Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông: Đàm phán tiến nhanh

Truongsa- co so TQ

Trung Quốc xây dựng cơ sở ở Trường Sa . Ảnh 21/04/2017.
REUTERS/Erik De Castro/File Photo

Dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ) giữa Trung Quốc và ASEAN đánh dấu một bước quan trọng trong việc làm dịu căng thẳng trên vùng biển chiến lược này, theo nhận định của các nhà phân tích được hãng tin AP trích dẫn ngày 19/05/2017.

Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí trên bản dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử này trong cuộc họp giữa các quan chức cao cấp của hai bên ngày 18/05 vừa qua ở Quý Châu, tây nam Trung Quốc.

Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á đã cam kết thảo luận về bộ quy tắc COC từ cách đây 15 năm để thay thế cho bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ( DOC ), một văn bản không mang tính ràng buộc pháp lý.

Thế nhưng cho tới nay đàm phán tiến triển rất chậm trong bối cảnh Trung Quốc vẫn không từ bỏ mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Nhưng trong thời gian qua, Bắc Kinh đã đẩy nhanh cuộc thương lượng về COC, vì thấy rằng với bộ quy tắc ứng xử này, họ sẽ thực hiện được mục tiêu ngăn chận Hoa Kỳ và các đồng minh can thiệp vào Biển Đông với lý do bảo đảm quyền tự do hàng hải và duy trì ổn định khu vực, như nhận định của Huang Jing, một chuyên gia Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore.

Với bộ quy tắc COC, Trung Quốc sẽ có thể nói với Mỹ rằng :” Xem này. Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với nhau rồi, không cần Mỹ và các nước khác xen vào chuyện của chúng tôi.”

Cũng theo lời chuyên gia này, bộ quy tắc ứng xử còn phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh là quản lý hơn là giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Mặt khác, Trung Quốc bao giờ cũng chủ trương giải quyết các tranh chấp này qua thương lượng song phương, tức là với từng nước có liên quan, chứ không giải quyết trong một cơ chế đa phương.

Trong khi đó, đối với các nước ASEAN, bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc ở châu Á vào lúc mà chính quyền Trump không còn “xoay trục” sang châu Á nữa.

Hiện giờ thì chi tiết của bản dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử chưa được tiết lộ và văn bản này sẽ được đệ trình lên các Ngoại trưởng Trung Quốc và ASEAN để xem xét vào tháng 8 tới.

Ông Huang Jing phỏng đoán là bản dự thảo này có những điều khoản ngăn cấm việc sử dụng vũ lực hoặc đơn phương thay đổi nguyên trạng Biển Đông, như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và đặt trên đó các phi đạo và cơ sở quân sự.

Thật ra thì theo lời ông Ian Storey, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, bản dự thảo khung này được thông báo tuần trước chỉ là một “bước tiến nhỏ”, dựa trên bản dự thảo đạt được vào tháng 3 năm nay.

 Mặt khác, cũng theo lời ông Storey, bản dự thảo khung không kêu gọi phải có một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý như mong muốn của một số nước ASEAN, như vậy là tác động của bộ quy tắc này có nguy cơ bị suy yếu.

Khi được hỏi là bộ quy tắc ứng xử có sẽ mang tính ràng buộc không, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng ông chưa có câu trả lời dứt khoát, nhưng khẳng định bản dự thảo khung sẽ là “cơ sở vững chắc” cho các cuộc đàm phán sau này.

Hiện giờ cũng chưa rõ là khi nào bộ quy tắc ứng xử sẽ được thông qua.
Các bên đã tỏ mong muốn thông qua trong năm nay, nhưng chuyên gia Storey thì nghĩ rằng phải mất vài năm nữa mới có được văn bản cuối cùng của bộ quy tắc này.

Từ đây đến đó, Trung Quốc và ASEAN cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, một văn bản mà vì không có tính ràng buộc pháp lý nên trong những năm qua chẳng giúp được gì trong việc giải quyết hồ sơ Biển Đông.


Switch mode views: