Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thế giới trước sự kiện Vatican có tân Giáo Hoàng


Ðức Giáo Hoàng Francis hôm Thứ Năm chủ tọa Thánh lễ đầu tiên với tư cách chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo. Ngài kêu gọi các hồng y nên giữ đúng với căn bản của giáo lý và tránh mọi cám dỗ của thời đại.

ArgentinaFlag-POPE


Tín đồ Công Giáo ở Argentina cầm cờ quốc gia có in hình tân Giáo Hoàng với hàng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Francisco I,” bên ngoài thánh đường chính của thủ đô Buenos Aires hôm 13 Tháng Ba. (Hình: AP/Ivan Fernandez)

 

Sáng sớm Thứ Năm, Ðức Giáo Hoàng Francis ghé lại khách sạn nơi ngài trú ngụ để thanh toán tiền phòng và mang theo hành lý của ngài, rồi sau đó đến cầu nguyện tại Nhà Nguyện Ðức Mẹ Maria.

Cùng tháp tùng có Ðức Ông Georg Gaenswein, vốn là phụ tá thâm niên của vị giáo hoàng tiền nhiệm, Benedict 16, kiêm cai quản tư thất của giáo hoàng.
 Ðức Ông Gaenswein sẽ là người nắm mọi chương trình nghi lễ của vị tân Giáo Hoàng.

Cũng như mọi tín đồ Công Giáo ở Nam Mỹ, Ðức Giáo Hoàng Francis đặc biệt hết sức sùng kính Ðức Mẹ.
Mỗi lần từ Argentina đến Rome công tác, ngài thường đến đây để cầu nguyện. Sau đó, ngài ghé qua điện chính, cầu nguyện tại di tích máng cỏ Bethlehem, nơi được xem là thánh địa quan trọng của các tu sĩ Dòng Tên (Jesuit).

Ðức Giáo Hoàng Francis gọi điện thoại nói chuyện với vị giáo hoàng tiền nhiệm, vị giáo hoàng đầu tiên từ chức trong gần 600 năm và hiện đang sống tại lâu đài Castel Gandolfo.

Tân Giáo Hoàng dự tính sẽ ghé thăm Giáo Hoàng Danh Dự Benedict 16 nội trong tuần này.
 Cuộc viếng thăm được xem là quan trọng vì có nhiều quan ngại về sự va chạm quyền lực, xuất phát từ tình huống đặc biệt, một bên là một giáo hoàng đang trị vì và một bên là một giáo hoàng về hưu.

 Phản ứng từ khắp nơi trên thế giới

 Lượng truy cập vào các trang mạng xã hội tăng mạnh vào chiều Thứ Tư, sau khi có tin Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Argentina được chọn làm Giáo Hoàng.

Twitter cho biết mỗi phút họ chuyển đi 130,000 tin nhắn, chỉ kém với con số 150,000 khi có trận Super Bowl ở Mỹ năm nay, nhưng lại gấp đôi so với buổi lễ trao giải Oscar hồi tháng trước.
 Nói chung, theo Twitter, có đến 7 triệu tweet thông tin về tân Giáo Hoàng được gửi đi hôm Thứ Tư.
 Không lạ gì, lượng truy cập lớn nhất, trên mức bình thường 50%, xảy ra tại Nam Mỹ, nơi lần đầu tiên trong lịch sử, một vị giáo hoàng được chọn từ vùng này.
 CNN nói số người truy cập vào trang nhà của họ tăng gấp bốn lần so với bình thường.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, gửi lời chúc mừng đến tân Giáo Hoàng Francis.
Trong văn bản có đoạn ông nói: “Tôi mong có sự tiếp tục hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc với Tòa Thánh, dưới sự dìu dắt khôn ngoan của Ðức Giáo Hoàng Francis.
 Chúng ta đều có những mục đích chung, từ việc cổ xúy cho hòa bình, công bằng xã hội và nhân quyền, đến việc xóa bỏ đói nghèo.”

Tại Mỹ, Hồng Y Roger Mahony, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên TV rằng tác động của vị tân Giáo Hoàng đối với thế giới sẽ “ngoài sức tưởng tượng,” nhất là đối với Châu Mỹ La Tinh.

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, ông John Boehner (Cộng Hòa-Ohio), người theo đạo Công Giáo cao cấp nhất trong Quốc Hội Hoa Kỳ, hôm Thứ Năm bác bỏ lời mời của Tổng Thống Barack Obama, tháp tùng phái đoàn Mỹ sang Rome dự lễ đăng quang của tân Giáo Hoàng vào tuần tới.
Ông nại cớ còn bận tranh cãi về vấn đề ngân sách cùng nhiều nghị trình ở Quốc Hội. Phó Tổng Thống Joe Biden, cũng là tín đồ Công Giáo, sẽ hướng dẫn phái đoàn đại diện Hoa Kỳ đến Vatican.

Ðồng thời, nữ Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ Viện, mở đầu cuộc họp báo hằng tuần ở Quốc Hội hôm Thứ Năm, bằng lời chia sẻ sự vui mừng về vị giáo hoàng mới được bầu.
 Bà đặc biệt hài lòng khi tân Giáo Hoàng chọn danh hiệu “Francis,” trùng với tên của thành phố quê nhà của bà, San Francisco.

Cũng tại Hoa Kỳ, một thông điệp từ Equally Blessed, một liên minh của bốn tổ chức Công Giáo quan tâm đến vấn đề của giới đồng tính, lưỡng tính và đổi giống, thúc giục Ðức Giáo Hoàng Francis hãy lắng nghe mối quan tâm của họ.
 Thông điệp có đoạn: “Trong một cuộc vận động thất bại chống lại luật hôn nhân bình đẳng ở Argentina, ngài đã viết những lời lẽ được xem là có tính cách thù ghét, khi gọi luật cho phép hôn nhân đồng tính là 'một âm mưu của Cha Ðẻ của sự Lừa Dối.' Ngài còn nói cha mẹ đồng tính xin con về nuôi là một hình thức kỳ thị đối với trẻ em.”

Giới lãnh đạo Israel chúc mừng Ðức Giáo Hoàng Francis và gọi ngài là người bạn của tín đồ Do Thái Giáo.
Tổng Thống Shimon Peres gửi lời mời tân Giáo Hoàng ghé thăm Israel, trong khi Thủ Tướng Benjamin Netanyahu nói ông tin tưởng đến “quan hệ tuyệt vời” giữa tín đồ Do Thái và Cơ Ðốc, cũng như giữa Israel và Vatican, sẽ không thay đổi.

Ông Hua Chunying, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, hôm Thứ Năm nói rằng Bắc Kinh hy vọng tân Giáo Hoàng sẽ có một thái độ “thực tiễn và linh động hơn, đồng thời tạo điều kiện cải thiện cho mối quan hệ Trung Quốc-Vatican.”

Ông Hua nói Trung Quốc có “hai nguyên tắc căn bản để đối phó trong quan hệ với Vatican,” đó là Vatican “phải cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Ðài Loan và công nhận chính quyền Trung Quốc như là đại diện hợp pháp duy nhất của nước Trung Hoa.”
 Kế đến “Vatican không nên xen vào công việc nội bộ của Trung Quốc, trong đó có việc viện lý do về tôn giáo.”

Thắc mắc lớn nhất về Ðức Giáo Hoàng Francis là: Phải chăng ngài sẽ là một giáo hoàng vận động chính trị như ngài từng làm ở Argentina?
 Liệu ngài sẽ là cái gai đối với các chính quyền tả phái bình dân ở các nước Nam Mỹ?
Một số đồng ý ngài sẽ như vậy. Trong thời gian còn là tổng giám mục Buenos Aires và chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Argentina, ngài thường có quan hệ căng thẳng với chính quyền nữ Tổng Thống Cristina Fenandez de Kirchner và người chồng quá cố của bà là cựu Tổng Thống Nestor Kirchner.
Ngài bị tố cáo là “phát ngôn viên của phe đối lập.”

Sau khi được chọn như là Giáo Hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ La Tinh, nhiều người thắc mắc liệu ngài sẽ có những tác động chính trị đối với vùng này, như cố Giáo Hoàng John Paul 2, sinh quán ở Ba Lan, từng có đối với quê hương Ðông Âu của ngài vào thập niên 1980.

Ông Daniel Alvarez, giáo sư môn tôn giáo học tại Florida International University, nhận định: “Ðức Giáo Hoàng Francis sẽ trở thành người chỉ trích các chính quyền ở Venezuela, Ecuador hay Bolivia, giống như Giáo Hoàng John Paul 2 đối với chủ nghĩa Cộng Sản ở Ðông Âu.
 Tân Giáo Hoàng có thể tạo một tác động chính trị nếu ngài đến viếng những quốc gia này và nói ra những điều ngài nghĩ.”

Với việc Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được chọn làm Giáo Hoàng, Tổng Thống Cristina Fenandez de Kirchner hy vọng có được một đồng minh có quyền uy trong lúc bà đang vận động giành lại đảo Falkland từ tay người Anh.

 Ngài nổi tiếng khi từng tuyên bố Falkland bị Anh “chiếm đóng,” tạo nên hy vọng ngài sẽ dùng địa vị của mình để gây ảnh hưởng đến tương lai của hòn đảo này.

 Tuy ngài có sự mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa đôi bên, Tổng Thống Cristina Fernandez vẫn hy vọng việc ngài trúng cử là một tác nhân mạnh giúp lấy lại hòn đảo Argentina mà gọi tên là Las Malvinas.

Tuy nhiên, một số phân tích gia cho rằng ngài sẽ không can thiệp vào vụ tranh chấp lãnh thổ.

Ông Victor Bulmer-Thomas, thành viên của Chatham House, nhận định: “Với tư cách một công dân Argentina tốt, lẽ tự nhiên ngài sẽ đứng vào vị thế như mọi người dân Argentina khác, nhưng giờ đây ngài không còn đại diện cho Argentina, mà cho tất cả tín đồ Công Giáo.”

Trong khi đó, việc tân Giáo Hoàng mới được chọn, mang lại cho Hollywood một số ý tưởng sáng tạo.

Sundance Selects thuộc IFC, hãng phim từng tung ra cuốn “We Have a Pope,” nói tiếng Ý, của Nanni Moretti cách đây một năm, sẽ trình chiếu lại phim này ít nhất một tuần lễ tại Lincoln Plaza Cinema ở New York.
 Cuốn phim xoay quanh việc những gì xảy ra khi một hồng y được chọn làm giáo hoàng và tập trung vào việc giáo hoàng tương lai này tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Tòa Thánh, điều có lẽ không xảy ra với Ðức Giáo Hoàng Francis.
Phim đã được phát hành bằng DVD, và IFC hy vọng số bán sẽ tăng.

Ðồng thời, Sony Pictures đưa ra một thông cáo báo chí giật gân vào lúc cả thế giới đang hướng mắt về Vatican để chờ kết quả từ phòng mật nghị của các hồng y: “Ðây là thời điểm lý tưởng nhất để xem lại hai cuốn phim “The Da Vinci Code” và “Angels & Demons.”

 Những trùng hợp kỳ lạ liên quan đến tân Giáo Hoàng

 Ðức Giáo Hoàng Francis rất ái mộ câu lạc bộ bóng đá San Lorenzo de Almagro của Argentina, đến nỗi ngài trở thành hội viên chính thức của hội ái mộ đội banh từ năm 2008.

 Vào ngày ngài được chọn làm Giáo Hoàng, lô độc đắc xổ số ở quốc gia này bỗng nhiên trùng với bốn số cuối trong thẻ hội viên của ngài.
Câu lạc bộ này tin đây là dấu hiệu thiên khải và cho rằng họ sẽ giành được chức vô địch trong năm nay.

Hôm 11 Tháng Hai, bà Yolanda de Mena gửi đi một tweet bằng tiếng Tây Ban Nha: “Tối qua, bạn tôi thức giấc lúc 4 giờ sáng, cho hay vừa mơ thấy một tân Giáo Hoàng có tên là 'Francis I'. Ðúng hôm nay Giáo Hoàng Benedict lại tuyên bố thoái vị.” Tweet này từ đó được gửi lại đến 54,000 lần.

Hôm 11 Tháng Ba, đặc phái viên Elisabetta Pique của tờ La Nacion ở Vatican chụp được tấm hình một người đàn ông cầm tấm bảng ghi “Giáo Hoàng Francis I.” Phải chăng đây là một sự trùng hợp may mắn.

Sau khi tên của tân Giáo Hoàng được công bố, trên bầu trời Miami, Florida, có một đám mây trông giống như một thiên thần đang giương ra đôi cánh trắng. (TP)

Switch mode views: