Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Miến Điện : Bầu tổng thống khởi sự ngày 17/03

FAREWELL-PARTY

Nghị sĩ Miến Điện tới dự phiên họp cuối cùng của Quốc Hội mãn nhiệm, Naypyitaw, ngày 29/01/2016
Reuters/CSIS

Mặc dù chiếm được đa số ghế tại lưỡng viện Quốc Hội Miến Điện, đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (LND) của Aung San Suu Kyi chưa cử được ứng viên vào ghế tổng thống.

Hôm nay, 08/02/2016, chủ tịch Thượng Viện thông báo cuộc họp đầu tiên của các ủy ban bầu tân tổng thống sẽ khai mạc vào ngày 17/03/2016.

Cho đến nay, một số thành viên của đảng LND cho biết cuộc bầu tổng thống sẽ diễn ra trong tháng Hai, tuy nhiên, chủ tịch Thượng Viện Mahn Win Khaing Than (người thiểu số Karen, tín đồ Thiên chúa giáo) khẳng định tiến trình bầu cử tổng thống sẽ chỉ được khởi sự từ 17/03/2016, tức hai tuần trước hạn chót, 01/04.

Theo Hiến pháp năm 2008 của Miến Điện, do tập đoàn quân sự thảo ra, tổng thống sẽ do Quốc Hội lưỡng viện bầu ra, với nhiệm kỳ 5 năm.

Có ba ứng cử viên vào chức tổng thống, hai do Hạ Viện và Thượng Viện chỉ định, và một còn lại do các nghị sĩ quân đội, chiếm một phần tư số ghế không qua bầu cử, theo quy định của Hiến pháp.
Hai ứng cử viên không được bầu làm tổng thống sẽ trở thành phó tổng thống.

Đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, với chiến thắng lịch sử ngày 08/11/2015, giành được 80% số ghế trong Quốc Hội, không kể một phần tư số ghế do quân đội kiểm soát. Với đa số này, tổng thống tương lai sẽ là người của đảng LND.

Cũng hôm nay, tướng Tin San Naing, lãnh đạo nhóm nghị sĩ quân đội bác bỏ các tin đồn, theo đó có các đàm phán đang diễn ra nhằm thay đổi điều 59 Hiến Pháp.
Việc bầu tổng thống Miến Điện bị trì hoãn rất có thể là để dành thời gian các đàm phán, chắc chắn sẽ rất cam go, giữa đảng thắng cử và quân đội về thành phần chính phủ mới.

Lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Aung San Suu Kyi không thể ứng cử vào chức tổng thống, theo điều 59 Hiến Pháp, cấm người có chồng hoặc con có quốc tịch nước ngoài.

Theo các nhà phân tích, điều luật này được làm ra để ngăn cản Giải Nobel Hòa bình trở thành nguyên thủ Miến Điện.
Trong khi đó, theo lãnh đạo nhóm nghị sĩ quân đội, điều 59 được đưa vào Hiến Pháp « nhằm bảo vệ người Miến Điện chống xâm lược ».

Switch mode views: