Báo Úc : "Dư luận Việt Nam lo ngại Trung Quốc lấn lướt vì Mỹ lùi"
- Thứ Sáu, 01 tháng Chín năm 2017 20:38
- Tác Giả: Mai Vân
Ảnh minh họa : Cờ của của tập đoàn dầu khí Tây ban Nha Repsol trước trụ sở hội nghị thường niên các cổ đông. Ảnh ngày 19/05/2017
Reuters
Phải chăng chính quyền Hà Nội đã chiều theo sức ép của Bắc Kinh khi cho rút tàu khoan dò dầu khí ra khỏi một lô khai thác trên Biển Đông bị Trung Quốc cho là của họ?
Câu hỏi này vừa được nhật báo Úc The Sydney Morning Herald nêu bật ngày 27/08/2017 trong bài viết mang tựa đề « Việt Nam lo ngại rằng sự yếu đuối của Trump làm Trung Quốc mạnh lên - Vietnam is worried that Trump's weakness is making China strong ».
Theo ghi nhận của nhật báo Úc, người dân Việt Nam lúc này đang có một thú tiêu khiển bất thường : Trên cả nước và trên các mạng xã hội, ở đâu người ta cũng bàn tán, nghi ngờ là chính phủ đang âm thầm đầu hàng một Trung Quốc hung hăng, và gần đây có rất nhiều yếu tố thêm củi thêm lửa cho các tin đồn đó.
Đối với một số người, chính việc Mỹ giảm bớt sự hiện diện rõ ràng trong vùng đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh hành động trong hậu trường.
Nhiều người khác thì chỉ trích chính quyền ở Hà Nội đặt vấn đề hợp tác kinh tế, hay cái gọi là tình đoàn kết cộng sản, lên trên niềm tự hào dân tộc.
Theo The Sydney Morning Herald, yếu tố gây bàn tán sôi nổi gần đây, làm dấy lên nhiều giả thuyết, là sự kiện dự án khoan dò dầu khí giao cho tập đoàn Tây Ban Nha Repsol bị đình chỉ mà không hề có giải thích.
Một doanh nhân ở Hà Nội thường hay giao dịch với đối tác nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đã giả định : « Phải chăng vì Trump yếu đuối, cho nên Trung Quốc đã mạnh lên ?
Rất có thể ! Người ta cũng lo ngại sẽ có một cuộc chiến tranh khác với Trung Quốc. Tất cả đều rất đáng sợ. »
Vấn đề, theo tờ báo Úc, là với chế độ chính trị khép kín, những tính toán ngoại giao đều được giữ bí mật, phần đông – ngay cả giới chuyên gia, như họ đã thừa nhận – đều không biết điều gì xẩy ra, điều đó tạo ra môi trường thuận lợi cho những phỏng đoán lung tung.
Doanh nhân kể trên thừa nhận : « Chúng tôi thật sự không biết điều gì xẩy ra. Nhờ lúc này có internet thì chúng tôi mới thấy là truyền thông của chúng tôi không nói hết sự thật, vả lại chúng tôi cũng không tiếp cận được sự thật đó. »
Việt Nam : Một cột trụ chống Trung Quốc bành trướng
Theo nhật báo Úc, Trung Quốc là một chủ đề rất nhạy cảm đối với chính quyền vốn dĩ vững vàng ở Việt Nam.
Hơn cả những lời kêu gọi dân chủ, nhân quyền hay duy trì tăng trường kinh tế, chính quyền e ngại nhất những lời chỉ trích từ cộng đồng nhỏ bé của những người đối lập ở Việt Nam nhắm vào điều bị coi là thái độ mềm yếu trước Trung Quốc.
Đối với tờ The Sydney Morning Herald, Việt nam cho thấy là một cột trụ trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Trong số 10 nước của khối ASEAN – vốn đã hướng về Trung Quốc từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ, Việt Nam là thành viên sau cùng công khai thúc đẩy một thái độ cứng rắn hơn chống sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhiều quốc gia khác cũng nêu lên quan ngại, nhưng trong những trao đổi riêng tư, còn Việt Nam thì lên tiếng công khai, và bây giờ hầu như bị cô lập trong việc sử dụng luật quốc tế chống lại Trung Quốc.
Tại một diễn đàn của ASEAN ở Manila vào đầu tháng 8, không lâu sau khi tin về dự án khoan dò dầu khi bị đình chỉ được tiết lộ, Việt Nam công khai khẳng định thái độ chống đối Trung Quốc.
Theo nhận định của Richard Javad Heydarian, một trợ lý giáo sư về khoa học chính trị ở đại học De La Salle, Manila, thì vào lúc đó, Hoa Kỳ rõ ràng là đã đóng một vai trò mờ nhạt.
Theo ông Haydarian thì đối với những ai chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong vùng, « Trump (tổng thống Mỹ) quả thực là không giúp đỡ gì nhiều... Chúng ta đã thấy một sự mất tin tưởng ghê gớm vào vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson không có vẻ gì là đại diện cho một siêu cường quốc (ở diễn đàn ASEAN).
Ông ta giống như đại diện cho một nước hạng hai, và ai cũng biết là ở Mỹ ông ta bị cô lập ».
Việt Nam nhượng bộ hay lùi bước chiến thuật ?
Theo nhật báo Úc, Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua hàng thế kỷ đối kháng và vẫn tiếp tục đối kháng vào thời cận đại này.
Cuộc chiến gần đây nhất mà Việt Nam phải đánh, là chống lại người láng giềng to lớn vào năm 1979, và Trung Quốc đã phải ngạc nhiên trước sức kháng cự của quân đội Việt Nam, đã đẩy lùi họ.
Sự đối nghịch Việt Nam Trung Quốc thường vượt qua cảm nhận căm hận đối với Mỹ, nước hiện nay được xem là đối trọng then chốt trước tham vọng của Bắc Kinh.
Việc dự án thăm dò của Repsol bị đình chỉ mà không một lời giải thích từ phía chính quyền Việt Nam cũng như Tây Ban Nha, đã làm cho người Việt Nam cảnh giác, và làm cho họ nghĩ là chính phủ tại Hà Nội đã đầu hàng Bắc Kinh ở bên trong hậu trường.
Trả lời nhật báo Úc, một doanh nhân quốc tế thường làm việc với cả Việt Nam, Trung Quốc lẫn Tây Ban Nha, xin giấu tên vì không được quyền phát biểu về chính trị, đã ghi nhận :
« Đã có rất nhiều tin đồn chung quanh vụ Repsol, cũng như mỗi khi có tin liên quan đến quan hệ Việt-Trung. Nhưng không thấy có một lý do gì khiến Việt Nam phải làm như vậy (tức là đình chỉ việc khoan dò), ngoại trừ sức ép từ Bắc Kinh ».
Theo doanh nhân này, Nếu quả thực là Việt Nam phải lùi bước, đó là vì Hà Nội không có nhiều chọn lựa từ khi Trump lên cầm quyền : « Hoa Kỳ thực sự là để Việt Nam chơi vơi khi bãi bỏ hiệp định TPP », một hiệp định không có Trung Quốc nhưng có Việt Nam.
Một giả thuyết khác được nêu lên là Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa sử dụng sức mạnh, nếu không nghe theo.
Tổng thống Philippines Duterte, mà những phát biểu thường không phải lúc nào cũng đáng tin, đã nói là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng gợi lên khả năng này với ông.
Và điều này càng làm cho giải thích đáng tin hơn nữa.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nêu bật khả năng chiến tranh sẽ tai hại đối với chiến lược của Trung Quốc, đang cố thuyết phục các láng giềng rằng nên xem Bắc Kinh như là một nhân tố ổn định.
Nhưng việc Việt Nam cho rút tàu khoan đi cũng có thể là chiến thuật của Việt Nam.
Tờ báo Úc trích lời ông Hoàng Việt, một giáo sư về luật biển ở Thành Phố Hồ Chí Minh, cho rằng : « Tôi nghĩ có lẽ đây là một bước lùi ngắn hạn, như để chờ đợi một thời điểm địa chính trị bớt khó khăn hơn...
Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, rất quan trọng đối với người dân, nhưng chính quyền tuyệt đối không muốn làm Bắc Kinh tức giận. »
Tác giả bài báo trên tờ The Sydney Morning Herald tuy nhiên đã kết luận : « Mức độ xây cất không ngừng dọc theo bờ Biển Đông, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển vững vàng đã được xem như là những điều kiện tiên quyết duy trì sự ủng hộ đối với đảng Cộng Sản Việt Nam.
Và có lẽ rốt cuộc đấy mới là điều quan trọng đối với Hà Nội, hơn là việc tranh hơn thua với Bắc Kinh ».
Tin mới
- Miến Điện : Tổng thư ký LHQ kêu gọi tránh thảm họa nhân đạo - 02/09/2017 14:51
- Trung Quốc : Nhại bản quốc ca sẽ bị án tù - 02/09/2017 14:45
- Trung Quốc cải tổ quân đội trước Đại Hội Đảng - 02/09/2017 14:38
- Mỹ-Hàn tăng cường khả năng phòng thủ cho Seoul - 02/09/2017 14:33
- Mỹ đóng cửa cơ quan lãnh sự Nga tại San Francisco - 01/09/2017 23:31
- Đa số người Pháp phản đối các sắc lệnh cải cách luật lao động - 01/09/2017 23:01
- Anh Quốc từ chối thanh toán mức « phí li dị » mà châu Âu đề xuất - 01/09/2017 22:52
- Bão Harvey : Tổng thống Trump và biến đổi khí hậu - 01/09/2017 22:45
- Nhật và Anh tăng cường hợp tác quân sự - 01/09/2017 21:06
- Đến lượt Huyndai bị tẩy chay tại Trung Quốc vì hệ thống lá chắn tên lửa - 01/09/2017 20:47
Các tin khác
- Trung Quốc và ASEAN thảo luận về Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông - 01/09/2017 19:03
- Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Biển Đông - 01/09/2017 16:24
- Mỹ đang chơi ván bài lớn khi 'dùng Ấn Độ đối phó Trung Quốc'? - 01/09/2017 16:18
- Pháp : Tổng thống Macron bảo vệ dự án cải cách luật lao động - 31/08/2017 22:04
- Venezuela : Cuộc khủng hoảng sẽ tiếp diễn đến đâu ? - 31/08/2017 20:54
- Bão Harvey : Nổ tại một nhà máy hóa chất ở Texas - 31/08/2017 20:37
- WTO xử thắng cho Bruxelles và Tokyo trong vụ kiện Brazil - 31/08/2017 20:27
- Mêhicô đe dọa rút khỏi đàm phán NAFTA với Mỹ - 31/08/2017 20:18
- Ngày Thế giới lên án nạn bắt cóc - 31/08/2017 02:07
- Nga tập trận, Mỹ đưa phi cơ bảo vệ các nước Baltic - 31/08/2017 01:26