Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khủng hoảng kinh tế, Trump, Venezuela : Năm 2017 đầy u ám cho Cuba

cuba-castro-passed


Chân dung Fidel Castro treo tại một "bodega", cửa hàng phân phối theo tem phiếu của nhà nước ở La Habana, 12/12/2016.
REUTERS/Alexandre Meneghini

Năm 2017, năm cuối cầm quyền của ông Raul Castro dự báo không mấy sáng sủa : kinh tế đang chậm lại, đồng minh quan trọng là Venezuela rơi vào khủng hoảng và Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

Theo các con số chính thức được công bố tuần này, trong năm 2016, tổng sản phẩm nội địa Cuba bị giảm mất 0,9% - lần đầu tiên ở mức báo động kể từ 23 năm qua, chấm dứt đột ngột với mức tăng trưởng 4,4% của năm 2015.

Bộ trưởng Kinh tế Ricardo Cabrisas cảnh báo, tình hình này khiến « Cuba bị kẹt trong một kịch bản khó thể đảo ngược trong ngắn hạn », kèm theo « những hạn chế nghiêm trọng ».

Trên đảo quốc cộng sản, kỷ nguyên Castro đã đến hồi kết : Fidel, cha đẻ cuộc cách mạng Cuba đã qua đời vào tháng 11 ở tuổi 90, và ông em Raul đã báo trước là sẽ rời quyền lực vào năm 2018, nhưng không cho biết gì thêm về người kế nhiệm.

Nhà kinh tế Cuba Pavel Vidal thuộc trường đại học Javeriana ở Colombia nhận định : « Năm cuối cùng ông Raul Castro làm chủ tịch sẽ là một trong những năm khó khăn nhất về mặt chính sách kinh tế, kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2006 ».

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới yếu kém, Cuba còn phải đối phó với những vấn đề của riêng mình.

Đó là thương lượng lại việc trả nợ nước ngoài, tình hình chính trị bất ổn ở Venezuela – đối tác kinh tế chính của Cuba, giá cả cũng như sản lượng đường và nickel – sản phẩm hàng đầu của Cuba bị sụt giảm, các cải cách để xúc tiến đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân quá chậm chạp.

Ông Vidal nhấn mạnh : « Ngoài phương trình phức tạp trên, còn phải kể thêm những bất định về chính sách của chính quyền Trump », sau khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng ngày 20 tháng Giêng tới.

Bởi vì tổng thống tân cử Mỹ có thể ngưng lại, thậm chí còn có khả năng đảo ngược quá trình hai quốc gia cựu thù thời Chiến tranh lạnh xích lại gần nhau hồi cuối năm 2014.

Những quyết định như thế có thể gây hậu quả cả về ngoại giao lẫn kinh tế - như cơ hội kinh doanh không chỉ trong lãnh vực du lịch, hoạt động chính của Cuba.

Trò chơi ru-lét Nga

Về phía chính quyền Cuba dự báo sự phục hồi từ năm 2017, với tỉ lệ tăng trưởng 2% dựa trên hy vọng « tình hình kinh tế Venezuela sẽ được cải thiện sau khi giá dầu gần đây đã tăng lên » - theo bộ trưởng Kinh tế.

Năm 2016, Venezuela bị rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do giá dầu lửa – nguồn lợi chính của nước này lao dốc, nên phải giảm 40% lượng dầu thô cung ứng cho Cuba, mà trước đây lên đến 100.000 thùng một ngày.
Hậu quả là Cuba phải hạn chế tiêu thụ năng lượng, đồng thời nguồn thu từ dịch vụ y tế cũng giảm đi.

Nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng ít có khả năng các quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEP), trong đó có Venezuela, tôn trọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm kéo giá dầu lên.

Jorge Pinon, chuyên gia về dầu khí Cuba của trường đại học Austin, Texas tuyên bố :
 « Tôi không cho rằng điều này sẽ thành sự thật », vì tiền bán dầu lửa chiếm 70% thu nhập của các thành viên OPEP.
 Đối với ông, việc gắn kết nền kinh tế Cuba với khả năng giá dầu Venezuela sẽ tăng lên, cũng giống như đem tính mạng ra « chơi trò ru-lét Nga ».

Cuba cũng trông mong vào số lượng lớn vốn đầu tư ngoại quốc. Nhưng nạn quan liêu hiện đang ngăn trở nước này đạt đến mục tiêu 2,5 tỉ đô la mỗi năm.
Ngay cả Raul Castro cũng phải bực tức cho biết « không hài lòng về lãnh vực này ».
Ông kêu gọi đẩy nhanh tiến trình, nhưng lại cảnh báo : « Chúng ta sẽ không hướng đến chủ nghĩa tư bản, khả năng này hoàn toàn bị loại trừ ».

Như vậy, việc tái thúc đẩy nền kinh tế Cuba phần lớn sẽ tùy thuộc vào bước tiến của quá trình mở cửa một cách dè dặt trong những năm gần đây của chính quyền.

Nhưng nhiều chuyên gia Cuba, trong đó có nhà kinh tế Carmelo Mesa-Lago của trường đại học Mỹ Pittsburgh, không ít biện pháp cải cách nhằm thổi sức sống vào nền kinh tế Cuba hiện đang dậm chân tại chỗ.
Thậm chí trong một số trường hợp lại còn đi thụt lùi, một sự phản ánh tâm lý nghi kỵ chính sách mở cửa của một bộ phận lãnh đạo cao cấp  thủ cựu.


Switch mode views: