Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyên gia Pháp : Thế giới bất ổn chưa từng có

arnaud danjean ok

Chuyên gia Arnaud Danjean, phụ trách tạp chí chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
© DR

« Một thế giới bất ổn chưa từng có » là nhận định của chuyên gia Arnaud Danjean, phụ trách tạp chí chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

RFI tiếng Việt trích dịch bài phỏng vấn chuyên gia Arnaud Danjean trên tuần báo l’Express tuần qua.


Thế giới giờ đây nguy hiểm hơn trước kia ?

Viễn cảnh về các nguy cơ và mối đe dọa khá u ám.
Người ta có thể suy ra là thế giới trở nên nguy hiểm hơn, nhưng khái niệm đó quá mang tính chủ quan.

Môi trường quan hệ quốc tế dường như bất ổn và đang xuống cấp. Một sự xuống cấp kéo dài.
Các mối đe dọa được nêu trong Sách Trắng 2013 đang diễn biến nhanh hơn và mạnh hơn nhiều so với dự báo, đặc biệt là các mối đe dọa về khủng bố Hồi Giáo.

Đúng là các nhóm Hồi Giáo cực đoan hiện đang gặp nhiều thất bại trên các chiến trường ở Trung Đông, nhưng các lực lượng đó thường xuyên được tổ chức lại.

Mối đe dọa này sẽ chuyển hướng, giống như đã từng xảy ra trong quá khứ, và khủng bố có khả năng xâm nhập vào các vùng địa lý khác trên thế giới, từ Tây Phi cho tới Đông Nam Á, với những phương thức hành động khác nhau. Phong trào Hồi Giáo cực đoan sẽ còn dai dẳng.

Còn các mối đe dọa khác thì sao ?

Chúng ta không nên hy vọng là trong những tháng tới đây sẽ tìm ra những giải pháp kỳ diệu cho các xung đột hiện đang diễn ra ở mạn sườn châu Âu, ở vùng Cận Đông và cả ở châu Phi.

 Mức độ tập trung nhiều thách thức liên quan trực tiếp tới nước Pháp như vậy là chưa từng có kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.
Tình hình ở nhiều nơi diễn biến phức tạp, gây lo ngại. Các biện pháp quân sự trở nên cứng rắn hơn ở khắp nơi.
Sức mạnh quân sự của các nước như Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út tăng một cách đáng ngạc nhiên.

Nhiều nước khác cũng gia tăng trang bị quân sự kỹ lưỡng, làm thế cân bằng chiến lược trước đây bị đảo lộn, kể cả về chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân.
 Cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Hiện tượng tăng cường quân sự liên quan tới tất cả các lĩnh vực : không chỉ lục quân, hải quân, không quân, mà cả không gian vũ trụ và công nghệ số.

Liệu chúng ta có cần phải lo ngại về khả năng xảy một cuộc xung đột lớn ngay tại châu Âu ?
Cá nhân tôi thì tôi không cho rằng điều này có nhiều khả năng xảy ra, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng xung đột.

Biện pháp răn đe và quan điểm đặt lên hàng đầu tương quan lực lượng của một số quốc gia có thể khiến xung đột leo thang.
 Chúng ta không thể quên những gì đã xảy ra ở Ukraina năm 2014. Thái độ của nước Nga cũng khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về cách bảo đảm an ninh cho châu Âu.

Chúng ta không nên chủ quan, nhưng cũng không nên quá lo sợ.
Những phân tích rõ ràng và khách quan cho phép chúng tôi khẳng định lập trường là nước Pháp vừa rất đoàn kết với các nước đồng minh, vừa sẵn sàng đối thoại với Matxcơva.

Ông rút ra được điều gì từ sự rút lui của Mỹ thời Donald Trump ?

Chúng ta không thể phủ nhận là hệ thống quan hệ quốc tế đa phương đã suy yếu từ nhiều thập kỷ nay. Đó là một thực tế.
Thực tế này được nuôi dưỡng bởi xu hướng toàn cầu hóa, sự xuất hiện của các yếu tố mới, cũng như thái độ của các cường quốc công khai tranh cãi về nguyên tắc ngoại giao đa phương, đề cao sự lựa chọn đơn phương.

Đáng tiếc là nhiều ý tưởng của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đi theo chiều hướng này, chẳng hạn trong hồ sơ khí hậu và hạt nhân Iran. Tất cả những điều đó dẫn tới một sự bấp bênh, nhất là vì nước Pháp rõ ràng là có những lợi ích chung với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bộ máy chính trị của Mỹ không chỉ dựa vào những phát ngôn của tổng thống. Thêm vào đó, một số chính sách vẫn chưa trở thành chính thức.

Nước Pháp có biện pháp gì để đối phó với các thách thức nói trên ?

Trong bối cảnh quốc tế ngày càng bất ổn và có nhiều yếu tố bất ngờ, khó đoán định, kể cả từ các đồng minh, nước Pháp cần tự chủ mạnh mẽ về chiến lược.
 Điều đó không có nghĩa là chúng ta khẳng định một cách phi thực tế và ngạo nghễ là có thể một mình giải quyết mọi việc.

Tuy nhiên, chúng ta phải bảo đảm có khả năng duy trì các cam kết của nước Pháp, cho dù là một mình hay cùng với liên minh.
Có nghĩa là Pháp phải có một mô hình quân đội đầy đủ và cân đối để bảo đảm duy trì sức mạnh.

Quân đội của Pháp hiện đang rất vững mạnh, nhưng nguy cơ quá tải đang rình rập.
Thách thức trong những năm tới là thiết lập được sự gắn kết chặt chẽ giữa các mong muốn, tham vọng chính đáng, hợp pháp của Pháp với những điều mà quân đội Pháp có thể đảm đương được.
Một khi đã ấn định nhiệm vụ cho các lực lượng, nhà chức trách phải bảo đảm quân đội có đủ phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ.

Về mặt thể chế, thường thì rất dễ huy động quân đội.
Quân đội bao giờ cũng được triển khai nhanh chóng và chuyên nghiệp, nhưng đó chỉ là bước ban đầu.
 Sau đó, cần bảo đảm cho lực lượng hoạt động được lâu dài và thích nghi với hoàn cảnh.

Ưu tiên chiến lược của Pháp là gì ?

Năm nhiệm vụ chiến lược của quân đội theo chính sách phòng vệ của Pháp là bảo vệ lãnh thổ, phòng ngừa, răn đe, tình báo và can thiệp. Răn đe hạt nhân từ trên không và từ tàu ngầm là yếu tố then chốt.

Chúng ta sẽ phải củng cố, tăng cường công tác phòng ngừa khủng hoảng. Hành động quân sự « đơn thương độc mã » sẽ không thể giúp ổn định lại các khu vực mà chúng ta đang can thiệp quân sự, chẳng hạn ở Sahel và Trung Đông.

Mọi nỗ lực quân sự phải đi kèm với các hoạt động ngoại giao và phát triển. Thêm vào đó, Pháp vừa là cường quốc hạt nhân, vừa là quốc gia châu Âu duy nhất là thành viên của cả Liên Hiệp Châu Âu, NATO và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Chúng ta phải biến điều này thành đặc thù mang tính chiến lược phục vụ cho các quan hệ đối tác quan trọng và bước tiến mới của Liên Hiệp Châu Âu.

Việc mở rộng hợp tác với Đức là cần thiết. Là một dân biểu châu Âu, tôi hiểu rằng chính sách phòng vệ của châu Âu chính là « lá bùa bộ mệnh ».
Tôi tin rằng giờ là thời cơ thuận lợi cả về chính trị và chiến lược để tiến bước. Để làm được điều này, cần có ý chí mạnh mẽ, sự minh mẫn, sáng suốt cao độ và óc thực tế.

Switch mode views: