Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ - Trung căng thẳng vì vụ gián điệp kinh tế


WASHINGTON(AP) - Bằng một hành động chưa từng có từ trước đến nay, chính phủ Hoa Kỳ vừa truy tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc về tội xâm nhập hệ thống điện tử để đánh cắp bí mật thương mai của các công ty tư nhân.

Cyber-Spying


Từ trái sang phải: Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder, Biện Lý Western District of Pennsylvania David Hockton, Thứ Trưởng Tư Pháp về An Ninh Quốc Gia John Carlin, trong buổi họp báo hôm Thứ Hai 19/5 về vụ truy tố 5 nhân viên quân sự Trung Quốc tội do thám điện tử đánh cắp thông tin kinh tế. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

 

Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng phản đối và người ta tin rằng vụ này sẽ còn là một sự đối đầu căng thẳng trong mối quan hệ vốn vẫn có nhiều va chạm giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Điểm quan trọng nhất cần hiểu trong chuyện này là vấn đề do thám vì an ninh quốc gia và do thám kinh tế.
 Do thám về an ninh quốc gia là công việc mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều làm.

 Năm ngoái trong vụ gián điệp Edward Snowden tiết lộ hoạt động của NSA, Tổng Thống Obama đã từng có lần nói huỵch toẹt rằng nếu không do thám thì các cơ quan tình báo dùng để làm cái gì?

Nhưng theo quan niệm của Hoa Kỳ thì có sự khác biệt về do thám trong lãnh vực an ninh và do thám kinh tế.

Bộ Trưởng Tư Pháp Eric J. Holder Junior sáng Thứ Hai tái xác định điều này khi loan báo truy tồ các nhân viên Đơn Vị 61398, bí số của tổ chức bí mật trong Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc chuyên về hoạt động do thám điện tử.

Sau khi khẳng định là “chúng ta không do thám cho các công ty xí nghiệp Mỹ”, ông tuyên bố: “Vụ xâm nhập điện tử đánh cắp thông tin được thực hiện không ngoài mục đích kiếm lợi cho các công ty quốc doanh và những giới đặc lợi khác ở Trung Quốc trong khi gây tổn hại cho các công ty Hoa Kỳ”.

Theo lời ông: “Đây là một chiến thuật mà chính phủ Hoa Kỳ dứt khoát phản đối.
Như Tổng Thống Obama đã nói nhiều lần, chúng ta không thu thập tình báo để giúp cho các công ty Mỹ có lợi thế trong sự cạnh tranh hay cho khu vực thương mại của Hoa Kỳ”

Nhiều quốc gia, trong số có Trung Quốc, hay cả Pháp,  không chấp nhận quan niệm này và trong thực tế rất khó phân định một làn ranh giữa hai lãnh vực.

Hoạt động của Đơn Vị 61398, như những bằng chứng đã được công bố năm ngoái, không chỉ nhắm vào các công ty Mỹ trực tiếp cạnh tranh với các công ty quốc doanh vẫn tài trợ cho Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân và thường cũng có liên quan đến túi tiền riêng của các giới lãnh đạo.

Mục tiêu nhắm tới của Đơn Vị 61398 còn có Ngũ Giác Đài, công ty chế tạo máy bay chiến đấu F-35, Hội Đồng Bang Giao Quốc Ngoại, nhật báo New York Times và nhiều cơ quan tổ chức khác nữa.

Nhưng đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đã công bố bằng chứng chính quyền Trung Quốc do thám thâu thập thông tin của các công ty Hoa Kỳ để kiếm lợi thế kinh tế.

Ngược lại, người ta cũng thấy rằng dù là gián tiếp hay không cố ý, hoạt động của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cũng có khi phục vụ cho những lợi ích tương tự của quốc gia mình.

Ranh giới không rõ rệt một phần là vì trong nền kinh tế, Hoa Kỳ không có các công ty quốc doanh, và do đó có việc các cơ quan tình báo d thám công ty nước ngoài để cung cấp thông tin cho các công ty tư nhân Mỹ.

Sáu công ty Mỹ bị 'Đơn Vị 61398' do thám đánh cắp thông tin,  là những hãng đứng hàng đầu trong ngành kỹ thuật năng lượng nguyên tử, ánh sáng mặt trời, luyên kim.

 Đánh cắp thông tin kỹ thuật có thể giúp cho các hãng Trung Quốc phát triển nhanh và giảm chi phí. Chẳng hạn  Westinghouse đã tốn tiền một số tiền lớn và mất nhiều năm để chế tạo những ống dẫn đặc biệt cho lò phản ứng hạt nhân AP 1000 dùng hệ thống làm nguội bằng nước dưới áp suất.

Kỹ nghệ Trung Quốc không phải trả đồng nào cho những nghiên cứu thất bại vô kết quả.

Sử dụng kỹ thuật lấy được của SolarWorld, các hãng Trung Quốc trong ngành năng lượng  mặt trời đã tung ra tràn ngập thị trường thế giới những tấm bảng thu ánh sáng mặt trời với giá rẻ.

Solar World đưa ra một thông cáo cám ơn chính quyền liên bang và cho biết thêm rẳng hàng chục công ty Hoa Kỳ đã phải đóng cửa và hàng ngàn công nhân mất việc làm vì sự cạnh tranh bất` công này.

Hoa Kỳ đã từng truy tố hình sự các cá nhân về tội gián điệp kinh tế, nhưng đây là lần đầu tiên truy tố các nhân viên của một cơ quan nhà nước ở ngoại quốc chưa bao giờ đặt chân lên đất Mỹ.

Trong thực tế có lẽ không bao giờ các nghi can này sẽ ra trước tòa án tại Hoa Kỳ.

Trung Quốc và Hoa Kỳ không có hiệp ước dẫn độ. Nhưng chừng nào lệnh tầm nã và yêu cầu dẫn độ – trên nguyên tắc -  còn hiệu lực, thì Trung Quốc vẫn còn ở tình trạng bị truy tố.
Đó là một trục trặc về tâm lý và ngoại giao trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Một chi tiết nên lưu ý là nếu 5 nghi can đị ra ngoài Trung Quốc tới một nước có  hiệp ước dẫn độ với Hoa Kỳ thì có thể bị bắt trao cho Hoa Kỳ.
Các quan sát viên tin rằng để trả đũa, Trung Quốc cũng sẽ tìm những bằng cớ  tố giác Hoa Kỳ xâm nhập vào hệ thống điện toán của họ và có lẽ điều này không khó khăn lắm.
Thêm nữa, một số viên chức công ty Hoa Kỳ nếu đến Trung Quốc có thể gặp khó khăn, phiền phức thâm chí bị bắt giữ.

Sự việc này xảy ra đúng vào thời điểm Tổng Thống Vladimir Putin tới Thượng Hải. Nga và Trung Quốc đang tìm sự quan hệ chặt chẽ hơn.

Hy vọng của Hoa kỳ về  sự ủng hộ của hai nước trong một loạt các vấn đề quốc tế, từ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tới Iran, Syria, Bắc Hàn, coi như viễn tượng xa vời,  và thế giới có vẻ trở lại thời kỳ có nhiều quan hệ không êm ả như Chiến Tranh Lạnh.  (HC)

Switch mode views: