Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thảm nạn Rohingya : Al Qaida đe dọa Miến Điện

bangladesh

Người tị nạn Rohingya được điều trị ở bệnh viện Sadar Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 13/09/2017.
REUTERS/Mohammad Ponir Hossain

Al Qaida kêu gọi cung cấp vũ khí cho người Rohingya và đe dọa trả đũa cuộc đàn áp tại Miến Điện.

Lời cảnh báo này được Al Qaida tung lên mạng ngày 13/09/2017, trong bối cảnh Hội Đồng Bảo An bị chỉ trích « bất động » trước cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Miến Điện.

Bị quân đội truy bức, gần 400.000 người Hồi Giáo Rohingya đã chạy sang Bangladesh tị nạn, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.

« Cánh cư xử dã man đối với anh em Hồi Giáo của chúng ta sẽ bị trừng phạt. Chính quyền Miến Điện sẽ nếm những gì mà họ đã làm đối với anh em chúng ta ».

Trên đây là lời đe dọa của Al Qaida, công bố trên các kênh tuyên truyền của quân thánh chiến, được Reuters trích dẫn.
Tình trạng người Rohingya bị thành phần Phật tử cực đoan kỳ thị và quân đội truy bức gây xúc động trong cộng đồng quốc tế.

Từ sau vụ một loạt đồn cảnh sát biên phòng bị tấn công hồi tháng 08/2017, chính quyền Miến Điện quy cho « khủng bố Hồi Giáo » gây ra để biện minh cho chiến dịch truy quét từ hơn một tháng nay, mà theo các tổ chức nhân quyền là nhằm mục đích « thanh lọc chủng tộc ».

Miến Điện cảnh báo sẽ có nhiều vụ tấn công khác nhắm vào cảnh sát và quân đội trong tương lai.
Theo Reuters, Al Qaida còn kêu gọi « chiến binh huynh đệ » từ các quốc gia lân cận như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Philippines kéo về Miến Điện chuẩn bị « kháng chiến chống áp bức ».

Trong khi đó, người Rohingya tiếp tục vượt biên, vượt biển.
Từ Cox’s Bazar, một quận của Bagladesh, sát biên giới Miến Điện, trợ lý Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc George William Okoth-Obbo kêu gọi quốc tế « viện trợ lương thực và lều trại » dồi dào để cứu trợ hơn 370.000 người Rohingya lánh nạn tại Bangladesh.

Theo số liệu của UNICEF, hơn 1.100 trẻ em Rohingya khi đến Bangladesh chỉ có một mình.

Trên biển, theo chính quyền địa phương, trong hai tuần qua, có ít nhất 6 thuyền vượt biển bị đắm.
Thêm 7 xác nạn nhân được vớt trong ngày 13/09, nâng tổng số người chết lên 99, đa số là trẻ con và vị thành niên.

Theo lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, Indonesia đã sử dụng bốn vận tải cơ quân sự để chở sang Bangladesh 34 tấn hàng cứu trợ.

Switch mode views: