ASEAN : Một đại cường kinh tế tiềm tàng ?
- Thứ Sáu, 01 tháng Mười Một năm 2019 17:46
- Tác Giả: Minh Anh
Lãnh đạo các thành viên ASEAN tại thượng đỉnh lần thứ 34 ở Bangkok, Thái Lan ngày 23/06/2019.
REUTERS/Athit Perawongmetha
Tại châu Á, không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Hàn Quốc mới là những cường quốc kinh tế.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giờ là một tác nhân kinh tế quan trọng trong khu vực, có thể sánh như là đại cường kinh tế thứ 5 thế giới, và đứng hàng thứ ba tại châu Á, trước cả Ấn Độ.
Báo mạng La Tribune số ra tháng 6/2019 giải thích vì sao.
Với 647 triệu dân, khối ASEAN còn lớn hơn cả Liên Hiệp Châu Âu về mặt dân số.
Tổng sản phẩm nội địa GDP của cả khối là gần 3.000 tỷ đô la.
Đứng đầu khối này là Indonesia, có tổng dân số là 265 triệu người, GDP cao hơn 1.000 tỷ đô la.
Một mình Indonesia chiếm đến 35% sự giàu có do cả khu vực tạo ra và 41% dân số toàn khu vực.
Tiếp theo Indonesia là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Những nền kinh tế có mức tổng sản phẩm nội địa năm trong khoảng 240 – 500 tỷ đô la, tức có thể sánh bằng với GDP của Bỉ hay Bồ Đào Nha.
Ngược lại, Miến Điện, Cam Bốt, Lào và Brunei là những nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn rất nhiều.
Trong bảng xếp hạng này, Singapore là quốc gia nổi trội khác biệt nhất, nếu như đem so sánh mức GDP với 5,6 triệu dân của đảo quốc này.
Với mức GDP 60.000 đô la/người, Singapore là một nước giầu có, thật sự là điểm trung chuyển cho cả khu vực và quốc tế trên phương diện thương mại và nhất là tài chính.
Khai thác vị thế là thiên đường thuế khóa, Singapore xuất khẩu vốn nhiều nhất tại châu Á thông qua trung gian là các quỹ đầu tư của Nhà nước như Temasek và GIC.
Đối tác hơn là đối thủ cạnh tranh
Ngoài trường hợp ngoại lệ này, nhân tố đầu tiên làm nên thành công của ASEAN là nền kinh tế các quốc gia thành viên bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh.
Điều này thấy được từ vương quốc Hồi giáo dầu lửa Brunei cho đến các nước chuyên gia công, tận dụng lợi thế cạnh tranh nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ dồi dào (Indonesia, Việt Nam, Cam Bốt) và trên rất nhiều lĩnh vực : từ lắp ráp xe ô tô, dệt may, linh kiện điện tử cho đến cả hóa chất.
Tóm lại, ASEAN giờ có thể tự khẳng định là « công xưởng » lớn thứ hai trên thế giới và đà tiến của khối này rất có thể còn được thúc đẩy do các căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Không chỉ có thế. Nhiều quốc gia khác bắt đầu lao vào lĩnh vực ủy thác quy trình kinh doanh (BPO – Business Process Outsourcing), đó chính là trường hợp của Philippines.
Và hầu như tất cả các nước trong khối cũng tận dụng lợi thế du lịch. Cuối cùng, cần phải kể đến những nước may mắn nhất có thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên (bất kể là nông nghiệp, quặng mỏ hay năng lượng).
Cỗ máy hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - IDE
Chiếc chìa khóa thành công thứ hai là các nước này đề ra các biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và do vậy ngày càng trở thành những cỗ máy thu hút các nguồn IDE.
Các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản (đã có từ lâu), Trung Quốc (ngày càng nhiều) và châu Âu đều nhận thấy ở ASEAN một cơ hội kép : Một nguồn nhân công giá rẻ và một thị trường nội địa rộng lớn tiềm tàng.
Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng hơn gấp 6 lần so với đầu những năm 2000 và đạt mức 140 tỷ đô la.
Do vậy, ASEAN được xem như là một vùng ưu tiên của các nhà đầu tư, thu hút 7% đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn thế giới, trong khi vào năm 2000 tỷ lệ này chỉ là 2%.
ASEAN có tỷ lệ đầu tư nước ngoài so với tổng sản phẩm nội địa cao nhất thế giới, 79%.
Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của khối này trong chuỗi dây chuyền sản xuất của thế giới.
Vị thế địa chính trị
Nhân tố thứ ba cho thành công của ASEAN là vị thế địa chính trị quan trọng.
Nét đặc trưng của vùng Đông Nam Á trước hết là có nhiều quốc gia nằm bên bờ một vùng biển nội địa kết nối với phần còn lại của thế giới.
Vùng Biển Đông có bảy eo biển dẫn ra bên ngoài, cho phép kết nối giữa châu Á và châu Đại Dương, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Do đó, sự phát triển của thương mại quốc tế đã mang lại lợi nhuận cực kỳ cao cho các nước Đông Nam Á.
Đặc biệt, đối với Nhật Bản cũng như là Trung Quốc, đó là những con đường huyết mạch : 80% các nguồn cung của Trung Quốc đều phải đi qua các eo biển này.
Do vậy, đương nhiên đây là những nền kinh tế mở và năm thành viên của ASEAN có tổng xuất nhập khẩu chiếm hơn 100% tổng sản phẩm nội địa, đó là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Cam Bốt.
Ngay cả Indonesia, nước có ít giao thương quốc tế nhất, tổng xuất nhập khẩu cũng chiếm tới 40% tổng sản phẩm nội địa.
Đương nhiên, mỗi cái lợi đều có cái giá phải trả. Do vùng biển này có tầm quan trọng sống còn đối với quốc gia, Trung Quốc luôn tìm cách áp đặt chủ quyền lãnh thổ đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, và đó là cội nguồn của mọi nguy cơ xung đột.
Với mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 5% từ một thập niên qua, ASEAN không những được xem như là một thành công về kinh tế mà còn là một tác nhân thiết yếu trong khu vực.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Nhằm bảo đảm cho sức mạnh kinh tế của khối, vào cuối năm 2015, ASEAN đã quyết định thành lập một Cộng đồng Kinh tế, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực được đề ra trong chiến lược « Tầm nhìn ASEAN 2020 ».
Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II khẳng định mục tiêu xây dựng một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế-xã hội được giảm bớt vào năm 2020.
Ngày 31/10/2019, Thái Lan, trong tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN 2019, đã chủ trì hội nghị lần thứ 18 Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhằm rà soát lại Kế hoạch Tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, dự kiến sẽ được thực hiện từ đây đến năm 2025.
Related news items:
Tin mới
- Hồng Kông : Vì sao Bắc Kinh tỏ vẻ tín nhiệm Lâm Trịnh Nguyệt Nga ? - 05/11/2019 16:16
- Trung Quốc: Đảng Cộng Sản trên tuyến đầu chống phương Tây - 04/11/2019 23:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-11-2019 - 04/11/2019 19:07
- RCEP : Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất - 04/11/2019 18:00
- Mỹ : Một năm trước bầu cử, phe ủng hộ ông Trump vẫn tin tưởng tổng thống - 04/11/2019 17:13
- Biển Đông : Mỹ trực tiếp lên án Trung Quốc hăm dọa các nước ASEAN - 04/11/2019 16:28
- Hồng Kông : Tân Hoa Xã lên án vụ tấn công, 200 người biểu tình bị bắt - 04/11/2019 01:46
- Khủng bố ở vùng Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát tại Syria: Hơn 10 người chết - 04/11/2019 00:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-11-2019 - 02/11/2019 21:51
- Thảm họa dầu loang bí hiểm dọc 2.000 km bờ biển Brazil - 02/11/2019 21:32
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-11-2019 - 01/11/2019 16:57
- Leonardo da Vinci : Thiên tài hòa giải Pháp-Ý - 01/11/2019 16:11
- Biển Đông: Mỹ kêu gọi ASEAN cùng Việt Nam chống Trung Quốc - 01/11/2019 15:50
- Trump không dự ASEAN, châu Á lo ngại các cam kết của Mỹ - 01/11/2019 01:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-10-2019 - 31/10/2019 22:39
- Ngoại trưởng Mỹ đả kích thái độ thực sự thù địch của Trung Quốc - 31/10/2019 22:00
- Thái Lan : Biển Đông, trọng tâm thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 - 31/10/2019 15:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-10-2019 - 30/10/2019 23:15
- Putin thăm Hungary, Mỹ lo ngại về « ngân hàng của Kremlin » ở Budapest - 30/10/2019 22:30
- Hồng Kông: Hoàng Chi Phong bị cấm ra tranh cử ở địa phương - 29/10/2019 19:09