vào nhóm này mà cộng đồng Shiite hy vọng có được thêm quyền lực.

Ngày nay, nhiều người Sunni oán ghét tham vọng chính trị của Hezbollah trong chính quyền.

Vụ ám sát Thủ Tướng Rafik Hariri, một người Sunni, vào năm 2005, làm tăng thêm sự oán hận của người Sunni khi cho rằng các thành viên của Hezbollah đã nhúng tay trong vụ này.

Kể từ đó, đôi bên xung đột nhau ngay cả trên đường phố. Chiến tranh ở Syria khiến cho sự căng thẳng này trở nên mạnh mẽ thêm.

Người Sunni ở Lebanon phần lớn hậu thuẫn phe nổi dậy ở Syria mà đa số là người Sunni, trong khi người Shiite lại ủng hộ chế độ Tổng Thống Bashar Assad, vốn do giáo phái Alawite, biến thân từ phái Shiite, thống trị.

Hezbollah gửi quân qua giúp Assad chống lại phe nổi dậy khiến người Sunni ở các nước trong khu vực phẫn nộ.

Nơi quyền lực mạnh nhất của người Shiite tại Trung Đông tập trung nơi một chính quyền ở Iran, trong tay các giáo chủ người Shiite, với lực lượng Vệ Binh Hồi Giáo hùng mạnh và một tài nguyên dầu hỏa phong phú.

 Iran mở rộng ảnh hưởng của mình trong thế giới Ả Rập, phần lớn qua sự liên minh với Syria, Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine.

Iran tuyên bố rằng, liên minh như thế không có tính cách giáo phái mà để tạo nên cái trung tâm “chống lại” Israel.

Saudi Arabia cùng các đồng minh khác trong vùng vịnh của người Sunni cố tìm cách ngăn chận sự lan rộng ảnh hưởng của Iran, một phần trong báo động về sự phổ biến của Shiite.

Phe bảo thủ Wahhabi của Saudi Arabia diễn giải quan điểm Hồi Giáo của người Sunni, xem sự Shiite như là giáo phái dị giáo.

Ở một đất nước như Ai Cập mà người Hồi Giáo đa số đều là Sunni, nhiều người rất ít nghe nói đến Shiite.

Dân số Shiite ở đây rất nhỏ nhoi, sống trong lặng lẽ, và bí ẩn đến nỗi con số là bao nhiêu cũng khó có thể biết được.

Nhóm Salafis cực kỳ bảo thủ, phần đông xem Shiite như là những kẻ phản đạo hoặc ngoại giáo, trở nên có thế lực và có tiếng nói mạnh mẽ từ khi nhà độc tài Hosni Mubarak bị lật đổ vào năm 2011.

Họ thường xuyên rao giảng chống lại Shiite và khuyến cáo đừng để giáo phái này lan tràn sang Ai Cập.

Đa số người Hồi Giáo ở Palestine cũng là người Sunni.

Sự liên kết chính yếu của họ với thế giới của Shiite qua sự liên minh của Hamas với Iran.

Tuy nhiên những mối dây này trở nên căng thẳng sau khi Hamas, lực lượng nắm quyền cai trị ở dãi Gaza, cắt đứt quan hệ với Syria vì cuộc nội chiến. (TP)

Switch mode views: