Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điễm báo pháp quốc ngày 14-03-2014

 Cái giá mà Nga phải trả nếu thôn tính Crimée

UKRAINE-CRISIS tragia



Căng biểu ngữ kêu gọi người dân tham gia trưng cầu dân ý bỏ phiếu sáp nhập Crimée vào Nga tại Simferopol, ngày 11/3/2014
Reuters/Thomas Peter


Dù tựa trang nhất các báo Pháp đều dành cho những chủ đề khá khác nhau, nhưng hồ sơ được theo dõi nhất hôm 14/03/2014 vẫn là Ukraina, với vùng Crimée sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào Chủ nhật 16/03 về việc sát nhập vào Nga hay ở lại Ukraina.

Các báo đều thiên về giả thuyết Ukraina sẽ mất Crimée, nhưng cái giá mà Mátxcơva phải trả sẽ rất cao, đặc biệt về kinh tế.

Le Monde ở trang quốc tế ghi nhận : « Washington phô trương hậu thuẫn cho Ukraina, nhưng nghĩ là Crimée kể như đã mất ».

Le Monde cũng trở lại điểm mà tờ báo cho là thất bại của Đức trong vai trò trung gian thuyết phục Matxcơva.

Cho đến gần đây trong lúc Washington luôn nói đến trừng phạt, thì Berlin đưa ra chủ trương ‘đối thoại’, nhưng cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ở Crimée đã thay đổi ván bài.

Cho dù biết rõ Tổng thống Nga Putin nhưng bà Thủ tướng Đức Merkel đã không ảnh hưởng gì được, và cũng không lường trước được phản ứng của chủ nhân điện Kremly. Phát biểu hôm qua, 13/03, trước Quốc hội Đức, bà Merkel đã nói đến việc ‘thôn tính’ Crimée, và cũng gợi lên trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Để minh họa cho hố đang sâu thêm giữa hai bên, Le Monde trích lời một nhà ngoại giao Đức cho là với những gì đang xẩy ra cho thấy họ có « ngay trước cửa một nước xa lạ (với họ) không kém gì Ả Rập Xê Út ».

Báo kinh tế Les Echos, dành một tựa trang đầu và nguyên một trang quốc tế, điểm qua những nét chính : « Nga triển khai quân đội chung quanh Ukraina », trong khi « Kerry và Lavrov cố gắng thương lượng ở Luân Đôn ».

Tờ báo đồng thời nêu bật vai trò của Đức : « Bà Merkel ở tuyến đầu trực diện với Nga ».

Les Echos cũng nhắc lại như các đồng nghiệp thái độ cứng rắn hẳn lên của Thủ tướng Đức hôm qua, cảnh cáo Nga là nếu Putin tiếp tục chính sách hiện nay thì đó cũng sẽ là một « thảm họa » đối với Nga : Tác hại lớn lao về kinh tế cũng như chính trị.

Giá của Crimée : 20 tỷ euro

Trên bình diện này, Le Figaro nhìn thấy hành động sát nhập Crimée vào Nga rất tốn kém đối với Nga.

Theo các chuyên gia, trong trung hạn cái giá của hành động trên là gần 20 tỷ euro.

Le Figaro trích những tuyên bố đưa trên truyền hình Nga, nhiều người tỏ ra hào phóng, đoàn kết với người dân Crimée, mở hầu bao trợ giúp một khi sát nhập. Như thành phố Matxcơva cho biết là sẽ cấp 5000 rúp cho mỗi cựu chiến binh Thế chiến Thứ hai.

Nhưng nhìn vào thực trạng kinh tế, với xã hội của Crimée còn rất nghèo, Le Figaro không biết nhiệt tình này kéo dài đến bao giờ.

Tờ báo nêu một vài ví dụ : Matxcơva sẽ phải tài trợ hưu bổng cho những người về hưu ở Crimée mà tỷ lệ trong dân chúng cao hơn 17 điểm so với Nga, và tiền hưu lại vào hạng thấp nhất, thấp hơn cả cộng hòa nghèo Daguestan.

Tiền lương tháng trung bình ở Crimée (250 euro), thấp hơn cả các cộng hòa nghèo của Liên bang Nga, do đó không tránh khỏi một sự di dân ồ ạt từ Crimée đến lãnh thổ Nga hiện tại.

Mặt khác Nga còn phải bỏ tiền xây dựng lại hạ tầng cơ sở của Crimée.

Về năng lượng, khí đốt, dầu hỏa sẽ phải chuyển đến bằng đường biển tốn kém hơn nhiều so với hiện nay khi đi qua ngả Ukraina.

Theo ước tính các chuyên gia, như nói ở trên, Nga sẽ tốn kém gần 20 tỷ euro trong trung hạn. Vào lúc tình hình kinh tế Nga không mấy tốt đẹp, ngân sách chính phủ khó khăn, Ngân hàng Trung ương Nga lại phải chi hàng tỷ đô la để hổ trợ đồng rúp trong những lúc căng thẳng chính trị cực độ, nhiều người tự hỏi Nga có thể gánh vác như thế nào.

Le Figaro trích lời ông Alexei Portanski, giáo sư kinh tế ở Matxcơva : « Người ta khó mà nghĩ chính phủ Nga sẽ đi đến cùng. Đây là điều khó tưởng tượng được ».

Năm giả thuyết về vụ phi cơ Malaysia mất tích

Trên trang nhất hôm nay, La Croix chú ý đến số phận « người dân Syria bị nghiền nát sau 3 năm chiến tranh », Libération thì bực tức trước nạn ô nhiễm ở Pháp, mà theo tờ báo đang bị « hun khói ».

Riêng Le Figaro thắc mắc trước các « bí ẩn của chuyến bay MH370 (của Malaysia Airlines) đến Bắc Kinh », tít lớn trang nhất. Tờ báo trở lại sự kiện chiếc Boeing của Malaysia Airlines mất tích một cách bí hiểm cách nay một tuần lề - rạng sáng thứ 7, tuần qua.

Công cuộc tìm kiếm không có kết quả gì cả dù cả Châu Á đã huy động lực lượng.

Le Figaro nêu lại 5 giả thuyết có thể giải thích sư cố : Máy bay bị không tặc ; tình trạng rạn nứt làm nổ tung máy bay ; phi cơ bị trúng hỏa tiễn, như trường hợp máy bay Hàn Quốc năm 1983 ; một phi công tự vẫn, như chuyến bay Egyptair ngày 31/10/1999, bị rơi xuống Đại Tây Dương với 217 người ; hỏa hoạn trên máy bay.

Trong các giả thuyết trên, thì hỏa hoạn là một yếu tố mà các chuyên gia giữ lại, một phi công tự tử cũng là một khả năng, còn không tặc có lẽ khó hơn, và đến giờ chưa có ai lên tiếng tự nhận là tác giả.

Tờ báo cũng điểm lại những vụ máy bay mất tích kỳ bí, không tìm ra được phi cơ lẫn người.

Theo Le Figaro, đấy là những vụ thường xẩy ra trong những thập niên đầu trong ngành hàng không, nhiều phi công biến mất, không thấy dấu tích, nhưng những vụ biến mất này đã trở nên vô cùng hiếm hoi từ 2 thập niên trở lại đây, và chưa bao giờ với số người quan trọng như trên chuyến bay MH370.

Le Figaro nhắc lại trước vụ chiếc máy bay của Malaysia Airlines, thì cũng có một vụ mất tích kỳ bí, đó là vào năm 2003, tại phi trường Luanda, Angola.

Nhân viên trung tâm Kiểm soat không luu tận mắt thấy một chiếc Boeing 727, bị giữ lại tại sân bay hơn 14 tháng do vấn đề tài chính, đột nhiên chạy trên phi đạo và cất cánh bất chấp lệnh của đài kiểm soát. Máy bay biến mất cho dù Hoa Kỳ huy động lực lượng tìm kiếm khắp châu Phi.

Một trường hợp khác được Le Figaro nhắc lại là chuyến bay 739 của Flying Tiger Line mà quân đội Mỹ thuê bao năm 1962 để lính Mỹ từ California đến Sài Gòn.

Sau tín hiệu radio cuối cùng gởi đi sau khi cất cánh từ đảo Guam, chiếc Super Constellation với số 107 người trên đó, trên đường đến Philippines, đã bỗng dưng biến mất, chưa bao giờ được tìm thấy mặc dù quân đội Mỹ không tiếc sức tìm kiếm trong cả vùng.

Hoạt động kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại

Châu Á hôm nay được quan tâm với hoạt động kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại như báo Les Echos nêu trong hàng tựa trang quốc tế.

Theo tờ báo, Thủ tướng Lý Khắc Cường duy trì một mục tiêu ‘mềm dẻo’ cho tăng trưởng : 7,5% cho năm 2014. Nhưng tờ báo nhận thấy đôi khi có những sự trùng hợp đáng tiếc về lịch trình : trong lúc Thủ tướng kết thúc khóa họp Quốc hội bằng cuộc họp báo duy nhất trong năm của ông, thì những chỉ số kinh tế tồi tệ đã đến khuấy phá thông điệp của ông, và làm dấy lên e ngại về việc kinh tế Trung Quốc có thể « hạ cánh nặng nề ».

Trong tháng Giêng và Hai, sản xuất công nghiệp tăng 8,2% tính theo mức độ trên một năm, mức thấp nhất kể từ 4/2009.

Hàng bán lẻ tăng 11,8%, ít hơn dự kiến là 13,7%. Les Echos nhận thấy mức tăng nói trên không bình thường trong mùa. Lẽ ra nó phải rất cao vì là mùa mua sắm Tết.

Các chuyên gia đưa ra giải thích đó là do hệ quả chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, không còn tiệc tùng, quà cáp nhân dịp này.

Dứt khoát là chiến dich, mà ông Lý Khắc Cường hôm qua còn nêu bật tầm quan trọng, đã ảnh hưởng lên các chỉ số công bố.
Nhìn về ngoại thương, Les Echos không thấy dấu hiệu khả quan : Xuất khẩu giảm 18,1% trong tháng Hai, một sự kiện rất bất ngờ.

Cộng lại các yếu tố trên thì quả là kinh tế Trung Quốc trong tình trạng đình đốn vào đầu năm này. Nhiều nhà quan sát còn cho là có lẽ Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu đề ra về tăng trưởng.

Trung Quốc sẵn sàng bỏ rơi tập đoàn mất khả năng thanh toán

Le Figaro cũng chú ý đến kinh tế Trung Quốc nhưng trên khía cạnh mà tờ báo đánh giá là một cuộc cách mạng : Chính phủ không can thiệp giúp đỡ các tập đoàn không còn khả năng thanh toán.

Tờ báo trích thành tựa câu nói của Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm qua trong cuộc họp báo : « Phá sản không thể tránh khỏi ».

Le Figaro phân tích là như thế Trung Quốc có vẻ đi theo luật chơi của thị trường, để cho thị trường có một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế của mình.

Từ trước đến nay thì Nhà nước Trung Quốc đều tung tiền giúp các tập đoàn mất khả năng thanh toán, không còn khả năng trả tiền lời trái phiếu của mình. Bây giờ thì chính phủ không can thiệp nữa.

Quyết định này làm giới đầu tư lo ngại, họ e ngại trái phiếu Trung Quốc cũng sẽ như các trái phiếu « thối » của Mỹ.

Le Figaro còn nhìn thấy là Thủ tướng Trung Quốc nhắm một mục tiêu khác trong việc này : Kiểm soát tín dụng chợ đen, nguồn gốc nợ chồng chất của các công ty Trung Quốc cũng như của các chính quyền địa phương.


Switch mode views: