Việt Nam, thời bao cấp trong mắt một nhà báo Pháp
- Thứ Sáu, 12 tháng Sáu năm 2015 18:09
- Tác Giả: Thu Hằng
Hà Nội, năm 1982 - ảnh của nhà báo Michel Blanchard (DR)
15 năm sau khi hai miền thống nhất, Việt Nam phải chịu lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và đồng minh.
Trong giai đoạn này, rất ít người nước ngoài được phép sống tại đây, chủ yếu là các nhà ngoại giao, một số nhà báo và nhà hoạt động thiện nguyện của các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa.
Là nhà báo làm việc tại AFP từ năm 1976 tới năm 2006, Michel Blanchard được cử làm trưởng văn phòng của AFP tại Hà Nội trong vòng hai năm, từ 1981 đến 1983.
Trong giai đoạn này, AFP cơ quan thông tấn duy nhất không thuộc khối xã hội chủ nghĩa có mặt và đưa tin về ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Hết nhiệm kỳ, ông còn thường xuyên quay lại Việt Nam trong vòng 10 năm.
Trong suốt thập niên 1980, cuộc sống tại Hà Nội rất khó khăn, thiếu thốn mọi phương tiện vật chất.
Kỷ niệm cuộc sống hàng ngày trong giai đoạn trước khi thành phố chuyển mình được ông trưng bày trong cuộc triển lãm nhiếp ảnh « Việt Nam, Lào, Campuchia: trước thời kỳ mở cửa » diễn ra tại Nhà Đông Dương (Maison de l’Indochine), từ ngày 25/05 đến ngày 12/09/2015.
Hình ảnh người thợ sửa xe đạp, với khách hàng là một thiếu nữ mặc quân phục cùng với chiếc mũ cối chống cằm ngồi chờ, được ông ghi lại thật bình dị và tự nhiên.
Thời kỳ đó, chiếc xe đạp là tài sản quý giá nhất trong nhà và người thợ sửa xe đạp là khuôn mặt không thể thiếu trong xã hội.
Trong một tấm hình khác, là hình ảnh xã viên của một hợp tác xã nông nghiệp đang làm việc ngoài đồng theo chương trình khoán 10.
Tác giả không quên chụp những tấm panô cổ động, hình ảnh phiên khai mạc « Đại hội đại biểu lần thứ 5 của Đảng Cộng Sản Việt Nam » diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/03/1982 tại Hà Nội.
Ngoài ra, còn có rất nhiều ảnh chụp phong cảnh Hà Nội và miền Bắc, hay vịnh Hạ Long mà sau khi chiêm ngưỡng, người xem muốn được trở lại thời kỳ cảnh vật còn giữ được nét hoang sơ, trong lành, không có nhiều nhà cao tầng như ngày nay.
Cuộc sống của một nhà báo nước ngoài tại Hà Nội
« Trong một thời gian dài, tôi được hưởng theo hệ thống sứ quán, vì tôi là một trong số ít các nhà báo có tiếng và giữ được mối quan hệ tốt đẹp vào thời kỳ đó.
Tôi được gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng hai hay ba lần. Tôi đã viết một bài phỏng vấn và được đăng trên báo Nhân Dân.
Tuy nhiên, sau này tôi cũng không lấy làm tự hào vì buổi phỏng vấn đó đã được chuẩn bị sẵn với các câu hỏi viết trước và câu trả lời bằng văn bản.
Dĩ nhiên, nếu được làm lại, tôi sẽ không theo cách đó, vì ngôn từ đã được chuẩn bị trước và sáo rỗng.
Ngay cả khi tôi rời chức vụ trưởng văn phòng đại diện, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đưa ra chỉ thị để tôi có thể quay lại Việt Nam khi tôi muốn, vì ông hiểu rằng tôi sẽ không làm việc gì sai trái.
Khi tới Việt Nam, người nước ngoài phải trải qua một giai đoạn thử thách. Chính quyền theo dõi họ là người như thế nào, có đáng tin tưởng hay không. Đó là điều bình thường.
Với tôi, thời hạn thử thách này chưa tới 6 tháng, vì tôi được phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng khoảng 7 tháng sau khi tới Hà Nội.
Tôi nhanh chóng hiểu rằng mối quan hệ công việc không hề dễ dàng chút nào vì có rất nhiều quy tắc và thủ tục phức tạp.
Sau đó, tôi được giới thiệu với nhân viên Sứ quán Pháp và các sứ quán khác. Có một cộng đồng người nước ngoài rất tử tế sống và làm việc tại đây ».
Tại « Đại hội đại biểu lần thứ 5 của Đảng Cộng Sản Việt Nam », Michel Blanchard cũng có mặt. Đây là lần đầu tiên, một nhà báo nước ngoài không thuộc đảng Cộng sản được tham dự buổi lễ khai mạc.
Dĩ nhiên là có các nhà báo khác làm việc cho các cơ quan báo chí Cộng sản, như báo l’Humanité (“Nhân đạo”, nhật báo của đảng Cộng sản Pháp), tờ Granma (nhật báo của đảng Cộng sản Cuba), hay một số quốc gia xã hội chủ nghĩa khác ».
« Các bài báo của tôi không bị kiểm duyệt. Tôi không bị bắt trình các bài viết của mình trước khi gửi đi Paris. Tôi gửi trực tiếp qua điện báo (telex) và giữ một bản phụ.
Cứ hai hoặc ba ngày sau, tài xế của tôi mang tới phòng Báo chí của Bộ Ngoại giao.
Bài báo gốc của tôi có thể sẽ bị AFP tại Paris chỉnh sửa rồi gửi lại cho tôi, đồng thời gửi cho khách hàng của hãng.
Hãng tin Việt Nam, VNA, cũng là một trong những khách hàng của AFP. Dù sao họ cũng biết được những gì tôi đã viết và có thể đối chiếu với bản gốc mà tôi nộp.
Nếu tôi viết bài không đúng sự thật, chắc chắn tôi đã gặp rắc rối và đã bị trục xuất ».
Cuộc sống người Hà Nội trong thời bao cấp
Tới Hà Nội vào tháng 06 năm 1981, đúng vào mùa hè, trời oi bức, nhưng ấn tượng đầu tiên của nhà báo Pháp là thành phố thanh bình và rất đẹp.
« Tôi cũng thấy là đất nước thiếu thốn rất nhiều và nghèo. Ngay cả chúng tôi cũng chịu cảnh mất điện, hỏng điện thoại, hỏng máy điện báo.
Đấy là chúng tôi đã được ưu tiên rất nhiều. Giống như các bệnh viện, chúng tôi có đường điện trực tiếp nhờ một máy phát.
Rất nhiều lần cả khu phố chìm trong bóng tối, riêng chúng tôi vẫn có điện.
Tôi còn nhớ thời đó, tôi hay đạp xe đi dạo sau giờ làm. Buổi tối ở Hà Nội yên lặng đến nỗi tôi nghe thấy tiếng đạp xe lạch cạch, vì mọi người đều đi ngủ sớm.
Ở một số ngã tư, tôi thường thấy một số thanh niên mang sách ra đọc dưới cột đèn ở giữa ngã tư đường, vì nhà không có điện.
Buổi tối không có phương tiện đi lại nên họ cũng không sợ bị tại nạn hay trấn lột ».
Trong thời kỳ đó, Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tổ chức thiện nguyện Pháp hợp tác với Việt Nam.
Họ tới giúp đỡ về vật chất và chuyên môn các ca phẫu thuật tim mạch tại Hà Nội. Ở đây có nhiều bác sĩ có tay nghề cao song vô cùng thiếu thốn trang thiết bị y tế.
« Người Việt không được phép nói chuyện với người nước ngoài. Chính vì thế nên tôi không dám bắt chuyện với họ ở ngoài đường, ít nhất là trong vòng hai năm công tác tại Hà Nội.
Với hàng xóm, tôi ra hiệu chào họ, hay cười với họ, nhưng thực ra, tôi cũng không được phép làm như vậy, nếu không, họ sẽ gặp rắc rối với cảnh sát.
Tôi còn nhớ là lúc tôi tới Hà Nội được khoảng 15 ngày, tôi làm việc với một phụ nữ tại Bộ Ngoại giao, phòng Báo chí. Trong công việc, chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau, nhưng khi gặp nhau ngoài đường, cô ấy nói nhanh với tôi : « Chúng ta không được phép nói chuyện với nhau ! ».
Thời kỳ này bắt đầu có một số phòng tranh tư nhân. Nhưng chính quyền không thích lắm. Họ vẫn có chút ngờ vực đối với giới nghệ sĩ và các nhà trí thức.
Nhưng tôi lại có thể nói chuyện với một số nghệ sĩ, vì ít nhất, không có ai theo dõi trong phòng tranh của họ.
Tuy nhiên, những nghệ sĩ này cũng rất cẩn trọng. Chúng tôi không nói chuyện chính trị, mà chỉ nói về công việc hay cuộc sống của họ. Nhưng thế cũng đã hay lắm rồi.
Bên cạnh đó còn có các loại hình văn hóa chính thức với các tổ chức đoàn hội, như Hội Nhà văn, Hội Phụ nữ, Hội Nhà báo, hay với những nhà thơ chính thức, như Tố Hữu thời kỳ đó.
Thế nhưng, có rất ít các hoạt động văn hóa quần chúng. Người dân thường đi dạo trong công viên Lenin hay đi thuyền trên hồ Tây. Không có nhiều trò tiêu khiển nhưng con người sống vẫn vui vẻ.
Tình hình tại Sài Gòn và Hà Nội khác nhau. Sài Gòn mở cửa hơn và cuộc sống dễ dàng hơn nên người dân ít lo toan hơn.
Áp lực của cảnh sát cũng không nặng nề như ngoài Bắc. Người nước ngoài có thể nói chuyện và bông đùa một chút với họ.
Nhưng vì người dân Sài Gòn đã từng sống dưới một chế độ dễ dãi hơn, nên họ vẫn than phiền rất nhiều ».
Kỷ niệm thời tem phiếu
Khi được bổ nhiệm làm trưởng văn phòng AFP tại Hà Nội, nhiều đồng nghiệp của Michel Blanchard cho ông rất nhiều lời khuyên và chia sẻ kinh nghiệm.
Không ai trong AFP muốn giữ chức vụ này, vì họ biết điều kiện làm việc khó khăn và cuộc sống thiếu thốn tại Hà Nội. Chính vì thế, trong hành lý tới Hà Nội, Michel Blanchard mang theo khoảng 100 lít rượu vang, vì lo ở nơi làm việc mới không có.
Ông cần chúng để tổ chức các buổi lễ nhỏ nhằm tạo quan hệ và vì đơn giản, để đỡ nhớ quê nhà.
Ông cho biết nhiều nhà ngoại giao cũng làm như vậy. Thậm chí, sau này, để công việc không bị ngắt quãng vì mất điện, ông còn đặt mua riêng một máy phát điện từ Hồng Kông.
Trong khi đó, người Hà Nội sử dụng tem phiếu để đổi lấy những nhu yếu phẩm, như gạo, thịt, sữa, đường, vải, dầu hoả… Thế nhưng, tình trạng thiếu hàng hoá và hàng kém chất lượng vẫn liên tục diễn ra.
Chuyện ăn cơm trộn đường hay cơm độn ngô, sắn hay hạt bo bo không có gì xa lạ.
Người dân Hà Nội phải xếp hàng từ sáng sớm để mong mua được những mặt hàng cần thiết.
Họ ra “đặt gạch” hay xếp can đựng xăng dầu sau đó về nhà ngủ tiếp hoặc chờ đến gần giờ cửa hàng quốc doanh mở cửa thì quay lại.
Nhiều khi tới lượt nhưng hết hàng nên tay trắng đi về.
« Có hai hệ thống : hệ thống thị trường nhà nước với tem phiếu và các cửa hàng quốc doanh nhưng không có nhiều mặt hàng. Trước tiên, người Việt tới các cửa hàng quốc doanh, nơi họ có thể mua gạo, mua đường…
Tôi đã đi khảo sát và viết một số bài báo về các cửa hàng như vậy. Còn những người Việt có một chút tiền thì sẽ mua một số mặt hàng trên thị trường tự do.
Một số người gọi là « chợ đen », nhưng thực ra, các chợ này được chính quyền « nhắm mắt cho qua », như chợ Đồng Xuân và chợ Hôm.
Nhiều nông dân tới bán nông phẩm tại đây. Nhưng khó khăn ở chỗ, với nhiều người, giá « chợ đen » quá đắt đỏ.
Nhưng những gì họ được phân phối chỉ kéo dài vài ngày. Cuối tháng, họ phải tự xoay sở trong khả năng của mình, đi vay mượn hàng xóm, mua ngoài chợ tự do, hay một số gia đình trồng thêm rau trong vườn hoặc ngoài ban công.
Cuộc sống thời đó công bằng, không có chênh lệch giàu nghèo, nhưng vô cùng khó khăn.
Với những người nước ngoài, chúng tôi có quyền mua đồ tại một cửa hàng quốc doanh có tên « Intershop » (Intimex hiện nay), chỉ giành riêng cho người nước ngoài và nhân viên ngoại giao.
Vì tôi là nhà báo thường trú nên tôi được quyền như những nhà ngoại giao. Thế nhưng, ở cửa hàng này, chỉ có thức ăn đóng hộp, một chút rượu vang, pho mát…. Nhưng không thể đủ được.
Giống như những người nước ngoài tại Hà Nội, tôi có đầu bếp riêng. Tôi đưa tiền cho anh bếp đi mua thức ăn ở các chợ đen, như thịt, rau hay hoa quả. Dù sao thì chúng tôi cũng được ưu đãi nhưng điều kiện sống vẫn rất khó khăn ».
Michel Blanchard tiếc là cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thay đổi quá nhanh, ồn ào hơn và ô nhiễm hơn.
Ông mong muốn những bức hình trưng bày tại triển lãm sẽ thu hút người Việt. Song ông không dấu e ngại rằng chỉ những người cao tuổi, còn chút hoài niệm, mới quan tâm tới chúng.
Vì giới trẻ ngày nay chẳng bận tâm tới những gì diễn ra thời kỳ đó. Những gì họ quan tâm hiện nay là tiêu thụ, tận hưởng cuộc sống, hoặc cũng có thể vì họ xấu hổ, hay vì đó là giai đoạn đói nghèo mà họ muốn quên đi.
Thông điệp của cuộc triển lãm không mang tính « hoài cổ », mà đem lại cho người xem những hình ảnh về cuộc sống thực tại Việt Nam trong những năm 1980, trước thời kỳ mở cửa.
Tin mới
- Trung Quốc xác nhận thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh mới - 14/06/2015 23:36
- Tin tặc Trung Quốc đánh cắp các dữ liệu nhạy cảm của Hoa Kỳ - 13/06/2015 17:03
- Gần 5 triệu trẻ em Ấn Độ lao động dưới 14 tuổi - 13/06/2015 16:41
- Palau đốt hủy 4 tàu cá Việt Nam để cảnh cáo nạn đánh bắt trái phép - 13/06/2015 16:32
- Tên lửa K-300P của Việt Nam đủ sức bắn tới đảo Hải Nam - 13/06/2015 16:08
- Hơn 50 ngàn phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc để ‘đổi đời’ - 13/06/2015 05:59
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngưng xây đảo nhân tạo - 13/06/2015 05:43
- Đại hội thể thao Châu Âu : Azerbaijan bị giới bảo vệ nhân quyền lên án - 13/06/2015 05:35
- Syria : Quân nổi dậy tấn công một sân bay chiến lược tại miền nam - 12/06/2015 21:26
- Đàm phán hạt nhân bị nghe lén, Áo và Thụy Sĩ mở điều tra - 12/06/2015 18:23
Các tin khác
- Nhà thờ Đức Bà trùng tu sau 140 năm - 12/06/2015 15:32
- Sắp có Viagra dành cho các bà! Các ông nên mừng hay… lo? - 12/06/2015 00:31
- Người Việt đầu tiên giành giải Oscar ! - 12/06/2015 00:22
- Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Hà nội đòi 1 tỷ USD - 12/06/2015 00:11
- Hoa Kỳ hướng tới việc quy định hạn chế phát thải khí CO2 - 11/06/2015 20:18
- Mỹ gửi thêm 450 quân nhân tới Irak - 11/06/2015 19:57
- Hải quân và không quân Trung Quốc lại phối hợp tập trận trên biển - 11/06/2015 19:35
- Lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc tiếp Ban Thiền Lạt Ma - 11/06/2015 19:26
- Gái mại dâm Trung Quốc tại Paris : Sợ cảnh sát nhưng muốn đòi quyền lợi - 11/06/2015 05:00
- Ấn Độ tấn công lực lượng nổi dậy trên đất Miến Điện - 11/06/2015 04:09