Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chế độ Bình Nhưỡng có thể bị khủng hoảng nội bộ

Kim noibo


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un, ảnh chụp 31/03/2013 (REUTERS / KCNA)


 

Trong 24 giờ qua, Bắc Triều Tiên đã đưa ra nhiều động thái làm tình hình nóng thêm như là sắp bị tấn công.

Quân đội đặt tên lửa tầm trung thứ hai lên bệ phóng hướng về phía Hoa Kỳ.

Bình Nhưỡng cảnh báo ngoại giao đoàn quốc tế nên di tản trước ngày 10/04/2013 vì không bảo đảm được an toàn khi chiến tranh xảy ra.

Phải chăng không khí căng thẳng bên ngoài này là hiện tượng của một cuộc khủng hoảng chính trị bên trong ?

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias phân tích :

Nhân viên ngoại giao tại các tòa đại sứ nước ngoài và của các tổ chức thiện nguyện phi chính phủ làm việc tại Bình Nhưỡng đều không tỏ ra lo âu chút nào.

 Kiều dân Tây phương khẳng định là không cảm thấy dấu hiệu căng thẳng đặc biệt nào tại thủ đô Bắc Triều Tiên. Do vậy, chưa một ai muốn di tản.

Tại Seoul, nhiều người cho rằng « đề nghị sứ quán nước ngoài suy tính chuyện sơ tán » hôm qua 05/04/2013 chỉ là một trò chiến tranh tâm lý của chế độ Bình Nhưỡng.

Chiến thuật dàn cảnh này đã thành công trong việc duy trì áp lực.

Nhưng đối với báo chí Hàn Quốc, cuộc khủng hoảng này thể hiện tình trạng căng thẳng bên trong chế độ.

 Đầu tháng Tư, một nhật báo Hàn Quốc khẳng định lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un thoát được một âm mưu đảo chính của quân đội hồi tháng 11/2012.

Một nhật báo khác cho biết Jim Jong Un dường như đã tăng cường lực lượng cận vệ và các biện pháp an ninh mỗi khi di chuyển.

Mặc dù có ít thông tin từ Bình Nhưỡng nhưng rất có thể chế độ này đang cần gây căng thẳng xung khắc với bên ngoài để kiểm soát tình hình nội bộ bên trong.

 Ở Hàn Quốc, đối lập trung tả đề nghị gửi một đặc sứ sang Bắc Triều Tiên.
Lãnh đạo đối lập Moon Hee Sang nhận định là đã đến lúc phải đưa một sứ giả đi tìm một giải pháp ngoại giao.

Phương án này đã từng được thực hiện trong quá khứ và mang lại kết quả.

Năm 1994, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter đến Bình Nhưỡng và giải tỏa được tình thế căng thẳng, rất nghiêm trọng, giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.

Một chi tiết đáng được chú ý là từ những ngày qua, Hoa Kỳ chứng tỏ ý chí xoa dịu tình hình, tránh đổ dầu vào lửa, không trả đũa theo lối ăn miếng trả miếng thái độ khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Cuộc khủng hoảng này còn có cơ may giải quyết bằng ngoại giao".

Hiện nay, các phương tiện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực đã khá hùng hậu.

 Ngoài 28.500 quân tại Hàn Quốc và 50.000 quân ở Nhật Bản, Washington còn duy trì gần 6000 binh sĩ tại đảo Guam và 50.000 quân tại Hawai.

 Đảo Guam vừa là căn cứ hải quân với tàu ngầm nguyên tử vừa là căn cứ không quân với pháo đài bay B52, oanh tạc cơ tàng hình B2 và chiến đấu cơ tàng hình F22.

Hơn 40 chiến hạm Mỹ ngày đêm hoạt động trong vùng Thái Bình Dương. Chỉ riêng quân cảng Yokosuka tại Nhật Bản, hậu cứ của hàng không mẫu hạm USS George-Washington, lực lượng hải thuyền của Mỹ tại đây còn có 2 tuần dương hạm và 7 khu trục hạm.

Mặc khác, hàng không mẫu hạm USS John-Stennis và hạm đội hộ tống, sau hải vụ tại vùng Vịnh, trên đường về được bố trí ở Singapore.

Tuy nhiên đến giờ phút này, theo Washington, không có tín hiệu báo trước Bắc Triều Tiên ra tay ở quy mô lớn.

Nhà phân tích Siegfried Hecker, giáo sư đại học Stanford, cũng như hầu hết giới quan sát Tây phương không tin là Bắc Triều Tiên có khả năng tấn công bằng bom hạt nhân :
 « tại sao Bình Nhưỡng sử dụng bom nguyên tử trong khi họ biết chắc hậu quả là sẽ bị tiêu diệt ? ».

Tuy nhiên, ông Siegfried Hecker cảnh báo : Kim Jong Un « non trẻ và thiếu kinh nghiệm » có thể sẽ tính sai một nước trong ván cờ thách đố Hoa Kỳ.

Switch mode views: