Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phong trào Áo Vàng : ''Cuộc nổi dậy sinh thái'' đầu tiên ở Pháp

france-protests-8


Người Áo Vàng biểu tình trên đại lộ Champs-Elysées, Paris, 24/11/2018.
©REUTERS/Benoit Tessier

Phong trào « Áo Vàng », với mục tiêu khởi đầu chống chính sách tăng thuế xăng dầu để có tiền đầu tư cho kinh tế Xanh, vẫn tiếp diễn dù chính phủ hôm 04/12/2018, bắt đầu nhượng bộ (1).

Đối với khá nhiều người, phong trào này cho thấy chính sách « đánh thuế sinh thái » của chính phủ đã phá sản, bởi bị đông đảo người dân coi là bất công.

Tuy nhiên, nhiều người không chấp nhận đối lập mục tiêu chống biến đổi khí hậu về dài hạn với nhu cầu sinh kế trước mắt của hàng triệu người Pháp.

Trả lời RFI, kinh tế gia Eloi Laurent (2), đồng tác giả cuốn « Những bất bình đẳng về môi trường » (Les inégalités environnementales – Nxb Presse Universitaire), khẳng định là : Đòi hỏi hành động vì môi trường không hề đối lập với đòi hỏi công bằng xã hội.

Ngược lại, gắn kết hai mục tiêu công bằng xã hội và bảo vệ môi trường chính là mấu chốt của công cuộc chuyển đổi lớn mà nhân loại thế kỷ 21 cần phải tiến hành.
Những nạn nhân của chính sách thuế carbone hiện nay cũng là nạn nhân của tình trạng môi trường sinh thái bị hủy hoại (theo nghĩa đó, họ là các nạn nhân sinh thái, nạn nhân môi trường).

Đối với nhiều người trong số họ, chống lại các chính sách thuế khóa bất công ắt hẳn cũng là một cuộc nổi dậy vì sinh thái, vì những chính sách xã hội-môi trường « công bằng » và « hiệu quả ».

RFI : Ông nhận định ra sao về việc phong trào « Áo Vàng » coi sắc thuế sinh thái đánh vào xăng dầu là một bất công xã hội ?

Eloi Laurent :
Tôi không cho rằng sinh thái đồng nghĩa với bất công xã hội. Phong trào này thực sự là cuộc nổi dậy xã hội mang tính sinh thái đầu tiên của nước Pháp đương đại.

Trước khi giải thích điều này, chúng ta cần hiểu được lý do đã dẫn đến nỗi thất vọng rất sâu sắc tại Pháp về vấn đề thuế.
 Sự bất công trong vấn đề này không liên quan gì đến mục tiêu chuyển đổi sang mô hình kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch.

 Lý do của nỗi thất vọng lớn nói trên là do chính sách của chính quyền Macron, đã cố tình giảm thuế cho những người giàu có nhất, trong khi đó lại không hề bù đắp gì cho những người nghèo nhất.
Không phải bản thân vấn đề sắc thuế vì sinh thái bị phản đối, vì thực ra mức thuế cho sinh thái ở Pháp là rất thấp.

Nếu chúng ta xem xét tỉ trọng của thuế môi trường trong toàn bộ hệ thống thuế khóa và tổng sản phẩm quốc nội của Pháp, có thể thấy nước ta đứng hàng thứ 27 trong Liên Hiệp Châu Âu (theo số liệu của Eurostat).

Tại sao ông cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng xã hội – sinh thái ?

Bởi vì khả năng tiếp cận với năng lượng, cũng như với toàn bộ những điều mà người ta gọi là « những ân huệ của môi trường / aménités environnementales » (như nước, không khí…) đều là những vấn đề mang tính xã hội.

Như vậy, cuộc khủng hoảng hiện nay vừa mang tính xã hội, vừa mang tính sinh thái.
 Lý do là các điều kiện tiếp cận với năng lượng trong một đất nước như Pháp không được công bằng, khiến người dân nổi giận.

Việc không chấp nhận đối mặt với vấn đề « các bất bình đẳng môi trường » của thế kỷ 21 đồng nghĩa với việc để cho « các trái bom nổ chậm xã hội » rải rắc khắp nơi tại Pháp…. Chúng ta biết khoảng 8 triệu người ở Pháp không trả được tiền điện, tiền sưởi ấm.

Một bấp bênh khác về năng lượng nữa là trong vấn đề giao thông. Đơn giản là cần phải thừa nhận đây là một vấn đề vừa mang tính xã hội, vừa mang tính sinh thái.
Nếu không chấp nhận điều này, trong tương lai sẽ còn nhiều khủng hoảng nữa.

Ông giải thích như thế nào về việc một số người phát ngôn phong trào « Áo Vàng » cho rằng họ là nạn nhân của cuộc chuyển đổi sang mô hình kinh tế Xanh ?

Đúng họ là nạn nhân. Thu nhập của họ dao động giữa 800 và 1.100 €/tháng (mức lương tối thiểu tại Pháp là 1.500).
Những công dân này bị kẹt trong chiếc bẫy giá cả năng lượng, dùng cho nơi ở và cho việc đi lại.

Họ hết sức dễ bị tổn thương, bởi giá cả các loại năng lượng hóa thạch chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng nữa, với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay.
 Đây là một vấn đề lớn. Những người này đã hoàn toàn có lý khi cho rằng, nếu không làm gì để giúp cho cuộc chuyển đổi sang Kinh tế Xanh đi liền với công bằng xã hội, thì điều này chắc chắn sẽ là bất công.

Cốt lõi của vấn đề là thừa nhận hai chuyện, sinh thái và công bằng xã hội, là tương hợp với nhau.
Cụ thể là ví dụ như, nếu bạn sửa chữa một ngôi nhà theo hướng tiết kiệm năng lượng hơn, thì chính bạn đã đóng góp vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và giảm bớt nghèo khó.

Đây cũng chính là một chiến thắng kép. Và nếu như ngược lại, không có sự bồi hoàn xã hội về thuế carbone, thì sẽ không có sự tương hợp.
Vào năm 2009, chúng tôi đã làm thử một tính toán rất chính xác về các bồi hoàn xã hội dựa trên thu nhập và nơi ở, để đánh giá cụ thể về việc sử dụng xe cộ.

Đối với 40% người nghèo nhất, chúng tôi đã từng xây dựng một biểu thuế carbone theo hướng giảm dần.
Có nghĩa là tái phân phối thông qua hình thức ngân phiếu năng lượng. Chính những người Áo Vàng hiện nay lẽ ra đã được hưởng khoản tiền này.
 Mục tiêu nói trên hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề là không thể đưa ra quyết định một cách gấp rút và dưới áp lực, mà là phải với một độ lùi và sự minh mẫn.

Có quốc gia nào đã thành công trong việc kết hợp được chuyển đổi sang kinh tế Xanh với công bằng xã hội ?

Thụy Điển là một trường hợp thành công.
 Họ đã khởi động cuộc tranh luận này ngay vào đầu những năm 1990.

Chính phủ Thụy Điển đã dành thời gian để giải thích với toàn xã hội về các lợi ích của cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh.
Họ hiểu rằng xu thế các đô thị mở rộng ra khắp lãnh thổ, đi liền với ô nhiễm nghiêm trọng, để lại các hệ quả tồi tệ về sức khỏe.
Đây cũng là vấn đề mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã nghiên cứu rất kỹ.

Hiện nay, theo tôi biết, một tấn khí thải CO2 ở Thụy Điển có giá tới 120 euro, trong khi đó Thụy Điển cũng là nước vừa thành công về mặt kinh tế, xã hội, cũng như trong các mục tiêu về khí hậu.
Tại Pháp, cách tiếp cận của chúng ta hiện nay là rất vô lý, đây là điều đã dẫn đến cuộc khủng hoảng này.

Liệu những người « Áo Vàng » có nên tham gia vào các cuộc tuần hành vì khí hậu, dự kiến sẽ diễn ra tại nhiều thành phố thứ Bảy này, hay không ?

Nên chứ, điều này là nhất quán, bởi có sự tương hợp sâu sắc giữa vấn đề sinh thái và vấn đề xã hội trong thế kỷ 21.
Đây chính là điểm mấu chốt của cuộc chuyển hóa. Nhiều người trong số họ dường như không chống lại sinh thái.
Thật là quá dễ dãi khi nói là dân chúng chống lại cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh. Suy nghĩ như vậy có thể có lợi cho một số người.

Vấn đề chính là cuộc chuyển hóa sang kinh tế Xanh phải công bằng về mặt xã hội. Chúng ta hiện nay hoàn toàn có đủ phương tiện để làm điều này, chúng ta có các công trình khoa học rất chất lượng.
Điều khẩn cấp là tổ chức một cuộc đối thoại lớn để hướng đến chỗ hoạch định được các chính sách công hiệu quả.

-------------------------------------------------------
Ghi chú

1. Xem thêm « Pháp - Áo Vàng : Chính phủ xem xét thêm khả năng nhượng bộ », 05/12/2018 và « Khủng hoảng "Áo Vàng": TT Pháp phải chạy đua với thời gian », 04/12/2018.
2. Nhà kinh tế học Eloi Laurent làm việc tại Viện nghiên cứu chính trị Paris (Institut d’études politique de Paris).

Switch mode views: