Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Triều Tiên: Phong tỏa hàng hải là "hành động chiến tranh"

BTT-phong toa

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một nhà máy làm bột khoai. Ảnh không ghi ngày do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp ngày 06/12/2017.
KCNA/via REUTERS

Ngày 14/12/2017, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ có những biện pháp tự vệ « không thương tiếc » nếu Hoa Kỳ áp dụng phong tỏa hàng hải, vì đó sẽ là « một hành động chiến tranh », theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên.

Hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA dẫn lời vị quan chức này cho biết thêm quyết định phong tỏa hàng hải sẽ là « sự vi phạm rõ ràng » chủ quyền và danh dự của Bắc Triều Tiên.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đưa ra một « biện pháp vô cùng nguy hiểm hướng đến chiến tranh hạt nhân » khi tìm cách áp đặt lệnh phong tỏa.

Sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử một tên lửa liên lục địa vào ngày 29/11, Washington kêu gọi thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có phong tỏa hàng hải, cấm vận dầu hỏa và cấm xuất khẩu nhân công Bắc Triều Tiên, được coi là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, sức ép đang gia tăng với Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã nói chuyện qua điện thoại ngày 14/12, theo khởi xướng của Nhà Trắng.

Hai nhà lãnh đạo « đã nhắc đến chuyện làm việc cùng nhau để giải quyết tình hình rất nguy hiểm tại Bắc Triều Tiên », theo thông cáo của Nhà Trắng, được AFP trích dẫn.
Cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Nga-Mỹ đã được ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hoan nghênh và cho đấy là một « tiến bộ » và « viễn cảnh » của việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu ngày 16/12 tại Bangkok, ông Joseph Yun, đặc phái viên của Mỹ về Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh đến « mở cửa đối thoại » với Bình Nhưỡng, kết hợp giữa « ngoại giao và trừng phạt », theo đường lối của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Ông Joseph Yun đang công du Thái Lan để thuyết phục Bangkok cô lập Bắc Triều Tiên.

Là một trong những nước Đông Nam Á còn duy trì quan hệ thương mại quan trọng với Bình Nhưỡng, chính quyền Bangkok quyết định « sẽ không còn hoạt động xuất-nhập khẩu giữa Thái Lan và Bắc Triều Tiên từ nay đến cuối năm 2017 ».
AFP nhắc lại thống kê của bộ Ngoại Giao Thái Lan, trong vòng 9 tháng đầu năm 2017, thương mại song phương đạt 1,6 triệu đô la, giảm 94% so với cùng kỳ năm 2016.

Một phái đoàn của bộ Quốc Phòng Nga đang có mặt ở Bình Nhưỡng để tham gia cuộc họp đầu tiên của hội đồng quân sự hỗn hợp Nga-Bắc Triều Tiên kể từ khi hai nước ký hiệp định ngăn ngừa các hoạt động quân sự nguy hiểm ngày 12/11/2015.
Trang Sputnik, trích thông tin từ trang Facebook của sứ quán Nga tại Bắc Triều Tiên, cho biết « phái đoàn của bộ Quốc Phòng Nga sẽ ở lại đến ngày 16/12 ».

Switch mode views: