Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vụ kiện Biển Đông : Việt Nam bác bỏ toàn bộ luận điểm của Trung Quốc

chuyencailuoibo



Bản đồ yêu sách chủ quyền (đường chấm đỏ) của Trung Quốc tại Biển Đông

Trong một động thái sẽ làm Trung Quốc giận dữ, Việt Nam hôm qua 11/12/2014 cho biết là đã chính thức lên tiếng về vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông do Philippines khởi xướng trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (ITLOS).

Dù không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng Hà Nội được cho là đã phản bác tất cả các luận điểm của Bắc Kinh về vụ kiện này.

Phía Việt Nam chưa tiết lộ gì nhiều về văn kiện gởi đến tòa án, nhưng nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra hôm nay tiết lộ rằng Việt Nam đã gửi một bản báo cáo đó vào thứ sáu 05/12/2014, trong đó nêu lên ba điểm phản bác rõ rệt các lập trường về vụ kiện Trọng tài Biển Đông mà Trung Quốc công bố ngày 07/12.

Điểm đầu tiên, là Việt Nam công nhận thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý đơn kiện của Philippines, đối lập trực tiếp với quan điểm của Trung Quốc theo đó Tòa án Trọng tài không có quyền thụ lý hồ sơ Biển Đông.

Điểm thứ hai là Việt Nam yêu cầu Tòa án, khi xem xét đơn kiện Trung Quốc của Philippines, nên "quan tâm thích đáng" đến quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại các vùng Hoàng Sa, Trường Sa, và trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Điểm cuối cùng, là Việt Nam phản bác toàn bộ Đường chín đoạn - cơ sở các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, cho đấy là một điều không có cơ sở pháp lý.

Theo giới quan sát, khi chính thức tuyên bố lập trường trên vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, Việt Nam vừa tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình, vừa tấn công vào các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Không trực tiếp kiện nhưng sẽ tham gia vụ kiện

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, đã nêu bật một ý nghĩa quan trọng trong động thái của Việt Nam : đó là mở đường tham gia vụ kiện của Philippines dù không trực tiếp đứng ra kiện Trung Quốc.

"Khi bày tỏ mối quan tâm của mình trong trường hợp này, Việt Nam không tham gia cùng Philippines vào vụ kiện Trung Quốc.
Tuy nhiên, bản tuyên bố của Việt Nam sẽ được các thẩm phán của Toà án ghi nhận trong vụ xét xử kiện tụng giữa Trung Quốc và Philippines.
Điều này sẽ có tác dụng nâng cao – tuy chỉ là một chút – tầm quan trọng của vụ kiện.

Nói một cách khác, cho dù vụ kiện chỉ là một vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng việc phân xử của các thẩm phán sẽ phải tính tới các lợi ích của các bên khác có thể bị phán quyết ảnh hưởng.

Rất có thể là với việc gửi bản tuyên bố về các quyền tới Tòa án Trọng tài, Việt Nam sẽ được mời đến trình bày các quyền và lợi ích của mình. Có thể nói, Việt Nam tiến hành kiện tụng "qua cửa hậu".

Đây cũng là ý kiến của giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ. Đối với giáo sư Long, việc Việt Nam công bố lập trưởng trên vụ kiện là một động thái cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc kiện Trung Quốc trong tương lai, nhất là "trong bối cảnh Việt Nam là nước bị thiệt hại nhất vì “đường lưỡi bò” (mà vụ kiện của Philippines chủ yếu là về đòi hỏi phi lý và phi pháp này của Trung Quốc), cũng như những hành động xâm chiếm khác của Trung Quốc."

Theo giáo sư Long : "Nếu Việt Nam đã không lên tiếng khẳng định quyền lợi tại Biển Đông khi Trung Quốc đưa ra công bố chính thức về vụ kiện của Philippines, cũng như trước thời hạn hết được nộp ý kiến, thì Việt Nam đã bỏ đi một cơ hội rất lớn để bảo vệ quyền lợi của chính mình."

Tóm lại, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc hiện nay, Việt Nam đã tiến thêm một bước trong việc ủng hộ Manila một cách cụ thể, và đã không ngần ngại đương cự lại Bắc Kinh.

Giới phân tích đang chờ đợi xem Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao. Câu trả lời có thể sẽ được thấy vào bước đầu tại một Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc với các nước lưu vực sông Mêkông, sẽ mở ra vào tuần tới tại Bangkok, với sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Switch mode views: