Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-05-2013

Cuộc chiến thương mại Bắc Kinh – Bruxelles, châu Âu bị chia rẽ

centrale solairejpg



Pin mặt trời, chiếc gai trong quan hệ Bruxelles - Bắc Kinh
AFP / Jeff Pachoud


Chuyến công du nước Đức của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là chủ đề thời sự nóng bỏng nhất trên các nhật báo Pháp hôm nay.

Đối với làng báo Paris, chuyến đi Berlin của ông Lý Khắc Cường có một chủ đích rất rõ ràng, thông qua Đức, thúc giục Bruxelles xem xét lại các biện pháp thương mại chống lại Bắc Kinh.

Về điểm này, nhật báo Le Monde có bài « Đức thúc đẩy Liên hiệp châu Âu đi đến một thỏa hiệp thương mại với Trung Quốc ».

Theo tờ báo, Berlin vì quyền lợi kinh tế của mình sẽ tìm đủ mọi cách để buộc châu Âu phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt tạm thời.


Vừa qua, Ủy ban châu Âu đề nghị 27 nước thành viên thông qua chính sách đánh thuế tạm thời 47% lên mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Đồng thời, Ủy ban châu Âu còn tiến hành điều tra tình trạng bán phá giá của các tập đoàn trang thiết bị viễn thông của quốc gia này.

Vấn đề là Đức có mối quan hệ thương mại khá chặt chẽ với Trung Quốc. Do đó, nền kinh tế hàng đầu của châu Âu sẽ là quốc gia bị thiệt nhiều nhất nếu xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Bruxelles.

Giao dịch thương mại giữa Đức với Trung Quốc đã chiếm đến gần 1/3 trên tổng mức trao đổi giữa Bắc Kinh với toàn khối châu Âu.

Do đó, chuyến công du Đức của ông Lý Khắc Cường lần này là nhằm thúc giục Berlin xoa dịu châu Âu. Đó cũng chính là những gì đang xảy ra, tờ báo viết.

Từ một tuần nay, giới chủ Đức không ngừng lên tiếng cảnh giác Bruxelles.

Bản thân thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, trong một buổi họp báo chung với người đồng nhiệm Trung Quốc, đã tuyên bố : « sẽ làm tất cả để tìm ra một giải pháp thông qua thương lượng, chứ không để rơi vào tình trạng đối đầu […]».

Le Monde cho biết là trong suốt chuyến viếng thăm Đức, thủ tướng Trung Quốc đã ký kết 17 thỏa thuận với tổng trị giá nằm trong khoảng 4 đến 5 tỷ euro. Trong số các lãnh vực được hưởng lợi từ các thỏa thuận này, có các hãng như BMW, Volkswagen, BASF và Siemens.

Le Figaro : Đức chỉ bảo vệ quyền lợi riêng của mình

Cùng quan điểm với Le Monde, phụ trang kinh tế tờ nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng nhận thấy rằng cách thức mà Berlin đang hành xử là chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi riêng của mình.


« Cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh : Berlin đang ra lệnh chấm dứt thái độ thù nghịch », tựa của Le Figaro .

Trong buổi gặp gỡ bộ trưởng kinh tế Đức Philipp Rosler, ông Lý Khắc Cường tán dương rằng Trung Quốc và Đức sẽ tạo thành « cặp đôi kinh tế như mơ ». Và lối tấn công quyến rũ đó của ông Lý Khắc Cường cũng đã gặt hái kết quả.

Hôm qua, ông Philipp Rosler đã nhấn mạnh lập trường của Đức là từ chối các biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc do Ủy ban châu Âu đề xuất.


Đáp lại sự « chân tình » từ phía Đức, ông Lý Khắc Cường tuyên bố rằng các doanh nghiệp Đức sẽ được hưởng ưu tiên vào thị trường Trung Quốc.

Sự thay đổi thái độ ngoạn mục nhằm bảo vệ quyền lợi riêng tư của Đức còn được thể hiện rõ nét qua việc bà Angela Merkel đã đón tiếp trọng thể người đồng nhiệm Trung Quốc tại lâu đài Meseberg, thường dành cho các chủ nhân các thương hiệu lớn.

Tờ báo chua chát nhận định, một vinh hạnh mà ngay đến cả tổng thống Pháp François Hollande cũng không có được, trong khi Paris vẫn là đối tác thân cận nhất của Berlin.


Libération : khó có thể xảy ra chiến tranh thương mại

Từ bối cảnh này, nhật báo thiên tả Libération, nhận xét rằng « Liên hiệp châu Âu – Trung Quốc : cuộc chiến bản quyền sẽ không xảy ra ».

Libération nhận định rằng, mặc dù châu Âu đang cao giọng chống lại mặt hàng pin năng lượng mặt trời Trung Quốc, nhưng việc quay trở lại với chính sách bảo hộ mậu dịch khó có thể xảy ra. Bởi vì, biện pháp áp thuế nhập khẩu tạm thời lên các mặt hàng đó do Bruxelles đề xuất cũng không đạt được sự đồng thuận của cả khối.

Biện pháp này đã bị 17 trên tổng số 27 quốc gia thành viên phản đối, mà đứng đầu khối chống là Đức, đầu tàu kinh tế của cả khối, vốn đang có mối quan hệ mậu dịch khá tốt với Bắc Kinh.

Les Echos : châu Âu bị chia rẽ

Cùng quan điểm với Libération, nhật báo kinh tế Les Echos nhận thấy rằng cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh đang gây chia rẽ trong nội bộ khối Liên hiệp châu Âu.

Tuy nhiên, đối với tờ báo, dù rằng cả hai phía đang có những hành động « nắn gân nắn cốt » với nhau, nhưng cuộc chiến thương mại này sẽ không bao giờ xảy ra vì quyền lợi chồng chéo của đôi bên.

Tờ báo nhận định châu Âu khó có thể mà gây áp lực với Trung Quốc. Một mặt, các biện pháp đề ra không nhận được sự ủng hộ của hơn 15 nước trong khối, đứng đầu là Đức.

Thế là, Paris và Berlin, hai nước đầu tàu của cả khối lại không chơi cùng nốt nhạc. Thủ tướng Đức Angela Merkel công khai ưu ái cho giải pháp đàm phán hơn là đối đầu. Ngược lại, Pháp lại ủng hộ các biện pháp chống phá giá do Ủy ban châu Âu đề xuất.

Mặt khác, Bruxelles cũng không dám mạnh tay với Bắc Kinh. Bởi vì, trong trường hợp Trung Quốc có hành động trả đũa, cú sốc có thể sẽ là rất ghê gớm cho các doanh nghiệp châu Âu.

Bằng chứng là vừa qua, cảm thấy bực mình trước các biện pháp của đối tác, chỉ trong vòng có hai tuần, Trung Quốc đã liên tiếp tấn công mạnh vào các ngành công nghiệp châu Âu như mở điều tra điều kiện sản xuất thép ống của Pháp hay hiện tượng bán phá giá một số chất dẫn xuất từ hóa chất chlore.

Tờ báo cho biết là mức thâm hụt trong trao đổi mậu dịch với Trung Quốc ngày càng lớn. Nhiều nhà quan sát chỉ trích sự thiếu minh bạch về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hay như hàng rào phi thuế quan của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Les Echos cũng có cái nhìn tương đối lạc quan hơn về mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế khổng lồ này.

Theo nhận định của một số chuyên gia, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu đổ sang đầu tư ở nước ngoài. Vì vậy, « Bắc Kinh sẽ phải nới lỏng một chút thị trường của mình. Dù rằng trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc buộc phải ‘ăn miếng trả miếng’ ».

Tờ báo kết luận lời lẽ « đao to búa lớn » cũng không có nghĩa là có chiến tranh thương mại.

Sách cấm ở Trung Quốc được bán tại Hồng Kông

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong lãnh vực xã hội, văn hóa, Le Figaro lấy lại một bài báo của tuần san The New York Times International Weekly với nội dung khá thú vị : những cuốn sách bị cấm phổ biến ở Hoa Lục vẫn có thể tìm thấy ở các hiệu sách tại Hồng Kông. Điều này thể hiện xu hướng khát thông tin của độc giả Trung Quốc.

Người ta tìm đọc những cuốn sách tiết lộ các vụ tai tiếng liên quan đến các quan chức trong chính quyền, đến những đảng viên chân chính của chế độ, đến những âm mưu triệt hạ lẫn nhau trong bộ máy nhà nước Trung Quốc, đến đời sống riêng tư của những người ngồi trên thượng tầng cơ quan quyền lực ở Bắc Kinh. Lại cũng có những lớp độc giả săn lùng thông tin bị kiểm duyệt liên quan đến những mảng tối trong lịch sử Trung Quốc, chẳng hạn như về nạn đói năm 1958-1962.

Một doanh nhân kể lại với phóng viên của The New York Times là ông đã chuyển gần một trăm số báo về Đại lục chỉ vì tờ báo đó nói về đề tài tham nhũng của các quan chức trong chính quyền.

Như lời chủ nhân một trong những hiệu sách ở Hồng Kông có tới 90 % khách hàng lui tới là người ở Hoa Lục. Họ luôn đi tìm những thông tin bị kiểm duyệt, những thông tin đã bị chính quyền bưng bít. Thế nhưng, có một nghịch lý là bản thân một số các nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng thường lui tới những hiệu sách nhỏ ở Hồng Kông này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mê tín dị đoan ?

Quay lại nắm quyền vào tháng 12/ 2012, nhưng cho đến tận giây phút này, ông Shinzo Abe vẫn chưa chuyển vào ở trong phủ Thủ tướng, ngay sát văn phòng làm việc của ông, cách Thượng viện chừng vài bước.

Ông cũng không giải thích cho biết vì sao ông thích ở trong chính khu nhà riêng của mình hươn là chuyển về đó. Nhiều lời đồn đoán bắt đầu nổi lên cho rằng ông không muốn sống trong phủ thủ tướng vì mê tín dị đoan.

Chủ đề này được Philippe Pons, thông tín viên nhật báo Le Monde tại Tokyo đặc biệt quan tâm đến qua bài viết đề tựa « Thông tin chính thức : nhà của ông Shinzo Abe không có ma ».

Theo tác giả, có hai giả thuyết để giải thích cho sự việc trên. Hoặc là ông Shinzo Abe mê tín dị đoan, hoặc là xuất phát từ hoàn cảnh thực tiễn.

Nếu căn cứ theo giả thuyết thứ hai, ai cũng có thể thông cảm cho ông. Bởi vì, kể từ đời thủ tướng Junichiro Koizumi, rời quyền lực vào năm 2006, mấy đời thủ tướng tiếp theo, không ai có thể trụ được lâu hơn một năm.

Chính bản thân ông Shinzo Abe cũng từng là nạn nhân trong nhiệm kỳ thứ nhất (2006-2007). Nghĩa là ông chỉ kịp vừa chuyển nhà vào chưa đầy năm lại phải dọn ra.

Còn nếu cho rằng ông Shinzo Abe mê tín dị đoan, thì cũng có nhiều lý do khiến ông thấy khó nói ra được.

Được xây dựng vào năm 1929 và được sửa sang mới lại vào năm 2002, phủ thủ tướng trong quá khứ từng chứng kiến hai đợt đảo chính quân sự (tháng 5/1932 và 2/1936). Trong đó, vụ đảo chính thứ nhất ghi đậm dấu ấn bằng một cuộc ám sát thủ tướng lúc bấy giờ là ông Inukai Tsuyoshi.

« Linh hồn lang thang »

Philippe Pons nhận thấy rằng tại Nhật Bản, dù xã hội đã hiện đại hóa, nhưng niềm tin vào sự siêu nhiên vẫn luôn tồn tại.

Ma, quỷ và yêu quái vẫn luôn làm dồi dào trí tưởng tượng dân gian. Nhất là, các tư liệu về quỷ thần học rất là phong phú. Những bóng ma, sự xuất hiện đáng sợ của một kẻ quá cố, ám ảnh văn học cũng như hình tượng, để rồi sau đó lan dần sang cả phim ảnh và các thể loại truyện tranh. Nhất là trong lĩnh vực kịch nghệ. Các vở kịch sử dụng phần lớn kho dữ liệu này.

Tác giả lưu ý là trong trường hợp bị bức tử, oan hồn của người khuất sẽ trở thành « linh hồn lang thang ». Chúng trở về phá rối người sống nhằm tìm kiếm nơi an nghỉ hoặc để trả thù.

Tác giả bài viết mỉa mai kết luận « thế mới biết là kẻ thường tự xưng là có lý trí hay chế giễu kẻ yếu bóng vía chưa hẳn đủ sức để đối mặt với nỗi khiếp sợ ma quỷ tồn tại từ lâu đời »

Switch mode views: