Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hàng triệu người Việt Nam đổ ra đường đón Giao Thừa


VIỆT NAM (NV) - Hàng triệu người dân Việt khắp các thành phố lớn đã đổ ra đường xem pháo bông, đón Giao Thừa năm Giáp Ngọ. Người dân một số vùng cao nguyên thì quây quần bên ánh lửa trong đêm trừ tịch.
Không ít người Sài Gòn đón Giao Thừa tại các chùa, hái lộc “lấy hên” cho cả năm mới.
Ban-phao-bong


Pháo bông bắn từ bến Bạch Ðằng, Sài Gòn. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

 

Theo báo Tiền Phong, tại thành phố Sài Gòn từ lúc 10 giờ đêm 30 Tháng Giêng, 2014, tức Giao Thừa Âm lịch, dòng người đổ về đường Nguyễn Huệ, bến Bạch Ðằng, khu vực cầu Calmette, cầu Khánh Hội... mỗi lúc một đông.
 

Chỉ có xe gắn máy hai bánh và người đi bộ mới có thể chen chân từng bước vào các địa điểm “vàng” giúp người dân ngắm pháo bông trên nền trời đêm đúng vào giờ bước sang năm mới.

Còn theo VNExpress, khu trung tâm Sài Gòn hầu như không còn chỗ chen chân từ sau 8 giờ đêm. Phần lớn thuộc lứa thanh-thiếu niên, và các cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ, đổ dồn đến các khu vực nói trên chờ đón Giao Thừa.
 VNExpress cho biết, càng về khuya, Sài Gòn càng nhộn nhịp, ồn ào, đông đúc. Hầu hết cư dân Sài Gòn đều mang theo máy ảnh, iPhone, điện thoại di động... để ghi lại hình ảnh gia đình vào giờ đón năm mới.

Di-le-giao-thua

Ði lễ chùa cầu nguyện điều may tại Sài Gòn. (Hình: VNExpress)

 

Ðúng 12 giờ đêm, bước sang 1 giờ sáng ngày 31 tháng 1, 2014, tức mùng Một Tết Giáp Ngọ, các tàu thương mại ngoại quốc đậu tại bến Bạch Ðằng đồng loạt hú còi, bắn hỏa châu đón mừng năm mới.

Nhiều nhóm thanh thiếu niên tự đếm ngược giờ đồng hồ, chờ đúng 12 giờ đêm để reo hò, vỗ tay, đúng nghi thức đón Giao Thừa khắp thế giới.

Còn tại Hà Nội, hàng trăm ngàn người cũng kéo về khu trung tâm thành phố ở phủ Tây Hồ; khu vực quanh vận động Mỹ Ðình xem pháo bông.
Có người tung ra bán giấy báo với giá 50 cent, một đôla một tờ cho người cần một chỗ ngồi bẹp dưới đất để coi pháo bông.

Tại nhiều khu trung tâm các thành phố lớn khác như Ðà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh, Cà Mau, Thanh Hóa, Bạc Liêu, An Giang, Quảng Nam, Ðà Lạt, Buôn Ma Thuột, Ðắk Lắk... cư dân địa phương tràn ra đường xem pháo bông, đón Giao Thừa.

Duong-Nguyen-Hue


Hàng trăm ngàn người tràn ra đường phố Sài Gòn đón Giao Thừa. (Hình: VNExpress)


Từ khoảng 8 giờ đêm 30 tháng 1, 2014, hàng ngàn cư dân Ðà Nẵng đã kéo về hướng cầu Hàm Rồng, nơi được coi là “biểu tượng thành tựu” của mình trong năm qua, để chờ xem pháo bông trên nền trời sông Hàn.

 Hầu hết các màn bắn pháo bông ở Việt Nam đều diễn ra trong vòng 15 phút đồng hồ tại các địa điểm trung tâm các thành phố lớn.

Trong khi đó theo báo Tiền Phong, nhiều gia đình đặt trước nhà một bếp lửa than cháy đỏ, và tại một số ngã tư đường lớn ở hai huyện Chư Sê và Chư Pứh thuộc tỉnh Gia Lai.
 Ðây là truyền thống của cư dân vùng cao nguyên vào đêm giao thừa. Họ giữ bếp lửa cháy rực suốt đêm. Có người đo được đoạn đường đầy những “đốm lửa hồng sáng rực” kéo dài hàng chục cây số giữa phố.

Quay-quan-ben-lua

Nhà nhà đốt lửa trên hè phố quây quần đón Giao Thừa. (Hình: Báo Tiền Phong)

 

Cư dân Gia Lai cho rằng, hơi ấm bếp than đưa linh hồn người đã khuất từ cõi âm trở về dương thế trong đêm Giao Thừa để tụ hội với người thân của mình.

Còn tại thành phố Cà Mau, bốn cuộc bắn pháo bông được chia làm bốn thời khắc khác nhau, bắt đầu từ 11 giờ kém 10 cho đến đúng 12 giờ, tại các huyện Năm Căn, thành phố Cà Mau, huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời để nhiều người có thể mục kích được.

Ðặc biệt tại thành phố Hà Tĩnh, người dân đua nhau đốt pháo, nổ mìn để đón mừng năm mới tại các huyện Kỳ Anh, thị trấn Sơn Tây thuộc huyện Hương Sơn, thành phố Hà Tĩnh.

Dư luận nói rằng, huyện Kỳ Anh là vùng có nhiều mỏ đá đang được khai thác và người dân đã dùng chất nổ từ hoạt động này để gây tiếng nổ đón Giao Thừa.

 Có người còn bí mật nói rằng, để đón mừng năm mới, họ bất chấp lệnh cấm gây tiếng nổ tại địa phương của chính quyền.

Tại các chùa khu vực trung tâm Sài Gòn, như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, Việt Nam Quốc Tự ở quận 10, người đi lễ Phật, hái lộc đầu năm mới đông nghịt.

Cảnh cúng bái diễn ra khắp nơi nay trở thành quen thuộc đối với người dân và kể cả cán bộ cộng sản. Họ cho rằng, người dân đi chùa để cầu nguyện cho “quốc thái dân an”.

Phao-bong-song-Han

Pháo bông thắp sáng khu vực sông Hàn, Ðà Nẵng. (Hình: VNExpress)

 

Cũng theo báo Tiền Phong, hòa trong dòng người đón Giao Thừa tại Sài Gòn, Hà Nội, Ðà Nẵng... còn có hàng trăm người bán hàng rong, bong bóng dạo... Ðây là lớp người chỉ chờ dịp lễ Tết để “xuống đường,” bán thật nhiều hàng, kiếm tiền.

Trong số này, không ít người rời nhà ở các vùng quê hẻo lánh, vào các khu trung tâm thành phố bán dạo. Còn người bán nhang đèn, hoa quả... không chỉ mưu sinh trong đêm Giao Thừa.
Cuộc “làm ăn” của họ kéo dài đến hết ngày rằm Tháng Giêng.

VNExpress cũng cho biết, một nhóm thanh niên Sài Gòn chở nhau đi “rà” một số đoạn đường hẻo lánh, lì xì cho người nghèo ở các hẻm nhỏ.

Ðặc biệt, tại Sài Gòn, thủ tướng nhà nước CSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã “xuống đường” đón Giao Thừa tại khu vực đường hoa Nguyễn Huệ.

 Còn Bộ Trưởng Giao Thông-Vận Tải CSVN Ðinh La Thăng có mặt tại ga Hà Nội, tiễn đoàn tàu rời ga hướng vào Sài Gòn vào để đón Giao Thừa. (P.L.)

Switch mode views: