Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Macron, mục tiêu tấn công của mọi phẫn uất trong xã hội Pháp

france-protests-Macron
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các quan chức cao cấp tới thăm hỏi lực lượng cảnh sát và nhân viên cứu hỏa tại Paris, ngày 02/12/2018
Thibault Camus/Pool via REUTERS

Mọi phẫn uất của xã hội Pháp đang trút cả lên Emmanuel Macron.

Từ một phong trào biểu tình tự phát, chống giá xăng dầu tăng cao, những người Áo Vàng giờ đây đòi tổng thống từ chức sau 18 tháng cầm quyền.

Trong vỏn vẹn sáu tuần lễ, tổng thống Macron mất 20 điểm tín nhiệm.
 Không một tổng thống tiền nhiệm nào lại bị công luận phê phán gay gắt như Emmanuel Macron.
Một phần dân Pháp thực sự "căm hờn" Emmanuel Macron khi vẽ bậy lên Khải Hoàn Môn, lên những tòa nhà đòi ông từ chức.

 Bên cạnh đó là những lời lẽ đầy hận thù trên các trang mạng xã hội nhắm vào chủ nhân điện Elysée. Nhất cử nhất động của tổng thống Macron đều bị dân chúng la ó, phản đối.
Hơn 350.000 người Áo Vàng tham gia biểu tình ngày 01/12/2018 vẫn chưa nguôi trước những nhượng bộ liên tiếp của chính phủ, từ thông báo bãi bỏ hẳn thuế xăng dầu cho cả năm 2019 đến biện pháp tăng mức lương tối thiểu nhằm bơm thêm mãi lực cho người dân.

Theo viện thăm dò dư luận Ipsos của Pháp, trong vòng một năm, số người bất mãn vì chính sách và cá nhân ông Macron tăng 17 %.

Vì sao tổng thống Pháp lại bị công luận ghét bỏ đến như vậy ?
Có hai yếu tố cho phép trả lời phần nào câu hỏi này.

Thứ nhất, về mặt hình thức, Emmanuel Macron thường xuyên có những phát biểu bị coi là khinh người.
Thí dụ như khi bắt tay một người tham quan phủ tổng thống nhân ngày Di Sản, để khuyến khích đối tượng là một người đang bị thất nghiệp, tổng thống Macron nói, tìm việc làm rất dễ, "chỉ cần đi qua bên kia đường là tôi tìm được việc cho ông ngay!".

Câu nói này của nguyên thủ Pháp đã bị đả kích mạnh mẽ. Những người khoan hồng nhất cũng cho rằng đây là lời nói vụng về.
Các đối thủ chính trị của ông và công luận coi đó là bằng chứng Emmanuel Macron sống rất xa vời với thực tế, và ngụ ý tại Pháp chỉ có những người lười biếng mới bị thất nghiệp.

Giám đốc cơ quan thăm dò dư luận của Ifop, Jérôme Fourquet nhận định, "trong một xã hội Pháp từ năm 1995 đã ngày càng bị chia rẽ , những phát biểu kiểu này càng đổ thêm dầu vào lửa".

Một cây bút uy tín trên nhật báo Le Monde, Gérard Courtois, cho rằng, Emmanuel Macron đang phải "trả giá" cho những phát biểu thiếu tế nhị của ông chạm vào tự ái của những thành phần kém may mắn trong xã hội.
Ông bị coi là "tổng thống của những người giàu có".

Lý do thứ nhì khiến một phần công luận Pháp quay lưng lại với tổng thống Emmanuel Macron là do vị tổng thống trẻ tuổi này đã tập trung quyền lực nhiều hơn tất cả những người tiền nhiệm.
Vẫn theo nhà báo Courtois của tờ Le Monde, Emmanuel Macron đã "bước lên tuyến đầu trên tất cả mọi công trình cải tổ, xem thủ tướng Edouard Philippe và các bộ trưởng như những người thi hành quyết định của phủ tổng thống".

Trong hoàn cảnh đó, đương nhiên mọi cặp mắt đều hướng về điện Elysée.
Trong số những quyết định cải tổ quan trọng trong 18 tháng qua, mọi người lại chú ý nhiều đến quyết định bãi bỏ thuế đánh vào tài sản lớn của người giàu - ISF.
Biện pháp này được thông qua vào tháng 6/2018. Gần một năm trước đó, chính phủ đã quyết định cắt giảm trợ cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong đó có thành phần sinh viên.

Ông Macron khi đó đã buông lời bình luận :
"Cắt trợ cấp 5 đồng bạc một tháng có là bao !"
 Lập tức tổng thống Pháp bị chỉ trích là ông không biết rằng 5 euro mỗi tháng đó lớn tới cỡ nào đối với người nghèo.

Về thực chất, cả hai biện pháp vừa nêu không tác động nhiều đến kinh tế Pháp, nhưng với công luận, rõ ràng Emmanuel Macron đứng về phía người giàu.
Như ghi nhận của giám đốc viện thăm dò IFOP đó là ngòi lửa, dẫn tới sự bùng nổ hiện nay.

Emmanuel Macron đắc cử nhờ chương trình cải tổ đầy tham vọng theo hướng tự do, hướng về doanh nghiệp và giới chủ, bởi theo ông, họ khả năng giải quyết thất nghiệp và đem lại tăng trưởng cho đất nước.
Có điều, trong 18 tháng qua, tổng thống Pháp điều hành đất nước như một "công ty khởi nghiệp start up Nation" mà lơ là với những trăn trở khác của xã hội.

Bernard Sananès điều hành cơ quan thăm dò dư luận Elabe nhận định về phong trào Áo Vàng như sau : "Phản đối tăng thuế xăng dầu là điểm khởi đầu.
Động cơ của những người xuống đường là đấu tranh bảo vệ mãi lực, nhưng chính tinh thần căm thù Emmanuel Macron khiến tình hình trở nên dồn dập hơn trong ba tuần qua".

Switch mode views: