Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-07-2013

Tương lai tươi sáng cho cà phê Việt Nam

Coffree tree


(cc) Flickr/Fernando Stankuns

Từ vài năm nay, thị trường cà phê bắt đầu chuyển hướng về Châu Á, các nhà kinh doanh cà phê đều khẳng định rằng, sức tiêu dùng ở Châu Á sẽ tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, tương lai đối với ngành cà phê Việt Nam là tương đối tươi sáng.

Báo  Les Echos hôm nay dành một trang lớn để bàn về cà phê Việt Nam với hàng tựa : «Việt Nam làm thay đổi bản đồ thị trường cà phê thế giới ».

Tờ báo nhắc lại, Việt Nam mới bắt đầu tập trung phát triển ngành cà phê từ chục năm nay, tức chậm chân rất nhiều so với các nước Châu Phi và Châu Mỹ. Thế nhưng, tờ báo đăng hình cây cà phê Robusta đang trĩu hạt và cho biết, Việt Nam hiện đứng số một thế giới về sản xuất cà phê Robusta.

Hiện Việt Nam có khoảng 500 000 người trồng cà phê, trên khoảng 600 000 hécta, với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Còn nếu tính luôn cà phê Arabica, thì Việt Nam xếp thứ hai thế giới, sau Brazil.

Tương lai đối với ngành cà phê Việt Nam tương đối xán lạn nhờ vào cà phê Robusta. Bấy lâu nay, cà phê Arabica chiếm số một thị phần thế giới với mức 55%, trong khi cà phê Robusta chỉ chiếm 45%. Thế nhưng, tờ báo cho biết, Arabica đang dần lùi bước trước Robusta.

Do giá Arabica tăng cao, nên các nhà chế biến cà phê đổ xô về Robusta để giảm giá thành. Thêm vào đó, cà phê Robusta tỏ ra có lợi hơn cho người trồng vì kháng được sâu bệnh và ít tốn kém phân bón. Hồi đầu năm 2012, nhập khẩu cà phê Robusta của các nước Bắc Mỹ đã tăng đến 80% trong khi lượng mua Arabica lại giảm đi 1/3.

Đến cuối tháng 5/2013, tăng trưởng của cà phê Robusta là 14% trong khi con số này đối với cà phê Arabica chỉ có 4,6%.

Các chuyên gia nhận định, Robusta sẽ tiếp tục tăng trên thị phần cà phê thế giới, do nhu cầu về cà phê hòa tan sẽ còn tăng, nhất là ở Nga và Việt Nam, mà cà phê hòa tan thì được chế biến chủ yếu từ Robusta. Từ 10 năm nay, tăng trưởng của cà phê hòa tan trên thế giới đã tăng 7,5%.

Thêm vào đó, theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) , tiêu thụ cà phê Robusta đang tăng ở các nước « yêu cà phê ». Năm 2011, lượng tiêu thụ cà phê Robusta ở Việt Nam tăng đến 22%, ở Philippines tăng 9%, ở Hàn Quốc tăng 8%.

Bên cạnh cà phê Robusta, Les Echos còn chú ý đến « cà phê cứt chồn » của Việt Nam. Tờ báo giải thích về cách chế biến đặc biệt của loại cà phê này, và cho biết đây là loại cà phê đắt nhất thế giới với giá từ 300 đến 400, có khi lên đến 1000 đô/kg.

Bên cạnh tiến triển, tờ báo cũng nêu ra những điểm hạn chế đối với ngành cà phê Việt Nam. Theo tờ báo, những việc cần làm hiện tại đối với người trồng cà phê Việt Nam là : cải tiến kỹ thuật canh tác, giảm giá thành sản xuất, nhất là giảm chi phí phân bón và thuốc trừ sâu, những chi phí này chiếm đến 40% tổng chi tiêu ; cải thiện hệ thống tưới tiêu ; cải tạo các vườn cà phê đã già cỗi.

"Vòng vây" TPP của Mỹ được mở rộng

Hôm qua 23/07/2013, Nhật Bản chính thức gia nhập đàm phán về Hiệp ước đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, đến hiện tại, TPP đã được 12 thành viên. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phản ánh sự kiện này.

Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tham gia TPP hai ngày sau khi đảng cầm quyền LDP của thủ tướng Shinzo Abe chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào chủ nhật rồi. Tờ báo nhận định, dù rằng TPP sẽ gây khó khăn cho chính sách bảo hộ kinh tế, nhất là bảo hộ nông nghiệp của Nhật Bản, thế nhưng, TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế thứ ba thế giới này.

Tờ báo nhấn mạnh, chính sách phục hồi kinh tế của ông Abe (Abenomics) dựa trên tăng trưởng dài hạn, và sự tăng trưởng này sẽ được kích thích khi Nhật Bản gia nhập TPP. Les Echos nhắc lại tầm quan trọng của TPP với 12 thành viên, chiếm 40% GDP toàn cầu.  Đây là một khuôn khổ hợp tác theo sáng kiến của Mỹ.

Trong bối cảnh hiện tại, TPP có một tầm quan trọng chiến lược trong khi Mỹ đang xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương. Ban đầu, TPP chỉ giới hạn cho một số nước như Brunei, Chilê và New Zeland, sau đó TPP dần mở rộng cho các nước khác như Việt Nam, Peru, Malaysia, Singapore…Tờ báo kết luận : « Trung Quốc thì còn trong phòng chờ của TPP ».

Kinh tế Ấn bị đe dọa vì người dân mua quá nhiều vàng

Nhìn sang Ấn Độ, Le Figaro đăng trên trang nhất bài chạy tựa : «Đổ xô mua vàng, một đe dọa cho nền kinh tế quốc gia ».

Le Figaro cho hay, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất hành tinh, chiếm đến 50% tổng lượng cầu thế giới. Riêng Ấn Độ, nước này đông dân không bằng Trung Quốc, nhưng lại xếp trên về việc tiêu thụ vàng.

Mỗi năm, Ấn Độ có thể tự sản xuất được 2,5 tấn vàng, nhưng lại tiêu thụ đến 800 tấn, trong đó 80% dùng để làm trang sức. Chỉ trong quý 2 vừa qua, nước này đã nhập đến trên 300 tấn vàng. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn mức thâm hụt ngoại thương quốc gia, làm suy yếu đồng nội tệ và làm gia tăng lạm phát. Chỉ từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, đồng rupi của Ấn Độ đã mất giá đến 11% so với đô la Mỹ.

Chính phủ Ấn Độ, từ đầu năm 2013, đã tiến hành nhiều biện pháp để hạn chế việc người dân mua vàng. Mới tháng rồi, Bộ trưởng Tài chính nước này cũng đã lên tiếng kêu gọi người dân « chống lại sự cám dỗ của việc mua vàng ».

Thế nhưng, theo Le Figaro, rất khó thuyết phục người dân, vì đối với họ, vàng hiện là điểm trú ẩn an toàn trong khi đồng rupi mất giá so với đô la. Bên cạnh đó còn có vấn đề văn hóa : Vàng hiện diện trong mọi ngóc ngách đời sống của người Ấn Độ, dù nghèo hay giàu, dù ít hay nhiều, từ lễ hội tôn giáo đến đám cưới, đám sinh nhật…

Phương Tây lợi dụng chuyện Hezbollah để cô lập Iran ?

Hôm thứ hai 22/07/2013, 28 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về việc liệt Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố. Sự kiện này thu hút nhiều chú ý của báo Pháp hôm nay. Nhật báo Le Monde đăng bài xã luận trên trang nhất nhận định rằng, mục tiêu chính của quyết định này là Iran.

Hezbollah là đảng chính trị của cộng đồng người Hồi Giáo Chiite Liban. Cộng đồng này chiếm 30% dân số đất nước. Hezbollah có lực lượng vệ binh riêng, mạnh hơn cả quân đội chính quy của Liban. Tổ chức này do Iran tài trợ, trang bị và huấn luyện.

Le Monde nhận định, Hezbollah không thể tham chiến tại Syria nếu không có sự đồng ý trước của Iran vì tổ chức này luôn « phục tùng » Teheran trong những quyết định chiến lược.

Le Monde nhấn mạnh, các nước EU đã đạt được đồng thuận trên là do Hezbollah đã tham chiến ủng hộ chính quyền Assad tại Syria. Do đó, qua quyết định nói trên, EU muốn gửi thông điệp đến Iran. Tuy nhiên, theo tờ báo, thông điệp này cho thấy « sự bối rối » của EU trong hồ sơ Syria. Bối rối là bởi vì, EU trừng phạt Hezbollah, đồng minh của chính phủ Damas, nhưng lại do dự trong việc ủng hộ vũ khí cho phe nổi dậy vì lo ngại trong hàng ngũ của phe này ngày càng có nhiều thành phần Hồi Giáo cực đoan và các phần tử khủng bố.

Về phần mình, nhật báo Cộng sản Pháp L’Humanité thì đăng tựa nói rõ : « Phía sau Hezbollah, EU nhắm đến Teheran ». Tờ báo cho rằng, 28 nước EU đã « nhường bước » trước sức ép của Mỹ và Israel, nên đã ra quyết định xếp cái gọi là « bộ phận võ trang » của Hezbollah vào danh sách khủng bố, với mục tiêu chính là « cô lập Iran ».

L’Humanité chia sẽ quan điểm với Le Monde khi cho rằng, việc trừng phạt Hezbollah có vẽ không hợp lý vì tổ chức này dù muốn dù không, cũng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của người dân Liban.

Lãnh đạo quân nổi dậy Syria tìm vũ khí ở Paris

Cũng liên quan đến Syria, La Croix và Libération quan tâm đến chuyến công du nước Pháp hôm nay của tân lãnh đạo Liên minh đối lập Syria, ông Ahma Assi Jarba. Cả hai tờ báo đều cho biết, chuyến công du này là nhằm thuyết phục Paris cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy tại Syria.

Tuy nhiên, theo hai tờ báo, Anh, Pháp và Mỹ đang tỏ ra dè dặt vì lo ngại việc ngày càng có nhiều thành phần Hồi Giáo cực đoan trong hàng ngũ phe nổi dậy. Về phần mình, Libération đã tiếp xúc với nhân vật nói trên vào hôm qua, và dẫn lại lời khuyến dụ của ông ta : «Một trong những nhân tố chính khiến cho lực lượng Hồi Giáo cực đoan nổi lên, đó là sự kéo dài của cuộc khủng hoảng.

Tức là, cuộc khủng hoảng càng kéo dài, thì các thành phần Hồi Giáo cực đoan càng có lợi ».

Bên cạnh đó, Libération cũng trích dẫn lập trường của Pháp qua lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Pháp : « Pháp hỗ trợ Liên minh quốc gia Syria, nhưng chưa quyết định giúp đỡ vũ khí vì thấy rằng chưa có đủ đảm bảo ».

Đức giáo Hoàng tại Brazil

Chuyến công du Brazil của đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí Pháp hôm nay.

Le Monde đăng bài : « Nỗ lực tạo hình ảnh là « một giáo hoàng tốt » », nhật báo Công Giáo La Croix có bài : «Căng thẳng xã hội và niềm vui dâng tràn cùng chào đón Đức Giáo hoàng », Les Echos thì chọn tựa : «Tổng thống Dilma Rousseff và lá bài Giáo hoàng ».

Các tờ báo cùng đăng ảnh đức giáo hoàng Phanxicô được hàng ngàn tín đồ hân hoan chào đón. Cả ba tờ báo đều cho biết, đức giáo hoàng được người Brazil chào đón nhiệt liệt.

Trong khi đó, đức giáo hoàng tỏ ra rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói trong tình hình Giáo hội Công Giáo liên tiếp có nhiều xì căn đan trong thời gian qua, thêm vào đó là tình hình xã hội tại Brazil đang nóng lên do các vụ biểu tình phản đối chính phủ tiếp tục rầm rộ. Đến mức mà đức giáo hoàng phải đến nơi hẹn với tổng thống Rousseff bằng trực thăng do gần đó có cuộc biểu tình.

Về phần tổng thống Rousseff, các tờ báo đều nhận định, bà đã tận dụng cơ hội gặp gỡ Đức Giáo hoàng để gửi đến tuổi trẻ Brazil những thông điệp đầy hứa hẹn, nhằm góp phần làm dịu cơn sốt biểu tình chống chính phủ tại Brazil.

Pháp : Hệ thống đường sắt quá cũ kỹ ?

Liên quan đến nước Pháp, nhật báo cánh tả Libération dành trang nhất đăng tựa : « Những chiếc xe lửa đã hết hơi » và một bài xã luận tiêu đề « Cố gắng ».

Vụ xe lửa trượt đường ray hôm 12/07/2013 ở ngoại ô phía nam Paris đã làm nóng lên hồ sơ về an toàn đường sắt tại Pháp.

Tờ báo cho biết, ba chục năm qua, Pháp quá ưu tiên phát triển xe lửa cao tốc (TGV), trong khi lại bỏ bê các xe lửa truyền thống. Vì thế, nhà cầm quyền chỉ lo xây dựng cho TGV, còn các đường ray xe lửa truyền thống thì cũ kỹ, thiếu được sửa chữa. Tờ báo kêu gọi các nhà chức trách nhân cơ hội này tiến hành khắc phục thiếu sót nói trên.

Xe lửa là phương tiện được người Pháp sử dụng nhiều nhất trong hiện tại. Theo một thăm dò, có 58% người Pháp cho rằng, xe lửa là « phương tiện chuyên chở an toàn nhất », trong khi con số này đối với máy bay là 33%, đối với xe ô tô chỉ có 7%.

Bệnh gây tử vong chính trên thế giới ?

Trong lĩnh vực y tế, Le Figaro có bài cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo về nguyên nhân gây tử vong chính trong giai đoạn 2000-2011, theo đó, các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong chính trên thế giới.

Chỉ trong năm 2011, bệnh này đã gây ra đến 13,2 triệu ca tử vong, chiếm 24% trên tổng số các ca tử vong được ghi nhận trong năm đó. So sánh giữa các nước với nhau, thì ở những nước thu nhập thấp, nguyên nhân tử vong thường là các bệnh lây nhiễm, AIDS, tiêu chảy, viêm phổi. Trong khi ở các nước giàu thì lại là các bệnh mãn tính, bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường.

Tai nạn giao thông cũng đã có mặt trong mười nguyên nhân gây tử vong chính. Hồi tháng 3 rồi, WHO cũng đã có báo cáo về tai nạn giao thông trên thế giới, theo đó nghiêm trọng nhất là ở các nước Châu Phi. Một điểm đáng chú ý nữa là, trong báo cáo lần này, bệnh lao đã được loại trừ ra khỏi danh sách 10 bệnh gây tử vong chính.

Vào năm 2000, bệnh lao đứng vị trí thứ 8, còn năm 2011 thì đứng vị trí thứ 13. Thế nhưng, con số tử vong do bệnh này vẫn còn cao : năm 2011, có 1 triệu người trên thế giới chết vì bệnh lao ; 3,4% các trường hợp tử vong ở các nước nghèo nhất là do căn bệnh này.

Châu Âu : Bươm bướm sẽ về đâu ?

Trên hồ sơ đa dạng sinh học, Le Figaro đăng bài : « Loài bướm tại Châu Âu đang bị giảm mạnh ». Hôm qua, Cơ quan Môi trường EU vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, chỉ trong 20 năm, số lượng bươm bướm ở châu lục này đã giảm đi phân nửa. Còn tại nước Pháp, trên 28 loài bướm được quan sát, có đến 22 loài đang giảm mạnh.

Một trong những nguyên nhân chính được nêu ra, đó là do việc con người phá rừng lấy đất canh tác quá mức, mà khi canh tác thì con người ngày càng sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu độc hại. Các loài bướm vì thế mất nơi sinh sống, phải bay sang những nơi khác như công viên, hoặc sống lang thang trong các tán cây bên đường, những bụi cỏ bên cạnh các đường ray xe lửa !


Switch mode views: