Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-06-2013

Quan hệ Mỹ-Trung phủ bóng «Sự nghi kỵ chiến lược »

USA-CHINA

Tổng thống Barack Obama (P) chuẩn bị bắt tay phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà Trắng, Washington, 14/02/2012
REUTERS


Hôm nay, 07/06/2013, và ngày mai, tại California, Tổng thống Mỹ Obama sẽ tiếp Tổng bí thư-chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình.

Báo chí Pháp hôm nay đặc biệt chú ý đến sự kiện này và có nhiều bài phân tích về quan hệ giữa hai nước.

 Nhìn chung, các tờ báo đều cho rằng, bên cạnh những tiềm năng hợp tác, giữa hai nước còn khá nhiều chướng ngại, trong đó chướng ngại lớn nhất là thiếu một lòng tin chiến lược, do mâu thuẩn về lợi ích, như tựa đề bài viết đăng trên tờ nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro :
 «Obama và Tập Cận Bình tấn công vào « sự nghi kỵ chiến lược ».

Theo tờ báo, « sự nghi kỵ chiến lược » ám chỉ tình tình trạng « chạm trán » giữa Mỹ và Trung Quốc-«hai đối thủ chiến lược », mặc dù giữa hai nước có quan hệ đối tác chặt chẽ và có nền kinh tế lệ thuộc lẫn nhau.

Le Figaro dẫn lời chuyên gia nhấn mạnh : « Sự ngờ vực này không phải dựa trên cảm giác nhất thời, mà là trên những phân tích mang tính dài hạn ».

Một chuyên gia khác nhận định : Người Mỹ và người Trung Quốc nghi kỵ nhau, vì cả hai đều hiểu rõ rằng, không bao giờ có kết cục tốt đẹp trong quan hệ giữa hai cường quốc trong khi một bên là « cường quốc đã lên » và một bên là « cường quốc đang lên ».

Le Figaro cho rằng, phát triển quan hệ với Mỹ có ý nghĩa quan trọng với bộ sậu của ông Tập Cận Bình trong hiện tại, vì họ Tập đang cần một sự thành công trong quan hệ quốc tế để củng cố chiếc ghế còn chưa nóng chỗ của ông, cũng như để hỗ trợ các cải cách trong nước.

 Về phần mình, chính phủ Obama cũng muốn tăng cường đối thoại với Bắc Kinh để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên, và trong bối cảnh Mỹ xoay trục từ Trung Đông về khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.

Bên cạnh sự cần có nhau này, tờ báo cũng nêu lên một số hồ sơ gây trở ngại quan hệ Mỹ-Trung, như hồ sơ nhân quyền, việc Trung Quốc cố tình hạ giá đồng nhân dân tệ, hay việc Mỹ tố cáo Bắc Kinh đứng đằng sau các vụ tấn công tin tặc vào lợi ích của Mỹ.

Chưa kể là những xung đột lợi ích ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Trong bối cảnh đó, một câu hỏi đặt ra là : Liệu hai bên có « khoanh vùng » được các chướng ngại, để chỉ tập trung vào các hồ sơ có sự đồng thuận ?

 Le Figaro cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc khoanh vùng nói trên khó lòng mà thực hiện.

Tờ báo nhắc lại rằng, việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội và làm gia tăng căng thẳng trong vùng đã gây quan ngại cho Mỹ và góp phần đưa Mỹ trở lại Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc.

 Trong khi đó, chính sách xoay trục và tăng cường quan hệ đồng minh trong khu vực của Mỹ đã gây lo lắng cho Trung Quốc.

Trong một bối cảnh như vậy, thì rõ ràng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc « vừa là bạn bè vừa là kẻ thù », như kết luận của tờ Le Figaro.

Trong bài : «Cuộc gặp chưa từng có giữa Obama và Tập Cận Bình », nhật báo kinh tế Pháp Les Echos cũng nêu ra một số tiềm tăng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, nhưng cũng không quên cho biết, giữa hai nước còn nhiều mâu thuẫn, trong đó nổi lên là hồ sơ Mỹ tố cáo Trung Quốc tấn công tin tặc vào quyền lợi của Mỹ và hồ sơ Trung Quốc tố cáo Mỹ tăng cường ảnh hưởng trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương để bao vây Trung Quốc.

 Les Echos nói thêm, trên hồ sơ kinh tế, Mỹ bao vây Trung Quốc bằng việc xúc tiến đàm phán Hiệp ước tự do mậu dịch xuyên thái bình dương (TPP) không có Trung Quốc, mà lại có sự tham gia của nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam- «một đối thủ cạnh tranh thương mại lớn của Bắc Kinh ».

Về phần mình, nhật báo cánh tả Libération nhấn mạnh thiện chí đối thoại của ông tập Cận Bình, đó là ông chấp nhận phía chủ nhà bỏ qua các thủ tục lễ tân ngoại giao dành cho một cuộc viếng thăm cấp nhà nước, để có nhiều thời gian đàm phán hơn.

Tuy vậy, tờ báo cho rằng, chuyến thăm này sẽ không mang lại kết quả cụ thể lớn lao nào, mà chỉ là « xác định tầm nhìn chiến lược chung cho 10 năm tới ».

Đại học Hoa Kỳ thu hút «Con ông cháu cha» Trung Quốc

Cũng nhân chuyến đến California của ông Tập Cận Bình, Le Figaro có bài cho biết : «Sự bùng nổ sinh viên Trung Quốc ở California ».

Tờ báo đề cập đến trường Đại học Nam California (USC). Trường này hiện có hai văn phòng đăng ký đặt trên lãnh thổ Trung Quốc và ngày càng thu hút sinh viên nước này.

Năm 2002, số sinh viên Trung Quốc học ở USC chỉ có 700 người, nhưng vào năm 2012, con số này đã lên đến 3000 trên tổng số 40 000 sinh viên của toàn trường. Một trong những nguyên nhân thu hút của trường này đối với sinh viên Trung Quốc, theo tờ báo, là việc tuyển sinh viên Trung Quốc quá dễ dãi của trường.

Tiếng Anh của sinh viên Trung Quốc thường rất yếu, nhưng họ vẫn được tiếp tục theo học ở trường, như lời một sinh viên địa phương nói với Le Figaro.

Thực trạng năng lực tiếng Anh của sinh viên Trung Quốc là phổ biến trên toàn nước Mỹ. Tờ báo cho biết, sinh viên Trung Quốc thường thuê các văn phòng viết hộ tiếng Anh để viết hộ những hố sơ cần thiết.

Lãnh đạo trường tiếp nhận và chính quyền thì cố tình mắt nhắm mắt mở để thu hút cho được sinh viên Trung Quốc.

Nguồn lợi mà sinh viên Trung Quốc mang đến cho nước Mỹ không phải nhỏ. Theo Le Figaro, sinh viên Trung Quốc trên đất Mỹ hiện khoảng 200 000 người.

Mỗi năm số sinh viên này đóng tiền đăng ký nhập học. Ngoài tiền nhập học, các sinh viên này còn đóng góp vào kinh tế Mỹ bằng vô vàng các chi phí ăn, ở và đi lại. Lãnh đạo USC cũng thừa nhận : «Tương lai Trung Quốc rất phát triển. Bởi vậy, đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai cho Trung Quốc cũng là cách để Mỹ tăng cường quan hệ với nước này ».

Một điều đáng chú ý nữa là, nhiều sinh viên Trung Quốc học ở Hoa Kỳ là thuộc hàng con ông cháu cha tại Trung Quốc. Tức các nhà lãnh đạo Trung Quốc lâu nay vẫn có thói quen thích cho con em mình đi ăn học trên đất Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ : cảnh báo Mùa xuân Ả Rập

Bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục làm hao tốn giấy mực báo chí Pháp hôm nay, với cảnh báo chung là : Mùa xuân Ả Rập đang tiến vào đất nước này.

Nhật báo Les Echos đăng bài : «Tình hình vẫn còn bế tắc tại Thổ Nhĩ Kỳ », Libération cảnh báo : «Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ : ông Erdogan đến điểm cuối của cuộc đua ».

Cả hai tờ báo đều cho biết bất ổn chính trị tại nước này vẫn đang rất nghiêm trọng, hiện đã có 3 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, người biểu tình đòi thủ tướng Erdogan từ chức vẫn tiếp tục xuống đường, người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài cũng xuống đường ở nước sở tại để phản đối Erdogan.

Trong khi đó, hôm qua, trở về nước sau chuyến công du nước ngoài, thủ tướng Erdogan tuyên bố không nhượng bộ những người xuống đường.

Pháp muốn học cách phục hồi kinh tế của Nhật Bản

Chủ đề liên quan đến nước Pháp chiếm ưu tiên trên các tờ nhật báo hôm nay. Đầu tiên đó là chuyến công du châu Á mà hiện tại là Nhật Bản của tổng thống François Hollande.

Nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité đăng bài «Hollande tìm cảm hứng tại Nhật Bản », nhật báo cánh tả Pháp Libération chạy tựa : «Nhật Bản, đất nước của những điều có thể đối với Hollande », Le Monde có bài : «Hollande muốn tái ngộ với Nhật Bản ».

Hai tờ báo đầu nhắc lại, sau khi đi thăm Ấn Độ, Trung Quốc và tham dự thượng đỉnh Á-Âu tại Lào, tổng thống Pháp Hollande đã đến Tokyo vào hôm qua bắt đầu chuyến thăm 3 ngày xứ sở hoa anh đào.

Mục tiêu của chuyến thăm, hai tờ báo đều cho biết đó là : tăng cường hợp tác kinh tế và học tập kinh nghiệm từ chính sách phục hồi kinh tế của thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Bàn về quan hệ thương mại của hai nước, hai tờ báo cho biết, Pháp hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba của Nhật, còn Nhật thì nắm vị trí số một trong các nhà đầu tư châu Á tại Pháp. Trong quan hệ mậu dịch, Pháp hiện phải chịu thâm hụt mậu dịch khá cao đối với Nhật Bản. Nhật hiện là cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, còn Pháp thì giữ vị trí thứ năm.

Nhật báo Le Monde cho rằng, người tiền nhiệm của ông Hollande là ông Sarkozy đã không mặn mà trong quan hệ với Nhật Bản, do đó giờ đây tổng thống Hollande muốn có động thái làm thân lại với đệ tam cường quốc kinh tế này.

Kinh tế Pháp hiện đang trong khủng hoảng, thất nghiệp không ngừng lập kỷ lục mới, sức cạnh tranh còn yếu ớt. Bởi thế, tổng thống Pháp mới nhắm đến khu vực đang nổi lên tại châu Á, trong đó có Nhật Bản, để tìm kiếm sự tăng trưởng.

Tổng thống Hollande mất tín nhiệm trong nước

Nhìn vào bên trong nước Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos có bài đáng chú ý: “Tín nhiệm trong dân: Hollande lại tuột dốc”.

Tờ báo cho biết, theo thăm dò mới nhất, hiện chỉ có 28% người Pháp được hỏi cho biết là “tin tưởng rằng tổng thống Hollande có thể đương đầu có hiệu quả những vấn đề trọng yếu”. Con số này đã giảm đi 2 điểm so với tháng Năm, và là mức thấp nhất kể từ khi ông Hollande đắc cử tổng thống vào tháng 5 năm ngoái.

Khi bước chân vào điện Elysée hồi năm ngoái,ông Hollande có đến 58% ý kiến ủng hộ của người dân. Tờ báo nêu ra một số nguyên nhân chính dẫn đến sự mất tín nhiệm này là: thất nghiệp gia tăng, mãi lực giảm sút, kế hoạch cải cách chế độ hưu bổng gây mất lòng dân.

Pháp: Báo động làn sóng cực hữu

Cũng liên quan đến nước Pháp, các báo Paris hôm nay hầu hết đều đăng bài về việc một sinh viên 18 tuổi bị một nhóm cực hữu đánh chết chỉ vì bất đồng chính kiến, từ đó cảnh báo về làn sóng cực hữu vô cùng nguy hiểm tại quốc gia này.

Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa lớn trên trang nhất: “Cái chết của một người đấu tranh chống phát xít”, nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng dành trang nhất chạy tựa: “Cánh cực hữu của phe cực hữu bị lên án”, nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité cũng chạy tựa lớn trên trang nhất: “Một tội ác phát xít”, còn nhật báo Le Monde thì dành vị trí ưu tiên trên trang nhất cho dòng tít: “Phe cực hữu cực đoan bị lên án”.

Tất cả các tờ báo đều thuật lại việc lúc chiều tối hôm thứ Tư ngày 05/06, tại Paris, hai nhóm thanh niên một bên là cực tả và một bên là cực hữu đã ẩu đả và kết quả là có một sinh viên ngành chính trị học 18 tuổi tên là Clément Méric đã bị đánh trọng thương phải nhập viện, và đã chết vào hôm qua.

Cái chết này đã và đang làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên toàn nước Pháp. Các công đoàn lớn cũng đã vào cuộc kêu gọi người dân xuống đường biểu thị sự phản đối chống phong trào cực hữu cực đoan ở Pháp. Hôm qua, theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 15 000 người xuống đường trên toàn nước Pháp.

Vụ việc khiến cho các đảng phái chính trị chóp được cơ hội chỉ trích lẫn nhau. Tuy nhiên tất cả đều lên tiếng phản đối chủ nghĩa cực đoan trong hàng ngũ phe cực hữu, phản đối việc dùng vũ lực để tấn công người bất đồng quan điểm.

Tổng thống Hollande và thủ tướng Ayrault cũng đã lên án hành động tàn bạo nói trên nói riêng và của làn sóng cực hữu cực đoan tại Pháp nói chung.

Nhiều chính khách của cả hai phe tả hữu đã lên tiếng kêu gọi có biện pháp mạnh đối với các nhóm cực hữu cực đoan hoạt động theo kiểu phát xít.

Lưỡng viện quốc hội cũng đã dành một phút mặc niệm đối với nạn nhân và lên án hành động này.

An ninh lương thực thế giới sẽ bị đe dọa?

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhật báo kinh tế Les Echos cảnh báo những khó khăn sắp tới đối với ngành này qua bài: “Sản xuất nông nghiệp thế giới chậm lại”.

Tờ báo cho hay, theo báo cáo vừa được công bố hôm qua của Tổ chức lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế Châu Âu (OEEC), trong mười năm tới, sản xuất nông nghiệp thế giới sẽ tăng trưởng ở mức có 1,5% thay vì 2,1% như trong giai đoạn 2003-2012.

Về nguyên nhân, đầu tiên báo cáo nhấn mạnh đến căng thẳng giữa một số nước về việc khai thác nguồn nước chung, và việc giảm nhanh diện tích đất trồng trọt trên thế giới. Bên cạnh đó còn có vấn đề thiên tai làm phá hại mùa màng, như hạn hán hay lũ lụt.

Sản xuất sụt giảm thì dĩ nhiên giá thực phẩm nông nghiệp sẽ tăng lên, trong khi trên thế giới hiện có đến 900 triệu người thiếu lương thực.

Switch mode views: