Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chiến hạm 'tàng hình' của Ấn Độ thăm Đà Nẵng

ĐÀ NẴNG (NV) - Một chiến hạm có tên Sahyadri của Hải Quân Ấn Độ vừa cập cảng Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm thành phố này trong bốn ngày, từ mùng 2 đến mùng 5 tháng 10.
Ando-chienham - tanghinh


Chiến hạm Sahyadri thả neo tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. (Hình: VnExpress)

Sahyadri thuộc lớp Shivalik, là một loại chiến hạm đa năng, có thể tàng hình, bắt đầu được Hải Quân Ấn Độ sử dụng từ năm 2012.

Mỗi chiến hạm thuộc lớp Shivalik được trang bị các loại hỏa tiễn hải-hải, hải-không, các loại hải pháo đa tầm và hai trực thăng.

Chuyến thăm Đà Nẵng của chiến hạm Sahyadri được giới thiệu là nhằm siết chặt quan hệ song phương, gia tăng khả năng phối hợp hành động giữa hải quân Ấn và Việt.

Chuyến thăm của chiến hạm INS Sahyadri tới Đà Nẵng nằm trong khuôn khổ triển khai hải quân tới biển Đông và là một phần trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ.
Với chính sách “hướng Đông,” tháng 8 năm ngoái, chiến hạm của Ấn Độ đã ghé thăm Hải Phòng.

Ấn Độ và Việt Nam từng thiết lập cơ chế “Đối thoại an ninh” năm 2003.
Đến 2007 Ấn Độ và Việt Nam thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược.”
Sang 2009, Ấn Độ và Việt Nam thông qua thỏa thuận “hợp tác Quốc Phòng.”

Kể từ khi Trung Quốc đưa ra hàng loạt tuyên bố và thực hiện hàng loạt hành động cho thấy, Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông, quan hệ Ấn-Việt càng thêm khắng khít.

Càng ngày, Trung Quốc càng tỏ ra giận dữ trước việc Ấn Độ bất chấp các khuyến cáo, cảnh báo của mình để Tập Đoàn Dầu Khí của Ấn (ONGC) tiếp tục thăm dò - khai thác dầu khí tại biển Đông.

Cách nay vài ngày, lần đầu tiên, ba ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật, Ấn hội đàm rồi phát hành một thông cáo chung, nhấn mạnh về tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông cả trên biển lẫn trên không, quyền thực hiện các hoạt động thương mại mà không bị cản trở và khẳng định, đó là lý do cả ba quốc gia này cùng quan tâm đến biển Đông.

Sự kiện đó vừa xảy ra bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Theo thông cáo đã được phát hành thì các Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật, Ấn hội đàm nhằm tìm kiếm phương thức gia tăng sự hợp tác giữa ba bên trong việc duy trì an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ngoài mối bận tâm về tình hình biển Đông, các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật, Ấn tái khẳng định, cả ba quốc gia này sẽ hỗ trợ ASEAN chu toàn vai trò điều hòa cấu trúc chính trị đa phương và an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương.

 Hoa Kỳ và Ấn đã mời Nhật tham gia Malabar 2015 - cuộc tập trận do Hoa Kỳ và Ấn tổ chức.
Ngay sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng tuyên bố, không quốc gia nào được quyền thăm dò - khai dầu khí tại những khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc tại biển Đông nếu không được Trung Quốc cho phép.

Trung Quốc nhấn mạnh rằng các cơ chế hiện có đang vận hành tốt để kiềm chế xung đột tại biển Đông và sẽ không cho phép các quốc gia bên ngoài khu vực Đông Nam Á can thiệp vào vấn đề biển Đông.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách “5 kiên trì”: Kiên trì duy trì hòa bình và sự ổn định tại biển Đông. Kiên trì dựa vào luật pháp quốc tế, tôn trọng chứng cứ lịch sử, thực hiện các cuộc đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp với các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền tại biển Đông với Trung Quốc.
Kiên trì kiểm soát tranh chấp. Kiên trì gìn giữ tự do hàng không-hàng hải. Kiên trì thực hiện chính sách cùng có lợi thông qua hợp tác.

Ấn Độ là một trong những quốc gia hiếm hoi không màng tới các tuyên bố và chỉ trích cả trực diện lẫn khiếm danh của Trung Quốc.
Ấn Độ đã vài lần xác định, việc ONGC tiếp tục thực hiện các hợp đồng thăm dò-khai thác dầu khí với Việt Nam là “lợi ích chiến lược” của quốc gia này. (G.Đ)

Switch mode views: