Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Miến Điện vất vả đối phó với chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhuộm màu tôn giáo


Birmanie-violencevillagesMeiktila

Hậu quả bạo động, tranh chấp giữa cộng đồng Phật giáo và hồi giáo lan rộng sang các làng lận cận Meiktila. Ảnh chụp ngày 24/03/2013


Theo lời thừa nhận của chính quyền Miến Điện vào hôm nay, 24/03/2013, bạo động giữa người Phật giáo và Hồi giáo bùng lên tại thành phố Meiktila hồi giữa tuần, đã lan rộng qua nhiều thị xã khác trong vùng.

Xẩy ra ít lâu sau một thảm kịch tương tự vào năm 2012 tại một khu vực ở miền Tây, tình trạng này được giới phân tích cho là đã phản ánh một vết rạn nứt sâu đậm trên bình diện tôn giáo tại Miến Điện, có nguy cơ trở thành nghiêm trọng thêm.
 

Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Richard Horsey, một chuyên gia độc lập, đã không che giấu rằng các vụ bạo loạn kể trên rất đáng lo ngại.

Chuyên gia này giải thích : « Có những đường đứt gãy thật sâu ở nhiều vùng tại Miến Điện, và có nguy cơ bạo lực bùng lên dữ dội hơn nữa, khi mà các thành kiến và yêu sách cũ xưa nổi lên trở lại trên bề mặt » vì được tiến trình cải tổ về chính trị khuyến khích.

Tiến trình cải cách chính trị khởi sự từ cách nay hai năm đã mang lại cho Miến Điện một nguồn hy vọng mới. Thế nhưng, các vụ bạo động sắc tộc và tôn giáo trong cùng một thời điểm đã làm dấy lên các mối quan ngại.

Vào năm ngoái, xung đột giữa những người Phật giáo thuộc sắc tộc Rakhine và người Rohingyas theo Hồi giáo đã làm cho hơn 180 người chết và 110.000 phải chay loạn đi nơi khác. Còn hiện thời, bạo động ở Meiktila, theo số liệu chính thức đã làm cho ít nhất 32 người chết.

Điều khiến giới quan sát lo ngại, là các thông điệp đầy thù hận lại rộ nở trên Internet và một phần của báo chí Miến Điện, nhắm vào thiểu số người Hồi giáo vừa không được nhà nước không công nhận, vừa bị nhiều người cho là dân nhập cư bất hợp pháp thậm chí là hạng người đáng khinh.

Nhà phân tích Mael Raynaud nhận định : « Chúng ta đang trong một giai đoạn mà chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Tất cả những thành kiến sáo mòn về người Rohingya đã lại được gán cho người Hồi giáo nói chung ».

Theo chuyên gia này, đó có thể là yếu tố là cho tình hình xấu đi thêm.

Đối với giới quan sát, Miến Điện như đang gặp phải khó khăn rất lớn trong việc hội nhập các cộng đồng theo Hồi giáo hoặc Thiên chúa giáo, mặc dù những người này đã cư ngụ rất lâu trên lãnh thổ Miến Điện.

Chuyên gia Pháp hàng đầu về Miến Điện, ông Renaud Egreteau, thuộc Đại học Hồng Kông, đã cho rằng tại Miến Điện, có một quan niệm dân tộc chủ nghĩa thuần chủng.

Ông giải thích thêm là người Miến Điện tự cho là họ gắn bó với dân tộc băng huyết thống, dòng dõi, tức là bằng yếu tố chủng tộc.

Là người Miến Điện có nghĩa là phải thuộc « văn hóa của người bamar chiếm đa số, nói tiếng Miến và theo Phật giáo. »

Câu hỏi được đặt ra là phải chăng vì quan điểm thống trị vừa kể mà hai tác nhân chính trong tiến trình cải cách chính trị, kinh tế hiện nay tại Miến Điện là Tổng thống Thein Sein, cũng như lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi đều giữ thái độ kín đáo, hầu như không lên tiếng về một vấn đề quan trọng như vậy.

Một hậu quả khác, như tổ chức bảo vệ Human Rights Watch từng tố cáo, là các lực lượng an ninh đã phạm tội « thụ động » hoặc « đồng lõa » trong các vụ bạo lực tại bang Rakhine vào năm ngoái.

Switch mode views: